Hội thảo khoa học: “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của viên chức, người lao động Học viện Hành chính Quốc gia”

(QLNN) – Sáng ngày 29/8/2019, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của viên chức, người lao động Học viện Hành chính Quốc gia”. Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo của Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các cán bộ, giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại các Phân viện của Học viện.

 

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Kim Huy).
Bối cảnh mới tạo ra “dư địa” lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề mới đang được các quốc gia tập trung nghiên cứu, bàn luận. Bối cảnh đó đang tạo ra “dư địa” lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đối với Học viện Hành chính Quốc gia, bên cạnh những chủ đề đó, với sự chuyển đổi một số chức năng, nhiệm vụ của Học viện trong những năm gần đây còn tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện. Định hướng, đối tượng, nội dung nghiên cứu mới của Học viện cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo thẩm quyền được giao cho Học viện Hành chính Quốc gia.

Trước bối cảnh mới với nhiều chủ đề được nêu ra, Phó Giám đốc Học viện đề nghị cán bộ, giảng viên của Học viện cần tập trung nghiên cứu về các đề tài phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Học viện, trong đó bám sát vào nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng mà Học viện đang đảm nhận.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Lương Thanh Cường yêu cầu phải chú trọng tới việc tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Bộ Nội vụ về quản lý hành chính nhà nước – lĩnh vực mà trước đây Học viện “chưa thực hiện được nhiều”. Do vậy, thời gian tới, cần tích cực tham gia góp ý đối với các dự thảo luật, nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật… Thông qua các hoạt động này, không chỉ giúp các cán bộ, giảng viên Học viện có điều kiện tham gia sâu hơn vào công tác nghiên cứu khoa học, mà còn góp phần nâng tầm vị thế của Học viện…

Phó Giám đốc Học viện khẳng định, Học viện luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, đặc biệt là các cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện phát huy khả năng nghiên cứu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Học viện nói riêng và sự phát triển của Học viện nói chung.

TS. Đặng Thành Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính và TS. Nguyễn Minh Sản – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính đồng chủ trì Hội thảo (Ảnh: Kim Huy).

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe nhiều tham luận và tích cực trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề cấp thiết trong nghiên cứu khoa học nói chung và của Học viện nói riêng. Các ý kiến trao đổi đa dạng, nhiều chiều, không chỉ đề cập tới vai trò của công tác nghiên cứu khoa học đối với hoạt động giảng dạy, mà còn giới thiệu những kinh nghiệm trong việc xác định nội dung, yêu cầu, phương thức, cách thức nghiên cứu và thể hiện sản phẩm khoa học.

ThS. Hoàng Đình Khuê – Giảng viên Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở với tham luận “Yêu cầu cần có trong nghiên cứu khoa học” (Ảnh: Kim Huy).

Theo ThS. Hoàng Đình Khuê – Giảng viên Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, kết quả nghiên cứu khoa học thực sự có giá trị khi bảo đảm được các yêu cầu về: tính đúng, trung thực (liêm chính học thuật) và tính mới, hay trong nghiên cứu (nghĩa là vấn đề nghiên cứu phải là vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ). Tất nhiên, tính mới cũng có nhiều cấp độ, như: hoàn toàn mới, mới, mới ở phạm vi nhất định.

ThS. Trần Thanh Nga – Giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự chia sẻ cách viết bài báo khoa học và công bố quốc tế (Ảnh: Kim Huy).

Còn theo ThS. Trần Thanh Nga – Giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, công thức dẫn đến thành công trong nghiên cứu khoa học là: “Năng lực nghiên cứu + Động lực nghiên cứu + Môi trường nghiên cứu”. Do vậy, muốn có kết quả nghiên cứu tốt cần tập trung đầu tư cho 3 yếu tố này. Bên cạnh đó, ThS. Trần Thanh Nga cũng chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo khoa học và công bố quốc tế, trong đó giới thiệu cụ thể về cấu trúc, bố cục chuẩn của bài báo khoa học và một số cách trích dẫn tài liệu tham khảo phổ biến trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

TS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính với tham luận “Sử dụng tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu khoa học” (Ảnh: Kim Huy).

Chia sẻ về kinh nghiệm trong triển khai các đề tài nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính cho rằng, trong nghiên cứu khoa học, không thể không có những kế thừa kết quả nghiên cứu của những công trình đi trước hay dựa vào các căn cứ lý luận, pháp lý và thực tiễn để giải quyết các vấn đề.

Các căn cứ đó có thể là những thông tin thứ cấp hoặc sơ cấp được ghi chép ở nhiều phương tiện lưu trữ khác nhau, trong đó có tài liệu lưu trữ – một dạng thông tin sơ cấp (chưa được xử lý). Do vậy, các nghiên cứu nên/cần khai thác và sử dụng các tài liệu lưu trữ. Đây là những căn cứ mang tính thuyết phục hơn rất nhiều, bởi lẽ đó chính là “cội nguồn” của thông tin, và hơn nữa trên thực tế không phải lúc nào văn bản, chính sách khi ban hành cũng thể hiện được đầy đủ những nội dung của quá trình thảo luận, xây dựng, ban hành…

Bên cạnh việc thảo luận về các chủ đề nghiên cứu khoa học nói chung, tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã có tham luận trình bày về thực trạng nghiên cứu khoa học của Học viện, trong đó nêu bật những kết quả đã đạt được và những khó khăn, hạn chế trong công tác nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện thời gian qua.

Khắc phục những khó khăn, thách thức để nâng tầm kết quả nghiên cứu

Nhiều đại biểu cho rằng, “dư địa” và phạm vi nghiên cứu của Học viện hiện rất lớn, tuy nhiên khó khăn, thách thức không nhỏ đối với Học viện hiện nay là sự thiếu hụt về nguồn kinh phí phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, rào cản lớn nhất hiện nay đối với cán bộ, giảng viên trong việc tiếp cận khai thác tài liệu để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, đó là hạn chế về trình độ ngoại ngữ.

ThS. Phạm Thị Hằng – Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, qua tham luận về thực trạng nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ tại Phân viện này cũng chỉ rõ, do hạn chế về trình độ ngoại ngữ nên một bộ phận giảng viên trẻ trong quá trình nghiên cứu còn quá lệ thuộc vào nguồn tài liệu tiếng Việt do các nhà nghiên cứu trong nước biên soạn hoặc dịch lại từ nguyên bản tiếng Anh, Pháp… Vì vậy, tính thiết thực của tài liệu sử dụng giảm đi rất nhiều và nội dung các công trình nghiên cứu vì thế cũng chưa thực sự phong phú.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhìn nhận, hiện tại Học viện và các đơn vị trực thuộc đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu nhiều đề tài, tuy nhiên nhiều nhóm nghiên cứu chưa chú trọng đầu tư gia công, nâng tầm kết quả nghiên cứu để công bố dưới dạng bài báo khoa học hoặc đưa ra các kiến nghị, sáng kiến cho các bộ, ngành, địa phương tham khảo. Do đó, chưa thực sự tạo sự lan tỏa rộng rãi các thành tựu nghiên cứu của Học viện cũng như hạn chế tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu này…

Từ những khó khăn, hạn chế kể trên, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, toàn diện, đồng bộ liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện. Đây là cơ sở để lãnh đạo Học viện xem xét, tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

Đại diện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia giới thiệu cho các cán bộ, giảng viên của Học viện về cơ sở dữ liệu khoa học, cách thức khai thác và đăng ký sử dụng dịch vụ của Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Ảnh: Kim Huy).

Tại Hội thảo, Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính đã mời đại diện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) giới thiệu cho các cán bộ, giảng viên của Học viện về cơ sở dữ liệu khoa học, cách thức khai thác và đăng ký sử dụng dịch vụ của Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Đây là kho dữ liệu quý giá với hơn 258.000 công bố khoa học, 33.000 nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh của Việt Nam cùng các cơ sở dữ liệu quốc tế như: ScienceDirect, Spinger Nature, ProQuest Central, ACS, IEE, Scopus… với khoảng 40 triệu tài liệu.

Sau Hội thảo, Học viện Hành chính Quốc gia sẽ liên kết, phối hợp với Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giảng viên của Học viện khai thác trực tiếp phục vụ cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy. Được biết, Học viện đang làm thủ tục mua 50 tài khoản để cấp cho các nhà khoa học của Học viện truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu này, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện./.

Kim Huy