Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

(QLNN) – Ngày 04/9/2019, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dự, phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng pháp điển cho lãnh đạo, công chức các đơn vị để triển khai đúng tiến độ, có chất lượng nhiệm vụ pháp điển đã phê duyệt theo Kế hoạch số 145/QĐ-BNV ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và triển khai nhiệm vụ mới theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dự, phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Hoài Nga).
Dự Hội nghị có các đồng chí: Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng, Phòng Pháp điển, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; các công chức thực thi nhiệm vụ pháp điển của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Pháp điển là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (trừ Hiến pháp) để xây dựng Bộ pháp điển. Nhận thức được vai trò quan trọng của nhiệm vụ pháp điển, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hộ; Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 13/2014/TT-BTP ngày 29/4/2014 hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiến hành nhiệm vụ pháp điển hàng năm và có lộ trình thực hiện pháp điển chia làm 03 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2015-2017; giai đoạn 2 từ năm 2018-2020 và giai đoạn 3 từ năm 2021-2023 (theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định: tập huấn công tác pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là một nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khai thác thông tin về văn bản quy phạm pháp luật trên từng chủ đề, lĩnh vực, đề mục và cập nhật liên tục tình trạng hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, văn bản hết hiệu lực.
Đây thực sự là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực, hữu ích trong điều kiện ở nước ta có rất nhiều loại văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ điều chỉnh cùng một nội dung, một lĩnh vực xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ Nội vụ luôn tích cực, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ pháp điển. Trong giai đoạn 1 từ năm 2015-2017, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đã chủ động triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về pháp điển. Bộ Nội vụ đã thực hiện xong nhiệm vụ pháp điển đề mục Công tác Văn thư và Lưu trữ; đề mục Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, nhất là các đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện pháp điển trong năm nay và các đề mục mới được thực hiện pháp điển theo Quyết định số 891/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung nghiên cứu, trao đổi, lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng pháp điển để thực hiện tốt nhiệm vụ, tránh trường hợp xin lùi nhiệm vụ, xin rút nhiệm vụ.
Đồng thời mong muốn các công chức được cử tham dự Hội nghị tập huấn cần tập trung nghiên cứu, thực hiện ý kiến chuyên môn của báo cáo viên, tích cực trao đổi, hỏi đáp những vấn đề chưa rõ, tập trung thao tác các kỹ năng để tham mưu triển khai nhiệm vụ pháp điển tại đơn vị.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) báo cáo lãnh đạo Bộ về kết quả sau tập huấn, bao gồm cả việc tham gia tập huấn của các đơn vị, trình Bộ trưởng ban hành Quyết định phân công đơn vị thực hiện 03 đề mục mới được giao tại Quyết định số 891/QĐ-TTg.
Lãnh đạo Bộ giao Vụ Pháp chế làm đầu mối nhiệm vụ pháp điển, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm nhiệm vụ pháp điển trong giai đoạn 2 (từ năm 2018 đến năm 2020) và các giai đoạn tiếp theo, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ về tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng đề nghị Bộ Tư pháp, trực tiếp là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đồng chí báo cáo viên tiếp tục quan tâm, phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh trình bày nội dung và triển khai Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục (Ảnh: Hoài Nga).

Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh đã trình bày nội dung và triển khai Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục.

Theo đó, các đề mục hoàn thành trước ngày 31/12/2020 gồm: An ninh mạng; An toàn thông tin mạng; An toàn, vệ sinh lao động; Cảnh sát cơ động; Cảnh vệ; Căn cước công dân; Cựu chiến binh; Đầu tư công; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kiến trúc; Một số hoạt động kinh doanh đặc thù; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Quản lý thị trường; Quản lý trang thiết bị y tế; Quy hoạch; Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Thi hành tạm giữ, tạm giam; Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Tiếp cận thông tin; Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Trưng cầu ý dân.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoài Nga).

Hội nghị đã được nghe Trưởng phòng Phòng Pháp điển, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Thắng trao đổi các chuyên đề về: Quy trình pháp điển theo đề mục; Kỹ thuật pháp điển theo đề mục; Hướng dẫn thực hiện pháp điển trên phần mềm pháp điển.

Trưởng phòng Phòng Pháp điển, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Thắng trình bày các báo cáo chuyên đề tại Hội nghị (Ảnh: Hoài Nga).

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, giải đáp nghiệp vụ về kỹ thuật pháp điển theo các đề mục do Bộ Nội vụ thực hiện; thảo luận về tình hình công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, qua đó chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cũng như những thuận lợi và kết quả tích cực đạt được để định hướng tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phạm Đức Toàn phát biểu bế mạc Hội nghị (Ảnh: Hoài Nga).

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phạm Đức Toàn cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; các ý kiến phát biểu của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba; sự chia sẻ, hướng dẫn của Trưởng phòng Phòng Pháp điển, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Thắng và những ý kiến phát biểu tại Hội nghị.

Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) trong quá trình triển khai công tác pháp điển của Bộ Nội vụ.

Vụ trưởng Phạm Đức Toàn nhấn mạnh: Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) sẽ chủ trì, phối hợp tích cực, chủ động và có hiệu quả với các đơn vị liên quan để triển khai nhiệm vụ pháp điển theo Kế hoạch số 145/QĐ-BNV ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả./.

Hoài Nga
Theo: http://tcnn.vn.