Tọa đàm khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận chính quyền”

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 19/6/2020, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Tọa đàm khoa học: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận chính quyền” dưới sự chủ trì của TS. Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Tham dự Tọa đàm có ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ; ông Đỗ Xuân Đông, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc; cùng nhiều nhà khoa học, quản lý trong và ngoài Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

TS. Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, công tác dân vận chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác vận động quần chúng của Ðảng. Ðó là giải đáp những vấn đề có tính chất căn bản, cấp thiết của công tác dân vận chính quyền trước các đòi hỏi của lịch sử khách quan đặt ra.

Hơn 70 năm ra đời, tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Thông qua công tác vận động quần chúng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng của Ðảng và dân tộc, công tác dân vận nói chung, dân vận chính quyền nói riêng đã gặt hái nhiều thành quả hết sức to lớn và đáng tự hào, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển và ngày càng có những đóng góp quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Cũng theo TS. Trần Anh Tuấn, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và dân vận chính quyền nói riêng, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng và triển khai thật tốt các nội dung của công tác dân vận chính quyền. Bên cạnh các tham luận rất đầy đủ, công phu, tâm huyết và trí tuệ của các tác giả gửi đến Tọa đàm, TS. Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung trao đổi, chia sẻ để làm rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới hiện nay.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ Trần Xuân Hiền phân tích, làm rõ hơn những đóng góp của Vụ Tổng hợp trong vai trò là tổ chức thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện công tác dân chủ, dân vận trong hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và ở xã, phường, thị trấn.

Lấy chi tiết trung bình mỗi năm Bác Hồ thực hiện hơn 70 chuyến thăm, làm việc để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Trưởng ban Ban Dân vận Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà cho rằng, ngày nay cán bộ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo khối chính quyền cần tăng cường xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; khi giải quyết công việc cần sâu sát, hóa thân vào nhân dân, có như vậy mới tháo gỡ kịp thời được những vướng mắc, tránh những hiểu lầm, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp không đáng có.

Đồng chí Đỗ Việt Hà, Trưởng ban Ban Dân vận Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, để làm tốt công tác dân vận chính quyền Đảng, Nhà nước phải hóa thân vào nhân dân.
TS. Nguyễn Duy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

TS. Nguyễn Duy Hạnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã luôn xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân, của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng, coi công tác dân vận là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng. Nhờ đó trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy được sức mạnh dân tộc, thực hiện thắng lợi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

TS. Nguyễn Duy Hạnh cho rằng, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, cần quán triệt vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận chính quyền một cách đầy đủ và toàn diện ở những nội dung: (1) Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội về vị trí, vai trò công tác dân vận. (2) Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận, đặc biệt là vai trò của tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác dân vận. (3) Đổi mới phương thức tiến hành công tác dân vận. (4) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong tiến hành công tác dân vận. (5) Có chính sách động viên, khen thưởng, kỷ luật kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác dân vận. (6) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan tiếp xúc với dân, gần dân có uy tín, năng lực, có tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân.

TS. Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử – Văn phòng Quốc hội cho rằng, để phát huy được vai trò của công tác dân vận chính quyền thì trước hết phải làm cho nhân dân tin vào chính quyền.

PGS.TS Dương Quang Hiển, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng cho rằng để làm tốt công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu, gắn bó máu thịt với nhân dân, trong việc làm của mình phải “tất cả vì lợi ích nhân dân”, có trách nhiệm với nhân dân, thực sự là “công bộc” của nhân dân; phải thường xuyên chăm lo củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đảng không ở trên dân, cũng không ở ngoài dân, mà ở trong dân, phải “sống” trong lòng nhân dân.

PGS.TS Dương Quang Hiển, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự phát biểu tại Tọa đàm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện quan điểm: mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe của nhân dân… Thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung nhân làm chủ và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Gắn công tác dân vận với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để khơi dậy và động viên tinh thần, trí tuệ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra nhiều “kênh” để nhân dân hiểu và giám sát hoạt động của chính quyền, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý xã hội.

Ông Đỗ Xuân Đông, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, nguyên Trợ lý của Chủ tịch nước, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc chia sẻ kinh nghiệm về dân vận chính quyền trong quá trình đàm phán để Chính phủ Cộng hòa Séc công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc là dân tộc thiểu số tại nước này.

Chia sẻ về sự kiện cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được Chính phủ nước này chính thức công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 vào năm 2013, ông Đỗ Xuân Đông, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết, đó là quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận một cách bền bỉ, sáng tạo. Kết quả là cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được cải thiện địa vị pháp lý, được hưởng quyền bình đẳng về trách nhiệm và quyền lợi như các dân tộc thiểu số khác ở Cộng hòa Séc, có nhiều cơ hội tốt để thúc đẩy ngoại giao nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với 13 cộng đồng dân tộc thiểu số khác trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi; cũng như giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt tại Cộng hòa Séc.

Ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ phát biểu tại Tọa đàm

Nói về công tác dân vận chính quyền, ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ cho rằng cần xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức gắn với quy chế dân chủ cơ sở trong giao tiếp, phục vụ nhân dân; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với nhân dân; nhân dân là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng trong mọi thời kỳ, vì vậy phải gần dân, hiểu dân, trọng dân, học dân.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trân trọng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến quý báu của các đại biểu đã làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến chủ đề Tọa đàm. Ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ giúp Bộ Nội vụ củng cố thêm các luận cứ khoa học cho việc tham mưu giúp Đảng và Nhà nước về công tác dân vận chính quyền; qua đó giúp Bộ Nội vụ hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao./.

Mạnh Quân
Nguồn: tcnn.vn