Nâng cao điều kiện lao động của công nhân trong các doanh nghiệp  

(Quanlynhanuoc.vn) – Điều kiện lao động tại nơi làm việc có thể hiểu là tập hợp các yếu tố của môi trường lao động có tác động lên trạng thái chức năng của cơ thể người lao động, tác động tới khả năng làm việc, thái độ lao động, sức khỏe, quá trình sản sinh sức lao động và hiệu quả lao động trong hiện tại cũng như về lâu dài. Nếu điều kiện lao động không tốt sẽ làm xuất hiện những biến đổi không mong muốn của trạng thái, chức năng cơ thể người lao động, làm giảm khả năng làm việc, năng suất lao động, sức khỏe, quá trình tái sản xuất sức lao động và hiệu quả lao động của mỗi cá nhân.

 

Cải thiện điều kiện lao động song hành với thành công của doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

1. Điều kiện lao động có thể được chia làm các nhóm: (1) Nhóm yếu tố tâm sinh lý lao động: sự mệt mỏi về thể lực; sự căng thẳng về thần kinh, tâm lý; nhịp độ lao động; tư thế lao động; tính đơn điệu của lao động. (2) Nhóm các yếu tố vệ sinh của môi trường lao động: vi khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt của không khí; tiếng ồn, rung, môi trường không khí, tia bức xạ, sự tiếp xúc với hóa chất, phục vụ vệ sinh. (3) Nhóm gồm điều kiện thẩm mỹ của lao động: không gian, âm nhạc, trang trí cảnh quan. (4) Nhóm gồm các điều kiện tâm lý xã hội: bầu không khí làm việc, thi đua. (5) Nhóm các điều kiện làm việc, nghỉ ngơi1.

Qua tìm hiểu thực trạng tổ chức công đoàn tham gia vào thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện phản biện xã hội trong doanh nghiệp (DN) ở 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, tác giả tập trung tìm hiểu về nội dung điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) tại các DN.

Về an toàn vệ sinh lao động

Theo Điều 132, 133 và 134 của Bộ luật Lao động năm 2019 về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thì ATVSLĐ là những chế định của Luật Lao động bao gồm những quy phạm pháp luật quy định việc bảo đảm ATVSLĐ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của NLĐ, đồng thời duy trì tốt khả năng làm việc lâu dài của NLĐ.

Từ những quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, đã khảo sát ATVSLĐ từ 6 tỉnh nêu trên cho thấy, NLĐ không được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động chiếm tỷ lệ cao nhất (23,8%); môi trường làm việc ô nhiễm (20,8%); điều kiện làm việc chưa đủ ánh sáng cũng là một trong những yếu tố làm mất an toàn lao động (14,3%); ô nhiễm không khí (13,6%); ô nhiễm nguồn nước (9,7%)2. Nhìn chung, những vấn đề về mất an toàn lao động, vệ sinh lao động còn xảy ra tại DN, cần phải có những biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn, vệ sinh cho NLĐ.

Có thể nhận thấy, ATVSLĐ là vấn đề được các DN và NLĐ luôn quan tâm. Trong các DN, những hành vi vi phạm đến ATVSLĐ vẫn diễn ra. Về hành vi NLĐ không được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động: DN FDI chiếm đến 99%, DN có vốn đầu tư trong nước chỉ chiếm 1%. Đối với các hành vi môi trường làm việc ô nhiễm; DN chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, không thực hiện chế độ tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ; không huấn luyện ATVSLĐ; không khai báo các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động đang được sử dụng thì DN FDI chiếm 100%, trong khi đó, DN trong nước được đánh giá là không có các hành vi vi phạm này. DN FDI và DN có vốn đầu tư trong nước đều mắc 100% lỗi điều kiện làm việc thiếu ánh sáng và không có bộ phận làm công tác ATVSLĐ3.

Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động

Theo Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: thời gian làm thêm của NLĐ không quá 300 giờ/năm và không quá 8h/ngày. Trong khi đó, theo số liệu khảo sát các DN của 6 tỉnh, thành phố, vấn đề phát sinh nhiều nhất là DN bố trí các ca làm việc chưa phù hợp (16,2%); NLĐ nghỉ phép không theo đúng quy định (11,1%); Thời gian nghỉ ngơi chưa phù hợp (10,6%). Số thời gian làm việc thêm vượt mức quy định (8,3%); NLĐ làm ca đêm nhiều (5,3%)4. Nhìn chung, kết quả điều tra cho thấy, DN chấp hành khá đầy đủ quy định của pháp luật về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi đối với NLĐ.

Vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động tại doanh nghiệp

Nội dung quy định của pháp luật về hợp đồng lao động (HĐLĐ) hiện hành đã điều chỉnh được cơ bản sự vận động của thị trường lao động, bảo đảm tính linh hoạt, tự do, tự nguyện của các bên trong quan hệ lao động (theo Điều 13 về HĐLĐ và Điều 27 về kết thúc thời gian thử việc trong Bộ luật Lao động năm 2019). Theo đó, kết quả điều tra cho thấy, NLĐ được ký HĐLĐ (76,7%.); thời gian thử việc cao hơn so với quy định (11,5%); NLĐ không được ký HĐLĐ sau khi thử việc theo đúng quy định của pháp luật (8,3%).

Như vậy, DN đã tuân thủ và thực hiện quy định của pháp luật về việc ký HĐLĐ với NLĐ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ giữa hai bên. Thời gian thử việc đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động phải chấp hành đúng quy định của pháp luật. Sau thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải ký HĐLĐ đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở DN vẫn xảy ra những vấn đề liên quan đến HĐLĐ như về thời gian thử việc và việc ký hợp đồng với NLĐ sau khi thử việc.

Về vấn đề liên quan đến 2 loại hình DN là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  và DN có vốn đầu tư trong nước, qua khảo sát cho thấy, NLĐ được ký HĐLĐ ở DN FDI chiếm tỷ lệ khá cao (91,3%), trong khi đó, DN có vốn đầu tư trong nước là 8,7%. Vấn đề về thời gian thử việc cao hơn so với quy định xảy ra ở DN FDI (76%), DN có vốn đầu tư trong nước (24%). NLĐ không được ký hợp đồng sau khi thử việc theo đúng quy định thì ở DN có vốn đầu tư trong nước là 11,1% và DN FDI (88,9%)5.

Những vấn đề trên còn tồn tại do ảnh hưởng của một số yếu tố:

Một là, DN không hợp tác. Một số người sử dụng lao động nhận thức chưa đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn; có lúc còn coi nhẹ hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của công đoàn, chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc trong NLĐ. Một số người sử dụng lao động còn vì lợi ích trước mắt của DN, chưa vì lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của DN nên chưa quan tâm đến NLĐ, chưa phối hợp và tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức công đoàn trong DN; chưa chấp hành nghiêm việc đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Nhà nước.

Hai là, một bộ phận NLĐ chưa hợp tác, tin tưởng vào tổ chức công tác đoàn. Một bộ phận NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, quyền và lợi ích khi gia nhập công đoàn nên chưa tích cực gia nhập vào hoạt động công đoàn và chưa hợp tác, tin tưởng vào tổ chức công đoàn.

Ba là, năng lực của một bộ phận cán bộ công đoàn còn hạn chế. Đa số cán bộ công đoàn là kiêm nhiệm nên phần lớn cán bộ công đoàn cơ sở còn phải đảm đương các công việc khác liên quan đến hoạt động sản xuất, quản lý, hành chính tại DN, việc bố trí thời gian thường không thuận lợi.

2. Điều kiện làm việc cụ thể của mỗi DN được thể hiện ở nhiều tiêu chí, trong đó có ATVSLĐ cho NLĐ. Vì vậy, cần phải tạo môi trường làm việc thoải mái, bảo đảm ATVSLĐ, thực hiện đúng thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp có sự tham gia của các chủ thể trong quan hệ lao động gồm người sử dụng lao động, NLĐ và cán bộ công đoàn:

Thứ nhất, về phía NLĐ.

NLĐ cần nâng cao nhận thức để hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ để tự bảo vệ mình, đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

Thứ hai, về phía người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động cần tạo điều kiện thận lợi để NLĐ tự học tập nâng cao trình độ của mình bằng cách mở các lớp phổ biến kiến thức về ATVSLĐ, đào tạo ngắn hạn cho NLĐ. Người sử dụng lao động cũng cần nhận thức rõ sức khỏe của NLĐ là tài sản của DN và xã hội, nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Thứ ba, về phía DN.

DN nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ, đưa ra các giải thưởng khuyến khích NLĐ tham gia. Thông qua các phương tiện truyền thông, các kênh thông tin của DN nâng cao kiến thức về ATVSLĐ cho NLĐ.

Thứ tư, vai trò của công đoàn cơ sở.

Nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong tham gia với người sử dụng lao động việc xây dựng định mức lao động, nội quy lao động và kiến nghị với chủ DN thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ.  Thường xuyên kiểm tra và kiến nghị với cơ quan chức năng kiểm tra xử lý những vi phạm đối với NLĐ. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở. Cần phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát vào vấn đề điều kiện làm việc của NLĐ như ATVSLĐ, thời gian làm việc, HĐLĐ nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Chú thích:
1. Nguyễn Tiệp. Giáo trình tổ chức lao động. H. NXB Lao động – Xã hội, 2007, tr. 218 – 218.

2, 3, 4, 5. Đề tài: “Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện phản biện xã hội trong các doanh nghiệp”,  mã số XH/TLĐ.2018.04, từ tháng 12/2018 – 01/2019 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh.

PGS.TS. Hoàng Thị Nga
Trường Đại học Công đoàn