VAI TRÒ CỦA HỘI PHỤ NỮ TRONG THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI TỈNH NINH BÌNH 

VAI TRÒ CỦA HỘI PHỤ NỮ TRONG THAM GIA XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI TẠI TỈNH NINH BÌNH 

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã chứng minh cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa to lớn góp phần đưa tỉnh Ninh Bình phát triển theo hướng bền vững. Từ những khó khăn bước đầu, đến nay, toàn tỉnh đã có 91 xã, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chương trình được triển khai ở 119 xã trong toàn tỉnh, đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi tại các địa phương. Có thể khẳng định, kết quả qua gần 10 năm thực hiện chương trình đã góp phần tăng cường hiệu quả lãnh đạo, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Chung tay với các cấp, các ngành, 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh luôn là một trong những tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM. Với hơn 1/2 dân số, trong đó tỷ lệ 85% phụ nữ tham gia tổ chức Hội, phụ nữ là lực lượng đông đảo tham gia vào quá trình xây dựng NTM. Để phát huy được vai trò của phụ nữ vào quá trình này phải có một cách làm tổng thể, toàn diện:

Nâng cao nhận thức, ý thức của phụ nữ.Khi phụ nữ nhận thức được mình là chủ thể, là lực lượng đông đảo và quan trọng tham gia xây dựng NTM thì sẽ tích cực thực hiện hơn. Vì vậy, Hội chú trọng công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia xây dựng NTM.Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng, thiết thực đến cơ sở qua nhiều kênh thông tin như tại các hội nghị, hội thảo, trong các kỳ sinh hoạt hội viên, trên phương tiện thông tin đại chúng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, như hội thi, giao lưu, tọa đàm… Đã có 90% hội viên phụ nữ được tiếp cận với các thông tin tuyên truyền của Hội.

– Các cấp Hội tập trung đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch với thực hiện Chương trình NTM: với 8 tiêu chí của cuộc vận động có nội dung góp phần thực hiện 10/19 tiêu chí Nông thôn mới. Xác định việc thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch là hoạt động trọng tâm tham gia xây dựng NTM, thời gian qua Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội chủ động đăng ký mô hình, việc làm tham gia xây dựng NTMvới Ban chỉ đạo cùng cấp, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: tuyên truyền pháp luật, giáo dục kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, trao đổi về nuôi dạy con, về chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc…Nguồn vốn do các cấp Hội quản lý năm sau cao hơn năm trước, với số dư hiện nay là 2.852 tỷ đồng cho 85.964 lượt người vay, trong đó có 14.251 lượt phụ nữ nghèo.

Bên cạnh việc quản lý tốt nguồn vốn, Hội còn quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn phụ nữ cách thức làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tăng cường dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ nổi bật là nghề chẻ tăm hương, đan cói, bèo bồng. Hỗ trợ 338 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 223 mái ấm tình thương.

Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã giúp 2.200 hộ phụ nữ nghèo đứng chủ thoát nghèo. Mỗi cơ sở Hội có ít nhất 01 mô hình về tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc như câu lạc bộ (CLB) “Gia đình hạnh phúc”,“Góc tư vấn giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân”, mô hình “Dịch vụ gia đình”, các CLB phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức thực hiệncó hiệu quả Chỉ thị số 10 của Tỉnh ủy Ninh Bình “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lí, giáo dục thanh, thiếu niên”.Toàn tỉnh đã đăng ký giúp đỡ 304 thanh thiếu niên hư, có nguy cơ hư, đến nay, có 212 em đã chuyển biến tích cực và 150 em được đưa ra khỏi danh sách quản lý của địa phương.

Các cơ sở Hội thành lập và duy trì các mô hình CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: CLB Phụ nữ giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”CLB“Giai điệu dân ca”, CLB“Bóng chuyền hơi”, “Bóng đá nữ”,CLB Hát chèo tại nhiều xã, thu hút chị em tham gia tập luyện nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt trong việc thực hiện tiêu chí NTMsố 17 về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, các cấp Hội xác định đây là hoạt động thường xuyên để tham gia xây dựng Nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều mô hình hay, có sức lan tỏa như: mô hình hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại hộ gia đình, tổ/nhóm thu gom rác thải; mô hình giữ gìn thôn, xóm xanh, sạch; mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, ngày tổng vệ sinh môi trường…

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.485 tổ phụ nữ thu gom rác thải, tự quản vệ sinh môi trường; 896 đoạn sông, dòng suối, đoạn đường, tuyến phố phụ nữ tự quản. Từ những mô hình cụ thể đã phát triển thành phong trào “Ngày thứ Bảy sạch”, vận động hội viên, phụ nữ thường xuyên dọn dẹp, chỉnh trang nhà ở, vườn, dọn vệ sinh chung vào ngày thứ 7 hằng tuần. Phong trào trồng “đường hoa phụ nữ” được triển khai ở 100% xã, phường, thị trấn, đến nay đã trồng được 460 km đường hoa. Phong trào đã thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ và nhân dân, góp phần xây dựng cảnh quan diện mạo nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.

Các cấp Hội tập trung hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới  theo sự phân công của tỉnh.  Hội LHPN tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các xã đăng ký về đích nông thôn mới hằng năm được phân công phụ trách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, bảo đảm tính hiệu quả. Hội LHPN tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ các xã tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, Hội đã tập trung nguồn lực giúp đỡ xã thực hiện đạt các tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao thu nhập và tiêu chí về môi trường, an toàn thực phẩm. Các hoạt động đã hỗ trợ 10 xã được phân công phụ trách hoàn thành các tiêu chí về đích NTM đúng kế hoạch.

Từ thực tiễn hoạt động, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh một số vấn đề sau:

Một là, hiện nay phụ nữ nông thôn còn gặp khó khăn, thiệt thòi về cơ hội việc làm, nhất là phụ nữ trung niên và cao tuổi. Do diện tích đất nông nghiệp giảm, trong khi các công ty, xí nghiệp không tuyển dụng lao động nữ cao tuổi, do đó một bộ phận phụ nữ nông thôn thiếu việc làm ổn định. Vì vậy đề nghị tỉnh có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn được học nghề, chuyển đổi việc làm, góp phần nâng cao thu nhập gia đình, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.

Hai là, vấn đề phối hợp giữa các nguồn lực trong xây dựng NTM. Để hoạt động xây dựng NTM hiệu quả rất cần sự phối hợp đồng bộ các nguồn lực về mọi mặt giữa các ban, ngành, đoàn thể có liên quan về đối tượng, thời điểm, cách thức triển khai.

Ba là, tình trạng thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn ra thường xuyên đang trở thành một trong nguyên nhân hàng đầu khiến cho các hộ gia đình nông thôn mất thu nhập. Vì vậy, cần có chính sách cho vay hỗ trợ người dân chuyển hướng sản xuất và phát triển các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó cần chú trọng sự kết hợp việc chuyển hướng sản xuất với quá trình khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm mới có hiệu quả.

Bốn là, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí để Hội tập trung xây dựng một số mô hình điểm trong xây dựng NTM kiểu mẫu, tạo điểm nhấn mạnh có sức lan tỏa rộng trong công đồng.