(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt với nhiều chủ trương, chính sách cũng như các văn bản định hướng, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta đang có xu hướng biến động và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, khu vực về mức sinh, đòi hỏi phải có điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể kịp thời theo đặc thù từng địa phương để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước từ công tác dân số.
1. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, hiện nay, dân số nước ta là 96,2 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam từng bước được cải thiện.
Song hiện tại, công tác dân số cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng. Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ quá nhanh, song các giải pháp thích ứng chưa được triển khai. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế… Như vậy, một trong những thách thức là mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn mà mức sinh giảm xuống quá thấp một số khu vực đã có, là nguy cơ rất khó khắc phục.
Nghị quyết số 21 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu thứ nhất là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số 104 triệu người”.
Tuy rằng toàn quốc duy trì ổn định ở mức sinh thay thế (2,09 con) nhưng năm 2019, còn 4/6 vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế, cụ thể: Trung du và miền núi phía Bắc (2,43); đồng bằng sông Hồng (3,35); Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2.32); Tây Nguyên (2,43). Hai vùng thấp hơn mức sinh thay thế (Đông Nam Bộ (1,56), Đồng bằng sông Cửu Long (1,8). Hai vùng vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (sơ đồ bên dưới)1.
Danh sách cụ thể phân loại mức sinh các tỉnh, thành phố: (1) Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang; (2) Vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Hà Nam và Hải Dương; (3) Vùng mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước2.
Xuất phát từ thực tế trên, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 – 2,2 con).
Để làm được điều này, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con ở những địa phương có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Bên cạnh đó, chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số bao gồm: quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Trong đó, cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau.
Cụ thể, đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ KHHGĐ, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện KHHGĐ…
2. Khi điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, điều này có nghĩa sẽ kèm theo sự thay đổi trong dịch vụ chăm sóc dân số và chất lượng của nó. Dịch vụ dân số (DVDS) là các hoạt động phục vụ công tác dân số, bao gồm: cung cấp thông tin, tuyên truyền giáo dục, vận động, hướng dẫn, tư vấn về dân số, cung cấp biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, nâng cao chất lượng dân số và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Nhà nước, các dịch vụ dân số do các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp hiện nay thuộc loại dịch vụ sự nghiệp công, mang tính phục vụ.
DVDS cũng có phạm vi và nội dung rộng, bao gồm: các vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, nâng cao chất lượng dân số và các hoạt động khác có liên quan chặt chẽ đến các vấn đề hôn nhân, gia đình, họ hàng, xã hội, vấn đề tình cảm, đạo đức, pháp luật, pháp lý… Phạm vi và nội dung của DVDS phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế – xã hội. Tùy theo hoàn cảnh phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia hay địa phương mà mở rộng hay thu hẹp phạm vi – nội dung DVDS.
DVDS có tính chuyên môn cao. Người cung cấp dịch vụ cần có các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tổng hợp về tuyên truyền vận động, tâm lý học, pháp luật, công tác xã hội, dân số, KHHGĐ/sức khỏe sinh sản… Điều này, đòi hỏi người cung cấp dịch phải được đào tạo bài bản và có trách nhiệm chuyên môn cao. Một số DVDS còn phải đáp ứng các điều kiện chuyên môn khắt khe nhất định, như: tư vấn hôn nhân gia đình, xét nghiệm ADN…
DVDS liên quan đến những vấn đề nhạy cảm về pháp luật và đạo đức, như: tình dục, tình yêu, hôn nhân, sinh đẻ, lựa chọn giới tính khi sinh, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, xác định huyết thống qua xét nghiệm gien, phá thai an toàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục… Người cung cấp dịch vụ phải là người có kiến thức chuyên môn cao và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng.
Đối tượng của DVDS thường là khách hàng, không phải bệnh nhân. DVDS gắn với khách hàng, vì lợi ích của khách hàng và gia đình họ. Đã đến lúc người cung cấp DVDS thực hiện lao động chuyên môn, kiếm sống nhờ khách hàng và tuân theo quy luật thị trường.
Có thể thấy thị trường dịch vụ liên quan đến vấn đề dân số đang phát triển nhanh chóng, đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, ngày càng tăng lên về số lượng và đòi hỏi cao về chất lượng. Có các DVDS liên quan đến nhu cầu xã hội dân sinh, như: xác định huyết thống, hôn nhân xuyên biên giới, tang lễ, mai táng… Các dịch vụ liên quan đến vấn đề chất lượng dân số, như: chăm sóc người già tại các cơ sở dưỡng lão, trò chuyện theo giờ với người cao tuổi tại gia, tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
3. Thực trạng trên đang là thách thức và cơ hội đối với chuyên ngành dân số nói chung DVDS nói riêng. Phát triển DVDS theo hướng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng hay để thị trường cho khu vực tư nhân? DVDS cần được duy trì và phát triển gắn bó qua lại với dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản với tư cách là dịch vụ công nhằm đáp ứng các nhu cầu dân sinh liên quan đến vấn đề dân số hay không, từ đó, để đưa ra những DVDS có chất lượng, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về chính sách. Cần nghiên cứu, ban hành chính sách, cơ chế pháp lý, mở rộng nội hàm DVDS để có thể tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập dân số – y tế trong việc tìm tòi các hình thức DVDS đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, các quy định, quy trình kỹ thuật về DVDS, KHHGĐ/sức khỏe sinh sản, bảo đảm quyền, lợi ích khách hàng.
Thứ hai, về quản lý. Thực hiện thường xuyên kiểm định chất lượng các cơ sở cung cấp DVDS, KHHGĐ và giám sát hỗ trợ với người cung cấp dịch vụ chăm sóc dân số.
Thứ ba, ngoài việc tiếp tục củng cố mạng lưới KHHGĐ và phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 còn nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc ít người, người di cư… đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phát triển mạng lưới nghiên cứu về dân số và phát triển.