Chính sách đối với người cao tuổi Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Mặc dù chính sách đối với người cao tuổi ở nước ta thời gian gần đây đã có nhiều cải thiện giúp bảo đảm đời sống vật chất cũng như tinh thần của người cao tuổi nhưng bên cạnh đó hệ thống chính sách đối với người cao tuổi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập làm hạn chế vai trò của chính sách, do đó chưa thực sự bảo đảm được đời sống cho người cao tuổi. Bài viết nghiên cứu, hệ thống chính sách, các hạn chế và đề xuất các khuyến nghị chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam.
Anh minh hoạ.
Hệ thống chính sách đối với người cao tuổi

Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với số người cao tuổi (NCT) chiếm hơn 10% dân số. Năm 2019, theo kết quả Tổng Điều tra Dân số, số người từ 60 tuổi trở lên là 11,409 triệu người, số người từ 65 tuổi trở lên là 7,417 triệu người. Kết quả Tổng Điều tra Dân số 2019 cũng cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989, tăng lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng Điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.

Nhận thức được điều này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản đối với NCT để bảo đảm đời sống vật chất cũng như tinh thần của NCT. Các chính sách ban hành đối với NCT nước ta có thể được chia thành hai giai đoạn trước và sau khi có Luật NCT năm 2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010.

Giai đoạn 1:

– Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 về chăm sóc NCT của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

– Chỉ thị số 117/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động cho Hội NCT Việt Nam.

– Pháp lệnh NCT số 23/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành.

– Nghị định 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 của Chính phủ quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu.

– Quyết định số 141/2004/QĐ-TTG ngày 05/8/2004 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam.

Luật NCT được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009.

Giai đoạn 2:

Bộ luật Lao động ban hành ngày 18/6/2012 có 1 mục quy định riêng đối với lao động là NCT.

– Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT.

– Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020.

– Nghị định số 141/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ hướng dẫn Luật Giáo dục đại học về điều kiện, thời gian, nhiệm vụ, thủ tục, trình tự xem xét việc kéo dài và chính sách với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc.

– Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

– Thông tư số 21/TT-BTC ban hành ngày 18/2/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng NCT.

– Thông tư số 35/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã góp phần hoàn thiện các chế độ, chính sách quan tâm, chăm sóc và ưu đãi NCT Việt Nam.

Mục tiêu của chính sách người cao tuổi

Các chính sách, quy định đó nhằm hướng đến mục tiêu:

Phát huy vai trò, kinh nghiệm, tạo điều kiện để NCT tham gia có hiệu quả vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của NCT.

Tăng cường sức khoẻ về thể chất và tinh thần của NCT; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho NCT; xây dựng môi trường thuận lợi để NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí.

Nâng cao chất lượng đời sống vật chất của NCT; hoàn thiện chính sách trợ giúp và bảo trợ xã hội hướng tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho NCT; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ và cơ sở chăm sóc NCT, chú trọng NCT khuyết tật, NCT thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, NCT dân tộc thiểu số.

Đánh giá hệ thống chính sách hiện hành đối với người cao tuổi ở Việt Nam

Việc ban hành Luật NCT và các văn bản quy phạm pháp luật khác đối với NCT thể hiện quan điểm nhân văn, khoa học và tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta đối với NCT. Đời sống vật chất và tinh thần của NCT nước ta đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ sau khi các chính sách này ra đời.

Theo Cục Bảo trợ xã hội năm 2019, với chủ đề chung tay vì sức khỏe và hạnh phúc của NCT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp các bộ, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NCT Việt Nam.

Ngân sách nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả lương hưu hàng tháng cho hơn 3,1 triệu người; đạt 95% NCT có thẻ BHYT; trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 1,7 triệu NCT; chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1,068 triệu NCT; hơn 112.276 lượt NCT được giảm giá vé đường bộ; 59.498 lượt NCT được giảm giá vé đường thủy; 653.864 lượt NCT được giảm giá vé đường sắt; 6.867 lượt NCT được giảm giá vé đường hàng không; cả nước có trên 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; hơn 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT, hơn 1,57 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Các địa phương cũng đã quan tâm ưu tiên thực hiện các chính sách giảm nghèo, xóa nhà tạm cho hộ nghèo và các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo có NCT, hỗ trợ kinh phí cho quỹ của NCT và các hoạt động của hội NCT, chi phụ cấp cho cán bộ hội cơ sở.

Các hạn chế trong hệ thống chính sách đối với người cao tuổi nước ta

Một là, hạn chế về chính sách phát huy vai trò của NCT trong đời sống xã hội.

Mặc dù cả Pháp lệnh NCT trước đây và Luật NCT hiện nay đều có một chương quy định về phát huy vai trò của NCT trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế; văn hóa, xã hội; giáo dục, đào tạo; chính trị, pháp luật… nhưng các quy định này vẫn còn chung chung. Vì vậy, hiện nay phần đông NCT của nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần.

Hai là, hạn chế về bảo đảm đời sống vật chất, thu nhập cho người lao động.

Hiện nay, trong tổng số gần 11 triệu NCT thì chỉ có 3,1 triệu người có lương hưu. Như vậy, gần 8 triệu NCT còn lại của chúng ta đang sống mà không có một nguồn thu nhập nào ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, do quy định của chính sách hiện hành về trợ cấp và bảo trợ xã hội chúng ta cũng mới chỉ có thêm 1,7 triệu NCT được hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó đến 1,4 triệu người là người từ trên 80 tuổi trở lên. Như vậy, trong tổng số gần 11 triệu NCT của Việt Nam còn khoảng 6 triệu người không có bất kỳ một khoản thu nhập nào thường xuyên và ổn định.

Có một số yếu tố dẫn đến thu nhập thấp cho NCT: (1) Những thay đổi về thành phần gia đình cũng như chuẩn mực xã hội khiến cho nhiều NCT phải sống một mình; (2) Tuổi thọ trung bình tăng đồng nghĩa với việc tiền tiết kiệm của NCT sẽ hết trước khi chết; (3) Các chính sách của Chính phủ về bảo đảm thu nhập cho NCT, đặc biệt những người ở độ tuổi từ 60 – 79 tuổi vẫn chưa đáp ứng đầy đủ.

Ba là, mức trợ cấp xã hội hàng tháng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo đảm đời sống tối thiểu của NCT.

Hiện nay, theo quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng được đưa ra ở Nghị định số 136/2013 NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 270.000 đồng. Với mức hỗ trợ này người thụ hưởng khó có thể thoát khỏi cảnh nghèo đói mặc dù mức hưởng cũng được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe của người hưởng thụ.

Bốn là, chưa có những chính sách riêng biệt dành cho từng nhóm NCT.

Hiện nay, các quy định dành cho NCT ở Việt Nam được áp dụng cho tất cả nhóm NCT không phân biệt giới tính, thành phần dân tộc, trình độ học vấn, sức khỏe… Điều này cũng có một số hạn chế trong thực hiện chính sách.

Năm là, hệ thống trợ giúp xã hội đối với NCT chưa phát triển.

Bên cạnh những chính sách về bảo đảm thu nhập, chăm sóc y tế và trợ cấp, bảo trợ xã hội thì cần có một chính sách quan trọng nữa đối với NCT, đó là hệ thống trợ giúp xã hội thông qua hoạt động công tác xã hội.

Các khuyến nghị chính sách

Chính phủ có thể xem xét những khuyến nghị sau đây nhằm cải thiện hiệu quả của các chính sách về an sinh xã hội cho NCT:

Thứ nhất, xây dựng một cơ sở văn hóa mới về già hóa dựa trên quyền; thay đổi quan niệm và thái độ xã hội về già hóa và NCT, nhìn nhận NCT không phải từ góc độ những người nhận trợ cấp xã hội, là gánh nặng của xã hội mà là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội.

Thứ hai, thu hẹp khoảng cách về bao phủ đối tượng cho nhóm NCT từ 60 -79 tuổi trong Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Hai phương án sau đây có thể đem ra xem xét: (1) Hướng tới đối tượng là tất cả những người nghèo từ 65 – 79 tuổi; (2) Giảm độ tuổi đủ điều kiện từ 80 xuống 75 tuổi và xây dựng một lộ trình để giảm ngưỡng tuổi này xuống nữa trong tương lai.

Thứ ba, Chính phủ cần xem xét việc thiết lập một chiến lược tổng thể trung hạn nhằm bảo đảm an toàn thu nhập cho NCT, bao gồm cả trợ cấp xã hội và lương hưu cho NCT. Cần xem xét một chiến lược lâu dài cho một hệ thống lương hưu và phúc lợi tổng thể cho NCT, nhằm bảo đảm sự gắn kết của chế độ bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội.

Thứ tư, Chính phủ cần xem xét các cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho NCT như một phương pháp bảo đảm thu nhập và phúc lợi cho NCT.

Thứ năm, cần có các chính sách giúp NCT nhận thức quyền được hưởng đời sống thể chất và tinh thần có chất lượng cao. Cần có các chính sách nhằm tăng cường lối sống khỏe mạnh với sự hỗ trợ của công nghệ, các nghiên cứu y học và chăm sóc phục hồi chức  năng.

Thứ sáu, cần phải đào tạo cho những người chăm sóc và cán bộ chuyên môn y tế nhằm bảo đảm những cán bộ làm việc với NCT được tiếp cận thông tin và đào tạo cơ bản trong công tác chăm sóc NCT.

Thứ bảy, đầu tư và đẩy mạnh những thói quen về sống khỏe, sống lành mạnh cho giới trẻ nhằm cải thiện cuộc sống của các thế hệ NCT trong tương lai.

Thứ tám, lồng ghép vấn đề già hóa vào tất cả các chính sách về giới, chính sách về già hóa, có tính đến các nhu cầu cụ thể của phụ nữ và nam giới cao tuổi. Bảo đảm già hóa và các nhu cầu của NCT được tính đến trong tất cả các chương trình và chính sách phát triển cấp quốc gia.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo “Già hóa trong thế kỷ XXI: thành tựu và thách thức”, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc. Hà Nội, 2012.
2. Báo cáo “Bảo đảm thu nhập cho NCT ở Việt Nam: Lương hưu xã hội”, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc. Hà Nội, 2014.
3. Luật Người cao tuổi năm 2009.
4. Bộ luật Lao động năm 2012.
5. Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000.
6. Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
7. Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi.
8. Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
9. Quyết định số 141/2004/QĐ-TTg ngày 05/8/2004 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.
10. Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020.
11. Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019.

ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Học viện Hành chính Quốc gia