(Quanlynhanuoc.vn) – Hoàn thiện chính sách dân số ở nước ta là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Nó yêu cầu tính đồng bộ, phù hợp, hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng dân số. Bài viết phản ánh nội dung chính sách dân số hiện hành; đồng thời, phản ánh thực trạng thực hiện chính sách và những ưu điểm, tồn tại trong quá trình thực thi chính sách. Trên cơ sở đó đề xuất định hướng, giải pháp để hoàn thiện chính sách dân số của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Nội dung chính sách dân số của Việt Nam
Chính sách dân số
Chính sách dân số (CSDS) là hệ thống các mục tiêu dân số được đề ra một cách có ý thức và cơ sở khoa học về quy mô, tốc độ tăng trưởng dân số và sự phân bố dân cư, cùng hệ thống các biện pháp (tổ chức, giáo dục, thông tin, truyền thông, kinh tế – xã hội (KTXH), y tế, hành chính, pháp luật, kỹ thuật…) nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.
Mục tiêu của chính sách dân số
Các mục tiêu của CSDS luôn thay đổi trong các giai đoạn và phát triển. Vì vậy, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để có thể tập trung phương tiện, nhân lực vào chỉ đạo thực hiện một số mực tiêu, chỉ tiêu quan trọng nhất trong thời kỳ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề dân số không thể độc lập với những vấn đề KTXH nhất định. Vì vậy, mục tiêu của CSDS phải được xác định trong môi trường KTXH cụ thể. Ta có thể thấy rõ điều này qua sự khác nhau của mục tiêu dân số giữa các quốc gia. Mặc dù có mối quan hệ ràng buộc giữa các hệ thống CSDS với hệ thống chính sách KTXH, nhưng mỗi hệ thống có mục tiêu riêng, có tính độc lập tương đối nhất định. Việc cải thiện các môi trường KTXH như hạ tỷ lệ thất nghiệp, phổ cập giáo dục phổ thông, nâng cao mức sống toàn dân, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế… đến lượt nó sẽ cải thiện được môi trường của dân số và có tác động to lớn đến việc thực thi các mục tiêu dân số. Xuất phát từ quan điểm trên, một mặt Nhà nước Việt Nam đặt CSDS trong chiến lược phát triển KTXH, mặt khác lại hoạch định riêng chiến lược và CSDS – kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) với mục tiêu và những đặc thù của nó.
Các biện pháp của chính sách dân số
Một là, các biện pháp tổ chức giáo dục, tuyên truyền về dân số và phát triển. Thành lập và vận hành có hiệu quả hệ thống tổ chức quản lý CSDS từ trung ương đến địa phương. Phát triển các trung tâm, các viện nghiên cứu và đào tạo về dân số, phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực dân số KHHGĐ. Tổ chức mạng lưới thông tin, giáo dục truyền thông dân số từ trung ương đến các cơ sở, các cộng đồng dân cư. Phát triển và củng cố các cơ sở làm dịch vụ KHHGĐ, nhất là vùng nông thôn xa các thành phố, thị xã. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông dân số làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích của KHHGĐ, chấp nhận gia đình quy mô nhỏ như một chuẩn mực xã hội là giải pháp hàng đầu để thực hiện các mục tiêu dân số.
Hai là, các biện pháp đầu tư, hỗ trợ kinh tế cho phát triển dân số. Các biện pháp KTXH nhằm bảo đảm tài chính cho việc thực thi CSDS mà phần chủ yếu từ ngân sách nhà nước, các biện pháp kinh tế, kích thích vật chất để hướng các gia đình vì lợi ích kinh tế mà quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ và những khuyến khích tinh thần để động viên kịp thời những người đi đầu trong việc thực hiện chính sách.
Ba là, các biện pháp đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật và y tế. Nếu như các biện pháp thông tin, giáo dục, tuyên truyền, KTXH, hành chính, pháp luật chủ yếu tác động vào ý thức của người dân thì các biện pháp kỹ thuật và y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện hành vi dân số học của mình, ý thức dân số và sự chấp thuận các biện pháp KHHGĐ có ý nghĩa quyết định hàng đầu nhưng nếu không có sự hỗ trợ và bảo đảm của các phương tiện kỹ thuật và y tế thì chúng chỉ mới dừng lại ở ý muốn. Vì vậy, đây là những biện pháp quan trọng trong tiến trình quản lý sự phát triển dân số.
Bốn là, các biện pháp hành chính – pháp luật. Mặc dù đối với dân cư, Nhà nước không thực hiện phương pháp cưỡng bức, ép buộc thô bạo trong việc thực hiện mục tiêu và các biện pháp về dân số – KHHGĐ nhưng cần thiết phải tạo ra những cơ sở hành chính – pháp lý cho hoạt động của lĩnh vực này. Những biện pháp hành chính – pháp luật trước hết bảo đảm những thủ tục hành chính thuận lợi cho nguời dân thực hiện KHHGĐ, bảo vệ lợi ích, tính mạng và sức khỏe cho người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ, đề cao trách nhiệm của viên chức và các tổ chức tham gia các chương trình dân số – KHHGĐ, cũng như ngăn chặn những hành vi cố tình phá hoại CSDS quốc gia. Các biện pháp này phần lớn được quy định trong một số bộ luật và trong các điều lệ, quy định riêng biệt trong việc thực hiện các dịch vụ KHHGĐ.
Thực tiễn thực hiện chính sách dân số thời gian qua
Tình hình giảm tỷ lệ tăng dân số
CSDS đã có ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ XX. Chính sách này đều khuyến khích những cá nhân và tập thể, cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện tốt công tác dân số – KHHGĐ bằng cả hiện vật và các hình thức khen thưởng, đồng thời, cũng có các hình thức xử lý vi phạm đối với những đơn vị và cá nhân thực hiện không tốt công tác này bằng cách nộp phạt và trừ điểm thi đua đánh giá thành tích của đơn vị trong việc hoàn thành kế hoạch KTXH. Do đó, tỷ lệ tăng dân số trung bình hằng năm đã giảm từ 1,7% giai đoạn 1989 – 1999 xuống còn bình quân ở mức 1,2%/năm giai đoạn 1999 – 2009. Sau 10 năm (2009 – 2019) quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1989 – 2009, tăng khoảng 1,18 triệu người/năm. Tổng tỷ suất sinh (TER), (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) cũng đã giảm tương ứng từ 6,4 con trên 1 phụ nữ thời kỳ 1960 – 1954 xuống còn 2,1 con năm 2019 và đạt mức sinh thay thế1. Tuy nhiên, mức sinh ở nước ta không đồng đều theo từng vùng.
Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (dưới 1,6 con), một số tỉnh cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như TP.HCM (1,36 con). Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa – Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)2… Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore – những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng.
Nếu Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với mức sinh thấp (thậm chí rất thấp) thì những tỉnh miền núi phía Bắc, mức sinh khá cao. Nhiều tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… có tỷ suất sinh ở mức trên dưới 3 con. Thậm chí có những nơi, người dân sinh tới 6 – 7 người con. Do đó, ở những tỉnh này, muốn TFR giảm được từ 3 con xuống 2,1 con là con đường dài, gian nan và vất vả. Chính vì vậy, việc duy trì mức sinh hợp lý là giải pháp hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện nay, giúp chúng ta có được quy mô và cơ cấu dân số hài hòa nhất, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Để triển khai CSDS – KHHGĐ hiệu quả, Chính phủ đã triển khai “Chương trình thúc đẩy các dịch vụ KHHGĐ dài hạn và vĩnh viễn” đã góp phần cải thiện tính trạng sức khỏe sinh sản của cộng đồng dân cư, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng như bình ổn, nâng cao chất lượng dân số Việt Nam. Việt Nam đã đa dạng hoá phương tiện và phương pháp tránh thai; đa dạng hoá mạng lưới cung cấp và đa dạng hoá chế độ cung cấp (miễn phí, bán rẻ, bán theo giá thị trường phương tiện, dịch vụ). Với chính sách đúng đắn, triển khai tích cực và sáng tạo, chương trình KHHGĐ đã thu được những thành tựu nổi bật. Nếu từ năm 1965 – 1969, chỉ có khoảng 15% số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai thì bước sang thế kỷ XXI, tỷ lệ này đã tăng gấp 5 lần, đạt khoảng 75% và duy trì từ đó đến nay. Nhờ vậy, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Từ năm 1965 – 1969, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ, trung bình mỗi phụ nữ có gần 7 con thì hiện nay mô hình “gia đình 2 con” đang trở nên phổ biến. Mục tiêu mà Chương trình KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được một cách vững chắc. Ghi nhận thành công này, ngay từ năm 1999, Liên hợp quốc đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam3.
Vấn đề già hóa dân số
Mặc dù có những thành công trong kiểm soát dân số nhất là kiểm soát tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số lại đang là một bài toán khó đặt ra đối với Việt Nam trong cả hiện tại và tương lai gần. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm. Năm 1960, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 48,0 tuổi, của dân số Việt Nam là 40,0 tuổi, thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới. Năm 2019, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72,0 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi. Nếu cũng tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số nhanh hơn dân số thế giới khoảng 16 năm.
Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… đặc biệt số liệu cũng cho thấy,chỉ số già hóa của 4 vùng kinh tế trọng điểm là cao nhất trong cả nước, điều này tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn nhân lực tại chỗ ở các vùng này trong thời gian tới mà giải pháp cần thiết là phải thu hút lực lượng lao động di cư.
Định hướng hoàn thiện chính sách dân số ở Việt Nam trong tình hình mới
Để bảo đảm thích ứng với già hóa dân số đã nêu trong mục tiêu của Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng chuyển đổi từ dân số – KHHGĐ sang dân số và phát triển. Để CSDS phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới ở Việt Nam, cần hoàn thiện CSDS theo những hướng cơ bản sau:
Một là, bảo đảm sự thống nhất giữa CSDS và chính sách KTXH khác. Hiện nay có trường hợp, các chính sách KTXH, cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội và môi trường sống lại có tác động làm tăng tỷ lệ sinh, khuyến khích đông con và kìm hãm động lực phát triển con người, làm giảm chất lượng dân số. Do đó, cần chú trọng dùng chính sách và cơ chế quản lý KTXH để điều chỉnh quá trình phát triển dân số.
Hai là, CSDS phải toàn diện, đồng bộ và có sức thuyết phục cao, gắn được các mục tiêu chung của quốc gia, của từng địa phương, từng dân tộc với mục tiêu của mỗi gia đình, mỗi thành viên trong gia đình và toàn xã hội với các vấn đề chung khác.
Ba là, nội dung của CSDS phải bảo đảm có tính khả thi, phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật của nền kinh tế và đóng góp của Nhân dân.
Bốn là, CSDS phải thể hiện được tính dân chủ, tính nhân đạo, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với sự phát triển của dân tộc, trách nhiệm của mọi gia đình, mọi công dân đối với sự phồn thịnh của quốc gia, của mọi gia đình, của thế hệ nối tiếp.
Năm là, trong hoạch định, thực thi CSDS phải tranh thủ sự giúp đỡ tích cực, nhiệt tình của các tổ chức quốc tế, của các nước khác trong việc thực hiện nhiệm vụ có tính chất toàn cầu này.