Liên đoàn lao động tỉnh Lâm Đồng tích cực tham gia quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người lao động  

(Quanlynhanuoc.vn) – Tham gia quản lý nhà nước là một trong những chức năng quan trọng của tổ chức công đoàn, thông qua đó, công đoàn có thể phát huy tốt hơn vai trò đại diện của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, cũng như đóng góp cho sự phát triển chung về kinh tế – xã hội của địa phương, của đất nước. Bài viết tập trung tìm hiểu về thực trạng tham gia quản lý nhà nước của Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả tham gia quản lý nhà nước của Liên đoàn Lao động trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động tại địa phương.

 

Công đoàn Viên chức tỉnh Lâm Đồng ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Ngọc Anh Lâm Đồng ( Ảnh: Sỹ Phạm).
Thực trạng tham gia quản lý nhà nước của Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng

Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng được duy trì và tăng trưởng đều đặn, hình thành nhiều loại hình doanh nghiệp (DN), đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều người lao động. Các DN đi vào hoạt động đều cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật, tập trung sản xuất – kinh doanh, mang lại nhiều sản phẩm, dịch vụ thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhìn chung, các DN đều có sự quan tâm đối với người lao động (NLĐ), thực hiện đầy đủ và bảo đảm các quyền, lợi ích của NLĐ trong quá trình sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải DN nào cũng tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, vẫn còn tình trạng DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các ưu đãi của địa phương hoặc sự thiếu hiểu biết của NLĐ để trục lợi và xâm phạm đến quyền lợi của NLĐ.

Đứng trước tình hình trên, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm bảo vệ cho NLĐ, cụ thể: từ năm 2014 đến nay, các cấp công đoàn đã cùng các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, về công tác an toàn vệ sinh lao động tại các DN trên địa bàn, kiểm tra tại 147 DN, phát hiện kịp thời những sai phạm và đề nghị giải quyết các quyền lợi, chế độ, chính sách cho hàng ngàn lao động1.

Các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, các chế độ bảo hiểm, lương, chăm sóc sức khỏe, an toàn lao động, công tác tổ chức đào tạo nghề, chuyên môn, nghiệp vụ… được thực hiện thường xuyên, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động được cải thiện và đạt được nhiều kết quả; quyền dân chủ của NLĐ được thực hiện và phát huy. Quan hệ lao động trong các DN được xây dựng hài hòa ổn định, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội và hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đề ra hằng năm.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động tham gia quản lý nhà nước (QLNN) của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng, như:

Một là, chất lượng tham gia của Công đoàn vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống NLĐ chưa cao. Việc nhận diện và tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan đến NLĐ trong các văn bản của tỉnh liên quan đến NLĐ, đến hoạt động công đoàn còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. LĐLĐ tỉnh – cấp công đoàn cao nhất tại địa phương hầu như chỉ tham gia với các cấp chính quyền liên quan khi có yêu cầu, chưa chủ động xây dựng đề xuất những chính sách, chế độ cụ thể phù hợp với quy định để nâng cao chất lượng bảo vệ NLĐ.

Hai là, vai trò của công đoàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số cơ quan, đơn vị, DN còn hạn chế. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở còn bị chi phối, tại một số DN, lãnh đạo công đoàn chưa thực sự là chỗ dựa, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Một số bản thỏa ước lao động tập thể còn mang tính hình thức, chủ yếu sao chép lại nội dung Bộ luật Lao động hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung; những bản thỏa ước có lợi cho NLĐ còn ít. Việc tổ chức các hội nghị NLĐ chưa bảo đảm tiến độ thời gian theo quy định, chất lượng chưa cao, nhiều nơi còn mang tính đối phó, việc tổ chức đối thoại với NLĐ chưa được thực hiện theo quy định, hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở nhiều DN còn mang tính hình thức.

Ba là, công đoàn các cấp tham gia cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn lao động cho NLĐ mới chỉ dừng ở cấp tỉnh, còn ở cấp cơ sở thì công đoàn, cán bộ công đoàn chưa phát huy vai trò của mình trong việc đấu tranh với chủ DN để nâng cao điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ, chưa tổ chức huấn luyện, tập huấn cho NLĐ trong môi trường lao động nguy hiểm, độc hại để nâng cao ý thức cho NLĐ về vấn đề này. Đối với những vụ tai nạn lao động, công đoàn cơ sở chưa nắm được quy trình xử lý ngay khi xảy ra tai nạn, LĐLĐ cấp huyện chưa chủ động tham gia điều tra, xác minh nguyên nhân, nắm vững những chế độ, chính sách để kịp thời bảo vệ cho NLĐ.

Bốn là, việc nợ BHXH, BHYT tại các DN kéo dài hằng năm, có DN nợ số tiền lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ nhưng công đoàn tham gia cùng với cơ quan BHXH tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có lúc còn chậm, chưa chủ động, kịp thời đề xuất thanh tra, kiểm tra các DN có dấu hiệu vi phạm.

Năm là, hoạt động tham gia kiểm tra, giám sát của LĐLĐ tỉnh có lúc còn bị động, phụ thuộc vào nhiều cơ quan nhà nước nên số lượng các cuộc kiểm tra còn ít, dẫn đến DN vẫn vi phạm pháp luật lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tham gia quản lý nhà nước của Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng

Thứ nhất, về cơ chế.

Hiện nay, việc quy định công đoàn chỉ tham gia cùng với cơ quan QLNN để thực hiện các chức năng bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ mà không trực tiếp được thanh tra, kiểm tra đã hạn chế vai trò của công đoàn. Do đó, cần có cơ chế mở rộng quyền tham gia quản lý của công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn chủ động được kiểm tra pháp luật lao động, xử phạt và giám sát việc xử phạt của cơ quan QLNN trước những sai phạm của DN.

Đối với hoạt động tham gia QLNN tại địa phương, LĐLĐ tỉnh cần rà soát, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các chương trình, quy chế phối hợp đã ký kết với các cơ quan nhà nước trên địa bàn để kịp thời sửa đổi những điểm chưa phù hợp, bổ sung các điều, khoản mở rộng phạm vi và mức độ trong tham gia quản lý của công đoàn, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các chủ thể phối hợp. Đồng thời, tiếp tục ký kết các chương trình, quy chế phối hợp với các ban, ngành liên quan để phát huy vai trò, chức năng của mình.

Thứ hai, về nhận thức.

Vẫn còn quan niệm công đoàn chỉ liên quan đến văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, hiếu hỷ mà không nhìn nhận một cách bao quát, tổng quan vai trò, chức năng của công đoàn tại cơ sở. Một số DN có tổ chức công đoàn nhưng chỉ giới thiệu và cử những người, như: bảo vệ, công nhân trực tiếp… làm chủ tịch công đoàn; không bố trí, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian cho công đoàn hoạt động nên hình ảnh, vị trí của công đoàn còn mờ nhạt. Do vậy, các cấp ủy Đảng và chính quyền, tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để các tổ chức, DN, người dân thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận, đánh giá về công đoàn một cách khách quan trên cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó có tư duy và hành động cụ thể, tạo điều kiện cho công đoàn phát huy được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Thứ ba, về tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn.

Từ tình hình thực tế hiện nay, LĐLĐ tỉnh cần phải tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn theo hướng sau:

(1) Mô hình tổ chức theo quy định hiện nay của công đoàn có nhiều cấp trung gian khá cồng kềnh và việc chỉ đạo hoạt động ở cấp cơ sở sẽ khó sâu sát và kịp thời. Như vậy, về mặt tổ chức, cần xem xét lại để tăng tính hiệu quả hoạt động, tăng tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.

(2) Trong tuyển dụng cán bộ công đoàn, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn cụ thể phù hợp với chức năng, đặc điểm của tổ chức chính trị – xã hội, trong đó tập trung các điều kiện về bằng cấp phù hợp, theo đúng vị trí việc làm, tránh tình trạng tuyển dụng do quen biết, giới thiệu nên nhận vào những cán bộ không phù hợp về trình độ.

Ngoài trình độ chuyên môn, cán bộ công đoàn phải là người có kỹ năng, nhất là kỹ năng nhận diện vấn đề để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tham gia với Nhà nước trong lĩnh vực lao động, kỹ năng tham gia đàm phán, thương lượng với Nhà nước, với các cấp chính quyền về các vấn đề có liên quan trong việc bảo vệ NLĐ.

(3) Cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn phù hợp theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn, gắn đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành. Nên quan tâm lựa chọn các nội dung bồi dưỡng về pháp luật, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách, tổ chức cho cán bộ trực tiếp về cơ sở để tìm hiểu, nắm tình hình hoạt động công đoàn để có những tư duy đổi mới, mạnh dạn đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn.

(4) Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tập huấn và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức LĐLĐ huyện.

(5) Dành kinh phí thỏa đáng cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, kinh phí dành cho đào tạo hằng năm đều chưa đến 10%, trong khi đó, quy định kinh phí cho hoạt động này hằng năm là 15%2.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn.

Về tổ chức các hoạt động, cần giảm các hoạt động bề nổi khi chưa cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng chăm lo, bảo vệ NLĐ thông qua các hoạt động đàm phán, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, tư vấn, giúp đỡ NLĐ trong ký kết hợp đồng lao động, đại diện NLĐ tiến hành khởi kiện các vi phạm của DN liên quan đến các vấn đề nợ BHXH, BHYT, các chính sách về tiền lương, thưởng, làm thêm giờ…

Thứ năm, chính sách động viên cán bộ công đoàn cơ sở, DN thực hiện tốt pháp luật lao động.

Bổ sung nội dung và tăng mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn bán chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở từ nguồn ngân sách công đoàn để tạo động lực và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia hoạt động công đoàn, cũng như mạnh dạn đấu tranh với những sai phạm từ người sử dụng lao động. Cần bổ sung và dành kinh phí để khen thưởng, động viên những DN thực hiện tốt các quy định pháp luật lao động, kịp thời tôn vinh, biểu dương các DN có ý thức vì NLĐ.

Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý những sai phạm.

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng lao động. Việc xử lý các sai phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được làm ngay và cương quyết, triệt để, đúng luật, có căn cứ cụ thể nhằm ngăn ngừa những sai phạm tiếp diễn mang tính hệ thống. Hằng năm, LĐLĐ cần đề xuất với chính quyền đồng cấp đưa vào các nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ, đồng thời LĐLĐ chủ động thành lập đoàn kiểm tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm.

Trong xử lý vi phạm, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe, nhằm nâng cao ý thức của người sử dụng lao động trong việc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, tham gia thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động; phân định rõ trách nhiệm của công đoàn trong quan hệ phối hợp với các ngành liên quan. Ngoài tham gia liên ngành, công đoàn cần có kế hoạch chủ động đẩy mạnh công tác giám sát, nội dung giám sát tập trung về thực hiện chế độ BHXH, về kinh phí công đoàn, về thời giờ làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách theo luật định.

Tăng cường các hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh, đào tạo bố trí cán bộ công đoàn có trình độ luật sư hoặc hợp đồng luật sư tham gia làm việc tại Văn phòng Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh

Chú thích:
1. Báo cáo Phong trào công nhân, viên chức lao động và hoạt động công đoàn tỉnh Lâm Đồng khóa IX, nhiệm kỳ 2013 – 2018; Báo cáo kết quả kiểm tra giám sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.
2. Quy chế chi tiêu nội bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng (ban hành kèm theo Quyết định số 130/QĐ-LĐLĐ ngày 03/7/2019 của Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng).
Tài liệu tham khảo:
1. Công đoàn Việt Nam – 90 năm xây dựng và phát triển. H. NXB Lao động, 2019.
2. Hoàng Thị Thanh Dung. Đổi mới hoạt động Công đoàn Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. H. NXB Lao động, 2018.
Nguyễn Văn Hòa
Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng