Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Với những kết quả đạt được của quận Thanh Xuân khi áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thời gian qua, bài viết đã có những đánh giá và chỉ ra một số hạn chế, bất cập cũng như một số đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại quận Thanh Xuân trong thời gian tới.
Ảnh: https://dichvucong.gov.vn.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, công dân thông qua môi trường mạng Internet. DVCTT nhằm cung cấp DVCTT và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước với 4 mức độ: DVCTT mức độ 1; DVCTT mức độ 2; DVCTT mức độ 3; DVCTT mức độ 4. Theo đó, DVCTT mức độ 3 là DVCTT đáp ứng các yêu cầu của DVCTT mức độ 2; các biểu mẫu của DVCTT mức độ 3 được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ. Hồ sơ hành chính điện tử được sắp xếp, tổ chức, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng DVCTT để bảo đảm khả năng xử lý, tra cứu, thống kê, tổng hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các hệ thống ứng dụng liên quan, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Như vậy, DVCTT mức độ 3 có những đặc điểm cơ bản sau:

(1) Thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh gọn, thuận tiện, liên tục trong ngày tại mọi thời điểm có kết nối mạng Internet trên thiết bị điện tử thông minh khác (điện thoại, máy tính bảng…).

(2) Tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản mọi thủ tục hành chính (TTHC).

(3) Chủ động các công việc khác của người dân.

(4) Theo dõi được việc giải quyết hồ sơ trên DVCTT mức độ 3 qua địa chỉ hòm thư điện tử. Bảo đảm công khai, minh bạch hồ sơ, TTHC.

Từ những đặc điểm cơ bản của DVCTT mức độ 3 cho thấy, việc sử dụng DVCTT mức độ 3 giúp:

(1) Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử là xu hướng tất yếu và khách quan với việc cung cấp ngày càng nhiều hơn các dịch vụ hành chính công trực tuyến cho mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

(2) Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, nhanh hơn, thuận tiện hơn.

(3) Hạn chế phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nhà nước, tiết kiệm được thời gian và chi phí, qua DVCTT mức độ 3 còn góp phần làm giảm áp lực về các giấy tờ liên quan đến việc giải quyết các TTHC đến các cơ quan quản lý của Nhà nước. Giảm được những phiền hà cho cho mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

(4) Tạo ra những mặt tích cực có ảnh hưởng lớn đến những thay đổi trong cách thức làm việc của chính quyền địa phương, từ đó, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, cải thiện các chỉ số đánh giá chất lượng quản lý của chính quyền địa phương.

(5) DVCTT mức độ 3 dễ thích ứng, sử dụng dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả là những yếu tố quan trọng trong tác động đến mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp hướng tới việc sử dụng ngày càng nhiểu và phổ biến những loại hình dịch vụ này.

Với mỗi phương thức, tổ chức hệ thống thông tin bao gồm đầy đủ các quy định, văn bản, chất lượng DVCTT, giải đáp về dịch vụ, khiếu nại về chất lượng DVCTT mức độ 3 để đáp ứng toàn diện các nhu cầu thông tin của mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội

Thanh Xuân là một quận của Thủ đô Hà Nội, nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành phố có diện tích tự nhiên 913,2 ha và 117.863 nhân khẩu, gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc. Là một trong những quận trọng điểm của thành phố Hà Nội, luôn có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, đặc biệt về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đối với DVCTT, cải cách hành chính. Trong nhiều năm qua, UBND quận Thanh Xuân đã quán triệt, phổ biến rộng khắp tới các phường trên địa bàn quận nắm bắt kịp thời mọi thông tin, cập nhật chính xác hiệu quả và đầy đủ nhất về kế hoạch triển khai DVCTT mức độ 3.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, việc sử dụng phần mềm DVCTT mức độ 3 của 11 phường trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định. Một số phường có tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến cao như phường: Phương Liệt, Nhân Chính, Khương Mai, Kim Giang, Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Hạ Đình. Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả DVCTT mức độ 3 về lĩnh vực tư pháp tại các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội nhằm cải cách các TTHC, phục vụ tốt hơn yêu cầu người dân.

Để đo lường kết quả cung cấp dịch vụ công trên địa bàn quận, UBND quận Thanh Xuân đã chủ động lấy ý kiến khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính quận Thanh Xuân trong quá trình sử dụng dịch vụ hành chính công. Trong nội dung khảo sát trực tiếp được thực hiện ngay tại bộ phận một cửa của các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân về đối tượng lấy ý kiến khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng là người dân làm thủ tục đăng ký khai sinh. Sau khi nhận kết quả giấy khai sinh, người dân sẽ được phát phiếu khảo sát, đo lường mức độ hài lòng đề nghị đưa ra ý kiến đánh giá về sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Theo số liệu báo cáo khảo sát của UBND quận Thanh Xuân, năm 2020, có 50 phiếu khảo sát được phát đến từng người dân tại mỗi phường trên địa bàn quận. Người dân sau khi trả lời một số câu hỏi về tiêu chí đánh giá của phiếu khảo sát, được hướng dẫn bỏ vào hòm phiếu khảo sát TTHC. Tổng số phiếu khảo sát của mười một phường là 550 phiếu.

Thông qua khảo sát để lấy ý kiến đánh giá của người dân và tổ chức trên địa bàn quận Thanh Xuân, về sự phục vụ của các cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường. Với các tiêu chí đưa ra, chỉ số hài lòng tại tiêu chí kết quả cung ứng dịch vụ công hành chính được người dân đánh giá cao nhất đạt 97,19%; chỉ số hài lòng về tiêu chí công chức trực tiếp giải quyết công việc xếp thứ hai đạt 94,78%; chỉ số về TTHC xếp thứ ba đạt 94,01% và cuối cùng là tiêu chí tiếp cận dịch vụ công chỉ số hài lòng đạt 93,78%

Chỉ số về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công hằng năm được người dân đánh giá, duy trì ở mức cao năm sau cao hơn so với năm trước (năm 2017 là 89%, năm 2018: 91,2%, năm 2019: 97,19%). Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công năm 2020 được người dân đánh giá ở mức rất cao đạt 98,13%.

Chỉ số hài lòng về đội ngũ công chức trực tiếp giải quyết công việc (đo lường thái độ giao tiếp của công chức, việc lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn, tuân thủ quy trình giải quyết công việc) đã được cải thiện, đạt 94,78% vào năm 2019 và 96,57% vào năm 2020.

Về TTHC (người dân đánh giá việc niêm yết công khai, quy định thành phần hồ sơ, mức lệ phí phải nộp) tuy chỉ số có cao hơn so với năm trước (năm 2018 là 92%, năm 2019: 94,01%, năm 2020: 97,61%), chỉ số hài lòng của người dân đạt mức khá.

Đối với chỉ số tiếp cận dịch vụ công (khảo sát ý kiến đánh giá của người dân về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tại bộ phận một cửa cấp quận và cấp phường) năm 2020 đạt 94,91%.

Hình thức tìm hiểu TTHC phổ biến là tìm hiểu qua chính quyền phường, quận và qua người thân, bạn bè chiếm đến 64,3% tổng số ý kiến được hỏi, tiếp đến là qua phương tiện thông tin đại chúng chiếm 18,9%, tiếp đến là hình thức tìm hiểu qua internet chiếm 16,3%.

Hình thức tìm hiểu thông tin về dịch vụ hành chính công của người dân hiện nay chủ yếu bằng phương thức truyền thống, tỷ lệ tìm hiểu TTHC qua internet đã được cải thiện nhiểu so với các năm trước chiếm 16,3% (năm 2019 là 14,5% và năm 2018 là 12,7%), điều này thể hiện được rằng người dân đã quan tâm hơn tới việc tìm hiểu thông tin về TTHC trên môi trường mạng internet và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC.

Đối với kết quả trả hồ sơ hành chính, tỷ lệ hồ sơ hành chính trả trước và đúng hẹn của các cơ quan hành chính cấp quận và cấp phường là 97,57% (trong đó hồ sơ đúng hẹn là 37,29%, hồ sơ trả sớm là 60,28%), còn lại là trường hợp hồ sơ giải quyết bị quá hạn là 2,43%.

Đối với số lần đi lại trong quá trình giải quyết công việc, có 54,78% ý kiến khảo sát trong quá trình đi giải quyết công việc là phải đi lại 01 lần; 44,07% phải đi lại 2 lần để giải quyết công việc, còn lại là 1,15% số ít người đi lại nhiều lần.

Về công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc, 100% ý kiến khảo sát nhận được trả lời trong quá trình giải quyết công việc tại các cơ quan hành chính quận Thanh Xuân không bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu.

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong công tác cải cách hành chính năm 2021 và các năm tiếp theo, đa số các ý kiến khảo sát nhận được khuyến nghị cơ quan hành chính cấp quận và cấp phường tiếp tục đơn giản hóa các TTHC (chiếm 25,7% ý kiến được hỏi); mở rộng các hình thức thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hành chính công (chiếm 25,4% ý kiến được hỏi); cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người dân tại cơ quan giải quyết (chiếm 16,6% ý kiến được hỏi) và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC (chiếm 13,4% ý kiến được hỏi).

Qua kết quả phân tích phiếu khảo sát mức độ hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính quận Thanh Xuân năm 2020, người dân và tổ chức đánh giá cao công tác cải cách hành chính của quận và kết quả giải quyết TTHC nói riêng (từ khâu tìm hiểu, niêm yết thông tin về TTHC tới cơ sở vật chất, thái độ phục vụ và kết quả giải quyết TTHC).

Từ những kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân quận Thanh Xuân trong việc tiếp cận và sử dụng DVCTT mức độ 3 cho thấy, việc nâng cao kết quả giải quyết TTHC qua cổng thông tin điện tử của quận đã được UBND quận và UBND các phường trên địa bàn quận quan tâm chỉ đạo có kết quả, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, việc cung cấp DVCTT mức độ 3 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khác phục để tạo nền tảng vững chắc hơn khi quận thực hiện cung cấp DVCTT mức độ 4, đặc biệt là từ ngày 01/7/2021, quận Thanh Xuân là một trong 12 quận, thị xã chính thức thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Những tồn tại, hạn chế đó là;

Thứ nhất, việc triển khai hoạt động của DVCTT mức độ 3 còn mang tính hình thức, nhất thời, chưa tạo động lực tích cực mạnh mẽ đến người dân địa phương bao gồm học sinh cấp hai, cấp ba và đội ngũ cán bộ về hưu. DVCTT mức độ 3 với mục tiêu luôn chọn người dân là trung tâm của sự phục vụ với một nền cải cách hành chính hiện đại, khoa học, xây dựng “công dân điện tử” tại chính quyền địa phương điện tử.

Thứ hai, công tác tuyên truyền về DVCTT mức độ 3 trên địa bàn quận Thanh Xuân chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng để làm phong phú về các hình thức tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền còn sơ sài và mang tính hình thức.

Thứ ba, tại các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân khi triển khai hoạt động của DVCTT mức độ 3 thuộc Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Hà Nội chưa tạo được hình ảnh, chưa gây được ấn tượng tốt đẹp ban đầu về sự tin tưởng của người dân vào việc giải quyết TTHC thông qua DVCTT mức độ 3.

Thứ tư, đội ngũ công chức của bộ phận DVCTT có hạn lại phải tập trung giải quyết công việc nên ít được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về ứng dụng CNTT vào cải cách TTHC.

Ảnh: https://dichvucong.gov.vn.
Một số đề xuất tăng cường hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại quận Thanh Xuân

Để thực hiện DVCTT mức độ 3 mang lại kết quả và hiệu quả cao hơn nữa, tiến tới thực hiện DVCTT mức độ 4 nhằm góp phần thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị, cần triển khai theo các đề xuất cơ bản sau:

Một là, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân nên chủ động huy động nguồn lực, phối kết hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn ngắn hạn về bồi dưỡng để cập nhật kiến thức về ứng dụng CNTT đối với DVCTT mức độ 3 cho đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận dịch vụ công. Các lớp bồi dưỡng này nên tập trung vào kỹ năng sử dụng CNTT và các phần mềm ứng dụng để đội ngũ công chức của bộ phận dịch vụ công thành thạo hơn trong các thao tác và kiểm soát phần mềm trực tuyến về tiếp nhận và giải quyết TTHC của công dân và tổ chức.

Hai là, UBND quận Thanh Xuân cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, công khai, minh bạch về DVCTT mức độ 3 đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn quận. Hình thức tuyên truyền cần linh hoạt với nhiều hình thức, đặc biệt là sử dụng tổ trưởng tổ dân phố để đưa các tờ rơi hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 đến tận người dân, đẩy mạnh nhân rộng, “Khu dân cư điện tử và Tổ dân phố điện tử” nhằm giúp người dân làm quen với việc thực hiện DVCTT hoặc có thể thực hiện các thủ tục ngay tại nhà.

Ba là, cần tiếp tục rà soát đánh giá TTHC, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa TTHC để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giải quyết TTHC.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC, bảo đảm việc giải quyết các TTHC theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại quận Thanh Xuân.

Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 146/KH – UBND ngày 30/7/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường.
2. https://thanhxuan.hanoi.gov.vn
3. Thông tư số 32/2017 TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyếnvà bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
4. Thông tư số 22/2019 TT – BTTTT, ngày 31/12/2019 về tiêu chí, chức năng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

TS. Nguyễn Đức Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia