Tạo động lực – Tăng hiệu suất

(Quanlynhanuoc.vn) – Động lực tạo ra điểm khác biệt giữa trạng thái thụ động với trạng thái chủ động. Khi có động lực, bất k ai cũng dễ dàng đạt được những thành tích xuất sắc hơn. Điều đó khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tạo động lực và tăng hiệu suất làm việc trong tổ chức.

Mô hình động lực hai yếu tố được đề cập xuyên suốt cuốn sách, trong các tình huống nghiên cứu và tiểu sử phát triển động lực của các cá nhân. Mô hình này được phân tích để trả lời cho các câu hỏi: Tại sao hai người cùng ở trong một hoàn cảnh lại hành động theo hai hướng khác nhau? Tại sao khi đứng trước cùng một cơ hội, một người chọn cách nắm bắt và phát triển bản thân, còn người kia lại bỏ qua cơ hội và ngày càng thụt lùi?

Từ mô hình động lực hai yếu tố trên, tác giả đã phát hiện ra những điểm khác biệt giữa các thế hệ và kết quả của sự khác biệt không theo chiều hướng mà nhiều người vẫn nghĩ. Hầu hết mọi người đều cho rằng: “Nhân viên trẻ thường có nhiều động lực nếu họ được làm việc độc lập và đạt được thành tựu trong công việc, họ ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố tiền lương hay khả năng mất việc”. Trên thực tế, nghiên cứu lại hoàn toàn ngược lại, động lực của nhân viên lớn tuổi ít chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên trong, còn người trẻ lại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, cụ thể là tài chính quan trọng với họ hơn.

Mức độ động lực đã quan trọng, song khoảng cách giữa “điều mong muốn” và “thứ nhận được” cũng quan trọng không kém. Nếu phần thưởng một người nhận được có giá trị thấp hơn nhiều so với điều họ mong muốn, thì đó là con đường ngắn nhất dẫn tới sự bất mãn và nhiều hệ lụy khác nữa. Không ai biết đâu là giá trị “đúng”, đâu là giá trị “sai” vì nó tùy thuộc giá trị gốc của mỗi cá nhân. Nhưng việc tìm hiểu để biết nguyên nhân coi trọng các giá trị là điều cần thiết để hài hòa mối quan hệ giữa sự thỏa mãn trong công việc và hiệu quả công việc.

Cuốn sách gồm 14 phần, mô tả những vấn đề về động lực bên trong và bên ngoài cùng các yếu tố có liên quan như: mô hình phát triển động lực, sự gắn bó với công việc, sự lành mạnh và văn hóa của tổ chức; mặt tối của động lực và khi động lực đi sai hướng,…

Những lý thuyết về khoảng cách thế hệ, tháp nhu cầu, sức khỏe tâm sinh lý, giao tiếp,… là những vấn đề không mới, nhưng được hai tác giả phân tích và dẫn dắt bằng ngôn từ dễ tiếp cận và những tình huống thực tế sinh động. Bạn đọc cũng sẽ tìm được những giải thích thú vị khác về động lực bên ngoài và phần thưởng; động lực của nhân viên thuê ngoài; mặt tối của động lực và khi động lực đi sai hướng,…

Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc.

ThS. Nguyễn Thanh Giang
Học viện Hành chính Quốc gia