Năng lực đáp ứng của chính quyền trong bối cảnh đại dịch Covid-19 – Bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 12/7/2022, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự đã tổ chức Tọa đàm “Năng lực đáp ứng của chính quyền trong bối cảnh đại dịch Covid-19 – Bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng Khoa chủ trì Tọa đàm.
Quang cảnh Tọa đàm

Về đại biểu, khách mời, có PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc phụ trách điều hành Học viện; NGƯT.TS. Vũ Thanh Xuân, nguyên Phó Giám đốc Học viện. Các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Khoa, lãnh đạo các đơn vị trong Học viện cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự đã dự Tọa đàm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải đã nêu sự tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống, từ y tế, văn hóa đến kinh tế – xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đồng thời nhấn mạnh, ở Việt Nam, dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 và đến nay, với mỗi đợt bùng phát dịch đều có xu hướng lây lan phức tạp và mạnh hơn cả về phương diện số lượng, địa bàn lẫn độ tăng nặng của bệnh nhân. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu chống dịch. Đến nay, trên cơ sở đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; tích cực xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia nhận định trong năm 2022, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được, có thể xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch diễn biến phức tạp. Do vậy, việc tổ chức Tọa đàm để đúc rút một số kinh nghiệm bước đầu từ thực tiễn phòng, chống dịch trong thời gian qua là một việc làm cần thiết, nhằm nâng cao năng lực ứng phó của chính quyền trước diễn biến phức tạp của đại dịch cũng như trước những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ giảng viên về những vấn đề lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa làm cơ sở cho việc nâng cao năng lực của chính quyền các cấp nhằm ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề khẩn cấp nảy sinh từ nhiều bối cảnh.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tham luận tại Tọa đàm

PGS.TS. Trần Khắc Phu có bài tham luận tập trung vào vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng khoa học, hợp lý để không xảy ra tình trạng quá tải giường bệnh và tử vong cao. Dựa vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ của các quốc gia cần điều chỉnh chiến lược quan trọng để giải quyết sự đa dạng lây truyền Sars-CoV-2, giảm bớt tác động của dịch bệnh và chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch Covid-19. Cần có những giải pháp phù hợp trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” vào từng thời điểm, từng địa điểm, từng loại hình hoạt động, từng địa phương để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Theo ông, trong thời điểm hiện nay, cần khuyến khích, tăng cường trách nhiệm cá nhân trong phòng bệnh cho bản thân và gia đình, cộng đồng là vô cùng quan trọng. Các ngành, các cấp, các địa phương không chủ quan, không bị bất ngờ trước mọi tình huống dịch xảy ra. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như sự tham gia đồng bộ của các bộ, ban, ngành cùng toàn dân, kết hợp với công nghệ thông tin, truyền thông là vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Cũng tại buổi Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển có tham luận “Năng lực của chính quyền trong ứng phó với tình huống bất thường từ thực trạng xử lý dịch Covid-19 ở Việt Nam – bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước”. Tham luận nhấn mạnh, Nhà nước nắm phương tiện của xã hội gồm nguồn nhân lực và tài lực. Nhà nước là một thiết chế quản trị có khoa học, kinh nghiệm, kỹ năng và sự minh bạch trong giải trình. Vì vậy, những quyết sách của Nhà nước trong dịch bệnh có sức mạnh xã hội to lớn, bên cạnh những kết quả đạt được trong những quyết sách phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, thì những hạn chế, bất cập cũng được bộc lộ, đó là: một số cơ quan, địa phương còn lúng túng trong việc ra các quyết định điều hành liên quan đến giải pháp ứng phó; tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng trong giai đoạn đầu của dịch; sự thiếu thống nhất giữa các địa phương; sự tư vấn, tham mưu của các cơ quan chuyên môn về các biện pháp ứng phó dịch cho Chính phủ còn chậm… Từ những hạn chế đó, rất cần những giải pháp tháo gỡ khó khăn, cả về chủ trương, chính sách cho đến những quyết định hành chính nhằm tạo sự kích thích, thúc đẩy hoạt động quản lý ứng phó. Đồng thời với đó là công tác kiểm tra, giám sát hành chính của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc kịp thời, khẩn trương đưa ra các giải pháp ứng phó dịch bệnh sớm nhất trong cộng đồng.

NGƯT.TS. Vũ Thanh Xuân trao đổi tại Tọa đàm, ý kiến tập trung vào yếu tố con người trong phòng, chống dịch. Ông cho rằng, từ xây dựng, hoạch định chính sách đến ứng phó trực tiếp với dịch bệnh thì con người đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu, đặc biệt với những kết quả trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian vừa qua. Tính nhất quán giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên với cấp dưới trong việc ra quyết định, chỉ đạo cũng là yếu tố góp phần thành công trong ứng phó với dịch bệnh hiện nay.

TS. Hoàng Vĩnh Giang, giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự tham luận tại Tọa đàm

Ngoài ra, tại buổi Tọa đàm còn nhận được nhiều tham luận gửi đến và nhiều ý kiến của các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện với các nội dung về: chính sách an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19; một số vấn đề về kiểm soát ủy quyền lập pháp trong phòng, chống dịch Covid-19; một số ứng dụng về quản trị tốt trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam; việc bảo đảm tính minh bạch trong thực thi chính sách phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam; những thách thức đối với chính quyền cơ sở từ đại dịch Covid-19; một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn hậu Covid-19; công tác khen thưởng, động viên kịp thời đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch…

Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Kết thúc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cảm ơn các nhà khoa học tham dự Tọa đàm, các ý kiến đóng góp về mặt học thuật cũng như những nhìn nhận từ thực tiễn rất quan trọng để ban tổ chức Tọa đàm hoàn thiện nội dung, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm tham mưu cho Chính phủ, bộ, ban, ngành để có những quyết sách trong đổi mới quản trị nhà nước nhằm ứng phó với dịch bệnh và những tình huống khẩn cấp trong tương lai một cách linh hoạt và đạt hiệu lực, hiệu quả cao.

Thu Hương