Tình hình kinh tế 9 tháng năm 2022 của cả nước khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực 

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 29/9/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì buổi họp báo.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì họp báo.

Tham dự buổi họp báo tại điểm cầu trực tiếp có, lãnh đạo Tổng cục Thống kê (TCTK); lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội. Tại các điểm cầu trực tuyến có lãnh đạo của 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội (KTXH) quý III và 9 tháng năm 2022, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, KTXH 9 tháng năm 2022 của cả nước khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất – kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước, khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều ngành hiện nay đã khôi phục mạnh và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra, như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Trong 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,2%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011 – 2022. Cả nước có 112,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 758,1 nghìn lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa có dịch Covid-19). Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,05 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 8,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 7,5%. Trong 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong 9 tháng năm 2022 là 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục triển khai hoạt động KTXH quý IV năm 2022 đạt kết quả, TCTK cũng đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu, như: tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm sống chung an toàn với dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm; quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả nhiệm vụ dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi phát triển KTXH năm 2022 – 2023; chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa vừa ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát hàng hóa vừa hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng được các nhu cầu vốn của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất trong nước; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành các ngành, các cấp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Tại buổi họp báo, lãnh đạo TCTK cũng đã dành nhiều thời gian giải đáp câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề liên quan đến tình hình KTXH 9 tháng năm 2022.

Hoàng Trang