Những yếu tố tác động đến nâng cao năng lực tham mưu của đội ngũ công chức ở Văn phòng Chính phủ giai đoạn hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc nghiên cứu những yếu tố tác động đến năng lực tham mưu của đội ngũ công chức ở Văn phòng Chính phủ là rất quan trọng, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra những chủ trương, biện pháp đúng, trúng trong lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành ở trung ương và địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị.
Ảnh: Vpcp.chinhphu.vn.
Đặt vấn đề

Trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng về năng lực tham mưu (NLTM) của đội ngũ công chức (ĐNCC) Văn phòng Chính phủ (VPCP), đảng ủy, cơ quan chức năng và cán bộ chủ trì các cấp của VPCP đã thường xuyên quan tâm, sát sao chỉ đạo nâng cao NLTM của ĐNCC với nhiều chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, linh hoạt. Vì thế, ĐNCC VPCP đã từng bước chủ động phát hiện, lựa chọn, tham mưu đúng, trúng, sát thực tiễn nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, thể chế quản lý kinh tế – xã hội vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; qua đó, nhiều vấn đề nóng, nhạy cảm, dư luận quan tâm được xử lý kịp thời, hiệu quả và có tác dụng to lớn giải phóng các nguồn lực, động viên, khơi dậy, phát huy ý thức và hành động tích cực, sáng tạo của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế, như: NLTM của ĐNCC còn chưa đồng đều, nhiều công chức, trong đó có công chức giữ vai trò lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc VPCP thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế. Một số công chức có biểu hiện giảm sút ý chí phấn đấu, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức VPCP còn chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh…

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời… đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”1. Vì thế, việc nhận định, đánh giá, dự báo được những yếu tố tác động của thế giới, khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tham mưu của ĐNCC ở VPCP đối với những hoạt động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được kịp thời, chính xác, hiệu quả trên các lĩnh vực, mặt hoạt động của đời sống xã hội.

Những yếu tố tác động đến năng lực tham mưu của đội ngũ công chức ở Văn phòng Chính phủ

Một là, khoa học – công nghệ hiện đại phát triển như vũ bão đã đưa đến sự biến đổi, phát triển mới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, của tất cả các quốc gia, dân tộc.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia – dân tộc. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ, đứng trước nhiều thách thức mới. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Thực tiễn đó đặt ra cho ĐNCC VPCP sự nỗ lực rất cao về NLTM, đề xuất cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong giải quyết những điểm nóng, phức tạp một cách hiệu quả, phù hợp, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Hai là, nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức.

Bên cạnh đó là xu hướng già hóa dân số nhanh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp… ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn; chưa quan tâm bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Những vấn đề này, tác động sâu sắc đến hoạt động của VPCP và nâng cao NLTM của ĐNCC của VPCP.

Ba là, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình” để chống phá cách mạng nước ta.

Với âm mưu “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa”, tấn công trên mặt trận chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, hòng tạo ra trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang sự mơ hồ về ý thức hệ tư tưởng vô sản, trượt dần sang ý thức hệ tư sản, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng ta, của quân và dân ta. Trong những điều kiện đó, việc giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bồi dưỡng năng lực, rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa cho ĐNCC gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bốn là, chức năng, nhiệm vụ của VPCP có sự phát triển, đòi hỏi NLTM của VPCP phải không ngừng được nâng lên.

Ngày 06/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của VPCP, theo đó, VPCP có những nhiệm vụ, trách nhiệm như sau:

(1) VPCP có nhiệm vụ xây dựng và quản lý chương trình công tác của Chính phủ; theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện chương trình công tác của Chính phủ và quy chế làm việc của Chính phủ; tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ. VPCP có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình chuẩn bị và hoàn chỉnh các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

VPCP có trách nhiệm thẩm tra về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý và tham mưu tổng hợp về nội dung; có ý kiến độc lập đối với các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo theo chương trình công tác của Chính phủ và các công việc khác do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan trình Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị nội dung, phục vụ phiên họp Chính phủ, các hội nghị của Chính phủ. VPCP có nhiệm vụ giúp Chính phủ trong quan hệ công tác với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.VPCP chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các báo cáo khi được Chính phủ giao.

(2) VPCP có nhiệm vụ xây dựng và quản lý chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong từng thời gian nhất định.

VPCP có trách nhiệm thẩm tra về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý và tham mưu tổng hợp về nội dung; có ý kiến độc lập đối với các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo theo chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ và các công việc khác do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với những công việc thường xuyên khác do các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức trình, VPCP có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan hoàn chỉnh nội dung, thủ tục, hồ sơ và dự thảo văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

VPCP có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; hoạt động của các hội đồng, ủy ban, các ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.

VPCP có nhiệm vụ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, UBNDcấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình cấp có thẩm quyền quyết định; hoặc chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

VPCP chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng báo cáo công tác, báo cáo giải trình, trả lời chất vấn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan có thẩm quyền và Nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. VPCP chủ trì soạn thảo, biên tập các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn báo chí, tài liệu phục vụ Thủ tướng Chính phủ và các báo cáo, tài liệu khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. VPCP có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết nhằm đôn đốc thực hiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị nội dung, phục vụ các cuộc họp, làm việc, đi công tác địa phương, cơ sở của Thủ tướng Chính phủ …

Bên cạnh đó, Nghị định số 79/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của VPCP cũng đặt ra yêu cầu công chức VPCP phải là những người có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, am hiểu về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi. Với những nhiệm vụ của VPCP trong thời gian tới đã tác động đến yêu cầuvề phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác của ĐNCC, đòi hỏi ĐNCC VPCP phải không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực toàn diện, trong đó có nâng cao NLTM.

Một số phương hướng nâng cao năng lực tham mưu của đội ngũ công chức Văn phòng Chính phủ hiện nay

Một là, nâng cao NLTM phải bảo đảm cho ĐNCC VPCP phát huy được vị trí, vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

ĐNCC VPCP là người trực tiếp tham mưu, đề xuất cho thủ trưởng VPCP trên các mặt công tác của Văn phòng; đồng thời, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, họ phải có năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời, có khả năng phát triển lên vị trí cao hơn. Vì vậy, quá trình nâng cao phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ của ĐNCC, chức trách, nhiệm vụ cần gì, cần đến đâu, như thế nào, cao hay thấp, đòi hỏi các chủ thể phải quán triệt vào nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao cho phù hợp và có hiệu quả. Chú trọng bồi dưỡng trình độ kiến thức toàn diện, phẩm chất, đạo đức, lối sống, NLTM…, khắc phục tình trạng chỉ chú ý đến thành tích cao mà xem nhẹ chất lượng, hiệu quả đạt được.

 Hai là, nâng cao NLTM toàn diện, song cần chú ý đến trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn của ĐNCC VPCP.

Nâng cao NLTM của ĐNCC VPCP phải bảo đảm tính toàn diện cả hệ thống tri thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo, trình độ tham mưu, đề xuất. Trong đó, chú trọng nâng cao kiến thức về chính trị, quản lý hành chính, năng lực lãnh đạo, quản lý, NLTM, điều hành hoạt động của tổ chức; bồi dưỡng, nâng cao về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, bồi dưỡng tay nghề theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Nâng cao khả năng đã có, bổ sung phát triển những vấn đề mới, những nội dung mới để ĐNCC VPCP có đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

 Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng đối với nâng cao NLTM của ĐNCC VPCP.

Nâng cao NLTM của ĐNCC VPCP là trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng, trước hết là cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chức năng các cấp ở VPCP. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên có chủ trương, biện pháp nâng cao NLTM của ĐNCC VPCP. Chính quyền các cấp phải cụ thể hoá chủ trương, biện pháp lãnh đạo thành kế hoạch công tác của người đứng đầu, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, phối hợp, hiệp đồng, chỉ đạo chặt chẽ toàn bộ quá trình hoạt động nâng cao NLTM của ĐNCC VPCP.

Các lực lượng có liên quan đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn và các nhiệm vụ được phân công. Thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho ĐNCC VPCPthực hiện tốt các nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng, nâng cao NLTM đã xác định. Đồng thời, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để ĐNCC VPCP yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

 Bốn là, phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động của ĐNCC VPCP trong quá trình tự nâng cao NLTM.

ĐNCC VPCP phải xác định đúng trách nhiệm chính trị, có thái độ, động cơ, xây dựng cho mình tình cảm trong sáng, nghiêm khắc trong việc tự phê bình, phê bình, đánh giá đúng bản thân, nhận rõ ưu điểm, thấy hết hạn chế, chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt kế hoạch tự học tập, rèn luyện nâng cao NLTM của bản thân. Quá trình tự nâng cao, ĐNCC VPCP phải tích cực, chủ động, tự giác trong mọi khâu, mọi bước. Các tổ chức, các lực lượng, mà trực tiếp là cấp ủy Đảng luôn theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, động viên và tạo điều kiện cho ĐNCC VPCP tự học tập, tự rèn luyện nâng cao NLTM của mình.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXBChính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.109.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 79/2022/NĐ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ Văn phòng Chính phủ lần thứ 26 nhiệm kỳ 20212026.
3. Thang Văn Phúc. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức công chức trong điều kiện cải cách hành chính Nhà nước. Tạp chí Cộng sản, tháng 9/2003.
4. Nguyễn Phú Trọng, Trần Văn Sầm (Đồng chủ biên). “Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. H. NXB Chính trị quốc gia, 2003.

                                                   Phạm Trung Anh
         Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ