Các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh Long An

Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 và bùng phát ở một số quốc gia trên thế giới. Ngày 31/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, trên phạm vi cả nước. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, các biến chủng mới xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, nguy hiểm hơn, diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên quy mô rộng, trong điều kiện nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Giai đoạn đầu còn lúng túng trong công tác phòng, chống dịch (PCD), tất cả hoạt động phải tuân thủ theo quy định, đến thời điểm đỉnh dịch, một số hoạt động bắt buộc phải thực hiện nhanh, kịp thời và đáp ứng phù hợp với thực tế tại tỉnh. Ví dụ như việc cách ly người tiếp xúc theo quy định phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung nhưng với số lượng nhiều doanh nghiệp thì Long An là một trong 5 tỉnh thành đầu tiên quyết định phong tỏa phạm vi doanh nghiệp để làm cơ sở cách ly tập trung, những ca F0 thì chuyển qua khu điều trị cũng trong phạm vi doanh nghiệp, các ca F1 thì ở tại nơi làm việc và thực hiện đúng quy định về 3 tại chỗ để giảm tải cho các khu cách ly tập trung của tỉnh. Long An cũng là một trong những địa phương đầu tiên cho thí điểm cách ly điều trị tại nhà đối với những trường hợp trong gia đình có người dương tính với Covid-19 nhằm giảm tải cho cơ sở điều trị.

Công tác xét nghiệm sàng lọc theo quy định thời điểm đó bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR mới được chẩn đoán dương tính, tuy nhiên, Long An đã thành lập khu cách ly tạm thời đối với các trường hợp test nhanh dương tính trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR nhằm tách nguồn lây làm giảm tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Về công tác thủ tục quản lý theo quy định, UBND tỉnh phải ký quyết định cách ly người tiếp xúc ca bệnh và quyết định cách ly vùng y tế. Sở Y tế tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phân quyền cho Sở Y tế ban hành quyết định cách ly người tiếp xúc và UBND cấp huyện ban hành quyết định cách ly vùng y tế tại địa phương nhằm kịp thời giải quyết thủ tục cho các trường hợp cách ly.

Từ ngày 21/9/2021, trước diễn biến tình hình người dân từ các tỉnh ồ ạt trở về quê ở các tỉnh miền Tây qua các chốt trên địa bàn tỉnh Long An, đặc biệt, ngày 30/9/2021, có khoảng 1.300 người dân với hàng trăm xe mô tô tập trung tại chốt PCD thuộc huyện Đức Hòa yêu cầu thông chốt để về quê gây ùn ứ, tắc nghẽn giao thông cục bộ, thông qua ứng dụng Trueconf, lực lượng công an cơ sở đã kịp thời truyền hình ảnh và báo cáo thực tế tình hình về Ban Chỉ đạo PCD tỉnh để có chỉ đạo xử lý tình huống một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời để ổn định tình hình, vừa bảo đảm giải quyết thỏa đáng nhu cầu về quê của người dân, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định PCD; không để dịch bệnh phát sinh lây lan dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.

Hội Nông dân các cấp cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp hay như mô hình “Bếp ăn từ thiện lan toả yêu thương”, “Hạt gạo trao tay, vượt qua đại dịch” của huyện Tân Trụ; mô hình “Chuyến xe rau nghĩa tình” của huyện Cần Giuộc;  mô hình “Shipper Hội Nông dân” của huyện Vĩnh Hưng, mô hình “Gian hàng bình ổn giá” của MTTQ và các tổ chức chính trị thành phố Tân An; mô hình “Gian hàng 0 đồng” của Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố; mô hình “Phối hợp với MT-ĐT địa phương hàng ngày nấu cơm” cho lực lượng công an, xã đội tham gia giữ chốt, khu cách ly, bệnh viện dã chiến của huyện Thạnh Hóa, Thành phố Tân An… nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn vượt qua cơn đại dịch.

Bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch

Một là, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác PCD trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác PCD và trực tiếp đi xuống các cơ sở để giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác PCD.

Hai là, bảo đảm ổn định an sinh xã hội; chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nguồn lực cần thiết, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Đặc biệt, chú trọng công tác an sinh xã hội đối với người nghèo, công nhân, người lang thang, cơ nhỡ.

Ba là, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định PCD, tuyên truyền các thông tin xấu độc gây ảnh hướng tiêu cực đến công tác PCD.

Bốn là, tuyên truyền người dân tham gia tiêm chủng phòng Covid-19 để phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng. Triển khai hiệu quả các biện pháp chuyên môn về y tế, đồng thời, bảo đảm người dân phải được tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.

Năm là, bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa; thúc đẩy, duy trì sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về PCD; cung cấp thông tin báo chí minh bạch, kịp thời để người dân hiểu, tự giác phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn. Tăng cường hiệu quả triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh.