Tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh                

(Quanlynhanuoc.vn) – Phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống là nhân tố có ý nghĩa nền tảng, căn bản, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên và hiệu quả tổ chức, hoạt động của cả hệ thống chính trị. Việc chăm lo đến công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.
Ảnh minh họa (nhandan.vn)

 

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì làm không được việc”1. Để xây dựng được đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, Đảng ta đã tiến hành nhiều mặt công tác, trong đó nâng cao tư tưởng, đạo đức, lối sống (ĐĐLS) cả đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sau 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã “có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực”2, góp phần “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”3. Đa số CBĐV tích cực trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát huy quyền làm chủ và vai trò của Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái được nâng lên. Nhân dân tin tưởng, chủ động và tích cực hơn tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về TTCT, ĐĐLS, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng4.

2. Tuy nhiên, trước những tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó có mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học và công nghệ…, một bộ phận không nhỏ CBĐV có biểu hiện suy thoái về TTCT, ĐĐLS. Trong giai đoạn 2012 – 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng5.

Nội dung vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên chủ yếu về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản; thực hiện đề án nghiên cứu khoa học, dự án đầu tư; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; giải cứu đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19; một số CBĐV suy thoái TTCT, phẩm chất ĐĐLS, trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do một số tổ chức cơ sở đảng buông lỏng công tác giáo dục TTCT, chưa nắm chắc diễn biến TTCT, ĐĐLS của đảng viên; đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên còn biểu hiện nể nang, hình thức, nặng về thành tích; chưa làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên, việc chuyển sinh hoạt đảng, xét miễn sinh hoạt đảng còn lỏng lẻo; chưa thường xuyên rà soát, kiên quyết sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn hạn chế, nặng về số lượng, chưa quan tâm giáo dục lý tưởng cách mạng và rèn luyện, thử thách đối với quần chúng phấn đấu vào Đảng; chất lượng một số đảng viên mới còn hạn chế. Một số quy định, hướng dẫn về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường, quan điểm, bồi dưỡng và phát triển phẩm chất tốt đẹp của mỗi CBĐV của Đảng sẽ góp phần chủ động ngăn ngừa sự suy thoái về TTCT, ĐĐLS trong CBĐV. Đồng thời, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, chống mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, mơ hồ mất cảnh giác, bảo đảm cho đội ngũ CBĐV luôn có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

3. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đội ngũ CBĐV của Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quá trình quản lý đội ngũ CBĐVvề bồi dưỡng TTCT, ĐĐLS.

Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ rõ: “Chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh; tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch”6. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp vừa có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đội ngũ CBĐV trong việc bồi dưỡng, nâng cao TTCT, ĐĐLS của CBĐV, vừa góp phần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về TTCT, ĐĐLS của một bộ phận không nhỏ CBĐV. Theo đó, đội ngũ CBĐV cần phải thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt việc phân công công tác cho đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cấp ủy, tổ chức đảng cần căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, đặc điểm tâm lý, phẩm chất, nhân cách của đội ngũ CBĐV để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác TTCT, ĐĐLS của đội ngũ CBĐV phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị mình.

Trong quá trình thực hiện nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; thường xuyên đổi mới phương pháp nắm tư tưởng, ĐĐLS của CBĐV, đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và khả năng nhận thức chính trị của họ để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng. Cần phân công cấp ủy viên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý TTCT, ĐĐLS; định kỳ theo tháng, quý, năm thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; qua đó, chỉ ra những mặt mạnh, hạn chế và nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác vận động quần chúng, tạo môi trường thuận lợi để mỗi đảng viên khẳng định mình trong thực tiễn công tác. Kịp thời phát hiện, đấu tranh với những tư tưởng tiêu cực, các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch xâm nhập vào cơ quan, đơn vị.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp quản lý đội ngũ CBĐV về nâng cao TTCT, ĐĐLS.

Các cấp ủy đảng cần có chương trình, kế hoạch, đề án nhằm triển khai hiệu quả tinh thần, nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW, trọng tâm cần tiếp tục bám sát công tác giáo dục TTCT của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị; các nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, tăng cường sự thống nhất, đồng thuận về TTCT trong đội ngũ CBĐV; nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường quản lý CBĐV toàn diện cả về TTCT, ĐĐLS; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của CBĐV, trước hết là bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác giáo dục TTCT. Cần xác định rõ các nội dung tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện; nâng cao tính chiến đấu, giáo dục, thuyết phục và chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục TTCT. Tiến hành công tác thi đua, khen thưởng, thực hiện trách nhiệm nêu gương của CBĐV và đồng thời cùng với việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên theo tinh thần Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị quy định về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Ba là, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng năng lực, ý thức trách nhiệm, phương pháp tác phong công tác cho đội ngũ cấp uỷ viên trực tiếp quản lý, theo dõi TTCT, ĐĐLS đội ngũ CBĐV.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc học tập chính trị của cán bộ. Người nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”7. Người cán bộ phải trước hết là người hiểu đúng, quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Hiểu đúng rồi thì đem ra vận dụng để cho công việc thành công. Cán bộ, cấp ủyviên được phân công trực tiếp làm công tác quản lý đội ngũ CBĐV phải là những người có tính đảng cao, có uy tín trong cơ quan, đơn vị; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có phương pháp tốt trong vận động, giáo dục, thuyết phục đảng viên. Vì vậy, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cấp ủy viên trực tiếp làm công tác quản lý có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức, cần chú trọng công tác tự bồi dưỡng, tự đào tạo.

Để việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác quản lý ngày càng chất lượng, có hiệu quả, cần chú ý bồi dưỡng toàn diện cả về quản lý kinh tế, chính trị, văn hóa, quản lý hành chính, tập trung bồi dưỡng vào các tiêu chí, phương pháp xem xét, đánh giá thực trạng, biện pháp giải quyết vấn đề TTCT, ĐĐLS của đội ngũ CBĐV. Hình thức bồi dưỡng có thể qua sinh hoạt chi bộ, giao ban, hội ý; tổ chức tập huấn tại đơn vị; mở các hội thi, hội thao, thi tìm hiểu những nội dung về công tác quản lý, mời các cán bộ lãnh đạo cấp trên về phổ biến trao đổi kinh nghiệm… Trong quá trình thực hiện, các cấp cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “Cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; người đi trước, có nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng cho người đi sau, ít kinh nghiệm”; đồng thời, động viên cán bộ tự bồi dưỡng, tự tích lũy kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo trong quá trình công tác.

Bốn là, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát với xử lý nghiêm CBĐV vi phạm kỷ luật về TTCT, ĐĐLS.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”8. Để việc quản lý TTCT, ĐĐLS của đội ngũ CBĐV được tốt, cần kiểm tra, giám sát đảng viên về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giữ gìn phẩm chất, ĐĐLS; những điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc; chế độ công tác; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; trách nhiệm nêu gương của CBĐV… Tích cực quán triệt và thực hiện nghiêm những nội dung trong Quy định số 109-QĐ/TW ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện ĐĐLS của CBĐV. Theo đó, cần tập trung kiểm tra việc nghiên cứu quán triệt những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của CBĐV…. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”9.  Thông qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm về TTCT, ĐĐLS cần phải tiến hành chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý kịp thời theo đúng Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Năm là, phát huy vai trò tự quản lý, tự giác giáo dục, rèn luyện về TTCT, ĐĐLS của đội ngũ CBĐV.

Tự bồi dưỡng, rèn luyện là nhân tố bên trong đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc củng cố, hoàn thiện và phát triển phẩm chất đạo đức, nhân cách của người CBĐV. Phát huy vai trò tự quản lý, tự giác giáo dục, rèn luyện về TTCT, ĐĐLS của đội ngũ CBĐV thực chất là quá trình hoạt động có mục đích, với ý thức, trách nhiệm cao của người CBĐV hướng vào sự phát triển hoàn thiện phẩm chất cá nhân nhằm cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị. Để đội ngũ CBĐV phát huy vai trò tự quản lý, tự giác giáo dục, rèn luyện về TTCT, ĐĐLS của mình, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải xác định kế hoạch công tác tư tưởng khoa học; đồng thời hướng dẫn mỗi đảng viên về nội dung, phương thức tự quản lý, tự giáo dục; kịp thời chấn chỉnh, xử lý biểu hiện dao động, lệch lạc về tư tưởng, ĐĐLS. Mỗi đảng viên phải tự nhận thức và vận dụng các phương pháp: tự quản lý, tự thuyết phục, tự rèn luyện, tự kiềm chế, tự điều chỉnh, tự phê bình và phê bình. Đồng thời, gương mẫu, nêu cao phẩm chất nhân cách của người cán bộ cách mạng; chấp hành nghiêm túc Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, nơi công tác.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 309.
2, 3. Ban Chấp hành Trung ương. Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” (Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021).
4. Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
5. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, ngày 30/6/2022.
6. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Bộ Chính trị về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 275.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 672.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 189 – 190.
Đinh Ngọc Thạnh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Trần Văn Quang
Học viện Quân Y, Bộ Quốc phòng