Phát triển nguồn nhân lực khu vực công đáp ứng yêu cầu chính phủ số

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia năm 2023, sáng ngày 17/8/2023, tại Hà Nội, Khoa Quản trị nhân lực đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công đáp ứng yêu cầu chính phủ số ở Việt Nam”. PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng khoa Khoa Quản trị nhân lực chủ trì hội thảo. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời, có PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có các Phó Giám đốc: PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, TS. Lại Đức Vượng; các đồng chí nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện: TS. Đặng Xuân Hoan; TS. Vũ Thanh Xuân; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng cán bộ, giảng viên khoa Quản trị nhân sự.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu chỉ ra những thách thức lớn của tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực mới, tư duy mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tư duy số cho phép nhận biết bối cảnh thuận lợi cũng như thách thức đặt ra trong thực tiễn nền công vụ hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải làm chủ, vận dụng, áp dụng được các nền tảng công nghệ số, dữ liệu sốhiệu quả. Đây là những vấn đề mới đặt ra cho khoa học quản lý, nhất là quản trị nhân lực trong yêu cầu cấp thiết phải thiết kế, tổ chức cho được mô hình, loại hình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả, phù hợp với bối cảnh phát triển nhanh, luôn thay đổi, chuyển đổi như hiện nay. Hội thảo chính là diễn đàn để các nhà khoa học tham mưu, tư vấn chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công, đóng góp những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

PGS.TS. Hoàng Mai phát biểu đề dẫn hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai nêu mục đích của hội thảo lần này nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn chuyên sâu để các nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ giảng viên cùng trao đổi, thảo luận về vấn đề lý luận, thực tiễn, giải pháp phát triển nguồn nhân lực khu vực công đáp ứng yêu cầu Chính phủ số. PGS.TS. Hoàng Mai đề nghị các nhà khoa học, đại biểu thảo luận một số nội dung trọng tâm, như: (1) Thảo luận, làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về phát triển nguồn nhân lực khu vực công đáp ứng yêu cầu Chính phủ số; (2) Khái quát về thực trạng nguồn nhân lực khu vực công và mức độ đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam; (3) Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khu vực công đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt…”. Song, vấn đề hết sức quan trọng là, chủ thể của việc thực hiện đột phá này vẫn chưa thật rõ; trong khi thực tế nguồn nhân lực Việt Nam nhiều nhưng chất lượng còn hạn chế, năng suất thấp; bên cạnh đó là chưa có công cụ để dùng làm thước đo đánh giá chất lượng nguồn nhân lực để tuyển dụng đầu vào đối với công chức, viên chức. Ông Phúc đề xuất một số giải pháp thực hiện đột phát chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải có được mục tiêu, xác định rõ tiêu chí và đo lường, dự báo được bối cảnh phát triển, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho nguồn nhân lực,…

TS. Hoàng Thị Ngân tham luận tại Hội thảo.

TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng, khi nói đến chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhận thức của người lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng trong tạo áp lực để chuyển đổi số trong đơn vị. Cùng với đó, để phát triển nguồn nhân lực thì phải có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có tay nghề cao, khả năng thích ứng với sự thay đổi của hệ thống, cơ quan, đơn vị trong bối cảnh chuyển đổi số. Để phát triển đội ngũ công chức hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số đặt ra vấn đề cần tuyển dụng công chức có trình độ, năng lực để ứng dụng chuyển đổi số, sau đó mới đến vấn đề sử dụng và bồi dưỡng nhân lực này như thế nào để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

TS. Đinh Duy Hòa phân tích, sự khác nhau giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Đinh Duy Hòa cho rằng, sự khác nhau giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số là Chính phủ điện tử tập trung số hóa các cơ sở dữ liệu, văn bản, thủ tục, quy trình… trong khi Chính phủ số tập trung vào dữ liệu được số hóa từ đó ban hành các chính sách, quyết định, cách thức phát triển ngành, lĩnh vực. Vì vậy, cần đặt ra yêu cầu đối với nguồn nhân lực là phải có kỹ năng số, năng lực số; tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cần thay đổi để phù hợp Chính phủ số. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, kỹ năng số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ số.

TS. Lại Đức Vượng chia sẻ về công tác xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia số.

TS. Lại Đức Vượng chia sẻ về công tác xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia số, về các nội dung: định danh cơ sở dữ liệu sinh viên, học viên; cung cấp, mở rộng tiện ích đối với sinh viên, học viên; đánh giá hoạt động đào tạo sinh viên, học viên bằng phần mềm tự động; hoạch định chương trình đào tạo; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cán bộ, giảng viên, viên chức…

Để phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, TS. Nguyễn Ngọc Vân cho rằng, cần phải thay đổi tư duy và phương thức giáo dục từ hướng con người làm theo thành đào tạo con người có năng lực sáng tạo.

TS. Đặng Xuân Hoan chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan cho rằng, chuyển đổi số đặt người lãnh đạo, quản lý phải có quyết tâm mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong chuẩn bị nguồn tài chính, kỹ năng và năng lực làm việc, phải làm chủ được nền tảng số. Chuyển đổi số là chuyển đổi từ tư duy đến hành động, từ phương thức chỉ đạo, điều hành đến đánh giá thực tiễn, dự báo được tầm nhìn, và với bối cảnh chuyển đổi số, mục tiêu, kế hoạch sẽ là lâu dài và phải thích ứng để phát triển.

TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, cần đưa ra được những định hướng, giải pháp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khu vực công.

Thống nhất với một số khái niệm về nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, cần đưa ra được những định hướng, giải pháp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khu vực công. Cần nhận diện nhân tài, họ là ai, tiêu chí để đánh giá nhân tài, nội dung liên quan đến vị trí việc làm và từ những yêu cầu của vị trí, việc làm đặt ra những nội dung trong quản lý, trọng dụng nguồn nhân lực trong khu vực công.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Khẳng định ý nghĩa sâu sắc trong các nghiên cứu, phát biểu, gợi mở vấn đề của các đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai trong phát biểu kết luận đã bày tỏ sự tâm đắc, cảm ơn những ý kiến, trao đổi về các nội dung trọng tâm đề ra từ đầu Hội thảo; từ đó tiếp thu những đề xuất, khuyến nghị giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho Chính phủ số thời gian tới. Các ý kiến, gợi mở từ góc độ khoa học lý luận và thực tiễn giúp Học viện trong quá trình tư vấn chính sách cho các bộ, ban, ngành hiệu quả hơn, cùng với đó là tiếp tục nâng cao, hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Tin, ảnh: Xuân Phú