Xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa công vụ có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, tạo nên môi trường làm việc tốt đẹp, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, tạo được lòng tin của người dân vào cơ quan nhà nước. Trong phạm vi bài viết, nghiên cứu sẽ làm rõ thực trạng và đề ra những giải pháp xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Xây dựng văn hóa công vụ là xây dựng phương thức làm việc khoa học, có kỷ luật, kỷ cương, chống lại sự quan liêu, hách dịch, tạo niềm tin của Nhân dân đối với cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước. Môi trường văn hóa công vụ tốt sẽ góp phần tạo nên sự đoàn kết, tạo động lực làm việc tích cực cho cán bộ, công chức giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có thái độ tích cực phục vụ Nhân dân.

Các giá trị của văn hóa công vụ đã từng bước hình thành, phát triển và tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Xây dựng văn hóa công vụ gắn liền với nội dung cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện văn hóa công vụ tại các cơ quan nhà nước vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền hành chính theo hướng hiện đại, còn nhiều bất cập trong việc tổ chức thực hiện quy chế cũng như các quy định liên quan khác. Vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện văn hóa công vụ chưa đạt hiệu quả, hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa công vụ còn mang tính hình thức. Tình trạng công chức sử dụng thời gian để giải quyết công việc riêng, lãng phí của công, vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ…, vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức.

Khái lược về văn hóa công vụ

Công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực – pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội, phục vụ lợi ích Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Văn hóa công vụ được xây dựng trên nền tảng những quan niệm về giá trị của văn hóa và giá trịcơ bản của hoạt động công vụ. Văn hóa công vụ là hệ thống các giá trị tinh thần và vật chất được hình thành trong quá trình xây dựng, phát triển công vụ, có khả năng lưu truyền, ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức và được họ thừa nhận, tuân thủ, phát huy trong quá trình thực thi công vụ.

Văn hóa công vụ là hệ thống giá trị, chuẩn mực được hình thành, duy trì và phát triển trong quá trình thực thi công vụ, được cán bộ, công chức tôn trọng, chia sẻ và cùng thực hiện, tạo thành khuôn mẫu, nền nếp trong hoạt động công vụ nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức. Từ đó có thể thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức, cần phải xây dựng văn hóa công vụ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ trong tiến trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định, tạo cơ sở pháp lý góp phần triển khai thực hiện văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước. Năm 2008, Luật Cán bộ, công chứcđược ban hành, đã có những quy định rõ ràng và cụ thể về văn hóa giao tiếp nơi công sở (Điều 16) và văn hóa giao tiếp với Nhân dân (Điều 17). Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: “… trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nêu rõ: “… phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân…; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị, phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương…”.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ (theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018) với mục tiêu: “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội”. Ngày 14/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 733/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó với Nhân dân hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Thực trạng xây dựng văn hóa công vụ tại Việt Nam hiện nay

Việc xây dựng văn hóa công vụ ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thứ nhất, đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiện đại và hiệu quả.

Hiện nay, các cơ quan nhà nước đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế làm việc, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế ứng xử công sở, quy định nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc. Nghiêm cấm những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà người dân khi xử lý, giải quyết công việc. Các cơ quan đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý, ký số văn bản trên môi trường điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử được các cơ quan nhà nước gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia là hơn 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021 nâng tổng số văn bản được gửi, nhận trên trục lên hơn 12,8 triệu. Đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 167.000 tài khoản đăng ký; hơn 102 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 32 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 531.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng1.

Thứ hai, tác phong làm việc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ ngày càng tiến bộ theo hướng chuyên nghiệp. Trong mối quan hệ công tác với cấp trên, với đồng nghiệp, với người dân; cán bộ, công chức luôn tôn trọng, thái độ lịch sự, nghiêm túc, ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Hầu hết các cơ quan nhà nước thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, văn hóa công sở cho cán bộ, công chức; đặc biệt là những công chức có vị trí công việc thường xuyên tiếp xúc với người dân như: bộ phận tiếp dân, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Bên cạnh đó, để thu thập ý kiến phản hồi, kiến nghị của người dân về kết quả phục vụ của cán bộ, công chức, ngoài phần mềm đánh giá, các cơ quan còn bố trí hộp thư góp ý và công khai đường dây nóng. Theo báo cáo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Nội vụ, mức độ hài lòng của người dân được khảo sát đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2022 là 80,08 %; trong đó, mức độ hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 79,72%, mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công là 80,43%2. Các thông số trên cho thấy, kết quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao về chất lượng, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Thứ ba, công sở làm việc ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ công việc. Tính đến năm 2022, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, tỷ lệ cơ quan nhà nước đã kết nối với mạng diện rộng (WAN) đạt trung bình 95%; tỷ lệ bộ, ngành, địa phương có trung tâm dữ liệu đạt 86,3% ở các bộ, cơ quan ngang bộ, 66,6% ở các cơ quan thuộc Chính phủ và 94% ở các địa phương. Điển hình là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính; bảo hiểm (thu thập thông tin cá nhân của khoảng 93 triệu người); dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; dữ liệu giáo dục; dữ liệu danh mục dùng chung của Bộ Y tế, Bộ Công an3

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và thực hiện văn hóa công vụ tại các cơ quan, tổ chức vẫn còn không ít hạn chế.

Trước hết, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ. Một số cán bộ, công chức chưa tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng suy thoái đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích vật chất. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện không đúng quy trình, quy định trong công tác cán bộ, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm… Nhiệm kỳ 2015 – 2020, có 2.209 cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật liên quan đến tham nhũng, trong đó có 113 cán bộ diện trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu4.

Tiếp đến, sự thay đổi về phương thức, lề lối làm việc chưa mang tính đồng bộ, thống nhất; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân; chưa có cơ chế phản hồi giữa các bên liên quan; việc sử dụng thời gian làm việc chưa hợp lý. Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm 57,8%), tỷ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%); số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính còn chậm, thiếu hướng dẫn về lưu trữ điện tử phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử5. Một số cán bộ, công chức bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử chưa chuẩn mực với Nhân dân; thiếu hợp tác với đồng nghiệp dẫn đến hiệu quả công việc không cao, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức cũng như các cơ quan nhà nước trước người dân và xã hội.

Tiếp theo, kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát đã được triển khai thực hiện nhưng trong thực tế vẫn còn tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, chưa chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, gây ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Tính đến tháng 6/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Riêng năm 2022, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so với kỳ báo cáo năm trước)6.

Giải pháp xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030

Một là, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cán bộ, công chức cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của văn hóa công vụ trong khi thi hành công vụ để bảo vệ danh dự, uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền trước Nhân dân và xã hội. Vì vậy, cán bộ, công chức phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đó là “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”.

Nhân, là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp, Nhân dân; kiên quyết chống lại những việc có hại đến Đảng, đến Nhân dân. Nghĩa, là ngay thẳng, thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói, khi nhận nhiệm vụ thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận; không sợ người ta phê bình mình mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn. Trí, là không có việc tư túi, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt; dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng; cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Dũng, là dũng cảm, gan góc; gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa; cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng; có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Liêm, là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình, chỉ ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những nguy cơ của an ninh phi truyền thống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…, đòi hỏi cán bộ, công chức cần tiếp tục học tập, rèn luyện phẩm chất “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đạo đức công vụ, hoàn thiện những phẩm chất cần thiết của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Hai là, nâng cao vai trò của người lãnh đạo.

Người lãnh đạo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa công vụ. Nếu người lãnh đạo nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công vụ, xây dựng và phát triển văn hóa công vụ trong cơ quan, cùng năng lực tổ chức, điều hành sẽ bảo đảm sự đoàn kết, dân chủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động. Người lãnh đạo phải luôn là tấm gương cho đội ngũ công chức, thực hiện tốt các quy định về văn hóa công vụ; giao tiếp, ứng xử với cấp dưới và với nhân dân với thái độ, tinh thần tôn trọng, lắng nghe, ân cần, cởi mở, chân thành, làm cho cấp dưới tuân lệnh một cách tự nguyện…

Người lãnh đạo phải thường xuyên phổ biến đến toàn thể công chức những giá trị của văn hóa công vụ, xây dựng một bầu không khí làm việc thoải mái trong cơ quan, xây dựng một cơ chế tốt để công chức có điều kiện phát triển và có cơ hội thăng tiến… Người lãnh đạo phải công – tư phân minh trong công việc, phân công công việc cho từng công chức phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn; sử dụng đúng đắn quyền lực của mình trong thi hành công vụ, không sử dụng quyền hành để mưu lợi cá nhân, đề cao tính bình đẳng, công bằng. Người có vị trí lãnh đạo cần phải có tâm sáng, tầm xa, tuệ sáng, tài cao, vì dân, vì nước, “lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ”.

Ba là, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, công chức.

(1) Đối với cấp trên, cán bộ, công chức thừa hành cần luôn giữ thái độ nghiêm túc, lịch sự, tôn trọng khi giao tiếp với lãnh đạo; chấp hành nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện những nhiệm vụ được giao theo đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn quy định; tôn trọng ý kiến của cấp trên, thực hiện góp ý một cách thẳng thắn, trực tiếp, không vì mục đích cá nhân làm tổn hại uy tín của cấp trên.

(2) Đối với cấp dưới, người lãnh đạo cần phải biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới để tránh đưa ra những quyết định không đúng; cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của cấp dưới; thông cảm chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong công việc và cuộc sống của cấp dưới; phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho cấp dưới học tập và phát triển nghề nghiệp; không cửa quyền, hách dịch, quan liêu; công – tư phân minh trong công việc.

(3) Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức cần thiết lập các mối quan hệ đồng nghiệp trên cơ sở hỗ trợ, hợp tác với nhau; tôn trọng và bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp; không né tránh, đủn đẩy trách nhiệm, công việc của mình cho đồng nghiệp.

(4) Đối với Nhân dân, cán bô, công chức cần lịch sự, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các nội dung liên quan đến công việc; không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho Nhân dân; ngôn ngữ giao tiếp cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, tránh gây sự khó hiểu, khó chịu cho người dân và làm mất thời gian, giảm hiệu quả giải quyết công việc.

Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa công vụ và phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch giữa các cơ quan và giữa cán bộ, công chức với nhau trong việc thực hiện văn hóa công vụ thông qua hệ thống quản lý giờ làm việc hiện đại (quét thẻ; hệ thống camera, máy kiểm tra vân tay…).

Tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện văn hóa công vụ của cán bộ, công chức trong việc giao tiếp, ứng xử khi thi hành công vụ…, thông qua việc lấy ý kiến của Nhân dân trong các cuộc điều tra xã hội học, khảo sát mức độ hài lòng của công dân đối với sự phục vụ của công chức.

Cần phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm ngay từ trong xây dựng chính sách. Nếu như hànhvi “tham nhũng vặt” dễ nhận  diện, đồng thời, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã có nhiều quy định cụ thể, thì ngược lại, “tham nhũng chính sách”, cài cắm lợi ích riêng vào quy định pháp luật là loại tham nhũng gây hậu quả lớn nhưng lại rất khó phát hiện.

Khi xem xét, kiểm tra, phản biện đề xuất chính sách và dự thảo văn bản    quy phạm pháp luật, cần nhận diện các dấu hiệu được xem là các yếu tố có thể gây tham nhũng, lợi ích nhóm. Chẳng hạn, phát hiện các quy định đặt ra những ngoại lệ không rõ căn cứ hoặc căn cứ không xác đáng về thẩm quyền, quyền hạn của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương; phát hiện việc đặt thêm các yêu cầu, điều kiện trong thủ tục hành chính giải quyết công việc đối với công dân và tổ chức hoặc các yêu cầu, điều kiện không rõ ràng, không phù hợp với các quy định pháp luật khác liên quan, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, phiền hà cho công dân và tổ chức khi thực hiện…

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần ban hành các quy định nhằm bảo đảm tính khách quan, vô tư của việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thực thi chính sách, bảo  đảm việc sử dụng quyền lực công được kiểm soát từ nhiều phía. Quyền lực càng bị kiểm soát chặt chẽ từ nhiều phía thì khả năng xảy ra xung đột lợi ích càng giảm.

Chú thích:
1. Cơ quan nhà nước đã gửi, nhận hơn 12,8 triệu văn bản điện tử. https://mt.gov.vn, ngày 21/7/2022.
2. Bộ Nội vụ. Chỉ số mức độ hài lòng của người dân được khảo sát đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Hà Nội, 2023.
3. Hiện đại hóa, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. https://vietnamplus.vn, ngày 27/8/2022.
4. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
5. Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không tham mưu, đề xuất, không dám làm. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 17/4/2023.
6. Báo cáo số 410/BC-CP ngày 12/10/2022 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, tr. 13.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Bộ Nội vụ. Báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, ngày 05/5/2023.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
5. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
6. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
7. Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025.
PGS.TS. Tạ Thị Thanh Tâm
Học viện Hành chính Quốc gia