(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 21/9/2023, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực miền Trung đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Kiểm soát thực quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay” thuộc đề tài khoa học cấp Bộ “Kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”, mã số đề tài: ĐT. 09/23 do TS. Trần Quyết Thắng, giảng viên Phân viện Học viện khu vực miền Trung làm chủ nhiệm; PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm, Trường Đại học Lao động – Xã hội và các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên cao cấp, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị: Học viện Chính trị Khu vực III; Thanh tra tỉnh Đắk Lắk; Trường chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định; Trường Đại học Đà Lạt; Học viện An Ninh nhân dân; Học viện Cảnh sát Nhân dân, Trường Đại học Tài chính – Kế toán… Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại tỉnh Quảng Nam kết hợp với trực tuyến trên hệ thống phần mềm Mirosoft teams.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển, Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung; PGS.TS. Nguyễn Nghị Thanh; PGS.TS. Hoàng Sĩ Nguyên và các giảng viên, nhà khoa học các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển nhấn mạnh kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương là một hoạt động tất yếu trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hiệu quả kiểm soát sẽ bảo đảm cho quyền lực của chính quyền địa phương được thực thi theo đúng pháp luật, từ đó khắc phục được xu hướng tha hóa quyền lực. Tuy nhiên, để kiểm soát được hiệu quả trong khi vẫn duy trì tính phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương là vấn đề khó khăn, đòi hỏi phải nghiên cứu cẩn trọng để đề xuất một cơ chế bảo đảm được tính cân bằng đó. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đối với vấn đề về kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay là việc làm cần thiết và cấp bách.
Mở đầu tham luận hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Nghị Thanh cho rằng: kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương hiện nay gắn liền với mô hình quản lý công mới. Theo đó, kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương phải dựa trên 4 trụ cột sau: (1) sự tham gia của người dân; (2) tính công khai, minh bạch; (3) trách nhiệm giải trình và (4) phân quyền rõ ràng. Bốn trụ cột này có sự quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau để nâng đỡ các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương.
Dưới góc độ nghiên cứu thực tiễn, TS. Hạ Nhất Duy, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk nêu vấn đề quản lý quyền lực của chính quyền địa phương dưới góc độ thực hiện pháp luật về công khai. Theo đó, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương nói riêng đều là mục tiêu của công khai. Công khai là điều kiện để bảo đảm minh bạch. Do đó, để kiểm soát được thì tất yếu phải có sự minh bạch. Trên cơ sở đó, TS. Hạ Nhất Duy nhận định pháp luận hiện hành vẫn còn nhiều chồng chéo, khiếm khuyết khi điều chỉnh về công khai. Điều này đã dẫn tới những hạn chế trong quá trình thực hiện công khai ở các cơ quan nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Quỳnh Mai, Học viện An ninh Nhân dân cũng đã trình bày vấn đề kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương thông qua kiểm soát hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND. Theo đó, vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp là một minh chứng quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương. Thẩm quyền này cho phép chính quyền địa phương thể chế hóa các quan điểm chính trị của mình và tác động quan điểm đó vào đời sống xã hội. Chính vì thế, cần thiết phải kiểm soát hoạt động này để tránh lợi ích nhóm và các biểu hiện tha hóa quyền lực khác thông qua chính sách.
PGS.TS. Hoàng Sĩ Nguyên, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung cho rằng, sự tha hóa quyền lực nhà nước là tất yếu vì xuất phát từ bản chất của con người. Chính vì thế, kiểm soát quyền lực nhà nước cũng là sự tất yếu. Ở cấp chính quyền địa phương, vấn đề tha hóa quyền lực càng đáng lo ngại vì đây là cấp gần dân và trực tiếp thực thi các chính sách có tác động đến sinh kế của người dân. Việc kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương vì thế phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.
Đồng quan điểm trên và phân tích mở rộng bằng minh chứng tại các mô hình Xô Viết, mô hình Hoa Kỳ và mô hình Anh Quốc, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định vấn đề tha hóa quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực là hai tiền đề không cần phải chứng minh. Vấn đề còn lại cần phải nghiên cứu chính là mô hình kiểm soát nào mang đến hiệu quả cao nhất. Những vấn đề như chủ thể, cơ chế và phương thức kiểm soát nào mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương? Trên cơ sở câu hỏi nghiên cứu đó, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung đã phân tích 3 mô hình tổ chức và kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương kể trên và rút ra một số lưu ý đối với trường hợp của Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu và giảng viên với gần 30 bài viết, tham luận được gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo, cũng như nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các quan điểm, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia được trình bày trong các bài viết, ý kiến thảo luận tại Hội thảo xoay quanh 2 nội dung chính, gồm: những vấn đề chung về kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương và những vấn đề riêng về kiểm soát quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo đạt được là rất lớn khi đã nhận được đông đảo ý kiến tham luận, thảo luận từ các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên là những chuyên gia đầu ngành, những nhà quản lý có kinh nghiệm thực tiễn. Các tham luận, thảo luận đã mang đến nhiều khía cạnh lý thú, độc đáo và sâu sắc cho việc triển khai đề tài khoa học cấp Bộ “Kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”. PGS.TS. Nguyễn Minh Phương cũng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Học viện, lãnh đạo Phân viện Học viện khu vực Miền Trung và toàn thể các nhà khoa học đã tạo điều kiện, quan tâm tham gia ý kiến và góp phần làm nên thành công của Hội thảo.