Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát chính sách

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 22/9/2023, tại Hà Nội, Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát chính sách. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa chủ trì Hội thảo. 
Quang cảnh Hội thảo.

Đại biểu dự Hội thảo có: TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài Học viện; lãnh đạo, giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Khoa học liên ngành. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Phân viện khu vực miền Trung, Phân viện khu vực Tây Nguyên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Khoa học liên ngành phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện chính sách là một nhu cầu tất yếu của xã hội, là hoạt động mang mục đích xã hội, pháp lý tích cực nhằm hướng đến sự hoàn thiện của các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình vận hành quyền lực và thực hiện các chức năng kinh tế – xã hội. Hoạt động này có chủ thể tham gia rất đa dạng là các thành phần trong xã hội, theo cơ chế với những phương pháp, hình thức và quy trình nhất định. Trong đó, Nhân dân là chủ thể cốt yếu và cơ bản nhất tạo nên hiệu lực, hiệu quả của chính sách, khẳng định nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Hội nghị mong muốn được tiếp thu những ý kiến tham luận tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung chính:

Một là, chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nói chung và trong phản biện, giám sát chính sách nói riêng.

Hai là, những vấn đề lý luận về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát chính sách.

Ba là, thực trạng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát chính sách ở Việt Nam hiện nay.

Bốn là, nghiên cứu kinh nghiệm bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát chính sách của một số quốc gia trên thế giới.

Năm là, các giải pháp góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình phản biện, giám sát chính sách ở Việt Nam trong thời gian tới.

GS.TS. Nguyễn Trọng Chẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Triết học tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Trọng Chẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Triết học đã làm rõ những vấn đề cơ bản về quyền làm chủ của người dân trong giám sát và phản biện chính sách. Đảng và Nhà nước nước ta coi dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển nhằm thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và có thể diễn đạt đầy đủ hơn là “dân chủ, tự do, công bằng, nhân văn, dân giàu, nước mạnh”. Qua đó, đặt ra yêu cầu mở rộng dân chủ, đồng thời,phải thực hành dân chủ một cách thực chất trong việc dự thảo, trong phản biện chính sách, ban hành chính sách và cả trong quản lý hiệu quả thực thi chính sách dưới sự lãnh đạo của Đảng.

TS. Tạ Văn Sỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Bàn sâu hơn về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong giám sát và phản biện chính sách, TS. Tạ Văn Sỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, trong thời gian qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường huy động các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu trong công tác giám sát sát và phản biện xã hội, góp phần tích cực vào việc phát huy quyền làm chủ của người dân trong giám sát và phản biện chính sách. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua thiết chế của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thông qua việc tập hợp, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước (tiêu biểu là báo cáo trước các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương); phát huy dân chủ trong giám sát chính sách thông qua việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

PGS.TS. Trần Nam Chuân, nguyên cán bộ Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng tham luận tại Hội thảo.

Quan tâm đến nội dung phản biện, giám sát quyền lực cán bộ, Đại tá, PGS.TS. Trần Nam Chuân, nguyên cán bộ Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng chia sẻ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát quyền lực cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống nhũng; thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Theo ông, trong thời gian tới cần tập trung triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (1) Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, của cả hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân vào việc kiểm tra, giám sát quyền lực; (2) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ; (3) Phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi thích hợp; (4) Cụ thể hóa việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thành chính sách, pháp luật và tăng cường xây dựng hoàn thiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là nội dung chủ đạo, xuyên suốt trong chủ trương, đường lối, trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện dân chủ được thể hiện dưới 2 cách thức quan trọng: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; bằng nhiều hình thức, như: tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến; công bố qua báo, đài, truyền hình, cổng thông tin điện tử… Ông nhận định, để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát chính sách, thời gian tới cần phát huy hơn nữa dân chủ trực tiếp, tăng cường đối thoại, tiếp thu, giải trình và phản hồi, hoàn thiện pháp luật trong thực tiễn. Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa dân chủ, thực hiện dân chủ trong khung khổ pháp luật. 

Ông Nguyễn Tất Thịnh, giảng viên Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Truyền năng lượng mạnh mẽ về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nhằm xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, ông Nguyễn Tất Thịnh, giảng viên Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định vai trò hàng đầu của Nhân dân, đồng thời, gợi mở vấn đề phát huy quyền làm chủ của Nhân dân xuất phát từ đâu, đến mức độ nào? Theo ông, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đặt ra 2 yêu cầu quan trọng: thứ nhất, có thông tin đầy đủ, toàn diện; thứ hai, có cơ chế để thực hiện.

TS. Cao Tiến Sỹ, Học viện Phụ nữ Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

TS. Cao Tiến Sỹ, Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận “Mô hình phản biện chính sách công tại một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam”. Tham luận phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm mô hình phản biện chính sách công từ thực tiễn ở các quốc gia phương Tây và ở một số quốc gia châu Á. Trên cơ sở đó, dự báo các xu hướng, đặt ra quy trình phản biện chính sách; khuyến nghị việc tiếp thu, nội hóa những giá trị phù hợp với mô hình phản biện chính sách trong thể chế “nhất nguyên chính trị” và quyền lực nhà nước thống nhất ở nước ta nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Ninh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Ninh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh nội dung giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân thông qua tổ chức, đặc biệt cần nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể. Trên thực tế, việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân còn nhiều hạn chế từ hình thức đến chất lượng hoạt động, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, như: nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ; quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ đặt ra yêu cầu thực hiện dân chủ như thế nào để phát huy hiệu quả, xuất phát từ nhận thức thực hiện dân chủ không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của chủ thể ra chính sách cũng như đối tượng phản biện, giám sát chính sách. Trong quá trình xây dựng và hiện thực hóa chính sách, các giải pháp tăng cường phát huy quyền làm chủ của Nhân dân cần tuân thủ pháp luật, đồng thời bảo đảm nguyên tắc đáp ứng những giá trị phổ quát chung vì sự phát triển quốc gia, dân tộc.

TS. Hoàng Quang Đạt, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Từ kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy, TS. Hoàng Quang Đạt, Học viện Hành chính Quốc gia đánh giá cao tính thời sự của chủ đề Hội thảo. Ông chia sẻ quan điểm: “Chính sách là điểm huyệt của cơ thể xã hội”. Phản biện, giám sát chính sách là một phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Với đặc thù của Việt Nam thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, để ngăn chặn xu hướng độc đoán, chuyên quyền, cần phát huy mạnh mẽ cơ chế phản biện, giám sát của quần chúng nhân dân, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tổng hợp, tiếp thu ý kiến phản biện, đồng thời, cần nâng cao năng lực giám sát, phản biện của người dân, đặc biệt trong quá trình xây dựng, thẩm định, đánh giá, ban hành và triển khai chính sách.

Đại biểu, khách mời dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận tích cực được các nhà khoa học trình bày trực tiếp tại Hội thảo, cùng gần 50 tham luận kỷ yếu Hội thảo, qua đó làm đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn nữa nhận thức về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phản biện, giám sát chính sách trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay. Những tham luận đầy tâm huyết, có giá trị cao tại Hội thảo sẽ được tiếp thu, phát triển đầy đủ, hiệu quả, góp phần tham vấn, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Khoa học liên ngành nói riêng và Học viện Hành chính Quốc gia nói chung.

Tuấn Anh