Đổi mới quản trị địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững – kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo đối với Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 19/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Phiên Hội nghị toàn thể 4 Hội nghị thường niên EROPA 2023 đã diễn ra với tham luận của các diễn giả đến từ Phi-líp-pin, Nhật Bản và Việt Nam. TS. Alex Brilliantes, Tổng Thư ký EROPA và PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đồng chủ trì.
Ông Dakila Carlos Cua, Chủ tịch Liên minh chính quyền địa phương Phi-líp-pin, Chủ tịch liên đoàn các tỉnh của Phi-líp-pin, Thống đốc tỉnh Quirino trình bày tham luận tại phiên làm việc.

Ông Dakila Carlos Cua, Chủ tịch Liên minh chính quyền địa phương Phi-líp-pin, Chủ tịch liên đoàn các tỉnh của Phi-líp-pin, Thống đốc tỉnh Quirino tham luận tại phiên làm việc với nội dung liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của Phi-líp-pin. Trong đó, ông đề cập đến 17 mục tiêu được Liên hiệp quốc đưa ra về phát triển bền vững (xóa nghèo, không còn nạn đói, sức khỏe và có cuộc sống tốt, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh; hành động về khí hậu; tài nguyên và môi trường biển, đất liền…).

Chính phủ Phi-líp-pin đã nhận thấy tính cấp bách của sứ mệnh toàn cầu và đã tích cực tham gia vào xây dựng chỉ số mục tiêu phát triển bền vững tiến bộ của Phi-líp-pin. Tuy nhiên, hiện nay Phi-líp-pin mới đạt được 01/17 mục tiêu.

Ông nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào những thành tựu mà rất khó khăn Philippines mới đạt được và vẫn còn những trở ngại đáng kể trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quan trọng này. Chính vì điều đó mà Philippines hiện đứng thứ 95/163 quốc gia trong Báo cáo Phát triển bền vững. Mặc dù Phi-líp-pin đã đạt được tiến bộ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững nhưng vẫn còn những thách thức, đặc biệt là về giảm nghèo, bình đẳng giới, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch và giá cả phải chăng, các thành phố và cộng đồng bền vững cũng như quan hệ đối tác vì sự tiến bộ. Thử thách này có thể không chỉ riêng ở Phi-líp-pin. Trên thực tế, trong Diễn đàn Thị trưởng ASEAN 2023 do Liên hiệp các thành phố và chính quyền địa phương tổ chức vào tháng 8/2023, đã đạt được sự đồng thuận quan trọng giữa các nhà lãnh đạo địa phương từ nhiều quốc gia ASEAN về việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Theo ông, Phi-líp-pin có thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền địa phương. Để chính phủ các nước có thể đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững, cần địa phương hóa cách tiếp cận của mình và trao quyền cho các đơn vị chính quyền địa phương.

Ba trụ cột an ninh của Phi-líp-pin mà ông đưa ra chính là: (1) Duy trì sự thống nhất của Phi-líp-pin cùng các nguyên tắc dân chủ và thể chế xã hội; (2) Bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế của quốc gia; (3) Bảo vệ tài sản, cơ sở hạ tầng và phúc lợi của người dân trước các mối đe dọa trong và ngoài nước.

TS. Masao Kikuchi, Đại học Meiji, Tokyo, Nhật Bản trình bày tham luận.

Tại Phiên toàn thể 4, TS. Masao Kikuchi, Chủ tịch Ủy ban Chương trình và Kế hoạch tương lai EROPA, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế Đại học Meiji, Giáo sư Chính sách công và Quản lý, Đại học Meiji, Tokyo, Nhật Bản tham luận với chủ đề: “Tính bền vững và quản trị địa phương ở Nhật Bản: Một số suy ngẫm và bài học”. Trong tham luận, TS. Masao Kikuchi giới thiệu 5 mục chính: (1) Sơ lược về hệ thống chính quyền địa phương; (2) Sáp nhập thành phố ở Nhật Bản; (3) Hợp tác liên đơn vị hành chính cơ sở tại Nhật Bản; (4) Hệ thống công vụ địa phương và cơ chế cho mượn nhân viên ở Nhật Bản; (5) Thách thức đối với tính bền vững trong quản trị địa phương ở Nhật Bản.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ trình bày tham luận.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã chia sẻ với Hội nghị nội dung về xây dựng chính quyền địa phương để quản trị tốt và là nguyên nhân, động lực của sự phát triển bền vững. Ông Tuấn khẳng định, vấn đề xây dựng chính quyền địa phương ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự tại cấp địa phương. Để cải thiện hiệu quả công tác này, có một số khuyến nghị chính sách cần được áp dụng như sau:

Thứ nhất, đào tạo và nâng cao năng lực chính quyền địa phương: để đáp ứng yêu cầu về quản lý và phát triển kinh tế, cần đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương. Điều này có thể bao gồm việc tăng cường khả năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo và hiểu biết về phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai chính sách tại cấp địa phương để bảo đảm tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của quyết định chính sách.

Thứ ba, khuyến khích đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp: chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương và tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Điều này có thể bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm phí và thuế nhập khẩu và tạo ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, chính quyền địa phương cần tăng cường tương tác và liên kết với cộng đồng, nghe và đáp ứng những ý kiến, nguyện vọng của người dân. Điều này đòi hỏi tăng cường thực hiện dân chủ, xây dựng các kênh giao tiếp hiệu quả và tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quyết định chính sách.

Thứ năm, bảo đảm xây dựng hê thống chính sách phát triển bền vững thông qua hệ thống mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các chính sách hỗ trợ cho việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Những khuyến nghị này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả và ích lợi của công tác xây dựng chính quyền địa phương ở Việt Nam, từ đó hướng tới quản trị tốt, bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước. 

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trình bày tham luận.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tham luận về một số vấn đề liên quan đến đổi mới quản trị địa phương ở Việt Nam hiện nay, mang tới cái nhìn tổng quan về những thành tựu đạt được và hạn chế từ thực tiễn thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Qua đó, đưa ra một số nội dung cần tập trung thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản trị địa phương: (1) Hoàn thiện thể chế đối với quy hoạch liên kết vùng. Liên kết vùng là vấn đề còn khá mới, thiếu sự gắn kết trong quy hoạch, chưa có định hướng rõ ràng. Hiện nay ở Việt Nam có 6 vùng quy hoạch kinh tế trọng điểm đang được Chính phủ thúc đẩy ban hành, song song với quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế của từng địa phương. (2) Hoàn thiện quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính, bảo đảm tinh gọn, giảm số lượng, tăng quy mô, tạo không gian dự địa để phát triển bền vững. Trong đó xác định mô hình tổ chức, chức năng, thẩm quyền của các đơn vị hành chính để phù hợp với quy mô mới các đơn vị hành chính. (3) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy đơn vị hành chính, đồng thời tăng cường, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trên cơ sở xác định đúng chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền ở cơ quan hành chính các cấp, phân định giữa đô thị, nông thôn, hải đảo… (4) Thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công, xây dựng cơ chế toàn diện, hiệu quả.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận về cải cách nguồn nhân lực trong khu vực công. Theo bà Hải, cải cách nguồn nhân lực cần tập trung vào hai nhóm: người tài và lãnh đạo, đặc biệt ở cấp cao nhất vì họ là nhóm người có thể mang lại sự thay đổi và đổi mới. Người tài cần được phát hiện, bố trí vào vị trí thích hợp, đào tạo, bồi dưỡng trong một quá trình lâu dài.

Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đã được ban hành. Nhiều bộ, địa phương đã mạnh dạn ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài , tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách này chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Cần xây dựng khung chính sách cho nhóm này, trong đó không chỉ chú trọng thu hút nhân tài mà còn cả các chế độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, phúc lợi. Để phát hiện nhân tài, cần đo lường, đánh giá mức độ đóng góp của họ, từ đó có kế hoạch phát triển nhân tài phù hợp. Do đó, cần phát triển một công cụ đánh giá có thể đánh giá mức độ đóng góp của nhân viên hiện tại và tiềm năng, những người sẽ được khai thác để mang lại lợi ích cho tổ chức.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cho biết, các tiêu chí đánh giá Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện trong những năm gần đây tuy thể hiện một số đặc điểm của quản trị tốt nhưng vẫn còn thiếu một số nội dung, tiêu chí quan trọng. Vì vậy, để thúc đẩy cải cách, đổi mới chính quyền địa phương ở Việt Nam theo hướng quản trị tốt, cần bổ sung thêm một số tiêu chí vào bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương, trong đó có mức độ minh bạch thông tin; khả năng đáp ứng; mức độ phân quyền cho cấp dưới; mức độ chuyển đổi kỹ thuật số…

PGS.TS. Cristoffer Berse, Phó Tổng Thư ký EROPA trình bày tham luận.

PGS.TS. Cristoffer Berse, Phó Tổng Thư ký EROPA đề xuất một số giải pháp đổi mới quản trị địa phương nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường phát triển nguồn nhân lực và là người sáng giá nhất trong bộ máy quan liêu trong khu vực công nhằm đảm bảo tuyển dụng và giữ chân những người giỏi nhất.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang chính phủ số ở cả cấp trung ương và địa phương, bao gồm các hệ thống tích hợp phần cứng, phần mềm và quan trọng nhất là phát triển “phần mềm con người”.

Thứ ba, nâng cao năng lực chính quyền địa phương trong giám sát, phối hợp, theo dõi và đánh giá để bảo đảm chiến lược sự liên kết và hiệu lực, hiệu quả hoạt động ở cấp địa phương.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa các cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là đối với sự tham gia của các bên liên quan và quan hệ truyền thông.

Thứ năm, bảo đảm nhu cầu quản trị của địa phương gắn với phát triển và tự chủ ngân sách của địa phương.

Thứ sáu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương thông qua quy hoạch toàn diện dựa trên “tinh thần khởi nghiệp” cũng như nhu cầu và thế mạnh cụ thể của địa phương, được thực hiện thông qua các phương pháp tiếp cận liên ngành và xuyên ngành và có tính đến các ưu thế vùng.

Thứ bảy, thúc đẩy đổi mới để tăng cường phân cấp chính quyền địa phương, có tính đến bối cảnh địa phương và học hỏi kinh nghiệm thành công và thất bại từ các nước.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

Trên cơ sở các tham luận của các nhà khoa học trong nước, quốc tế trình bày tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã đưa ra 4 giá trị tham khảo đối với Việt Nam: (1) Chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công, trong đó bao gồm cả hoạt động của chính quyền địa phương; (2) Nâng cao các chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân trong thực hiện dịch vụ công; (3) Cần có những giải pháp tăng cường kiểm soát nội bộ trong hoạt động của chính quyền địa phương, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của cấp chính quyền này; (4) Để góp phần đổi mới nền quản trị công, cần tăng cường việc phân cấp cho chính quyền địa phương cũng như tăng cường sự phối hợp trong quản trị địa phương; (5) Để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, cần có những kế hoạch cụ thể trên cơ sở thế mạnh của địa phương, thực hiện liên ngành, liên vùng.

Quang cảnh Phiên Hội nghị.

Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu cũng nêu một số hàm ý vận dụng cho Việt Nam:

Một là, trong trung hạn và dài hạn, quản trị địa phương cần gắn với phát triển và tự chủ ngân sách của các địa phương. Trong tầm nhìn trung hạn, quản trị địa phương ở Việt Nam cần gắn với sự phát triển của địa phương, giúp các địa phương tự chủ được ngân sách hoạt động, bên cạnh việc tiếp tục củng cố chất lượng của hoạt động quản trị theo chiều sâu mà các nghiên cứu của các học giả chỉ ra.

Hai là, cần thay đổi quy định về ngân sách của chính quyền địa phương theo hướng để chính quyền hoạt động như một doanh nghiệp. Theo đó, ngân sách của năm nay nếu còn sẽ được chuyển vào năm tài khóa tiếp sau, tránh tình trạng cố chi bằng được để không bị chính quyền cấp trên giảm ngân sách năm kế tiếp. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền địa phương là đại diện pháp nhân công quyền và là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm thu, chi trong ngân sách theo luật định.

Ba là, tăng cường sự tham gia của đa chủ thể đối với quản trị địa phương. Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương thể hiện rõ tư duy và hành động của chính quyền địa phương trong việc xem người dân là chủ thể tham gia vào việc tạo ra các giá trị kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương, bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy đầy đủ vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong đại diện cho Nhân dân địa phương; vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; vai trò của báo chí trong việc thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của quốc gia và của Nhân dân.

Bốn là, thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở địa phương. Chính quyền địa phương các cấp phải xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng và thường xuyên cập nhật, bổ sung bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số, bao gồm các chỉ số đánh giá về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương trên cơ sở kế thừa, phát triển từ bộ chỉ số đo lường Chính phủ điện tử; xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI Index), Bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Bộ chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), Bộ chỉ số đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin gắn với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị EROPA 2023.
Nhóm phóng viên