Tiến tới bình đẳng giới thực chất trong hoạt động công vụ tại Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 26/10, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bình đẳng giới trong hoạt động công vụ”. TS. Tạ Thị Hương, Phó Trưởng Khoa Quản lý xã hội chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Khách mời tham dự Hội thảo, có: bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam; bà Đào Thị Thu Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Hoành Nghĩa, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng Khoa Quản lý xã hội. Đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên của Khoa đã tới dự. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

TS. Tạ Thị Hương, Phó Trưởng Khoa Quản lý xã hội phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Tạ Thị Hương khẳng định, bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Với thế giới, sự bình đẳng giới đã phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, khoảng cách giới tính tổng thể đã giảm 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022, thu hẹp khoảng cách về trình độ học vấn ít nhất 95%. Trong khi đó, khoảng cách về tham gia kinh tế và cơ hội đã thu hẹp lại ở mức 60,1% và khoảng cách trao quyền chính trị chỉ còn 12%.

Thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, Việt Nam ngày càng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó tập trung vào Mục tiêu số 5 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu tính ổn định trong cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự giữa nam và nữ. Tỷ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn. Thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ…

Với đặc thù của khoa chuyên môn trong hệ thống của Học viện Hành chính Quốc gia, nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đồng thời trực tiếp đưa vấn đề này vào thực tiễn giảng dạy, bồi dưỡng để qua đó gián tiếp thực hiện tuyên truyền, vận động người làm chính sách, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận.

Bà Đàm Thị Vân Thoa tham luận tại Hội thảo với nội dung: “Một số vấ đề đặt ra về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chính sách pháp luật”. Theo bà, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu của mỗi giới, hướng tới bình đẳng thực chất. Bên cạnh những kết quả đã đạt được về bình đẳng giới trong xây dựng chính sách pháp luật thì vẫn còn những vấn đề, những khó khăn đặt ra trong quá trình này, như: (1) Các chủ thể tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn lúng túng khi thực hiện các quy định về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (2) Kết quả lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa thật sự hiệu quả, việc cụ thể hoá chính sách và thực thi chính sách liên quan đến bình đẳng giới còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người hưởng chính sách. Một số quy định về bình đẳng giới thiếu cụ thể dẫn đến việc thực hiện phụ thuộc nhiều vào nhận thức và nguồn lực của từng địa phương, đơn vị…

Từ những khó khăn, tồn tại trên, Bà Đàm Thị Vân Thoa đã đưa ra một số giải pháp cụ thể: (1) Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính thống nhất về phạm vi lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong cả giai đoạn đề xuất, tiến hành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và giai đoạn soạn thảo văn bản; sửa đổi mức kinh phí phục vụ quá trình đánh giá tác động, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các thống kê có phân tích tác động về giới; (2) Tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương các kiến thức cơ bản, cập nhật về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới, quy trình, nội dung lồng ghép giới; (3) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cần thực hiện việc giám sát thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, song song với việc chủ động nghiên cứu, thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo, dự án văn bản quy phạm pháp luật dưới góc độ giới.

Bà Đào Thị Thu Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tham luận.

“Bình đẳng giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay” là nội dung tham luận của bà Đào Thị Thu Hồng. Tham luận tập trung vào nhận diện thực trạng bình đẳng giới với phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay thông qua 2 nhóm hoạt động: (1) Tham gia các hoạt động giảng dạy; (2) Tham gia hoạt động học tập.

Về bình đẳng giới trong tham gia hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục, Bà Hồng cho biết, tỷ lệ nữ được phong danh hiệu phó giáo sư và giáo sư tăng đều qua từng giai đoạn. Ngoài ra, nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ trưởng, phó khoa, phòng, bộ môn và tương đương ở các trường đại học, cao đẳng; trưởng, phó phòng giáo dục, phòng chuyên môn tại các Sở Giáo dục và Đào tạo; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông… Tuy nhiên, sự chênh lệch rõ rệt ở trình độ sau đại học khi phụ nữ chỉ chiếm 28% ở trình độ tiến sỹ. Như vậy, ngày nay nữ giới có nhiều cơ hội để phát triển bản thân cũng như có không gian rộng mở để khẳng định mình. Giáo dục giờ đây là không gian để nữ giới có thể phát huy thế mạnh của mình và đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên theo bà, thực tế hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc đảm nhiệm các vai trò, chức vụ quản lý ngành Giáo dục.

Về bình đẳng giới trong hoạt động học tập, Bà Hồng nêu, nữ giới đã vượt qua rào cản để tiếp cận về hưởng thụ quyền được học tập. Tuy nhiên, chuyện đến tuổi được đi học của trẻ em gái không hề đơn giản bởi do nhiều nguyên nhân về điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa, trong đó có nguyên nhân từ bất bình đẳng giới dẫn đến trẻ em gái gặp nhiều rào cản trong tiếp cận quyền giáo dục. Phân tích cụ thể hơn có thể thấy, phụ nữ và trẻ em gái thuộc gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các em trai và nam giới trong việc tiếp cận quyền được học tập; phụ nữ và trẻ em gái vẫn chiếm số đông trong số người ở độ tuổi 15 trở lên cho đến 40 trong dân số không biết đọc, biết viết. Từ đó cho thấy, để được đến trường, được hưởng thụ quyền học tập, trau dồi kiến thức, chiếm lĩnh các nấc thang tri thức và được tôn vinh là nữ trí thức, phụ nữ phải vượt qua nhiều rào cản, về chính con đường đến với tri thức gian khổ của người phụ nữ là minh chứng quan trọng và trở thành tấm gương cho xã hội nhìn nhận rõ hơn phụ nữ cũng có quyền và có thể học hành thành đạt như nam giới.

Từ những phân tích trên, bà Đào Thị Thu Hồng đã đưa ra một số giải pháp, cụ thể: (1) Cần cải thiện tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập ở các cấp học mà không chỉ dừng lại ở tỷ lệ biết chữ của nam, nữ; (2) Khi xây dựng chính sách bảo đảm quyền được học tập, nâng cao trình độ của lao động nữ cần tính đến đặc thù giới tính nữ thực tế; (3) Cần đa dạng hóa các loại hình giáo dục ở mọi cấp học, ngành học, cần không ngừng nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ dưới mọi hình thức.

TS. Trần Thị Ngân Hà, giảng viên Khoa Quản lý xã hội trình bày tham luận.

TS. Trần Thị Ngân Hà, Giảng viên Khoa Quản lý xã hội tham luận về thực trạng bình đẳng giới trong hoạt động công vụ. TS. Hà nhấn mạnh, bình đẳng giới trong hoạt động công vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát huy vai trò của mỗi giới trong nền công vụ. Mục tiêu của bình đẳng giới trong hoạt động công vụ là xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong việc gia nhập nền công vụ, thực thi công vụ, khẳng định sự đóng góp, thăng tiến và phát triển trên con đường sự nghiệp, tiến tới sự bình đẳng thực chất trong hoạt động công vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới trong hoạt động công vụ vẫn còn nhiều vấn đề đã và đang tồn tại, là trở lực rất lớn cho quá trình này. Khung thể chế, chính sách về bình đẳng giới trong chế độ công vụ ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giới, lồng ghép giới và các văn bản liên quan vẫn còn chung chung, ít có các tiêu chí cụ thể để xác định vấn đề giới, lồng ghép giới. Vấn đề bình đẳng giới chưa được thể hiện cụ thể, minh bạch và đầy đủ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động công vụ. Chưa có sự đồng bộ, thống nhất về quyết tâm chính trị của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương với nhận thức của cộng đồng về tăng cường tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ, nhất là đối với lãnh đạo cấp chiến lược. Các quy định về nội dung mang tính bình đẳng, nhưng khi thực hiện còn có sự khác biệt về kết quả giữa nam và nữ…

Các giải pháp được TS. Trần Thị Ngân Hà đưa ra về vấn đề nêu trên là: cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề giới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động công vụ, bảo đảm tính khả thi của các quy định sau khi được ban hành; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới trong hoạt động công vụ.

Ông Nguyễn Hoành Nghĩa, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày tham luận.

Ông Nguyễn Hoành Nghĩa chia sẻ về các kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động hành chính công ở một số quốc gia trên thế giới, gồm: Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản và Phi-líp-pin. Ông Nguyễn Hoành Nghĩa đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất đối với Việt Nam: (1) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công; (2) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công; (3) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công; (4) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công; (5) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công.

Với trên 50 bài viết của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong và ngoài Khoa gửi đến, Hội thảo còn được nghe các ý kiến trao đổi của cán bộ, giảng viên Khoa Quản lý xã hội trên tinh thần học hỏi và kiến tạo tri thức.

Kết luận Hội thảo, TS. Tạ Thị Hương gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thực sự tâm huyết với chủ đề Hội thảo. Các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, làm sáng tỏ hơn lý luận và thực tiễn vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động công vụ ở Việt Nam. Điều này thực sự có giá trị đối với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Khoa. Những ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các giảng viên sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp và sử dụng phù hợp vào các nội dung có liên quan đến chương trình đào tạo, bồi dưỡng mà Học viện Hành chính Quốc gia.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Thu Hương