(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng 8/11/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề: Xây dựng năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia.
Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu, khách mời có: TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp của Cộng hòa Pháp; ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các nhà khoa học, giảng viên, viên chức của Học viện.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện chào mừng sự hiện diện của các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, giảng viên, viên chức Học viện tại Tọa đàm: “Xây dựng năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia”. Giám đốc Học viện nhấn mạnh, để hiện thực hóa tầm nhìn “đến năm 2045, Học viện trở thành trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách về hành chính, lãnh đạo, quản lý”, Học viện cần xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên có năng lực nghiên cứu khoa học, giảng dạy ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với sự tham gia và hỗ trợ của các chuyên gia và tổ chức quốc tế.
Với mục đích đó, Tọa đàm khoa học được tổ chức để các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, giảng viên, viên chức cùng trao đổi, thảo luận, xoay quanh vấn đề xây dựng năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, góp phần thực hiện chiến lược phát triển của Học viện. Tọa đàm sẽ tập trung làm rõ và trả lời các câu hỏi:
(1) Tính cấp thiết của việc phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên Học viện.
(2) Bối cảnh quốc tế và những yêu cầu đặt ra, năng lực cần có đối với viên chức, giảng viên Học viện.
(3) Khảo sát năng lực và nhu cầu phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của viên chức, giảng viên Học viện.
(4) Chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong môi trường quốc tế của viên chức, giảng viên Học viện.
Tham luận tại Tọa đàm, TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp của CH. Pháp và ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề đã trao đổi, xoay quanh vấn đề về đào tạo để làm việc thành công trong môi trường quốc tế. Theo đó, các nội dung của tham luận tập trung vào các vấn đề lớn, như:
(1) Giới thiệu về môi trường làm việc quốc tế: nội dung này nhấn mạnh, hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu; tính đa dạng văn hoá tác động đến môi trường làm việc quốc tế, do đó, việc nắm vững kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế trở nên quan trọng; làm việc trong môi trường quốc tế vừa là thách thức, vừa mở ra cơ hội lớn như: tiếp cận nguồn nhân tài rộng lớn hơn; nhiều quan điểm đa dạng và các giải pháp sáng tạo; tiếp cận thị trường toàn cầu.
(2) Vượt qua sự nhạy cảm về văn hóa: khi làm việc trong môi trường quốc tế, chúng ta sẽ đứng trước những thách thức chung, như: sự khác biệt về văn hóa; rào cản về ngôn ngữ; sai lệch và hiểu lầm trong giao tiếp; định kiến… Đứng trước những thách thức trên, TS. Phạm Thanh Thảo và ông Olivier Lefevre đã chia sẻ kinh nghiệm về các kỹ năng cần thiết để các giảng viên và viên chức của Học viện hiểu hơn trong môi trường làm việc đa văn hóa, đó là: hiểu các sắc thái, chuẩn mực và giá trị văn hóa; tôn trọng các nền văn hóa của nhau; khả năng thích ứng với các bối cảnh văn hóa khác nhau; kỹ năng giải quyết được các xung đột trong môi trường đa văn hóa; kỹ năng giải quyết những hiểu lầm về văn hóa…
(3) Lợi ích của hợp tác quốc tế: tập hợp được nguồn nhân lực chất lượng cao giúp đưa ra các sáng kiến có tính ứng dụng cao trong thực tiễn; cùng nhau giải quyết các vấn đề phức tạp trong bối cảnh hiện nay…
(4) Phát triển đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia kế cận. Theo đó, cần đầu tư nguồn nhân lực chất lượng với các kỹ năng, chuyên môn cần thiết, điều đó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về văn hóa và tạo thuận lợi cho hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế; giải quyết các vấn đề phức tạp xuyên biên giới; đóng vai trò là chất xúc tác cho các giải pháp đổi mới và hợp tác quốc tế, thúc đẩy cho một tương lai toàn cầu tốt đẹp hơn,…
(5) Thiết lập thương hiệu cá nhân toàn cầu tốt với các quy tắc, như: năng lực chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, nhân cách, sự khác biệt, sự nổi bật, tích cực, kiên trì, thiện chí. Để có được thương hiệu, mỗi cá nhân cần tạo sức hấp dẫn, sự uy tín, lòng tin, sức ảnh hưởng. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần phải có: (1) Kỹ năng giao tiếp tốt, thành thạo ngoại ngữ, hiểu sâu về kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán của nước bản địa; (2) Tư duy cởi mở để thích ứng và sẵn sàng đón nhận những ý tưởng, quan điểm và thực tiễn khác nhau giữa các nền văn hóa để hợp tác đa văn hóa và giải quyết vấn đề hiệu quả; (3) Kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường đa văn hóa nhằm tăng khả năng thúc đẩy sự hợp tác, hòa nhập và tăng hiệu quả làm việc. Đặc biệt là kỹ năng thu thập và phân tích dữ liệu để tránh “bẫy tin giả” và kỹ năng giải quyết xung đột để biết cách giải quyết và dung hòa các ý kiến chưa đồng thuận; (4) Cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục về lĩnh vực chuyên môn cũng như nền văn hóa của các nước, đồng thời phải có kỹ năng phân tích và tư duy phản biện để đưa ra quyết định sáng suốt trong bối cảnh quốc tế đa dạng; (5) Kỹ năng tổ chức hiệu lực và hiệu quả nhằm tăng năng suất làm việc.
Từ các nội dung trên, TS. Phạm Thanh Thảo và ông Olivier Lefevre đã đề xuất Chương trình phát triển năng lực đa văn hóa nhằm phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong môi trường quốc tế dành cho viên chức, giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia. Mục tiêu của chương trình gồm: (1) Cải thiện sự tự tin của viên chức, giảng viên của Học viện trong môi trường đa văn hóa; (2) Phát triển năng lực nghiên cứu và năng lực phân tích của viên chức, giảng viên của Học viện; (3) Trang bị công cụ để viên chức, giảng viên của Học viện hiểu và tối ưu hóa cách làm việc; (4) Phát triển kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và hợp tác đa văn hóa hiệu quả; (5) Phát triển kỹ năng nhạy cảm về văn hóa, khả năng thích ứng và trí tuệ văn hóa ở trình độ cao trong môi trường quốc tế; (6) Chuẩn bị cho viên chức, giảng viên của Học viện tham gia chương trình đảm nhiệm vai trò giảng viên, huấn luyện viên về phát triển năng lực đa văn hóa; (7) Rèn luyện tư duy của các nhà nghiên cứu và đổi mới trong tương lai.
Trên cơ sở 7 mục tiêu của chương trình, hai chuyên gia đã thiết kế 12 học phần nhằm giúp viên chức, giảng viên của Học viện tham gia chương trình tiếp thu năng lực đa văn hóa và củng cố các kỹ năng cơ bản, như: (1) Nền tảng của năng lực đa văn hóa; (2) Nhận thức văn hóa và nhạy cảm văn hóa; (3) Xây dựng sự tự tin; (4) Cải thiện phương pháp làm việc; (5) Khả năng giao tiếp toàn diện; (6) Kỹ năng giao tiếp đa văn hóa nâng cao; (7) Tìm hiểu những khác biệt văn hóa phức tạp; (8) Lãnh đạo và quản lý đa văn hóa; (9) Xây dựng năng lực đa văn hóa của chuyên gia; (10) Cập nhật thông tin và thúc đẩy hợp tác; (11) Thu hút sự tham gia của các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo; (12) Giảng dạy và huấn luyện về năng lực đa văn hóa.
Hai diễn giả cũng cho biết, các phương thức để triển khai chương trình này cũng khá đa dạng, như: tương tác trực tuyến, trực tiếp, thảo luận nhóm, đóng vai, tham dự hội nghị quốc tế,… đồng thời, nhấn mạnh lợi ích của việc học chương trình này là: viên chức, giảng viên sẽ nắm vững được năng lực đa văn hóa ở cấp độ chuyên gia; thành thạo trong giao tiếp đa văn hóa, đàm phán và lãnh đạo; khả năng cố vấn và đạo tạo; chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo trong môi trường làm việc quốc tế đa dạng và phức tạp nhất.
Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện đặt câu hỏi với 2 chuyên gia: “với 12 học phần trong chương trình phát triển năng lực đa văn hóa thì sẽ tổ chức trong thời gian bao lâu để hoàn thành một chương trình, với cách làm: số lượng tuyển chọn theo từng giai đoạn khác nhau phù hợp với chiến lược đào tạo dài hạn 3 năm, 5 năm thì cách làm có phù hợp với định dạng chương trình đưa ra không? Trả lời cho câu hỏi trên, TS. Phạm Thanh Thảo cho rằng, mục tiêu để tạo ra người lãnh đạo có khả năng đảm nhiệm vị trí quan trọng trong môi trường quốc tế thì thời gian lý tưởng là 3 năm, để làm nhanh hơn thì cần sự hỗ trợ và tham gia tích cực thường xuyên của Học viện và học viên.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cảm ơn những chia sẻ thú vị và hữu ích của hai chuyên gia. Những nội dung này rất quan trọng và thiết thực, mở ra ý tưởng, phương hướng, cách làm trên phương diện đào tạo nguồn nhân lực làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế. Giám đốc Học viện tin tưởng rằng, 12 học phần trong chương trình sẽ trang bị cho các giảng viên, viên chức một nền tảng tốt về kiến thức, kỹ năng để làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia.