Hội thảo khoa học quốc tế: “Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính: Kinh nghiệm của Việt Nam và Cu-ba”

(Quanlynhanuoc.vn) – Tối ngày 21/12 (theo giờ Việt Nam), Học viện Hành chính Quốc gia đã phối hợp với Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cuba tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính: Kinh nghiệm của Việt Nam và Cu-ba”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Cu-ba, Hà Nội và 3 phân viện của Học viện từ TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế.
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Dự Hội thảo, về phía Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba (tại điểm cầu Cu-ba), có: Giáo sư Mercedes Delgado Fernández, Hiệu trưởng; GS. Ana Gloria Navarro Pentón, Phó hiệu trưởng cùng cán bộ, giảng viên của Trường.

Tại điểm cầu Hà Nội, về phía Cu-ba, có: ông Joy Puentes Saldise, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Cộng hòa Cu-ba tại Việt Nam.

Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện, chủ trì Hội thảo; các diễn giả gồm: PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng Khoa Quản trị nhân lực; TS. Bùi Huy Tùng, Trưởng Ban Quản lý bồi dưỡng. Đại biểu khách mời có: TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ. Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên từ các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện tham dự Hội thảo.

Giáo sư Mercedes Delgado Fernández, Hiệu trưởng Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Mercedes Delgado Fernández, Hiệu trưởng Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo và trách nhiệm của Học viện đối với Hội thảo. Đồng thời, bà bày tỏ niềm vinh dự được chia sẻ với Học viện kinh nghiệm về công tác lãnh đạo quản, quản lý của Cu-ba. Giáo sư mong muốn, thông qua hội thảo, 2 bên sẽ có cơ sở để xác định song hành với nhiều nội dung và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý sẽ được triển khai trong tương lai gần với những kết quả tốt đẹp sẽ đạt được cho cả 2 bên.

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng và đề dẫn Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Lại Đức Vượng đã thay mặt lãnh đạo và viên chức Học viện trân trọng gửi lời cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, đại diện Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam, các đại biểu, các nhà khoa học của Cu-ba và Việt Nam tới tham dự Hội thảo do Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba phối hợp tổ chức.

Phó Giám đốc Học viện nêu, tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 2011, Cu-ba quyết tâm thực hiện cải cách mạnh mẽ trên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội với mục tiêu trọng tâm là cập nhật mô hình phát triển và mở cửa nền kinh tế nhằm thích nghi với nhu cầu phát triển của đất nước và tình hình thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc. Trong bối cảnh cải cách và thay đổi mạnh mẽ, Cu-ba đã xác định 31 quốc gia – 31 mô hình kinh tế với 51 vấn đề cần được học hỏi thông qua các mô hình và thực tiễn tốt. Việt Nam vinh dự là một trong những quốc gia được được Cu-ba ưu tiên học hỏi kinh nghiệm.

Đối với Học viện Hành chính Quốc gia, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba trong đào tạo và bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý là một trong những nội dung ưu tiên của Học viện, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Từ năm 2020 trở lại đây, hằng năm, hai bên đều tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo và bồi dưỡng công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo, quản lý.

Trên cơ sở yêu cầu về khoa học và thực tiễn đã trao đổi, thảo luận giữa hai bên, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Trường cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba thống nhất phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế ngày hôm nay. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và Cu-ba trao đổi, làm rõ bối cảnh cải cách hành chính và những yêu cầu đặt ra đối với công chức lãnh đạo, quản lý; kinh nghiệm của Việt Nam và Cu-ba trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm, các thực tiễn tốt có thể áp dụng ở mỗi quốc gia.

Với kinh nghiệm nhiều năm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và đổi mới đất nước, Học viện Hành chính Quốc gia sẵn sàng chia sẻ cùng Trường những bài học kinh nghiệm của Học viện, đồng thời cũng rất mong muốn học hỏi những kinh nghiệm quý báu của Trường để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý và cùng Cu-ba đồng hành phát triển, xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và hạnh phúc ở mỗi quốc gia.

 

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ trình bày tham luận.

Với chủ đề: “Cải cách hành chính và yêu cầu đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam”. TS. Đinh Duy Hòa đã đưa ra 4 nội dung chính của tham luận: (1) Tại sao Việt Nam phải cải cách hành chính; (2) Quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam; (3) Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; (4) Yêu cầu đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý. TS. Đinh Duy Hòa khẳng định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong các mục tiêu cụ thể và quan trọng của cải cách hành chính, trong đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò quan trọng trong hoạt động công vụ. Do vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý qua đào tạo, bồi dưỡng là hết sức cần thiết hiện nay. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo ra sự thay đổi tư duy về vai trò, chức năng của Nhà nước và của các cơ quan hành chính trong điều kiện kinh tế thị trường; nâng cao năng lực xây dựng thể chế, hoạch định chính sách của đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Giáo sư Mercedes Delgado Fernández, Hiệu trưởng Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba trình bày tham luận: “Kinh nghiệm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý tại Cu-ba”. Tại Cu-ba, Pháp luật 13 năm 2020 và Sắc lệnh 208 năm 2021 của Chủ tịch nước về hệ thống việc làm đối với công chức nhà nước và lực lượng dự bị được ban hành, trong đó quy định những cán bộ trước khi đảm nhiệm vị trí, chức vụ quản lý phải là cán bộ dự bị và trải qua các hoạt động dự bị. Bên cạnh sự chuẩn bị toàn diện để đảm nhận vị trí mới còn phải trang bị các kiến thức, kỹ năng cũng như tuân thủ nghiêm các thủ tục, quy định của pháp luật để bảo đảm được năng lực lãnh đạo, quản lý nhằm phát huy các kỹ năng liên quan đến vị trí chức vụ sắp được đảm nhận.

Bà nêu, việc chuẩn bị toàn diện cho các cán bộ trước khi đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý được Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba hỗ trợ thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội quốc gia đến năm 2030, theo hướng dẫn xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội (5 năm một lần). Theo đó, chính sách cán bộ của Cu-ba được quy định từ quy trình lập pháp chặt chẽ theo Hiến pháp mới của Cu-ba phù hợp với bối cảnh phát triển trong nước và quốc tế. Tương tự, việc chuẩn bị toàn diện cho cán bộ này nhằm mục đích giúp các cán bộ tiếp thu các kỹ năng chung về quản lý và kỹ năng cụ thể về hành chính công và quản lý kinh doanh tùy theo từng vị trí việc làm của mỗi cán bộ được bố trí.

Để có được các kỹ năng, phương pháp quản lý đổi mới, Trường Cán bộ cấp cao của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba sẽ thiết kế và xác nhận chương trình sẽ được sử dụng phục vụ cho công tác bồi dưỡng cán bộ nhằm bảo đảm rằng chương trình này không gặp vấn đề gì hoặc sẽ tiếp tục được cải tiến và được phê duyệt đưa vào hoạt động bởi lãnh đạo của Trường. Phương pháp được phê duyệt bao gồm các giai đoạn: khâu chuẩn bị, đưa ra các khái niệm về đổi mới nhằm thiết kế và thực hiện các quy định về hoạch định chính sách công cũng như tạo ra và đưa vào thực tiễn việc đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quy trình và công tác tổ chức.

Bên cạnh đó, các điểm khác của quá trình đào tạo tại Trường là sự kết hợp giữa các nhà quản lý hành chính công, các chuyên gia trong hoạt động quản lý kinh doanh đến từ các địa phương, các ngành sẽ đảm nhận giảng dạy mà các học viên, sinh viên thông qua các chương trình hội thảo gồm: hội thảo trao đổi, hội thảo tích hợp mô phỏng đa chiều, giảng dạy trực tuyến (nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra) đan xen với các chuyến tham quan thực tế sẽ giúp người học được trải nghiệm tốt nhất, chân thực nhất khi tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Trường. Cách làm có hệ thống này sẽ thúc đẩy khả năng trao đổi và học hỏi giữa giảng viên và học viên, sinh viên.

Bên cạnh các chương trình giảng dạy, bà cũng đã nêu quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học viên, sinh viên của trường đã đạt được những thành tựu nhất định, như: 12 năm kể từ khi Trường được thành lập, đã có hơn 14.000 nhà quản lý đã tốt nghiệp theo nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Có 259 người từ 7 khóa học đào tạo sau đại học chuyên ngành hành chính công tốt nghiệp. Có 1.815 cán bộ Nhà nước và Chính phủ đã tốt nghiệp trong 26 khóa học (với 3 chương trình có cấp bằng khác nhau với thời gian bồi dưỡng kéo dài từ 10 – 12 tuần). Trường còn có nhiệm vụ tư vấn về mặt phương pháp cho 27 cơ quan được ủy quyền trong nước trong việc nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực hành chính công và quản lý kinh doanh.

Giáo sư nhấn mạnh, việc đào tạo các nhà quản lý với cách tiếp cận toàn diện, có chiến lược và với định hướng đổi mới mà Trường đang hoạt động và hướng đến sẽ tạo điều kiện cho sự thay đổi về tâm lý để đạt được một nền quản trị công và doanh nghiệp phục vụ người dân với tính minh bạch, nhanh nhẹn, hiệu lực và hiệu quả góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách hướng đến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia đến năm 2030 và sự phát triển bền vững và thịnh vượng của chủ nghĩa xã hội ở Cu-ba trong thời gian tới.

        

TS. Bùi Huy Tùng, Trưởng ban Quản lý bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

Đổi mới hoạt động bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở Việt Nam” là nội dung tham luận của TS. Bùi Huy Tùng, Trưởng Ban Quản lý bồi dưỡng. TS. Bùi Huy Tùng nêu, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các quốc gia phải nhanh chóng chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính công khai, trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp.

Với vị trí là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia đã tập trung phát triển hoạt động bồi dưỡng nói chung và bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý nói riêng bám sát yêu cầu đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, đồng thời triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Tham luận cũng đã nêu một số hoạt động về: phát triển đội ngũ giảng viên; bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phát triển đất nước; về nghiên cứu khoa học; thúc đẩy hợp tác quốc tế; thiết kế, xây dựng nội dung bồi dưỡng; xây dựng, cập nhật chương trình, tài liệu bồi dưỡng; đa dạng hóa các hình thức tổ chức bồi dưỡng; thúc đẩy chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… Từ đó, TS. Bùi Huy Tùng đã nêu ra 9 giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới của Học viện, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển đất nước.

PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai đã chia sẻ về nội dung: “Bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số ở Việt Nam”. Tham luận tập trung vào 3 vấn đề chính: (1) Năng lực của công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số; (2) Thực trạng bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý từ yêu cầu xây dựng chính phủ số; (3) Đổi mới bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số. PGS.TS. Hoàng Mai đã nêu ra các yếu tố tác động đến bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số, gồm: triết lý bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý; nguồn lực dành cho bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực hiện tại của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý và các nỗ lực, cam kết về phát triển chính phủ số.

Trong nội dung thực trạng bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam xuất phát từ yêu cầu phát triển chính phủ số, PGS.TS. Hoàng Mai đã đưa ra các đánh giá hoạt động bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý (thể chế, quy định về khung năng lực, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, chương trình bồi dưỡng và tham gia các khóa bồi dưỡng của đội ngũ lãnh đạo, quản lý); những khó khăn, thách thức trong quá trình bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số. Từ những nội dung đã nêu trên, bà đã đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới hoạt động bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số gồm: (1) Cần phải xây dựng khung năng lực số; (2) Hoàn thiện thể chế về bồi dưỡng; (3) Cần đổi mới chương trình bồi dưỡng hiện nay; (4) Nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; (5) Cần bảo đảm nguồn lực trong công tác bồi dưỡng; (6) tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bồi dưỡng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại các điểm cầu chụp ảnh lưu niệm.

Kết luận Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng thay mặt lãnh đạo và viên chức Học viện Hành chính Quốc gia gửi lời cảm ơn chân thành tới Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam, Ban lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba đã phối hợp với Học viện tổ chức thành công Hội thảo. Hội thảo là sự tiếp nối vững chắc cho quá trình hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa hai cơ sở đào tạo, góp phần tích cực vào quá trình phát triển nguồn nhân lực hành chính chất lượng cao, thúc đẩy quá trình hội nhập, đổi mới đất nước, củng cố tình hữu nghị giữa của Việt Nam và Cu-ba, vì sự thịnh vượng và hòa bình chung. TS. Lại Đức Vượng đồng thời gửi lời cảm ơn tới các học giả, các chuyên gia Cu-ba và Việt Nam đã không quản ngại sự khác biệt về không gian và thời gian đãnhiệt tình tham gia, trình bày tham luận tại Hội thảo. Trân trọng cảm ơn các báo cáo viên và các viên chức, giảng viên Học viện tham gia Hội thảo. Phó Giám đốc hy vọng, Hội thảo sẽ đem đến những thông tin thực tiễn hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu cũng như hoạt động quản lý, điều hành của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của 2 bên trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm Học viện Hành chính Quốc gia (Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm.
Thu Hương