Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các quốc gia ASEAN sẵn sàng cho nền công vụ tương lai

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 22/12, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý sẵn sàng cho nền công vụ tương lai: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo đối với các quốc gia ASEAN” được tổ chức trong khuôn khổ nhiệm kỳ Học viện Hành chính Quốc gia đảm nhiệm vai trò chủ tịch Mạng lưới cơ sở đào tạo công vụ các nước ASEAN (PSTI) 2023 – 2024. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới các trường thuộc mạng lưới PSTI, OECD và 3 phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Miền Trung.
Ảnh bìa: Các đại biểu dự Hội thảo tại các điểm cầu.

Đại diện từ OECD, EROPA và PSTI (trực tuyến) tham dự Hội thảo, có: ông Daniel Gerson, Trưởng phòng Quản lý và việc làm công, OECD; bà Alana Baker, chuyên gia phân tích chính sách, việc làm và quản lý công, Giám đốc Mạng lưới các trường công vụ OECD (NSG), Ban Quản trị công OECD. TS. Alex Brilliantes, Tổng Thư ký EROPA; bà Roslizawati Ibrahim, Phó Giám đốc, Học viện Công vụ Bru-nây (IPA), trực thuộc Văn phòng Thủ tướng; bà Yuok Sokunthea, Phó Giám đốc, Học viện Hành chính công Hoàng gia Cam-pu-chia, Bộ Công vụ; ông Satya Pratama, Giám đốc Trung tâm Phát triển công vụ In-đô-nê-xi-a (CSDC), thuộc Cơ quan Công vụ Quốc gia (NCSA); ông Phonexay Pansivongxay, Trưởng phòng đào tạo Viện Nghiên cứu và đào tạo hành chính công Lào (PARTI), Bộ Nội vụ Lào (MOHA); TS. Khin Mar Myo, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học viện Công vụ Mi-an-ma (cơ sở Bắc Mi-an-ma) Ban Công vụ Liên bang; ông Fernando M. Porio, Giám đốc IV Học viện Công vụ Phi-líp-pin (CSI), Ủy ban Công vụ Phi-líp-pin; ông Ariya Sakulkaew, Chuyên gia Nhân sự, Quyền Viện trưởng Viện Đào tạo công vụ Thái Lan (CSTI), thuộc Văn phòng Ủy ban Công vụ (OCSC).

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện đồng chủ trì Hội thảo. Lãnh đạo các đơn vị, khoa, ban thuộc và trực thuộc Học viện và đông đảo cán bộ, giảng viên Học viện cùng tham dự.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các nhà lãnh đạo, các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, quản lý, các quý vị đại biểu tới tham dự Hội thảo. Giám đốc nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi với tốc độ chưa từng có và những biến động khó lường đòi hỏi nền công vụ không ngừng đổi mới để thích ứng với bối cảnh mới và đáp ứng yêu cầu mới của người dân, tổ chức và Chính phủ. Để xây dựng một nền công vụ có khả năng thích ứng và vận hành hiệu quả trong bối cảnh mới, cần phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực và phẩm chất đạo đức để sẵn sàng cho nền công vụ tương lai, bởi các nhà lãnh đạo chính là nhân tố trung tâm đóng góp vào hiệu quả hoạt động của Chính phủ, là người kiến tạo không gian đổi mới, quản lý rủi ro và chịu trách nhiệm về kết quả thực thi công vụ. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo chính là những người tiên phong trong đổi mới, dẫn dắt quá trình thay đổi, lãnh đạo các tổ chức công nắm bắt kịp thời cơ hội và vững vàng vượt qua thách thức.

Trước yêu cầu cấp thiết đối với việc xây dựng năng lực lãnh đạo, quản lý để chuẩn bị cho nền công vụ tương lai, trong khuôn khổ chương trình hoạt động của Mạng lưới các cơ sở đào tạo công vụ ASEAN PSTI, Học viện Hành chính quốc gia, trên cương vị chủ tịch mạng lưới ASEAN PSTI nhiệm kỳ 2023 – 2024, Học viện tổ chức Hội thảo nhằm tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn thành công của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước OECD, EROPA với các thành viên PSTI trong chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo, quản lý sẵn sàng cho nền công vụ tương lai.

TS. Alex Brilliantes, Tổng Thư ký EROPA trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Alex Brilliantes trình bày tham luận “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý sẵn sàng cho tương lai: Kinh nghiệm quốc tế và bài học tham khảo đối với các nước ASEAN”. Theo ông, lãnh đạo sáng suốt là một khả năng mà các nhà lãnh đạo của thế kỷ 21, đặc biệt các nhà lãnh đạo địa phương mong muốn đạt được. Một lãnh đạo sáng suốt sẽ có lợi thế cạnh tranh trước một môi trường thay đổi nhanh chóng, bối cảnh VUCA (không ổn định, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ) và BANI (mong manh, lo lắng, phi tuyến tính, không thể hiểu được). Lãnh đạo phải nhận thức được bối cảnh toàn cầu và địa phương (toàn cầu hóa) cũng như nhu cầu cấp thiết phải đối mặt với những thách thức về nhu cầu hợp tác với các nước láng giềng ASEAN nhưng vẫn cạnh tranh (cạnh tranh trong sự hợp tác) trong bối cảnh hội nhập ASEAN. Cần có yếu tố lãnh đạo “minh triết” (nguồn gốc từ Nhật Bản), cần liên tục đổi mới, trau dồi năng lực lãnh đạo của mỗi người. Phải luôn duy trì và tạo lập được các tri thức mới. Cần có sự khiêm tốn, trung thực, có năng lực tạo ra sự tương tác, giao lưu (tương tự như cộng đồng PSTI), năng lực đánh giá sự tử tế và năng lực nhận ra và đánh giá được năng lực của người khác. Do vậy, năng lực của nhà lãnh đạo theo yếu tố lãnh đạo “minh triết” phải biết truyền tải tri thức, nhận diện được bản chất của một vấn đề để thực thi nhiệm vụ một cách hiệu lực, hiệu quả.

Ông Daniel Gerson và bà Alana Baker đến từ OECD có tham luận “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo khu vực công sẵn sàng cho tương lai” tại Hội thảo.

Ông Daniel Gerson và bà Alana Baker đến từ OECD, có tham luận “Xây dựng đội ngũ lãnh đạokhu vực công sẵn sàng cho tương lai”. Nhóm diễn giả định nghĩa lãnh đạo là đổi mới (phát triển và đề xuất những ý tưởng mới để thay đổi quy trình, chức năng, chính sách và dịch vụ của tổ chức); thực thi (biến định hướng chính trị thành các quy trình và dịch vụ hiệu quả); chiều dọc (từ trên xuống: là sử dụng quản lý con người để thực hiện thay đổi trong nhóm và tổ chức. Từ dưới lên: là tận dụng những hiểu biết sâu sắc và trí tuệ trong toàn tổ chức, gây ảnh hưởng đối với những người ra quyết định để có chính sách và dịch vụ tốt hơn); chiều ngang (từ trong ra ngoài: là triệu tập các bên liên quan và đàm phán hành động tập thể. Từ ngoài vào: là tận dụng trí tuệ của đám đông và năng lực bên ngoài để đạt được các mục tiêu của Chính phủ).

Nhóm tác giả cũng nêu ra 4 xu hướng định hình tương lai của lãnh đạo khu vực dịch vụ công, gồm: (1) Mục tiêu của lãnh đạo trong công vụ sẽ ngày càng thiên về giải quyết các thách thức chính sách công theo những phương thức đổi mới , được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số; (2) Sự lãnh đạo khu vực công sẽ ngày càng dựa trên dữ liệu, với một lượng lớn lực lượng lao động và dữ liệu về chất lượng thực thi công vụ, tạo ra những hiểu biết sâu sắc và cung cấp thông tin cho lãnh đạo, quản lý đưa ra những giải pháp phù hợp; (3) Sự lãnh đạo khu vực công sẽ ngày càng dựa trên dữ liệu, với một lượng lớn lực lượng lao động và dữ liệu về chất lượng thực thi công vụ, tạo ra những hiểu biết sâu sắc và cung cấp thông tin cho lãnh đạo, quản lý đưa ra những giải pháp phù hợp; (4) Các nhà lãnh đạo sẽ cần tham gia nhiều hơn bao giờ hết vào quá trình phát triển lực lượng lao động và tổ chức.

Các nước OECD đang có những hoạt động để phát triển khả năng lãnh đạo, như:

Vương quốc Anh thực hiện “Chương trình giảng dạy tại trường của Chính phủ”, trong đó, thực hiện một sáng kiến mới nhằm đưa hoạt động học tập trở lại dưới một khuôn khổ thống nhất và có tính gắn kết. Bên cạnh đó là phát triển khả năng lãnh đạo theo luồng thống nhất.

Hàn Quốc thì ưu tiên học trực tuyến (thiên về kỹ thuật số). Nền tảng học tập mới này cho phép nhân viên trở thành người sáng tạo nội dung, cho phép kết nối mạng và tăng sự tương tác, sử dụng AI và tận dụng công nghệ mới. Hàn Quốc tập trung phát triển các nhà lãnh đạo có năng lực số ngay từ đầu khi bắt đầu quy hoạch lãnh đạo.

Tại Israel sử dụng mô phỏng các khóa học thực địa và đào tạo truyền thông để đưa khả năng lãnh đạo vào các tình huống “như thật” nhằm xây dựng kỹ năng xử lý khủng hoảng để chuẩn bị sẵn sàng sử dụng khi tình huống xảy ra khi cần.

Tại Italia, Trường Chính phủ Quốc gia có chương trình học thuật phong phú và cũng phối hợp làm việc với các bộ, ngành để phát triển và tuyển dụng dựa trên khung năng lực. Chương trình này sẽ kéo dài nhiều tháng nhằm tuyển dụng các nhà quản lý vào các vị trí và đào tạo họ trước khi họ đảm nhận vị trí được sắp xếp.

Bà Rosliza Ibrahim, Phó Giám đốc, Học viện Công vụ Bru-nây (IPA), trực thuộc Văn phòng Thủ tướng trao đổi ý kiến tại Hội thảo.
TS. Khin Mar Myo, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học viện Công vụ Mi-an-ma (cơ sở Bắc Mi-an-ma) Ban Công vụ Liên bang trao đổi ý kiến tại Hội thảo.
Ông Phonexay Pansivongxay, Trưởng phòng đào tạo Viện Nghiên cứu và đào tạo hành chính công Lào (PARTI), Bộ Nội vụ Lào (MOHA) trao đổi tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ điểm cầu các nước đã có những ý kiến trao đổi liên quan đến vấn đề: bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, về xây dựng khung năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa dân tộc là năng lực rất quan trọng; tăng cường làm việc trong môi trường số. Cần thiết tổ chức các khóa đào tạo cho các lãnh đạo, quản lý trong khu vực công.

Ông Fernando M. Porio, Giám đốc IV Học viện Công vụ Phi-líp-pin (CSI), Ủy ban Công vụ Phi-líp-pin trao đổi tại Hội thảo.
Ông Ariya Sakulkaew, Chuyên gia Nhân sự, Quyền Viện trưởng Viện Đào tạo công vụ Thái Lan (CSTI), thuộc Văn phòng Ủy ban Công vụ (OCSC) trao đổi tại Hội thảo.
Bà Yuok Sokunthea, Phó Giám đốc, Học viện Hành chính công Hoàng gia Cam-pu-chia, Bộ Công vụ.

Các đại biểu cũng trao đổi về xây dựng mô hình đào tạo với mô đun nhỏ để phù hợp với những nhà lãnh đạo, quản lý hạn hẹp về thời gian. Ứng dụng công nghệ vào đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp dịch vụ công. Nâng cao năng lực lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của một tổ chức để lường trước được tính bất định, những vấn đề bất lợi có thể xảy ra và đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời theo từng giai đoạn…

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia điều hành Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đến từ OECD, PSTI đã nhiệt tình tham gia và chia sẻ tại Hội thảo. Qua những chia sẻ này, các thành viên mạng lưới PSTI định hình được nền công vụ trong tương lai, nhận diện được thách thức đối với công tác lãnh đạo, quản lý của nền công vụ trong tương lai, xác định những năng lực cần thiết để các nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt thành công quá trình thay đổi, đổi mới công vụ thích ứng với bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, các thành viên PSTI có thể nghiên cứu, đổi mới các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý và hợp tác xây dựng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong khu vực.

Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi và xây dựng quan hệ đối tác, phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng giữa các thành viên mạng lưới PSTI, giữa các thành viên PSTI và các tổ chức quốc tế về đào tạo bồi dưỡng trong khu vực như EROPA, OECD. Đặc biệt, kết quả của Hội thảo được sử dụng để xây dựng khung năng lực lãnh đạo, quản lý cho nền công vụ trong tương lai, từ đó đề xuất ý tưởng hợp tác phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong khu vực và kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng giảng viên trong khuôn khổ chương trình hoạt động của mạng lưới PSTI.

Quang cảnh Hội thảo tại Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội.
Thu Hương