Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều 15/3, tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, phiên thảo luận: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí” đã diễn ra với nhiều bài tham luận mang tính định hướng của lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Không kiểm soát tốt, mạng xã hội có thể là một “con dao hai lưỡi”

Ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, mạng xã hội đã trở nên quen thuộc, mỗi cá nhân đều có một hay thậm chí vài tài khoản mạng xã hội. Do đó, việc thiết lập fanpage Thông tin Chính phủ được Thường vụ Chính phủ cho phép thiết lập trên các nền tảng mạng xã hội là Facebook, Twitter và Youtube. “Trang fanpage Thông tin Chính phủ được lập tới tiêu chí đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, có trọng tâm trọng điểm đến với người dân và bạn đọc”.

Hiện tại thông tin quan trọng của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thể được truyền tải tới 15-17 triệu người dùng mạng xã hội ngay lập tức. Meta, chủ sở hữu của Facebook cũng đánh giá fanpage Thông tin Chính phủ là fanpage có uy tín tại Việt Nam. Trong thời điểm dịch Covid-19, Fanpage Thông tin Chính phủ hoạt động rất hiệu quả. Các thông tin quan trọng có thể truyền tải ngay lập tức đến 80% người dùng Facebook Việt Nam. Hiện tại, Thông tin Chính phủ đã dùng toàn bộ các nền tảng mạng xã hội quan trọng để truyền tải thông điệp tới người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sâm, để sử dụng mạng xã hội an toàn cần thạo về quy định và thuật toán của công ty chủ quản. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, những nội dung chia sẻ đều có thể được phát tán ra nhanh chóng. Do đó, nếu không kiểm soát tốt, mạng xã hội có thể là một con dao hai lưỡi.

“Một ví dụ điển hình trong thành tựu sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách là về lấy ý kiến đóng góp trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được hơn 5.000 góp ý. Có những luật sư góp ý tới 40 trang rất tâm huyết. Đây là một tín hiệu tích cực chưa từng có trong những lần lấy ý kiến trước đây”, ông Sâm cho biết.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã xây dựng được trang thông tin chính sách với hơn 11 triệu lượt người truy cập mỗi tháng. Trong 3 ngày gần nhất thu hút hơn 11 triệu view với lượng người online 10.000 tài khoản trong cùng 1 thời điểm. Điều này cho thấy, sự quan tâm của người dân đối với các thông tin chính sách. “80% người đọc độ tuổi từ 17 – 45 tìm hiểu về chính sách liên quan đến học hành, công việc, những vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc sống, sự nghiệp. Chúng tôi phấn đấu đến 2024 ít nhất sẽ 20 triệu view 1 tháng”, ông Sâm chia sẻ.

Đổi mới phương thức, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”

Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, để phát huy tốt vai trò của mình, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữ vững định hướng của Đảng, là ngọn cờ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; đồng thời cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, Báo Sài Gòn Giải Phóng rút ra 4 nguyên nhân chính.

Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Thứ nhất, để giữ vững và nâng cao tính Đảng, tính định hướng trên Báo, nhất là trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo; quan tâm hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng công nghệ, đặc biệt là cho các tòa soạn, nhất là báo Điện tử; ưu tiên đầu tư trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ những người làm báo và các ấn phẩm, đáp ứng được các yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng tập trung và luôn đề cao hơn nữa yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”. Báo Sài Gòn Giải Phóng chú trọng mở các chuyên trang, chuyên mục, lựa chọn chủ đề được bạn đọc quan tâm, tổ chức các đợt tuyên truyền trọng điểm gắn với các sự kiện chính trị, xã hội nổi bật, phổ biến kịp thời quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi trong các chủ trương, chính sách, phân tích, làm rõ những điểm mới và những giải pháp cơ bản để tổ chức thực hiện hiệu quả… Trong quá trình tuyên truyền, đội ngũ phóng viên của báo luôn bám sát thực tế cuộc sống, tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt thông tin đa chiều, toàn diện.

Thứ ba, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ của Báo về lý luận chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng. Đội ngũ những người làm báo luôn được nhắc nhở phải “rèn bút, luyện nghề” với tâm thế “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cao cả: cán bộ báo chí là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Thứ tư, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội các địa phương không chỉ của TP. Hồ Chí Minh đến tận chi bộ, đảng bộ cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền đúng định hướng, kết nối đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, tranh thủ ý kiến của các đảng viên lão thành, trí thức để luôn cập nhật được thông tin, bảo đảm lượng thông tin phong phú, mang tính chất đối thoại hai chiều giữa cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí với cơ sở và ngược lại, qua đó tạo sự hấp dẫn với bạn đọc.

Báo Đảng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn tin “gốc” để có thông tin độc quyền

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, thực tế, báo Đảng đang gặp những thách thức trước yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là sự cạnh tranh khốc liệt và các tác động tiêu cực của mạng xã hội và các kênh truyền thông khác.

Với sứ mệnh là tiếng nói của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân, hệ thống báo Đảng, trong đó có Hà nội mới có nhiều ưu thế cạnh tranh thông tin.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới.

Thứ nhất, trong bối cảnh thông tin bùng nổ, thiếu kiểm chứng thì với vị thế của mình, báo Đảng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn tin “gốc” để có thông tin độc quyền. Ví dụ, vừa qua một số cơ quan báo chí thông tin về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hà Nội chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là việc liên quan đến bố trí công việc của đội ngũ cán bộ các phường, xã thuộc diện sắp xếp, gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ. Phóng viên Báo Hà Nội mới đã phỏng vấn với đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ – cơ quan tham mưu cho thành phố thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để làm sáng tỏ vấn đề này và định hướng dư luận.

Thứ hai, theo Tổng Biên tập báo Hànộimới, thế mạnh của hệ thống báo Đảng là được tiếp cận để cung cấp nguồn tin nhằm kịp thời thông tin về các chủ trương, chính sách có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và từng người dân. Theo đó, Hànộimới xác định thông tin luôn phải bảo đảm tính hai chiều: (1) Đăng tải những thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng tác động tới xã hội. (2) Đăng tải phản ứng của xã hội đối với những chủ trương, đường lối đó. Mỗi bài viết đều phải thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, thành phố, phản ánh tâm nguyện của Nhân dân, hơn hết là truyền đi thông điệp của sự thật, bản chất của mỗi sự việc, hiện tượng, vấn đề diễn ra hàng ngày, hàng giờ, giúp bạn đọc có cái nhìn xác thực, toàn diện hơn.

Thứ ba, thông tin chính xác, nguồn tin chính xác, góp phần định hướng dư luận. Hệ thống báo Đảng, trong đó có Báo Hànộimới luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò là kênh thông tin quan trọng, góp phần định hướng dư luận. Những vấn đề “nóng” của đất nước, của Thủ đô trong quá trình phát triển luôn được phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới. Chủ động, tích cực tham gia cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố giải quyết những việc mới; việc khó như công tác giải phóng mặt bằng (điển hình là GPMB Vành đai 4), triển khai dự án xử lý rác thải, giải quyết tranh chấp đất đai…

Trước sự phát triển vũ bão của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, báo Đảng cũng không thể độc quyền thông tin, không thể chỉ cung cấp những gì mình có. Những đặc thù được cho là bất lợi trong việc cạnh tranh thông tin của báo Đảng, có thể kể tới, như: nội dung thông tin về các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết, nhất là phản ánh vấn đề xây dựng Đảng vốn được xem là khó, khô… Thông tin trên báo Đảng còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan, kém hấp dẫn bạn đọc. Đối tượng phản ánh của công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng là hoạt động của các cấp ủy và của cán bộ, đảng viên, do vậy, lĩnh vực tuyên truyền này luôn đòi hỏi trách nhiệm cao đối với tập thể các cấp ủy khi cung cấp thông tin cho phóng viên.

Có một số yếu tố tác động khiến cho thông tin trên báo Đảng thường chậm hơn do yêu cầu về tính chính xác của thông tin nên cần thời gian để thẩm định, kiểm chứng nguồn tin, chưa kể, đối với báo in, từ khi phát hiện sự kiện đến khi lên mặt báo phải mất ít nhất là 1 ngày, do vậy thông tin không còn mới so với báo điện tử.

Tư duy báo chí của những người làm báo Đảng chí ít vẫn chưa thực sự nhanh nhạy, bởi còn nặng tư tưởng là viên chức nhà nước, từ đó ảnh hưởng lớn đến yếu tố thời sự, nhanh nhạy của thông tin. Trong khi, nhiều cấp ủy có tâm lý “ngại báo chí”, nhất là việc cung cấp thông tin về những vấn đề nổi cộm, những vụ việc tiêu cực có liên quan đến cán bộ, đảng viên, dẫn đến việc thông tin chậm. Yêu cầu thông tin phải chính xác nên sự tác động của ngôn ngữ và lao động sáng tạo của báo chí vào thông tin cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên chưa đáp ứng yêu cầu xuất bản báo chí số.

Khắc phục tình trạng “đồng phục thông tin”

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Phú Thọ. Lãnh đạo các cơ quan báo chí đã đề cập những vấn đề nóng trong hoạt động báo chí hiện nay như: sự “đồng phục thông tin” tạo nhàm chán, không hiệu quả trong truyền thông chính sách; tính Đảng, tính định hướng gắn với tính chiến đấu, tính hấp dẫn của báo chí; chuyển đổi số báo chí…

Các diễn giả có đồng quan điểm về sự cần thiết phải khắc phục tình trạng “đồng phục thông tin” và cho rằng, mỗi cơ quan báo chí cần giữ được bản sắc riêng và có hướng đi riêng, với cùng một nội dung nhất định, tùy theo sắc thái của từng tờ báo để làm phong phú hình thức truyền tải.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, các diễn giả cũng cho rằng các cơ quan báo chí cần chú trọng vấn đề con người và yếu tố then chốt vẫn là nội dung chất lượng.

Thuý Vân