Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 22/3, Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đã buổi tiếp và làm việc với đoàn công chức cấp cao Botswana về chia sẻ kinh nghiệm cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới tư duy để phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện chủ trì buổi tiếp và làm việc.

Đoàn công chức cấp cao Botswana, có: ông Lephimotswe Boyce Sebetela, Chánh Văn phòng Tổng thống; ông Omponye Coach Kereteletswe, Phó Vụ trưởng Quản lý Dịch vụ Công, Bộ Tổng thống; bà Gorata Rati Tsie, Điều phối viên về Nâng cao hiệu suất công việc, Bộ Các vấn đề về Đất đai và Nguồn nước; bà Maipelo Bonang Sealetsa, Điều phối viên Dự án Quốc gia đổi mới tư duy, Bộ Tổng thống; ông Kaene Disepo, Trưởng nhóm Kết nối Thanh niên của Dự án; bà Kefiloe Thato Nthite, Trưởng nhóm Truyền thông của Dự án; bà Yvonne Kedimotse, Điều phối viên về nâng cao hiệu suất công việc, Bộ Chính quyền địa phương và phát triển nông thôn.

Cùng tham gia tiếp và làm việc với đoàn công chức cấp cao Botswana, về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có lãnh đạo các đơn vị: Ban Hợp tác quốc tế, Khoa Hành chính học và viên chức Ban Hợp tác quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu bày tỏ sự vui mừng được tiếp và làm việc với ông Lephimotswe Boyce Sebetela cùng các thành viên trong đoàn công chức cấp cao Botswana sang thăm và công tác tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đã giới thiệu về Học viện Hành chính Quốc gia và các chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế của Học viện. Với vai trò là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Về tầm nhìn, chiến lược, đến năm 2045, Học viện phấn đấu trở thành trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách về hành chính, lãnh đạo, quản lý.

Hiện nay, Học viện triển khai đào tạo cả đại học và sau đại học với nhiều chuyên ngành đào tạo, thế mạnh là quản lý công, chính sách công; tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phó Giám đốc mong muốn đoàn Botswana chia sẻ hướng nghiên cứu và kết quả đề án đổi mới tư duy của đoàn và kỳ vọng trong tương lai, những chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của Học viện tìm được sự đồng điệu, tiếng nói chung và có nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên.

Ông Lephimotswe Boyce Sebetela, Chánh Văn phòng Tổng thống Botswana phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lephimotswe Boyce Sebetela, Chánh Văn phòng Tổng thống Botswana cảm ơn Lãnh đạo Học viện đã dành thời gian đón tiếp đoàn và mong muốn được chia sẻ cởi mở hơn về việc hợp tác giữa Việt Nam với Botswana trong tương lai.

Ông Lephimotswe Boyce Sebetela giới thiệu về đất nước Botswana, nhờ có sự ổn định về chính trị, quản lý ngân sách chặt chẽ, nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có, đặc biệt là kim cương, Botswana đã phát triển từ một nước nghèo của thế giới thành nước có tốc độ phát triển nhanh, thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình cao. Botswana đang phát động chiến dịch quốc gia về “Chuyển đổi tư duy” nhằm triển khai Tầm nhìn quốc gia 2036 (National Vision), đưa Botswana thành nuớc có thu nhập cao vào năm 2036. 

Việt Nam và Botswana thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/02/2009. Botswana mong muốn được học hỏi những thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế – xã hội, cải cách hành chính trong thời gian qua. Ông Lephimotswe Boyce Sebetela cũng đề nghị Học viện chia sẻ kinh nghiệm với Botswana về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới tư duy để phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

TS. Hoàng Vĩnh Giang, giảng viên Khoa Hành chính học chia sẻ tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, TS. Hoàng Vĩnh Giang, giảng viên Khoa Hành chính học đã chia sẻ nội dung: Tư duy đổi mới để phát triển đất nước và cải cách hành chính công ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh 7 xu hướng toàn cầu: VUCA, toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa dân số, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời khẳng định: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới” (trích lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính).

Những đổi mới chủ yếu trong phát triển kinh tế của Việt Nam, bao gồm: đổi mới tư duy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới tư duy hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế; đổi mới tư duy về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phù hợp với đường lối phát triển và định hướng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; đổi mới tư duy phát triển kinh tế để vượt “bẫy thu nhập trung bình”; đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đổi mới tư duy để “đi tắt đón đầu” phát triển kinh tế số trong thời đại mới, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các thành viên đoàn Botswana phát biểu.
Các thành viên đoàn Botswana phát biểu.
Các thành viên đoàn Botswana phát biểu.

Chia sẻ tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công chức cấp cao Botswana đã có những câu hỏi nhằm hiểu rõ hơn những kinh nghiệm về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới tư duy để phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam, đồng thời gợi mở những nội dung có thể hợp tác giữa Học viện và Botswana trong tương lai.

Thu Hương