Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí ở doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

TS. Đào Ngọc Hà
Học viện Tài chính

(Quanlynhanuoc.vn) – Cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu. Kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin hữu ích để các nhà quản trị có thể đưa ra các quyết định điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp. Nội dung của kế toán quản trị chi phí tùy thuộc quan điểm và nhu cầu thông tin của nhà quản trị trong mỗi doanh nghiệp. Do vậy, mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà quản trị phục vụ các chức năng quản trị tại mỗi doanh nghiệp là khác nhau, chịu tác động bởi nhiều nhân tố khác nhau. Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí ở các doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ khóa: nhân tố ảnh hưởng; kế toán quản trị chi phí; cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin hữu ích để các nhà quản trị có thể đưa ra các quyết định điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp. Kế toán quản trị chi phí cần xác định đúng, đủ các nguồn lực đã tiêu hao trong quá trình sản xuất sản phẩm. Nội dung chính của kế toán quản trị chi phí là phân loại chi phí, lập dự toán chi phí, tập hợp và phân bổ chi phí cho các đối tượng sử dụng chi phí một cách khoa học hợp lý; phân tích chi phí để phục vụ cho yêu cầu kiểm soát chi phí nhằm giảm đến mức tấp nhất và mạng lại hiệu quả cao nhất; phân tích thông tin chi phí, làm cơ sở ra các quyết định điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà quản trị trong doanh nghiệp.

Hiện nay, công tác kế toán tại nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ tập trung vào kế toán tài chính và kế toán thuế, chưa tổ chức áp dụng kế toán quản trị và kế toán quản trị chi phí một cách khoa học; thông tin do kế toán cung cấp cho các mục đích quản trị trong doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đầy đủ. Do đó, khi nhà quản trị trong các doanh nghiệp cần các thông tin hữu ích phục vụ việc ra các quyết định hay lập các kế hoạch sản xuất, kinh doanh chưa có cơ sở tin cậy từ thực tiễn chi phí của doanh nghiệp. Bởi vậy, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí ở các doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng 4.0 là cần thiết và hữu ích.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp

Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí, bao gồm hai loại: các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp và các nhân tố bên trong doanh nghiệp.

2.1. Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm các nhóm thuộc về hội nhập quốc tế về kế toán; nhóm nhân tố nhân tố thuộc về chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành.

(1) Nhóm nhân tố về hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về kế toán nói riêng đã dẫn đến những thay đổi căn bản trong cơ chế quản lý kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán. Từ những năm 90 của thế kỷ 20, kế toán Việt Nam đã bước đầu hội nhập với kế toán quốc tế, khởi đầu là Dự án EROTAPVIET đã tạo điều kiện cho kế toán Việt Nam bước đầu đổi mới một cách toàn diện và tiếp cận được với kế toán của các nước tiên tiến. Đây là một trong những cơ sở nền tảng và tiền đề đối với sự thành công của quá trình cải cách kế toán Việt Nam trong quá trình hội nhập. Quá trình này đã tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với những phương pháp, kỹ thuật kế toán hiện đại trên thế giới, đặc biệt là đối với lĩnh vực kế toán quản trị, là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam nhưng là công cụ cung cấp thông tin chi tiết, phục vụ đắc lực nhất cho các nhà quản trị trong doanh nghiệp có cơ sở đề ra quyết định kinh tế tối ưu. Có thể nói, nhân tố hội nhập về kế toán có ảnh hưởng trực tiếp đến áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp.

(2) Nhóm nhân tố thuộc về chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành

Hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành đều gián tiếp ảnh hưởng đến công tác kế toán nói chung và kế toán quản trị nói riêng tại mỗi doanh nghiệp của nước ta. Khi chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành phù hợp, đặc biệt là chính sách về kế toán, chính sách tài chính và thuế cũng như hệ thống pháp luật của NHà nước hợp lý sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp được thuận lợi. Ngược lại, sẽ gây cản trở đến việc áp dụng tại doanh nghiệp. Bởi vậy, có thể nói hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước có ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp.

Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp có thể được xem là các nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp. Việc nghiên cứu các nhân tố này có tác dụng quan trọng trong việc nhận biết tính hợp lý và những điều kiện khách quan, góp phần thực hiện tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác kế toán nói chung và trong kế toán quản trị chi phí lói riêng.

2.2. Các nhân tố bên trong của doanh nghiệp, bao gồm quy mô doanh nghiệp; nhận thức của nhà quản trị; các chính sách kinh doanh của doanh nghiệp; mức độ phân cấp, phần quyền trong doanh nghiệp; trình độ đào tạo và năng lực của nhà quản trị; trình độ đào tạo và năng lực của nhân viên kế toán trong doanh nghiệp; sự phối kết hợp giữa các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.

Một là, quy mô doanh nghiệp có thể được hiểu là tổng tài sản và tổng doanh thu của doanh nghiệp. Về lý thuyết cũng như hầu hết các nghiên cứu của các tác giả như Zeitun & Tian (năm 2007); Mja Pervan & Josipa Visie (năm 2012) và Ly nian Huan (năm 2014) đều cho rằng, quy mô của doanh nghiệp có tác động tích cực đối với việc thực hiện kế toán quản trị chi phí của doanh nghiệp. Trong nghiên cứu của Ly JianZhang (năm 2012) cũng cho rằng: tổng tài sản và tổng doanh thu của doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh và trong thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp. Do đó, quy mô doanh nghiệp càng lớn càng cần thiết phải thực hiện tốt kế toán quản trị chi phí.

Mỗi doanh nghiệp có quy mô lớn, nhỏ khác nhau, vì thế khả năng và phương thức thực hiện các phần hành kế toán quản trị chi phí để cung cấp thông tin cho nhà quản lý cũng có những điểm khác nhau. Để xác định quy mô doanh nghiệp, thông thường căn cứ vào các chỉ tiêu tổng tài sản, tổng doanh thu, tổng số lao động bình quân của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn, có các đơn vị phụ thuộc hoạt động ở các địa bàn khác nhau hay các đơn vị tập trung trên cùng một địa bàn thì cũng có cách thức tổ chức kế toán quản trị chi phí khác nhau, phù hợp với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp đó. Ngược lại, doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì cách thức tổ chức kế toán quản trị chi phí thường chỉ tập trung vào những chỉ tiêu quản trị trọng yếu và mức độ giản đơn hơn. Như vây, có thể nói, quy mô doanh nghiệp càng lớn thì càng cần thiết phải áp dụng kế toán quản trị chi phí và sự phức tạp của các công việc để áp dụng kế toán quản trị chi phí càng nhiều hơn. Nói cách khác, quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến áp dụng kế toán quản trị chi phí.

Hai là, nhận thức và trình độ đào tạo, năng lực của nhà quản trị trong doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc áp dụng kế toán quản trị chi phí. Khi nhà quản trị có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng thì họ sẽ luôn tìm mọi cách để chỉ đạo áp dụng vào trong doanh nghiệp nhằm cung cấp cho họ những thông tin chính xác, tin cậy và kịp thời để ra quyết định kinh doanh tốt nhất. Ngược lại, khi nhận thức của nhà quản trị về việc áp dụng kế toán quản trị chi phí ở mức độ hạn chế, họ sẽ gây cản trở cho quá trình áp dụng kế toán quản trị chi phí vào doanh nghiệp, bởi họ sợ tốn kém và khó khăn…Mặt khác, khi nhà quản trị có trình độ đào tạo và năng lực quản lý tốt, hò sẽ biết lựa chọn được những phương án tốt nhất trong chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động trong doanh nghiệp, trong đó có việc áp dụng kế toán quản trị chi phí để thu thập được những thông tin chi tiết, tin cậy cho việc ra quyết định kinh tế. Như vậy, nhận thức và trình độ, năng lực của nhà quản trị có ảnh hưởng cùng chiều với việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp.

Ba là, các chính sách kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm chính sách bán hàng, chính sách chiết khấu trong bán hàng; tiêu thức lựa chọn nhà cung cấp…; chính sách tài chính như chính sách tín dụng tín dụng mại, vay nợ… có ảnh hưởng lớn đến khả năng hình thành hệ thống dự toán sản xuất kinh doanh, trong đó có dự toán chi phí của doanh nghiệp. Điều đó, có ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp. Khi các chính sách kinh doanh, chính sách tài chính của doanh nghiệp được xây dựng phù hợp với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng kế toán quản trị chi phí. Vì vậy, có thể nói chính sách kinh doanh và chính sách tài chính của doanh nghiệp có ảnh hưởng cùng chiều đối với việc áp dụng kế toán quản trị chi phí của doanh nghiệp.

Bốn là, sự phân cấp, phân quyền trong các doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp này. Phân cấp, phân quyền trong doanh nghiệp càng rõ ràng sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện kế toán quản trị chi phí một cách chủ động và đạt hiệu quả cao. Khi được phân cấp, phân quyền, các nhà quản trị trong các đơn vị của doanh nghiệp sẽ chủ động quyết định những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình và chịu trách hoàn toàn về các quyết định đó. Vì thế, có tác dụng khuyến khích tính sáng tạo trong doanh nghiệp. Ngược lại, những doanh nghiệp không phân cấp, phân quyền sẽ không tạo được động lực cho lãnh đạo các cấp của doanh nghiệp phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện kế toán nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng. Như vậy, có thể nói, phân cấp, phân quyền trong doanh nghiệp có ảnh hưởng cùng chiều trong việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp.

Năm là, trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn của đội ngũ người làm kế toán trong doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến thực hiện kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp. Tác giả Ly JianZhang (năm 2012), cho rằng: tổ chức thực hiện kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn bởi trình độ đào tạo và năng lực của đội ngũ nhân viên kế toán trong doanh nghiệp. Nghiên cứu của Nyakuwanika (năm 2012) đưa ra nhận định, trình độ đào tạo của các nhân viên làm công việc chuyên môn về kế toán có ảnh hưởng cùng chiều đối với mức độ áp dụng kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng. Nghĩa là, một doanh nghiệp có các nhân viên  kế toán được đào tạo bài bản về kiến thức quản trị và kiến thức tài chính kế toán, có năng lực thực sự về chuyên môn thì sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác.Như vậy, có thể nói rằng trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn của nhân viên kế toán trong doanh nghiệp càng cao thì thực hiện kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp càng thuận lợi.

Sáu là, việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp ngoài đòi hỏi phải có sự phân cấp, phân quyền trách nhiệm một cách rõ ràng còn phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp. Các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khí với nhau cùng thực hiện những nhiệm vụ theo chức năng được phân công. Chính sự kết hợp chặt chẽ của các bộ phận này mới tạo được hiệu quả tổng hợp trong thức hiện nhiệm vụ chung của toàn doanh nghiệp. Đối với kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng, chức năng chính thường thuộc về bộ phận tài chính, kế toán.  Đây là bộ phận có nhiệm vụ tổng hợp tất cả các chi phí phát sinh tại các bộ phận trong doanh nghiệp. Vì thế, sự phối hợp của các bộ phận khác (là nơi chi phí phát sinh) sẽ tạo điều kiện để bộ phận kế toán hoàn thành được nhiệm vụ. Như vậy, có thể nói sự phối hợp của các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp sẽ có ảnh hưởng cùng chiều với mức đọ áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp.

Bảy là, công nghệ thông tin đã trở thành nhân tố không thế thiếu được đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau. Trong kế toán, công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất lao động kế toán, xử lý dữ liệu lớn. Mức độ ứng dụng công nghệ thông in trong kế toán của doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến mức độ áp dụng kế toán quản trị chi phí. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại giúp thu thập thông tin nhanh chóng, thông tin nội bộ và thông tin bên ngoài được ghi nhận chính xác, khả năng truy nhập cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin càng cao thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho kế toán quản trị chi phí. Để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán, trước hết cần thiết phải dành nguồn tài chính để trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị phần cứng, phần mềm và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sử dụng công nghệ thông tin…

Như vậy, có thể nói trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp càng cao thì mức độ áp dụng kế toán quản trị chi phí càng thuận lợi. Đây là nhân tố có tác động cùng chiều với mức độ áp dụng kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp.

3. Kết luận

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đối với kế toán quản trị chi phí có tác dụng quan trọng, tạo điều kiện cho các nhà quản trị trong các doanh nghiệp nghiên cứu để vận dụng vào thực tế quản trị doanh nghiệp thông qua công cụ kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng. Các nhân tố này có mức độ ảnh hưởng khác nhau trong mỗi doanh nghiệp nên cần căn cứ vào thực tế của mỗi doanh nghiệp để vận dụng hợp lý.

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
2. Joseph Valacich (2010), Information systems today: Managing in the digital world, Upper Saddle River, N.J. Prentice Hall.
3. Hoàng Thu Hiền (2016). Kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số Việt Nam. Học Viện Tài chính, Luận án tiến sĩ.
4. Nyakuwanika (2012). Responsibility Accounting: A Tool for managerial Control in the public secto. Journal of business studies and Resarch. 8 (2), pp.123-118.
5. Zahirul (2012). But the problem of Strategic Management Accounting in commercial enterprises.