Những yêu cầu nêu gương về đạo đức của giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay 

Thiếu tá, Đào Duy Hiệp
Thiếu tá, Trần Bá tấn
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của ngũ giảng viên không chỉ là con đường, biện pháp để giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, giảng viên, học viên và các lực lượng khác mà đó còn là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật ở Trường Sĩ quan Chính trị. Bài viết trên cơ sở đánh giá khái quát thực trạng, đề xuất những yêu cầu nêu gương về đạo đức của giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay.

Từ khóa: Giảng viên; yêu cầu; nêu gương về đạo đức; Trường Sĩ quan Chính trị.

1. Đặt vấn đề

Phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị nhằm làm cho phẩm chất đạo đức của giảng viên được in đậm và lan tỏa đến các đối tượng mà họ tác động trong hoạt động thực tiễn, qua đó định hướng, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ở Nhà trường. Đồng thời, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Trường Sĩ quan Chính trị và lan tỏa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đối với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân khu vực đóng quân của Nhà trường, nơi cư trú của giảng viên và đối với toàn xã hội.

2. Thực trạng nêu gương về đạo đức của giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị

Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, các cơ quan chức năng đã lãnh đạo, chỉ đạo việc phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên; chú trọng quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nêu gương nói chung, nêu gương về đạo đức nói riêng. Trong đó, “Đảng ủy Nhà trường đã lãnh đạo thực hiện tốt Cuộc vận động, gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, lãnh đạo chỉ huy các cấp”1. Quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các hoạt động công tác chính trị, tư tưởng, coi trọng công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, giảng viên, gắn nêu gương về đạo đức với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới với đánh giá, bình xét, phân loại tổ chức đảng, đảng viên.

Cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên đã chủ động phát hiện, bồi dưỡng và xây dựng những tấm gương điển hình tiên tiến, có sức mạnh lôi cuốn trong khoa, bộ môn để định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống trong công tác và sinh hoạt của đội ngũ giảng viên. Quá trình công tác, sinh hoạt của giảng viên, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cùng cán bộ, giảng viên, nhân viên trong Nhà trường đã nêu nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến, mẫu mực về phẩm chất đạo đức. Qua đó, tiếp tục chủ động bồi dưỡng, giáo dục, định hướng để họ không ngừng hoàn thiện phẩm chất, năng lực và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong hoạt động thực tiễn, góp phần thực hiện tốt đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Trường Sĩ quan Chính trị lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đó là: “xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học”2.

Công tác tuyên truyền được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Nhà trường tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau phù hợp có hiệu quả thiết thực. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền với phát hiện, bồi dưỡng tấm gương điển hình, làm cho những tấm gương về đạo đức của giảng viên tác động, lan tỏa đến các đối tượng, nhất là đội ngũ học viên. Đặc biệt, Nhà trường đã sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền thanh nội bộ trong tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt: Giai đoạn 2021 – 2023, đã có “83 tin, bài phản ánh hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gương người tốt, việc tốt”3, trong đó có nhiều tấm gương của đội ngũ giảng viên được tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ của Nhà trường, trở thành những tấm gương về đạo đức của giảng viên nói chung, giảng viên trẻ nói riêng ngày càng được in đậm và tỏa thấu vào trong nhận thức và hành động. 

Nhà trường thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động, phong trào thi đua thiết thực nhằm phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, nhiều giảng viên trong Nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tự giác trong tự học tập, tự nghiên cứu, nâng cao chất lượng bài giảng, chỉ tính riêng năm học 2022 – 2023, đã có 48 giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp Nhà trường, 19 giảng viên được tặng Bằng khen cấp Bộ, 3 giảng viên được tăng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Quốc phòng4. Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về  tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và 2 năm thực hiện Nghị quyết 847-NQ/TW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, đã có có 3 tập thể khoa và 15 giảng viên được Nhà trường khen thưởng5. Những tấm gương tiêu biểu trong học tập, công tác của giảng viên, có tác động mạnh mẽ đến phong trào Thi đua quyết thắng ở Nhà trường, đồng thời cũng thể hiện hiệu quả vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay.

Tuy nhiên, ở một số thời điểm một số khoa, bộ môn chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên, chưa chủ động, quan tâm đúng mức đến việc vận dụng linh hoạt các nội dung, phương pháp để nâng cao hiệu quả vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên. Cá biệt, có khoa chưa chú trọng đúng mức quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức và các mối quan hệ của giảng viên, nhất là các mối quan hệ ngoài giờ hành chính, ngoài khu vực doanh trại; chưa chủ động nắm bắt, định hướng dư luận, bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong chi bộ, tổ đảng và đồng thuận cao trong khoa, bộ môn. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình có lúc còn mang tính chất chung chung; xử lý một số sự việc xảy ra chưa kiên quyết, kịp thời.

Quá trình phát hiện, bồi dưỡng tấm gương có thời điểm chưa đúng người, đúng việc, chưa kịp thời, còn mang tính thời vụ, dẫn đến hiệu quả phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên chưa thường xuyên. Cá biệt trong nhận thức còn cho rằng, đội ngũ giảng viên đã có trình độ nhận thức cao, nên việc nêu gương về đạo đức của giảng viên không cần sự định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy. 

Một số giảng viên chưa nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm nêu gương về đạo đức trong quá trình công tác, sinh hoạt và giao tiếp xã hội. Trong quá trình công tác vẫn có giảng viên chưa chú trọng kết hợp giữa dạy học và giáo dục, định hướng phẩm chất đạo đức, lối sống cho học viên. Do đó, trong quá trình học tập, công tác còn có giảng viên chưa chú trọng nêu gương đối với đồng chí, đồng đội và học viên. Chính vì vậy, sự cảm hóa, sức lan tỏa của những tấm gương đạo đức trong giảng viên đối với đồng nghiệp, cán bộ, học viên chưa cao. Cá biệt, vẫn còn hiện tượng một số giảng viên chưa chuẩn mực trong phát ngôn, tư thế tác phong công tác, chấp hành quy chế, quy định. Điều này ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của giảng viên nói chung và vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên nói riêng

3. Một số yêu cầu nêu gương về đạo đức của giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị 

Thứ nhất, phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, cơ quan chức năng và khoa giáo viên.

Cần phải xác định vai trò nêu gương trong giáo dục, rèn luyện đạo đức nói chung và nêu gương về đạo đức của giảng viên là một trong những con đường, biện pháp để nâng cao đạo đức của các đối tượng trong Nhà trường nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Trường Sĩ quan Chính trị nói chung. Đồng thời, cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giảng viên. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của học viên trong mỗi giai đoạn cụ thể, các cơ quan chức năng và khoa giáo viên phải đề ra các chủ trương, biện pháp sát, đúng để chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ giảng viên phát huy tốt vai trò nêu gương của mình trong công tác, sinh hoạt và giao tiếp xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, cơ quan chức năng các cấp và khoa giáo viên phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị và các tổ chức quần chúng phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả quá trình phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên. Các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn và chương trình hành động của các tổ chức bám sát đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và tổ chức mình để định hướng đội ngũ giảng viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho đội ngũ học viên.

Thứ hai, phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên phải gắn với mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo của Nhà trường.

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay. Qua đó, xác định những chuẩn kiến thức, phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ sau khi họ ra Trường. Do đó, cơ quan chức năng, cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên trong Nhà trường phải xác định đúng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, từng mốc thời gian cụ thể để có thể xây dựng chương trình, mục tiêu, nội dung giáo dục cho phù hợp. Trên cơ sở đó, đánh giá những tiêu chí cần đạt được về phẩm chất, năng lực của học viên.

Đối với đội ngũ giảng viên, xác định đúng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng ở Nhà trườngkhông chỉ là cơ sở để họ xác định mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, phương pháp của từng bài giảng mà còn là cơ sở để xác định các biện pháp nêu gương về đạo đức có hiệu quả. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, để phát huy tốt vai trò nêu gương về đạo đức, đội ngũ giảng viên phải xác định đúng những chuẩn mực đạo đức, lối sống cần phải đạt được và các đặc điểm tâm, sinh lý để xác định những biện pháp, cách thức nêu gương có hiệu quả. 

Thứ ba, tăng cường vai trò, tính tiền phong, gương mẫu trong rèn luyện đạo đức và trách nhiệm nêu gương về đạo đức của giảng viên.

Yêu cầu này xuất phát từ uy tín, vị trí vai trò của giảng viên. Bởi người giảng viên là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, có trách nhiệm truyền bá cho người học lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Tăng cường vai trò, tính tiền phong, gương mẫu về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ giảng viên còn xuất phát từ quan điểm của Đảng ta. Nhà giáo ngoài tài năng, học vấn phải có đạo đức cách mạng, “trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng, có tài phải có đức”. 

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và môi trường văn hóa sư phạm.

Đây là yêu cầu rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến chất lượng, hiệu quả phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay. Để thực hiện tốt vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên cần có sự phối, kết hợp thống nhất, nhịp nhàng từ Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến các phòng, ban, khoa giáo viên và các tổ chức quần chúng trong Nhà trường.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan chính trị, đào tạo phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên. Nhà trường phải xác định các nội dung học tập, giáo dục chính trị hằng năm, bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về thực hiện nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đồng thời, phát hiện và đấu tranh với các biểu hiện “diễn gương” của cán bộ, giảng viên. 

Đối với các cơ quan, cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình để định hướng cho các khoa, bộ môn, giảng viên thực hiện tốt các nội dung, hình thức phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên. Trong đó, Phòng Chính trị cần thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các yêu cầu, nội dung, biện pháp phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên, đồng thời, phối hợp và hướng dẫn các cơ quan, khoa giáo viên triển khai thực hiện.

4. Kết luận

Xây dựng môi trường văn hóa sư phạm – xã hội ở Trường Sĩ quan Chính trị để phát huy tốt vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên phải bảo đảm tính hài hòa, cân đối, phù hợp. Yêu cầu này đòi hỏi xây dựng môi trường văn hóa không chỉ dừng lại ở bảo đảm và hoàn chỉnh cảnh quan môi trường, các hoạt động văn hóa hàng ngày mà yêu cầu quan trọng nhất là thực hiện và phát huy dân chủ trong sinh hoạt, công tác, giao tiếp xã hội. Chính vì vậy, đội ngũ giảng viên có vai trò rất quan trọng không chỉ truyền thụ tri thức cho người học mà còn là chủ thể trong quá trình giáo dục đạo đức, thực sự là những tấm gương sáng để mọi người học tập và làm theo. Để phát huy vai trò nêu gương về đạo đức của giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu trên,góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và rèn luyện đạo đức của cán bộ, giảng viên trong Nhà trường. 

Chú thích:
1, 3, 4, 5. Trường Sĩ quan Chính trị. Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về  tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và 02 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/TW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021 – 2023). Hà Nội, 2023.
2. Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị lần thứ X. Hà Nội, 2020, tr. 65.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tạp I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011. 
4. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
5. Quy định 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.