Thành phố Hà Nội nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính

(QLNN)- Thành phố Hà Nội xác định cải cách hành chính là “chìa khóa” quan trọng hàng đầu, quyết định thành công của nhiều chương trình, mục tiêu cũng như thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính.

 

Cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội

Quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố

Thành phố đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) theo tinh thần: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”; “một việc – một đầu mối”. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”.

Đối với những vấn đề khó khăn có tính đặc thù của thành phố Hà Nội, như về đất đai, quy hoạch, hằng tuần, lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đều xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất, giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục cho dự án đầu tư. Nhiều nhà đầu tư có năng lực đã quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư, quy mô thu hồi đất lớn, có ý nghĩa về kinh tế – xã hội như: dự án Công viên Kim Quy; khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm; cụm công nghiệp Sóc Sơn; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới,…

Thành phố thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, như: Thành ủy có Nghị quyết chuyên đề, UBND thành phố có Kế hoạch chuyên đề và tổ chức các buổi giao ban tháo gỡ khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng nhà ở tái định cư theo cơ chế xã hội hóa; đặt hàng DN; xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm môi trường tại các hồ; xã hội hóa hạ ngầm đường dây điện, viễn thông; thay đổi cách thức quản lý – giao việc đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng viễn thông cho các DN (trước đây việc này là của cơ quan nhà nước).

Tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy

Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản đội ngũ, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp chặt chẽ, không phát sinh khiếu kiện. Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu vị trí việc làm của các đơn vị công lập trên địa bàn làm căn cứ quan trọng để thực hiện biên chế đúng quy định; thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức tại Văn phòng UBND thành phố, 22 sở, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm bớt các khâu trung gian.

Thành lập 5 ban Quản lý dự án chuyên ngành và 30 ban Quản lý dự án khu vực (trên địa bàn 30 quận, huyện,thị xã)1 theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, có đủ năng lực giúp UBND thành phố thực hiện các nhiệm vụ; quản lý hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, liên thông điện tử được thành phố lựa chọn là một trong những khâu đột phá

Thành phố tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện nối mạng điện tử liên thông từ thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện và 584 xã, phường, thị trấn; sử dụng số liệu dùng chung và tiến tới xây dựng kho dữ liệu chung. Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành (dân cư, DN, đất đai) để phục vụ người dân, DN. Triển khai Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến (http://egov.hanoi.gov.vn).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. (Nguồn : http://laodongthudo.vn. Ảnh: TH)

Đến nay, tỷ lệ đăng ký kinh doanh của Hà Nội đã đạt trên 60%, kê khai và nộp thuế điện tử đạt 98%, đơn vị sử dụng lao động là DN có trên 10 lao động thực hiện giao dịch thủ tục về bảo hiểm xã hội điện tử chiếm 97,47%. Điển hình, tại huyện Gia Lâm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến tại huyện và xã luôn đạt hơn 90% 2

Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cải cách TTHC tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện. Thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 TTHC thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước; công bố một số TTHC được sửa đổi, bổ sung, đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố là 1.915 thủ tục {3}; là địa phương đầu tiên ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công.

Giao tự chủ chi thường xuyên các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở giảm chi ngân sách, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tổ chức triển khai trung tâm điều hành thông minh; duy trì và mở rộng các dịch vụ thực hiện trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục tăng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đạt 55%; đồng thời có biện pháp, chính sách khuyến khích người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã triển khai thành công.

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc

Công tác thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo toàn diện. Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời, tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và CCHC năm 2017 tiếp tục tăng hạng và giữ vị trí cao so với các tỉnh, thành phố. PCI đứng vị trí 13/63 (tăng 1 bậc); chỉ số CCHC (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 1 bậc).

Tổng vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 128,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9,4%; lũy kế đến nay có 4.325 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn 27,94 tỷ USD. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 60 dự án, tổng mức đầu tư ước đạt 80 nghìn tỷ đồng, giảm 38% về số dự án nhưng tăng 19% về vốn. Đối với các dự án theo hình thức PPP, đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 1 dự án, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 2 dự án; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 3 ngày (trừ giải thể DN).3

Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2018, có 12,1 nghìn DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký 124 nghìn tỷ đồng, giảm 3% về số lượng nhưng tăng 31% về vốn so với cùng kỳ; có 1.940 DN hoạt động trở lại, giảm 1,5% so cùng kỳ…4. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho DN ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, bất cập trong thực hiện CCHC. Một số sở, ngành còn lúng túng, chưa linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Việc cung cấp các tài liệu, hồ sơ còn chưa đầy đủ, chưa dẫn chứng đủ các số liệu bảng biểu, chi tiết cụ thể nên giữa kết quả tự đánh giá chấm điểm và kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ có sự chênh lệch, vì vậy, còn chưa đạt điểm ở một số tiêu chí thành phần. Việc cung cấp dịch vụ công lĩnh vực y tế, giáo dục chưa được người dân đánh giá cao, trong đó chất lượng y tế chỉ đạt 75% yêu cầu5.

CCHC là một công việc khó khăn, phức tạp, nhiều lực cản. Công tác truyền thông về các chương trình tổng thể còn chưa tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị, chưa có sự đồng thuận trong nhân dân. Việc đánh giá công tác cải cách TTHC chưa được triển khai theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, DN vốn là những đối tượng sử dụng dịch vụ công. Bên cạnh đó, tính công khai, minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức, một bộ phận cán bộ, công chức suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, gây bất bình trong nhân dân…

Đề xuất giải pháp cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội trong thời gian tới

Hà Nội xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất – kinh doanh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, thành phố tập trung cao độ cho các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

Một là, bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai CCHC từ xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC; tổ chức triển khai; kiểm tra thực hiện; đánh giá kiểm điểm kết quả CCHC phải dựa vào đánh giá những mục tiêu đề ra cũng như tác động (tích cực và tiêu cực nếu có) tới xã hội của hoạt động CCHC. Coi trọng công tác thí điểm, mạnh dạn làm thử trong triển khai CCHC; tạo dựng sự thay đổi triệt để trong nhận thức về điều hành kinh tế và có nhận thức đúng về vai trò điều tiết, quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện nghiêm việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; rà soát, bãi bỏ các TTHC không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, DN.

Hai là, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cải cách để nâng cao các chỉ số thành phần của bộ chỉ số PCI mà từ 12 năm nay Hà Nội vẫn bị xếp hạng thấp, như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý,… Đồng thời, phát huy các chỉ số đã được xếp hạng tốt, như: hỗ trợ đào tạo, dịch vụ DN…

Ba là, đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và DN. Tiếp tục xác định trọng tâm triển khai: hoàn thiện và ban hành khung kiến trúc chính phủ điện tử; số hóa đồng bộ dữ liệu của các sở, ngành, quận, huyện; hoàn thành xây dựng và cập nhật các cơ sở dữ liệu cốt lõi, như: đất đai, DN, tư pháp, hộ tịch, cán bộ, công chức,…

Hoàn thành hệ thống một cửa điện tử 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ 40% trở lên, hướng đến năm 2020 cung cấp 70 – 80% dịch vụ công ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, hình thành cơ chế tương tác giữa chính quyền các cấp với DN qua cổng thông tin điện tử.

Bốn là, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công vụ, CCHC; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, giám sát và hậu kiểm.

Năm là, tiếp tục xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; thủ trưởng cơ quan đơn vị đối với công tác CCHC. Chấn chỉnh lề lối làm việc, đạo đức, tác phong; kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc, TTHC với người dân và tổ chức, DN.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra chuyên đề, đột xuất; củng cố chất lượng, nâng cao uy tín bộ máy chính quyền các cấp. Phát hiện gương điển hình tiên tiến; mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác CCHC để biểu dương khen thưởng, động viên kịp thời; bên cạnh đó, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm… Xây dựng phong cách làm việc của bộ máy chính quyền: “thân thiện – kỷ cương – trách nhiệm – hiệu quả”.

Chú thích:
1, 3, 4, 5. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Sở Nội vụ Hà Nội; Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tại Hội nghị giao ban Ủy ban nhân dân thành phố, ngày 09/7/2018.
6. Chỉ số cải cách hành chính năm 2017: Hà Nội vươn lên vị trí thứ hai. Kinhtedothi.vn, ngày 03/5/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Thế giới. Báo cáo về Môi trường kinh doanh năm 2015.
2. Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 24/8/2016 về cải cách hành chính nhà nước của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.

ThS.  Nguyễn Thị Thúy Vân
 Học viện Hành chính Quốc gia