Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

(QLNN) – Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”, đòi hỏi đội ngũ CBCX phải được liên tục nâng cao trình độ, trau dồi đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.                                             

 Thực trạng về năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã tỉnh Quảng Nam

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp xã (CBCX) đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết công việc của đội ngũ CBCX. Theo số liệu thống kê, trong tổng số 2.532 CBCX của tỉnh Quảng Nam, có 79,8% cán bộ đạt chuẩn về chuyên môn (trình độ trung cấp trở lên). Hiện có 212 cán bộ đang đi học đạt chuẩn chuyên môn (tỷ lệ 8%), 395 cán bộ đi học để nâng chuẩn từ trung cấp, cao đẳng lên đại học, 11 cán bộ đi học nâng chuẩn từ đại học lên thạc sỹ1.

– Về trình độ lý luận chính trị, có 89% CBCX đạt chuẩn (trình độ trung cấp trở lên). Hiện có 28 cán bộ đang học cao cấp, 26 cán bộ đang học trung cấp lý luận chính trị 2.

Hơn 70% CBCX được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo quản lý của chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, kiến thức và kỹ năng công tác của bí thư, phó bí thư và trưởng các tổ chức chính trị – xã hội xã (Chương trình bồi dưỡng do Bộ Nội vụ ban hành)3.

Về cơ bản, đội ngũ CBCX ở tỉnh Quảng Nam có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định; có năng lực chung đạt ở mức độ khá cao và kinh nghiệm làm việc tốt. Đặc biệt, đối với cán bộ quản lý, hầu hết đều có kinh nghiệm công tác ít nhất là 5 năm trở lên. Họ là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu và nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần cầu tiến; kỹ năng làm công tác dân vận khéo. Đây là điểm rất cần thiết đối với cán bộ làm việc tại cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh thì kiến thức, trình độ chuyên môn đào tạo của một bộ phận cán bộ chưa thực sự phù hợp với yêu cầu công việc, ít được đào tạo lại, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, chất lượng hiệu quả công tác chưa tương xứng với bằng cấp.

Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, năng lực quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học phục vụ công việc chuyên môn của một bộ phận CBCX chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bản thân nhiều CBCX chưa có ý thức thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng cho công chức Văn phòng -Thống kê cấp xã (Ảnh: http://www.noivuqnam.gov.vn).

Một số giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong việc xây dựng đội ngũ CBCX.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhận thức rõ, thống nhất tư tưởng, thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ việc xây dựng đội ngũ cán bộ thì nơi đó công tác cán bộ ngày càng có chất lượng. Ngược lại, nơi nào nhận thức hạn chế, thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ thì nơi đó thiếu hụt cán bộ, cán bộ không đảm nhận được vị trí chủ chốt. Hiện nay, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, mới chỉ luân chuyển được một số cán bộ về những xã, phường thiếu cán bộ có trình độ, năng lực đảm nhận được vị trí chủ chốt. Do vậy, cần phải quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ ngay từ nguồn tại chỗ; đồng thời, cũng phải làm tốt công tác luân chuyển cán bộ từ huyện về xã, từ xã đến xã để luôn có nguồn cán bộ có đủ trình độ, năng lực đảm nhận vị trí chủ chốt.

Hai là, cụ thể hóa tiêu chuẩn về vai trò, năng lực thực hiện pháp luật của đội ngũ CBCX.

Tiêu chuẩn năng lực CBCX, đòi hỏi phải có kiến thức toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… Trong đó, có trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, công tác Đảng đạt chuẩn… Bên cạnh đó, phải có các tiêu chuẩn cụ thể về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực tư duy và hoạt động thực tiễn, uy tín cá nhân.

Đối với các năng lực ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định, kiểm tra giám sát việc ra quyết định, đội ngũ CBCX phải có khả năng đưa ra những quyết định đúng chủ trương, chính sách, mang tính khả thi cao, hợp lòng dân. Phải có kiến thức để tổ chức thực hiện quyết định cũng như kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả, khoa học.

Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ CBCX.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ CBCX trên cả hai loại hình là đào tạo tại chỗ và đào tạo qua các cơ sở đào tạo.

– Về đào tạo tại chỗ: mở các lớp bồi dưỡng, liên kết phối hợp với các cơ sở bồi dưỡng CBCX, tập huấn nghiệp vụ tại các địa phương. Với hình thức này cán bộ vừa đi học  vừa có thể vẫn tranh thủ đảm nhiệm công việc của mình. Bên cạnh đó, những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm hướng dẫn, truyền thụ các kỹ năng cho các cán bộ trẻ còn ít kinh nghiệm. Hình thức đào tạo này vừa tiết kiệm chi phí, vừa đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ.

– Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo: cử CBCX đi học các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo. Hằng năm, UBND các huyện, thành phố căn cứ thực tế số lượng, chất lượng CBCX hiện có, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, đối chiếu với tiêu chuẩn cán bộ công chức theo quy định để xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng từng năm và từng giai đoạn của địa phương; tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCX trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện…

Bốn là, đổi mới việc tuyển chọn, bố trí nhằm phát huy sở trường cán bộ.

Từ thực trạng công tác tuyển dụng CBCX trước đây đã để lại đội ngũ cán bộ hạn chế về trình độ, năng lực. Tình trạng nhận cán bộ, công chức vào làm việc xuất phát từ các mối quan hệ thân quen, họ tộc… dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm cán bộ đủ điều kiện để tạo nguồn, bố trí các chức vụ lãnh đạo, quản lý của địa phương. Để đổi mới thật sự công tác cán bộ trong tình hình mới thì nhất thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ  theo tiêu chuẩn mới có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, năng lực tổ chức, điều hành công việc để sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trong diện quy hoạch, dự nguồn.

Kiên quyết khắc phục tình trạng bố trí cán bộ theo ý chủ quan, không đúng quy hoạch, thiếu dân chủ, nặng về cơ cấu, lúng túng, bị động hoặc hẹp hòi, định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ. Bố trí cán bộ phải vừa bảo đảm tính nguyên tắc, vừa năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, sát với từng loại đối tượng cán bộ trong diện quy hoạch. Bố trí cán bộ đúng sẽ làm cho tổ chức bộ máy ổn định, đoàn kết thống nhất, cán bộ phấn khởi, tích cực thực hiện nhiệm vụ; tạo động lực để cán bộ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành trong tất cả các lĩnh vực công tác.

Năm là, phát huy tính tích cực chủ động của cán bộ trong việc tự đào tạo, rèn luyện, tu dưỡng.

Việc tự đào tạo, học tập, tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ CBCX là phương thức chủ yếu và trực tiếp để mỗi cán bộ bổ sung, bù đắp thêm những thiếu hụt về phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm công tác, đáp ứng với sự vận động, phát triển, yêu cầu, đòi hỏi mới của chức trách, nhiệm vụ.

CBCX phải nhận thức về vị trí, vai trò của việc tự học, tự tu dưỡng và rèn luyện của bản thân, thấy rõ những yêu cầu, đòi hỏi khách quan về tiêu chuẩn của người cán bộ trong thời kỳ mới. Từ đó phát huy tính tích cực, chủ động trong việc tự đào tạo, rèn luyện và tu dưỡng. Mỗi CBCX cần xây dựng kế hoạch cũng như xác định ý chí, quyết tâm thường xuyên tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực cần thiết và phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, làm việc của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chú thích:
1, 2, 3. Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam. Báo cáo số 10/BC-ĐA ngày 15/9/2017 về công tác đào tạo cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
2. Thông tư số 06/2012/QĐ-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị đối với cán bộ, công chức xã.

                                                                                     TS. Huỳnh Quý
                                                    Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ
                                                                       Công an tỉnh Quảng Nam