DDCI – Động lực trong cải cách thủ tục hành chính

(QLNN) – DDCI là bộ công cụ đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, ban ngành và địa phượng trong tỉnh, thành phố một cách độc lập, khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp. Hay nói một cách khác, đây là bộ chỉ số đánh giá tính cạnh tranh giữa các Sở, ban ngành và địa phương do các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố chấm điểm, đánh giá.

 

Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi tỉnh, thành phố, địa phương trên cả nước. Điều này thể hiện ở sự nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính, thái độ lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương để hoàn thiện hệ thống văn bản điều hành, nâng cao sức hấp dẫn của từng tỉnh, thành đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chỉ mức khẩu hiệu. Các Nghị quyết của cấp tỉnh, thành phố chưa có “sức ép” lên các Sở, ban, ngành và địa phương phải quyết liệt hành động. Bộ chỉ số DDCI sẽ hối thúc các cơ sở hành động, sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.

Vậy, từ đâu mà các chỉ số DDCI lại có thể hối thúc các đơn vị hành động thực sự thay vì mãi sống trong khẩu hiệu?

Bởi, DDCI là chỉ số đánh giá khách quan mức độ hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính các đơn vị của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh hàng năm, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của nhiều lĩnh vực.

Việc các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia đánh giá chỉ số DDCI là thể hiện vai trò giám sát hệ thống chính quyền về thái độ, chất lượng dịch vụ hành chính công của các địa phương. Cơ sở đưa ra bộ chỉ số DDCI gồm những chỉ số thành phần là: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và vai trò của người đứng đầu…

Anh Dương
(Nguồn: http://baochinhphu.vn)