Một số góp ý về nội dung dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

(QLNN) – Qua triển khai thực tế các kỳ thi thi tuyển viên chức ở tỉnh năm 2019 cho thấy, việc triển khai 02 vòng thi phức tạp, tốn kém chi phí tổ chức, gây khó khăn cho nhiệm vụ khác của các cơ quan, đơn vị và người tham gia, nhưng hiệu quả nâng cao chất lượng trong tuyển dụng không hơn với so cách tuyển dụng như trước đây (01 lần tất cả các môn). Việc tổ chức thi 2 vòng như hiện nay và đang được quy định trong dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cần được nghiên cứu sao cho hiệu quả hơn trước.

 

Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính

Nội dung dự thảo Nghị định được tích hợp có sửa đổi, bổ sung và thay thế Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và các thông tư của Bộ nội vụ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Nghị định này về tuyển dụng viên chức. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật số 52/2019/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật viên chức.

Những quy định về điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng, thi tuyển viên chức, xét tuyển viên chức, trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức, trình tự thủ tục tuyển dụng viên chức, hợp đồng làm việc và quy định tập sự gồm 19 điều (từ Điều 14-22). Trong đó có nhiều điểm mới so với quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP như: quy định về các vị trí việc làm khi tuyển dụng viên chức (tiêu chí về bằng cấp: không có sự phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập), quy định trường hợp đặc thù trong tuyển dụng viên chức (độ tuổi: được phép tuyển dụng những người có độ tuổi dưới 18 tuổi nhưng phải đủ 15 tuổi trở lên trong một số trường hợp đặc biệt)… Tuy nhiên, nội dung, hình thức thi tuyển, xác định người trúng tuyển chưa chưa đạt được hiệu quả như mục đích tuyển dụng.

Về hình thức tuyển dụng được tổ chức theo hai vòng thi:

Vòng 1: là vòng thi điều kiện với 03 phần thi Kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học. Thí sinh có kết quả “Đạt”(mỗi phần phải từ 50 điểm trở lên) tại Vòng 1 mới được dự thi Vòng 2. Hình thức thi trắc nghiệm được sử dụng cho phần này là phù hợp đem lại hiệu quả về việc kiểm tra kiến thức và tiết kiệm được thời gian, chi phí tài chính.

Tuy nhiên, do nội dung câu hỏi của phần I – Kiến thức chung bao gồm nhiều mảng kiến thức, đánh giá tổng quát về hiểu biết, năng lực và trình độ của thí sinh về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và những hiểu biết cơ bản về ngành lĩnh vực tuyển dụng, chức trách, nhiệm vụ của viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển. Nếu chỉ sử dụng như một điều kiện để qua và không tính vào điểm tổng làm căn cứ để lựa chọn thí sinh trúng tuyển sẽ dẫn đến các hệ lụy như: Đây là những kiến thức quan trọng đối với quá trình hành nghề của viên chức nhằm tránh được những sai phạm do chưa đánh giá đúng sự cần thiết phải hiểu về những kiến thức này. Hàm lượng kiến thức ở nội dung này rất lớn vì vậy việc thi trắc nghiệm trong 60 câu, thời gian thi trong 60 rất khó xây dựng được bộ câu hỏi bao hàm được những kiến thức cần thiết đối với người thi.

Vòng 2: Thi kiến thức, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng bằng các hình thức: phỏng vấn hoặc thực hành hoặc thi viết. Với thang điểm 100 điểm và thời gian tùy thuộc vào hình thức thi.

Cơ sở tuyển dụng viên chức chỉ có thể sử dụng một trong ba hình thức là chưa đủ. Bởi: nếu chỉ sử dụng phỏng vấn dễ dẫn đến tính chủ quan trong đánh giá, thiếu tính khách quan; nếu chỉ sử dụng hình thức thực hành thì khó có thể hiểu rõ được việc nắm bắt được lý thuyết ngành nghề và những vấn đề quan trọng khác mà cơ sở tuyển dụng muốn đánh giá; nếu chỉ thi viết thì rất khó đánh giá họ có thể thực hành nghề nghiệp được tốt hay không. Vì vậy, chúng tôi đề nghị hình thức thi phỏng vấn được thực hiện bằng hình thức thi viết kết hợp thi phỏng vấn với thang điểm là 100, không có lựa chọn áp dụng duy nhất hình thức thi phỏng vấn để quyết định điểm thi của thí sinh như Dự thảo hiện nay. Bởi thực tiễn cho thấy, hình thức phỏng vấn có ưu điểm giúp Ban kiểm tra sát hạch có thể đánh giá toàn diện thí sinh, nhưng có nhược điểm là tính định tính, chủ quan của người phỏng vấn khá cao. Điều này cũng tương tự như đối với Vòng 2 trong kỳ xét tuyển viên chức quy định tại Điều 10.

Cách xác định người trúng tuyển

Cách xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức đề nghị chỉnh sửa như sau: “…b) Có số điểm của Phần I Vòng 1 (Kiến thức chung) cộng với số điểm của Vòng 2 và điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm…”

Điều 5, đề nghị nêu rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của việc cộng điểm từ 2,5đ đến 7,5đ đối với các trường hợp ưu tiên trong tuyển dụng. Tại khoản 1 điểm b, đề nghị xem xét lại quy định về ưu tiên đối với “con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước)” do thực tế thời điểm ban hành Nghị định so với khoảng thời gian năm 1945 đã trên 75 năm nên không có đối tượng dự tuyển viên chức phù hợp với đối tượng ưu tiên này. Khoản 2: Đề nghị sửa lại như sau: “…được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm thi tại vòng 2 quy định tại khoản 2 Điều 9 hoặc khoản 2 Điều 11 Nghị định này.”

Điều 7, khoản 2 về Hội đồng tuyển dụng viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức: đề nghị xem xét, giữ nguyên thành phần hội đồng như đã quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP hoặc bổ sung quy định về phân cấp tuyển dụng viên chức khi đơn vị sự nghiệp chưa được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức.

Khoản 3, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức không đủ thành viên để thành lập Hội đồng tuyển dụng thì có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thành lập Hội đồng theo quy định tại khoản 2 hoặc cử thêm người đại diện để tham gia Hội đồng tuyển dụng.

Điểm c khoản 4, đề nghị bổ sung:… chấm phúc khảo (nếu có)

Khoản 5, đề nghị chỉnh sửa thành: “Không bố trí những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự thi hoặc bên vợ, bên chồng của người dự thi, hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng tuyển dụng, thành viên các ban giúp việc, tổ thư ký giúp việc của Hội đồng tuyển dụng”.

Điều 8, khoản 1 điểm b về miễn thi ngoại ngữ, đề nghị làm rõ việc miễn thi ngoại ngữ (vòng 1) đối với các trường hợp tại dự thảo chỉ được áp dụng khi ngoại ngữ của ứng viên trùng với ngoại ngữ của kỳ thi tuyển hay có thể áp dụng khi ứng viên học bất kỳ ngoại ngữ nào (tương tự việc miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại Điều 36, khoản 6).

Khoản 1 điểm g, đề nghị sửa như sau: “Chậm nhất là 05 ngày làm việc sau khi thông báo kết quả thi vòng 1 theo quy định tại điểm đ và sau ngày công bố kết quả chấm phúc khảo theo quy định tại điểm e khoản này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo triệu tập thí sinh dự thi vòng 2…”để phù hợp với từng hình thức thi (trên máy tính và trên máy).

Điều 15, khoản 1, đề nghị cân nhắc về hình thức gửi thông báo cho thí sinh không bắt buộc gửi bằng văn bản. Lý do: (i) Thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng là kênh thông tin tin cậy, thí sinh truy cập dễ dàng và nhanh chóng nắm bắt được thông tin; (ii) Trên thực tế rất nhiều thí sinh lấy địa chỉ nơi thuê trọ, nơi làm việc làm địa chỉ gửi văn bản nhưng đã chuyển chỗ ở/nơi công tác tại thời điểm văn bản được gửi tới nên dẫn đến thí sinh không nắm được thông tin cần thiết.

Khoản 2, cân nhắc bổ sung ý “Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong quá trình chấm phúc khảo, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định việc kéo dài thời hạn thực hiện các công việc quy định tại điểm này nhưng không quá 15 ngày”(tương tự đối với Điều 8 điểm e).

Khoản 6, nên sửa lại như sau:“Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định công nhận kết quả trúng tuyển đối với người dự tuyển có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề của vị trí việc làm cần tuyển dụng so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển đã bị huỷ bỏ kết quả trúng tuyển theo quy định tại khoản 6 Điều này hoặc trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phát sinh nhu cầu tuyển dụng mới trong cùng năm tuyển dụng đối với vị trí có yêu cầu về chuyên ngành đào tạo giống với vị trí việc làm mà người dự tuyển đã đăng ký trong năm tuyển dụng…”(tương tự như tại Điều 2, khoản 9 Nghị định 161/2018/NĐ-CP).

Về trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức

Về trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức (Điều 12, Khoản 1 điểm a ý 1): đề nghị xem xét trường hợp được tiếp nhận vào viên chức gồm:“Người đang ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”. Bởi lẽ, ngoài các đơn vị quy định tại dự thảo Nghị định, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên cũng có thể được phép tiếp nhận vào viên chức do thực tế các trường hợp này đều được tuyển dụng theo quy trình chặt chẽ như đối với tuyển dụng viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác phù hợp để làm viên chức.

Đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức “Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an)”. Điểm này cần quy định cụ thể để tránh hiểu lầm, vì nhiều trường hợp vẫn đang hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhưng không phải là bộ đội, công an, không có quân hàm, không cấp bậc thì có phải đối tượng điều chỉnh không?

Tại Điều 12, khoản 7, cần làm rõ hơn vì trong thực tế cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức là UBND cấp tỉnh nhưng không ban hành quyết định tiếp nhận vào viên chức, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức và cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng trở lên cũng không cùng cấp, dẫn tới quy trình kết hợp như quy định là rất khó hiểu, không rõ ràng và không chặt chẽ. Ngoài ra, nếu quy định như vậy thì đối với trường hợp dự kiến tiếp nhận vào công chức để bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý có phải sát hạch theo quy định như đối với trường hợp tiếp nhận vào công chức bình thường hay không?

Điều 16 khoản 8 nên viết lại như sau: “Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức này để tránh gây hiểu lầm giữa viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập đồng ý cho công chức chuyển đi/đơn vị sự nghiệp công lập nhận về”.

Tại Điều 17 khoản 4, ở nội dung “Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức”. Quy định này có một số điểm chưa rõ ràng như sau:

– Luật Viên chức không có chỗ nào quy định viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, chỉ có quy định biệt phái và biệt phái chỉ phù hợp trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức.

– Khi một người chấm dứt hợp đồng làm việc với một đơn vị, cũng đồng thời không còn là viên chức nữa. Vì vậy quy định: “người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức” là không phù hợp.

– Đề nghị nghiên cứu, quy định đối với trường hợp này phải thực hiện quy trình tuyển dụng và phù hợp nhất là áp dụng hình thức tiếp nhận đặc biệt đối với các trường hợp này.

Tại khoản 5, Điều 36 dự thảo Nghị định: “Việc tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ, tin học và môn kiến thức chung (trường hợp người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng viên chức quyết định hình thức thi trắc nghiệm) được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Trường hợp cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi thắc nghiệm trên giấy. Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học. Không tổ chức phúc khảo đối với các bài thi trắc nghiệm trên máy vi tính”.

Như vậy, khi tổ chức thi trắc nghiệm (môn ngoại ngữ, tin học, kiến thức chung) trên giấy, người dự thi có quyền phúc khảo không và thời gian phúc khảo, chấm phúc khảo, điểm phúc khảo như thế nào thì dự thảo Nghị định không quy định. Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 2, Điều 35 dự thảo Nghị định quy định: bộ phận giúp việc có Ban chấm phúc khảo. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung, trình tự phúc khảo cho phù hợp. Đây là một số ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức năm 2020 hiện đang được Bộ Nội vụ xây dựng.

TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia