Hoạt động từ thiện xã hội – thực trạng và giải pháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động quyên góp từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là truyền thống sinh hoạt văn hóa – xã hội đã có từ lâu ở Việt Nam. Hoạt động từ thiện hiện nay có những mặt tốt và mặt còn hạn chế bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bài viết tập trung phân tích thực trạng hoạt động từ thiện xã hội ở Việt Nam, những thành tựu và hạn chế, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy nghĩa cử cao đẹp của hoạt động từ thiện trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet)
Quan niệm về hoạt động từ thiện xã hội

Có nhiều quan niệm khác nhau về từ thiện xã hội (TTXH). Từ điển về xã hội dân sự, từ điển và khu vực phi lợi nhuận1 đưa ra quan niệm TTXH bao gồm: (a) Các hoạt động tự nguyện giúp đỡ, bao gồm cả sự giúp đỡ vật chất cho những đối tượng cần trợ giúp; (b) Cơ quan hay tổ chức làm việc giúp đỡ người có nhu cầu trợ giúp; (c) Những quan niệm về lòng tốt, sự hào phóng, vị tha và bao dung trong việc đánh giá người khác. Theo nghĩa rộng, từ thiện có thể được hiểu là những cam kết lâu dài và tự nguyện vì lợi ích của cộng đồng, góp phần giải quyết các nguyên nhân sâu xa gây ra của các vấn đề xã hội.

Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa, từ thiện là “có lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó để làm phúc”2. Tuy có nhiều quan niệm khác nhau về TTXH, nhưng tựu chung các quan niệm đều có điểm chung, coi TTXH là những hành động nhân đạo của cá nhân, tổ chức nhằm giúp đỡ người khác vượt qua những khó khăn, cải thiện cuộc sống khi họ lâm vào những hoàn cảnh khó khăn, mất hoặc suy giảm thu nhập hoặc không còn khả năng tự vươn lên.

Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, các hoạt động từ thiện (HĐTT) ngày càng phong phú, đóng vai trò vô cùng quan trọng trợ giúp cho những nhóm yếu thế trong xã hội, như: người nghèo, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Thực trạng hoạt động từ thiện xã hội ở Việt Nam hiện nay

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động TTXH. Đáng chú ý là Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ (sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo). Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội…

Các văn bản pháp luật trên cho thấy, khung pháp lý cho các hoạt động TTXH ở Việt Nam đã hình thành tương đối đầy đủ, tạo điều kiện cho các HĐTT phát triển, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân. Các hoạt động TTXH ở Việt Nam hiện nay được thực hiện với đa dạng các hình thức, như: quyên góp từ thiện, quán cơm từ thiện, cửa hàng từ thiện, khám bệnh từ thiện…, đã mang lại những giá trị vô cùng thiết thực cho cộng đồng, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hiện nay, các HĐTT ở Việt Nam chủ yếu do: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Quỹ tình thương…, thực hiện. Những tổ chức này được nhiều người dân biết đến và chiếm tỷ trọng rất lớn trong các HĐTT hiện nay.

Các HĐTT ở Việt Nam còn có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể khác như: các doanh nghiệp, ca sĩ, ngôi sao thể thao, diễn viên…, ở nhiều hình thức khác nhau, như: ủng hộ vật chất, đóng góp xây dựng trường học, cấp học bổng cho trẻ em nghèo…, thông qua tổ chức những đêm nhạc, những HĐTT và sự kiện gây quỹ cho trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi3.

Mặc dù chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, nhưng HĐTT của các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, nhóm cá nhân cũng đang có xu hướng gia tăng và có những đóng góp quan trọng hỗ trợ những người dân, nhóm yếu thế vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ, hạn hán… và hậu quả của chiến tranh để lại.

Bên cạnh những tích cực nêu trên, hoạt động TTXH ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những bất cập như:

Một là, HĐTT dường như chủ yếu vẫn là do Nhà nước, các chính sách của Nhà nước hiện tại chưa thật sự khuyến khích sự phát triển của các HĐTT thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức phi nhà nước, phi lợi nhuận. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường từ năm 2013 – 2014 cho thấy, một mặt, Nhà nước khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là trong những lĩnh vực mà Nhà nước không đủ nguồn lực để thực hiện những cam kết của mình. Mặt khác, Nhà nước cũng tiến hành kiểm soát các tổ chức phi chính phủ để bảo đảm rằng hoạt động của các tổ chức này không gây ra những thách thức về chính trị4.

Vai trò của các cá nhân trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn hoàn toàn bị “bỏ ngỏ”. Sự “bỏ ngỏ” này một mặt cản trở và không khuyến khích người dân tham gia HĐTT, mặt khác, tạo ra lỗ hổng khó kiểm soát đối với các cá nhân đứng ra huy động, kêu gọi quyên góp, dẫn đến trường hợp có người sẽ trục lợi, gian dối trong việc sử dụng các nguồn tiền ủng hộ cho mục đích từ thiện. Từ đó, dẫn đến tâm lý người dân, xã hội có cái nhìn tiêu cực đối với việc làm từ thiện.

Khắc phục hạn chế trên, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng là các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia (quy định tại Điều 17 – 19 mục 2). Tuy nhiên, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP vẫn còn một số điểm chưa thật sự rõ ràng, có thể tiếp tục gây lúng túng khi thực hiện, cần được cân nhắc bổ sung hoặc có hướng dẫn phù hợp. Ví dụ, khoản 5 Điều 6, khoản 1 Điều 17 quy định cá nhân thông báo trên phương tiện truyền thông cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, đối tượng vận động, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian vận động, tiếp nhận, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ, thời gian cam kết phân phối, sau đó gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú nhưng lại không quy định về việc cá nhân có được phép thay đổi nội dung của cuộc vận động hay không, nếu có thì cần phải thực hiện thủ tục như thế nào5.

Tại điểm a khoản 6 Điều 10 và khoản 1 Điều 18 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định cá nhân vận động đóng góp phải liên hệ, thông báo cho Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn nhưng lại không quy định, nếu hết thời gian quy định mà ủy ban nhân dân không có hướng dẫn thì khi đó các cá nhân có được quyền tự phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hay không, điều này vẫn chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể.

Các HĐTT của cá nhân chỉ mang tính tức thời, giải quyết được vấn đề xã hội đang cần nhanh chóng, kịp thời mới đem lại ý nghĩa. Việc thiếu quy định hướng dẫn chặt chẽ có thể gây lúng túng cho chính quyền và người dân trong việc làm từ thiện, từ đó sẽ làm mất đi tính kịp thời của hoạt động cứu trợ. Ví dụ: năm 2020, miền Trung đã phải hứng chịu liên tiếp các đợt bão, lũ, riêng cơn bão số 9 kèm theo mưa lũ, sạt lở đất, đã làm 27 người chết, 50 người mất tích, 67 người bị thương, 92.000 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó khoảng hơn 5.000 nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 600 công trình bao gồm trạm xá, trường học bị hỏng ở các cấp độ khác nhau6. Với bối cảnh như vậy, chính quyền đã phải huy động tổng lực để đối phó, và các HĐTT, cứu trợ của các cá nhân, nhà hảo tâm đến với người dân kịp thời, góp phần rất lớn giúp người dân vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả mưa bão, ổn định cuộc sống.

Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định cá nhân vận động đóng góp từ thiện phải thực hiện các cam kết đối với bên đóng góp nhưng lại không quy định về hình thức, nội dung đối với các cam kết này. Xét về mặt bản chất, các cam kết này là giao dịch dân sự giữa cá nhân đứng ra vận động quyên góp và tổ chức, cá nhân đóng góp, vì thế sẽ được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Việc không quy định rõ ràng, cụ thể hình thức, nội dung các cam kết có thể dẫn đến các tranh chấp phát sinh, vi phạm các cam kết mà rất khó có thể xử lý.

Hai là, HĐTT được tổ chức bởi các cơ quan nhà nước còn thiếu kiểm soát dẫn đến tham nhũng và tiêu cực. Các hành vi tham nhũng phổ biến nhất trong tổ chức HĐTT là: quản lý quỹ tiền, hàng cứu trợ không đúng cách, hành vi chiếm đoạt làm của riêng của nhân viên công quyền, giả mạo danh sách nhận tiền, hàng cứu trợ.

Tình trạng các gói hỗ trợ chính sách cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của dịch nhưng gói này lại thường về nhà các cán bộ là lãnh đạo của địa phương một số cán bộ cấp xã, phường ghi tên con cháu thay cho người nghèo để nhận tiền hỗ trợ… Từ những mặt tiêu cực này đã gây tâm lý thiếu niềm tin của người dân vào sự minh bạch, công bằng trong phân phát từ thiện.

Ba là, tình trạng hành chính hóa HĐTT dẫn đến mất đi tính chất tự nguyện, nhân đạo, kêu gọi, khơi dậy tinh thần tương ái của người dân. Thu tiền từ thiện để đạt được định mức hay “chỉ tiêu trên giao” là khá phổ biến ở các địa phương trong cả nước hiện nay. Các định mức này biến đổi theo địa phương và ở mỗi địa phương thì thay đổi theo các đợt quyên góp.

Để đạt được chỉ tiêu quyên góp, các cán bộ quyên góp ở địa phương đã sử dụng “các kỹ thuật” khác nhau, như trừ đi một khoản nhất định từ tiền lương của cán bộ đang công tác hoặc đã hưu trí cho mục đích từ thiện… hoặc là một tiêu chí để đánh giá thi đua chấp hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, sự buông lỏng và thiếu các kiểm soát của Nhà nước đối với HĐTT xuất phát từ cộng đồng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm đổ vỡ các giá trị xã hội cần được bảo vệ.

Thực trạng nhiều ca sĩ, diễn viên… khi có thiên tai sẽ kêu gọi ủng hộ từ thiện. Đáng chú ý là các cá nhân, tổ chức quyên góp lại không thành lập quỹ theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện mà kêu gọi đóng tiền vào tài khoản riêng của cá nhân, tổ chức. Có thể các tổ chức, cá nhân này không có mục đích trục lợi, nhưng việc không thành lập quỹ theo quy định đã là hành vi sai trái có thể dẫn đến hậu quả bất lợi là phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Nhiều người lợi dụng việc làm từ thiện để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức, giữ tiền và bội tín không làm từ thiện như cam kết.

Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động từ thiện xã hội ở Việt Nam mang ý nghĩa cao đẹp, nhân văn đúng nghĩa và đúng pháp luật

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 93/2021/NĐ-CP theo hướng: (a) Quy định rõ về việc cá nhân có được phép thay đổi nội dung của cuộc vận động hay không và thủ tục thực hiện; (b) Quy định cụ thể, rõ ràng về thủ tục phân phối nguồn đóng góp, dự liệu rõ tình huống nếu hết thời gian quy định từ khi cá nhân có thông báo mà Ủy ban nhân dân không có hướng dẫn thì khi đó, các cá nhân được quyền tự phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hay không; (c) Quy định rõ những cam kết giữa cá nhân vận động ủng hộ và tổ chức, cá nhân ủng hộ phải được lập bằng văn bản hoặc thông qua phương tiện điện tử theo đúng quy định pháp luật. Điều này cũng có thể thực hiện bằng một thông tư hướng dẫn do Bộ Nội vụ ban hành và cũng có thể áp dụng với pháp nhân đứng ra vận động quyên góp, một mặt khuyến khích người dân tham gia hoạt động từ thiện, mặt khác, tạo cơ sở pháp lý tiến hành kiểm soát đối với các cá nhân đứng ra huy động, kêu gọi quyên góp giúp ngăn chặn các hành vi trục lợi, gian dối trong việc sử dụng các nguồn tiền ủng hộ cho mục đích từ thiện.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức HĐTT của các cơ quan nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kêu gọi, quản lý, sử dụng, phân phối tiền hàng cứu trợ, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, từ đó, lấy lại niềm tin của người dân vào sự minh bạch, và công bằng trong HĐTT của Nhà nước.

Thứ ba, dần gỡ bỏ việc hành chính hóa trong huy động nguồn lực cho công tác từ thiện. Việc này không những tránh được những việc làm xói mòn các giá trị đạo đức của cộng đồng, sự tự nguyện của cá nhân, mà còn mở đường cho các thành phần xã hội khác tham gia vào công tác từ thiện. Về lâu dài, nó sẽ giúp cho các tổ chức tham gia vào HĐTT phải minh bạch hơn, hiệu quả hơn, và trở thành chất gắn kết cộng đồng tốt hơn.

Thứ tư, tăng cường các kiểm soát của Nhà nước đối với HĐTT xuất phát từ cộng đồng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng, gây ô nhiễm môi trường… Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò định hướng các HĐTT. Mọi HĐTT đều phải đăng ký với chính quyền, tránh tình trạng làm từ thiện như phong trào, gây bất bình đẳng, hoài nghi trong cộng đồng. Đồng thời, chính quyền các cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin, hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết trong phạm vi cho phép nhằm hỗ trợ những đoàn thiện nguyện của người dân vào cứu trợ tại những nơi khó khăn. Điều này hết sức quan trọng bởi những nơi cần cứu trợ thì điều kiện sinh hoạt, giao thông, hạ tầng cơ sở cũng rất khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ từ chính quyền thì hoạt động cứu trợ của các cá nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, chủ động tuân thủ pháp luật, hợp tác với chính quyền của người dân khi tham gia các hoạt động TTXH. Bên cạnh việc tiếp tục phát huy hiệu quả các kênh tuyên truyền truyền thống, cần có cơ chế khuyến khích mở rộng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, internet, mạng xã hội, các báo điện tử trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập, phản ánh các ý kiến đóng góp của nhân dân đối với hoạt động TTXH.

Chú thích:
1. Hai nhà khoa học người Mỹ Helmut K. Anheier and Regina List (2005). A Dictionary of Civil Society, Philanthropy, and the Non-profit Sector. Routledge, London – New York.
2. Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng, 2003, tr. 1.073.
3. Trung tâm châu Á – Thái Bình Dương. Đóng góp từ thiện ở Việt Nam. https://asiafoundation.org. H, 2011.
4. Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường. Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện và khả năng gây quỹ của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam.H. NXB Giao thông Vận tải, 2015, tr. 7.
5. Nghị định 93/2021: Vẫn còn những bất cập trong hoạt động thiện nguyện. https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 30/12/2021.
6. “Lũ chồng lũ, bão chồng bão” miền Trung: Huy động tổng lực để ứng phó. https://hcmcpv.org.vn, ngày 01/11/2020.
7. Nhiều biến tướng của hoạt động từ thiện xã hội. http://hanoimoi.com.vn, ngày 17/5/2022.
ThS. Nguyễn Thanh Tùng
Viện Nhà nước và Pháp luật- Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
ThS. Nguyễn Tiến Lực
Trường Chính trị tỉnh Thái Bình