Đổi mới quá trình hoạch định và thực thi chính sách công ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh có nhiều biến động, phức tạp khó lường như hiện nay, đặc biệt là giải quyết hậu khủng hoảng của đại dịch Covid-19, việc đổi mới quá trình hoạch định và thực thi chính sách công là hết sức cần thiết. Trên cơ sở phân tích thực trạng quá trình hoạch định và thực thi chính sách công ở Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp đổi mới quá trình hoạch định và thực thi chính sách công theo hướng công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và của người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách cho phù hợp với tình hình mới.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Chính sách công (CSC) là chính sách của Nhà nước, do Nhà nước ban hành và thể hiện vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội. CSC là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của quốc gia nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước, là công cụ hữu hiệu để quản lý, điều hành và tạo điều kiện xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội tại những thời điểm nhất định.

Hoạch định và thực thi CSC là hai bước trong chu trình CSC. Hai hoạt động này có mối quan hệ biện chứng với nhau, nếu hoạch định chính sách tốt nhưng quá trình thực thi chính sách không tốt rất có thể hiệu lực và hiệu quả của chính sách không cao, thậm chí là “thất bại” và ngược lại, thực thi chính sách tốt nhưng chất lượng hoạch định chính sách không tốt, nó cũng có những ảnh hưởng nhất định, thậm chí không thực thi được. Chính vì vậy, hoạch định và thực thi chính sách luôn phải song hành, đồng bộ và tương xứng với nhau, tác động và tương hỗ với nhau một cách chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của CSC.

Những bất cập trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách công ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, CSC chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Đời sống kinh tế – xã hội luôn vận động và phát triển, nảy sinh nhiều vấn đề mới, nhiều vấn đề bức thiết diễn ra cần có chính sách để giải quyết nhưng chính sách chưa theo kịp để can thiệp, giải quyết. Nhiều chính sách ban hành do nhiều lý do khác nhau nên không triển khai được vào thực tế.

Thứ hai, về quá trình hoạch định CSC ở Việt Nam hiện được triển khai theo các bước cơ bản: thiết lập nghị trình chính sách; xây dựng và đề xuất phương án chính sách; ban hành chính sách. Quá trình này, vẫn bị ảnh hưởng bởi cách làm cũ, tức vẫn mang tính khép kín, nội bộ, thậm chí là “áp đặt” chủ quan của các cơ quan nhà nước có quyền ban hành chính sách quyết định. Bởi lẽ từ khâu thiết lập nghị trình chính sách cho đến xây dựng và đề xuất phương án chính sách vẫn thuộc các cơ quan nhà nước, còn sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, của các doanh nghiệp và người dân vào quá trình này gần như không có.

Sở dĩ chưa có sự tham gia vì chưa có quy định pháp lý cụ thể, vậy nên quá trình hoạch định mặc nhiên thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, các bên liên quan có chăng chỉ tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến. Chính vì vậy, quá trình hoạch định chính sách không huy động được trí tuệ tập thể ngay từ khâu đề xuất. Dẫn đến chất lượng chính sách còn hạn chế, chưa có nhiều phương án kịch bản để lựa chọn, điều này đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VII) về một số quy định pháp luật về cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, ổn định, còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Chính sách ban hành chưa thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy hệ thống, chưa xác định được lĩnh vực cần ưu tiên. Tình trạng chính sách chồng chéo giữa các lĩnh vực vẫn còn, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc né tránh; tính khả thi của chính sách thấp, khâu tổ chức thực hiện gặp khó khăn.

Hoạt động vận động chính sách, đánh giá tác động chính sách, phản biện xã hội trước, trong và sau trên thực tế có làm, có triển khai có báo cáo đầy đủ nhưng làm chưa thực chất. Các cơ quan thẩm định, phê duyệt chính sách chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, vì thế, một số chính sách ban hành không phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, về thực thi CSC ở Việt Nam, còn có những hạn chế như: chưa bảo đảm tính kịp thời, nhất quán, đồng bộ, đặc biệt là chính sách kinh tế, an sinh xã hội. Việc thể chế hóa chủ trương chính sách vào thực tế còn chậm.  Hoạt động phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, bộ ngành chưa đồng bộ, chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa kịp thời, phương pháp tuyên truyền chưa phù hợp dẫn đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân hiểu không đầy đủ, thậm chí hiểu sai về chính sách. Nguồn lực triển khai thực hiện chính sách còn hạn chế, nguồn lực tài chính còn nặng về cơ chế “xin – cho”; về năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, đặc biệt là thái độ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, còn mang tính hình thức, điều đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện chính sách.

Thứ tư, hoạt động hoạch định và thực thi CSC hiện đang thực hiện theo lối “thủ công”, tức chưa ứng dụng khoa học – công nghệ thông tin vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Hoạt động hoạch định chính sách cần đến dữ liệu lớn, khối lượng thông tin rộng với nhiều lĩnh vực khác nhau. Để có được khối lượng thông tin lớn, xử lý thông tin chính xác, các nhà hoạch định chính sách phải áp dụng khoa học – công nghệ thông tin vào quá trình này một cách tối ưu. Nhưng trên thực tế, hoạt động thu thập và xử lý thông tin đang làm theo lối “thủ công” chưa có dữ liệu thông tin dùng chung; chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thu thập và xử lý thông tin; chưa sử dụng các trang điện tử để lấy ý tưởng công khai từ phía người dân và doanh nghiệp vào quá trình đề xuất chính sách.

Một số giải pháp nhằm đổi mới quá trình hoạch định và thực thi chính sách công ở Việt Nam

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạch định và thực thi CSC đáp ứng sự thay đổi, phát triển của xã hội, Việt Nam cần đổi mới quá trình hoạch định và thực thi CSC trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đổi mới tư duy hoạch định và thực thi CSC, phải đặt hoạt động hoạch định và thực thi CSC trong mối quan hệ biện chứng với nhau, có tính tương hỗ với nhau, cần có quy định thống nhất, xuyên suốt. Đối với khâu đề xuất chính sách, cần có đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp tham gia vào hoạch định chính sách. Đổi mới cách nghĩ, cách làm không chỉ giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất sáng kiến mà cần huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp. Có như vậy, CSC mới có tính hệ thống, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia và phù hợp với thực tiễn.

Hai là, đổi mới quá trình hoạch định và thực thi CSC theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, huy động sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi CSC. Quan điểm này đã được chỉ rõ tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhấn mạnh việc đa dạng hóa các hình thức tham gia của người dân trong chu trình CSC, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân… là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030.

Các hình thức để thực hành dân chủ và tăng cường sự tham gia của người dân bao gồm:

– Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân;

– Thực hiện có hiệu quả dân chủ ở cơ sở với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”;

– Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Ba, xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình; quy định trách nhiệm pháp lý đủ mạnh cho các cơ quan, tổ chức và người đứng đầu cơ quan, tổ chức gắn với kết quả hoạch định và thực thi chính sách. Các quy định nên cụ thể về nội dung giải trình, trách nhiệm pháp lý, cần có chế tài đủ mạnh để cá nhân và tổ chức vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Tránh quy định mang tính nguyên tắc như: về trách nhiệm thông tin, báo cáo công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trước các cơ quan quyền lực nhà nước, trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và trước Nhân dân.

Bốn, các cơ quan có thẩm quyền hoạch định và thực thi chính sách cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Bộ tiêu chí này phải được ứng dụng một cách đồng bộ trong điều kiện gắn với chất lượng chính sách, tức chất lượng hoạch định với hiệu quả thực thi của các cơ quan nhà nước với đánh giá tín nhiệm người đứng đầu các cơ quan hoạch định và tổ chức thực thi chính sách và thêm vào đó là các quyết định về nhân sự và ngân sách thực hiện.

Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa hoạch định và thực thi chính sách, trong đó có quy định đến việc huy động sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Theo cách hiểu thông thường, khi người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, người dân được đóng góp ý tưởng, được đề xuất nguyện vọng chính đáng của họ. Như vậy, nội dung chính sách ban hành sẽ phù hợp với mong đợi của người dân nên khi triển khai thực thi chính sách sẽ thuận lợi hơn, có tính thực tiễn cao hơn.

Sáu là, các cơ quan, tổ chức cần xây dựng niềm tin, tạo niềm tin cho người dân. Để người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định và thực thi CSC, các cơ quan, tổ chức phải tin tưởng vào khả năng có thể đóng góp tốt của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Hơn nữa, các cơ quan, tổ chức phải tạo được niềm tin từ phía người dân. Để xây dựng lòng tin với người dân, khi huy động sự tham gia của người dân, các cơ quan hoạch định và thực thi CSC phải làm một cách thực chất, tránh bệnh hình thức, “làm cho có”, những ý kiến đóng góp của người dân phải được tiếp thu (nếu đúng) hoặc phải giải trình nếu không tiếp thu. Hiện nay, các ý kiến đóng góp của người dân nếu không được tiếp thu cũng ít khi được giải trình nên chưa tạo được sự tin tưởng của người dân vì họ cho rằng, các ý kiến của họ không được xem xét một cách nghiêm túc.

Bảy là, hoạch định và tổ chức thực thi CSC một cách khoa học, hợp lý, gắn việc phân công trách nhiệm cụ thể với cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm việc hoạch định và thực hiện chính sách ở tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, cần cụ thể hóa CSC bằng những chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, ban hành văn bản hướng dẫn, đồng thời linh hoạt và điều chỉnh việc thực thi CSC trên cơ sở tiếp thu ý kiến, phản biện xã hội và triển khai thực tiễn ở từng giai đoạn.

Tám , ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình hoạch định và thực thi CSC. Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang triển khai xây dựng và thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh, công dân số, kinh tế số, xã hội số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách là yêu cầu khách quan cần phải triển khai thực hiện ngay từ khâu đề xuất sáng kiến cho đến khâu triển khai thực thi, có ứng dụng công nghệ thông tin thì việc hoạch định và thực thi chính sách mới thể hiện được tính công khai, minh bạch, dân chủ và huy động sự tham gia của các bên liên quan và của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách một cách tối đa nhất có thể.

Kết luận

CSC là chính sách của Nhà nước với vai trò là công cụ quan trọng để quản lý và điều tiết mọi vấn đề của xã hội. Để chính sách phát huy vai trò quan trọng của nó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoạch định và thực thi CSC cần xem xét và đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Việc hoạch định và thực thi chính sách suy cho đến cùng là để chính sách đi vào được thực tiễn của đời sống xã hội nhưng để chính sách đi vào được đời sống xã hội thì đời sống xã hội phải đi vào chính sách trước. Muốn vậy, cần phải đổi mới tư duy làm chính sách; đổi mới quá trình hoạch định và thực thi CSC theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách; huy động sự tham gia của các bên liên quan và của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, có như vậy CSC mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội đầy biến động như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia