Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã chính quy trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ cũng đã triển khai bố trí lực lượng công an chính quy tại Công an cấp xã. Đây là điều kiện, động lực quan trọng để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển và trở thành điểm sáng từ địa bàn cơ sở. Bài viết đánh giá thực trạng, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã chính quy trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ảnh minh họa (baochinhphu.vn).
Thực tế triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 – 1975), Đảng đã chủ trương xây dựng các phong trào, như: phòng gian bảo mật; ba phòng; bảo mật phòng gian; bảo vệ trị an. Chỉ thị số 186-CT/TW ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày. Đó là hình thức tốt nhất để phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch, để giữ gìn trật tự chung”1. Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, ngày 16/6/1967, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 426/QĐ về việc thành lập phòng theo dõi phong trào bảo vệ trị an và xây dựng lực lượng công an xã, đây được coi là tổ chức chuyên trách thực hiện phương hướng, nội dung, biện pháp vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào BVANTQ.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thông qua các văn bản quan trọng, như: Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân BVANTQ trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW. Qua đó, phong trào toàn dân BVANTQ những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phong trào toàn dân BVANTQ có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp và Nhân dân về nhiệm vụ này được nâng cao hơn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVANTQ được quan tâm. Nhiều mô hình, điển hình có hiệu quả được nhân rộng. Nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đã được phát hiện và giải quyết kịp thời tại cơ sở…2.

Trên thực tế, công an các địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức Bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Đề án số 106/ĐA-BCA của Bộ Công an về kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, công an các địa phương đã tổ chức bố trí công an xã chính quy bảo đảm đúng cơ cấu, tiêu chuẩn theo quy định. Lực lượng Công an nhân dân đã chủ động xây dựng, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều mô hình tiêu biểu ở cơ sở, như: tiếp nhận thông tin tố cáo, tố giác tội phạm; hướng dẫn người dân phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, phát triển kinh tế – xã hội; tuyên truyền kiến thức pháp luật; xây dựng tuyến đường, khu dân cư văn hóa, văn minh; tham gia quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật, người mắc tệ nạn xã hội; thực hiện các tiêu chí về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Qua đó, đã có hàng nghìn tổ chức, cá nhân cán bộ, chiến sĩ công an điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng trong cả nước3.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phong trào toàn dân BVANTQ vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: có những địa phương và thời điểm chưa duy trì thường xuyên và vững chắc phong trào; nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân đối với vai trò, tầm quan trọng của phong trào trong việc xây dựng và tăng cường thế trận an ninh nhân dân chưa đầy đủ; một số mô hình vận động Nhân dân tham gia phong trào vẫn còn hạn chế về nội dung, chất lượng và hiệu quả; lực lượng nòng cốt ở một số nơi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguyên nhân của các hạn chế trên là do: (1) Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội cấp cơ sở ở một số nơi chưa cao. (2) Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội chưa chặt chẽ, sâu sắc. (3) Vai trò chủ công, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân chưa được phát huy, nhất là vai trò của lực lượng công an ở cơ sở, phụ trách địa bàn cơ sở. (4) Một số mô hình mang tính hình thức, phát triển tốt trong giai đoạn đầu nhưng về sau thì hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động. (5) Công tác tiếp nhận, xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở vẫn còn hiện tượng lúng túng, tính chủ động, linh hoạt thấp. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa bàn cơ sở để nâng cao hiệu quả phong trào và đặc biệt là phát huy vai trò của công an xã chính quy.

Trong thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước tiếp tục chịu những tác động mạnh mẽ từ tình hình thế giới, các vấn đề về xung đột vũ trang giữa các nước, xung đột sắc tộc, cạnh tranh kinh tế sẽ có những tiếp diễn phức tạp. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị, bọn tội phạm triệt để lợi dụng những tác động tiêu cực đó đến tình hình trong nước để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chúng lợi dụng triệt để lợi dụng không gian mạng, địa bàn cơ sở phức tạp về an ninh, trật tự để tiến hành các hoạt động. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng Công an nhân dân cần phải chú trọng hơn nữa việc triển khai hiệu quả các lực lượng, phương tiện, biện pháp BVANTQ trong tình hình mới, đặc biệt là xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân thông qua phong trào toàn dân BVQNTQ.

Giải pháp phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã chính quy trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Một là, xác định rõ vai trò nòng cốt trong tổ chức, triển khai thực hiện phong trào toàn dân BVANTQ là lực lượng Công an nhân dân, trong đó có vai trò của lực lượng công an xã chính quy. Công an cấp tỉnh, cấp huyện cần xây dựng các chương trình, kế hoạch chỉ đạo cụ thể công an cấp xã tổ chức triển khai phong trào. Đồng thời, cần tổ chức nghiên cứu, triển khai cụ thể các tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào ở cấp cơ sở. Qua đó, nâng cao nhận thức của mỗi đơn vị công an xã, cán bộ công an xã có trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai phong trào.

Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy cơ sở đảng và người đứng đầu. Cấp ủy cơ sở đảng (chi ủy công an xã), người đứng đầu (bí thư chi bộ công an xã) cần tiên phong, chủ động trong xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện phong trào của cán bộ, đảng viên. Chủ động nêu gương, tự phê bình và phê bình; phòng, chống các biểu hiện suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các biểu hiện quan liêu, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên lực lượng công an cơ sở. Từ đó, tạo nên sự an tâm, tin tưởng của quần chúng nhân dân trong quá trình họ bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng, chủ động, tích cực tham gia tố giác tội phạm với lực lượng Công an xã chính quy tại cơ sở.

Ba là, về công tác xây dựng chương trình, kế hoạch. Tổ chức nghiên cứu cụ thể, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào phù hợp với thực tiễn, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương. Đồng thời quá trình dự thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội tham gia phối hợp; lấy ý kiến Nhân dân. Quá trình tổ chức thực hiện cần triển khai kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; phát huy những mặt mạnh và khắc phục những hạn chế, vướng mắc; kịp thời tuyên dương, khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến.

Bốn là, cần nghiên cứu đặc điểm, tình hình dân cư, trình độ văn hóa, khả năng tiếp cận thông tin của Nhân dân để xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền hiệu quả. Cần xây dựng nội dung thiết thực với người dân, như: thông tin tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, các loại tội phạm mới, các hành vi, thủ đoạn phạm tội và hướng dẫn cho người dân cảnh giác, phòng ngừa và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chủ động kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin với các biện pháp truyền thống, trong trường hợp cần thiết nên tiến hành các biện pháp vận động cá biệt.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và các cơ quan, ban, ngành trong xây dựng phong trào. Để bảo đảm tính thống nhất, cần xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp từ các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó thể hiện rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nội dung phối hợp để chỉ đạo và tổ chức thực hiện cấp cơ sở. Đồng thời, cấp cơ sở xây dựng chương trình, quy chế phối hợp phù hợp với nội dung chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu thực tiễn. Tránh trường hợp ở cơ sở thiếu cơ chế, thiếu chính sách dẫn đến hiện tượng lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm hoặc ôm đồm nhiệm vụ, làm cho công tác phối hợp triển khai phong trào trở nên kém hiệu quả.

Sáu là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, chế độ chính sách để lực lượng công an xã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công an xã theo tiêu chí, tiêu chuẩn được Bộ Công an quy định và hoàn thiện các kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung phong trào toàn dân BVANTQ trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Chỉ thị số 186-CT/TW ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về mấy công tác lớn phải làm để đẩy mạnh công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, nhằm bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”.
2, 3. Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2021 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
ThS. Nguyễn Văn Toàn
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II