Giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Gần 40 năm thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với tăng, ni, phật tử cả nước luôn đồng hành cùng cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương trong nhiệm vụ bảo đảm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từ thiện nhân đạo trong mọi mặt, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Bài viết thông tin về những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục, một số hạn chế, thiếu sót cần phải hoàn thiện và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục được tốt hơn trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ: giacngo.vn.      

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, ra đời tại Ấn Độ và du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 2.000 năm. Ngay từ khi hình thành, Phật giáo Việt Nam được coi là một tôn giáo nhập thế, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Giáo lý Phật giáo mang tinh thần từ bi, hỉ xả vì lợi ích chúng sinh. Phật giáo kết hợp cùng với triết lý sống của người dân Việt “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” tạo nên tinh thần nhập thế của Phật giáo và cũng là một trong những cơ sở hết sức quan trọng để Phật giáo tồn tại, phát triển trong xã hội.

Hiện nay, thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo tiếp tục có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước thông qua các hoạt động phật sự và hoạt động xã hội hướng đến con người, vì con người, trong đó các hoạt động an sinh xã hội là điểm sáng, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế giúp đời” và đặc biệt phải kể đến lĩnh vực giáo dục. Thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đề ra định hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục, hướng tới đối tượng người yếu thế trong xã hội.

Những kết quả hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua

Giáo dục là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm trong bất kỳ thời đại nào, bởi vì giáo dục là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc, xây dựng xã hội hòa bình, xây dựng nhân gian tịnh lạc.

Với triết lý từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn, Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, khoan dung. Triết lý Phật giáo phù hợp với tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, hoạt động bảo đảm an sinh xã hội cho tín đồ Phật tử và người dân trong lĩnh vực giáo dục luôn được quan tâm, chú trọng với nhiều phương thức và mô hình hoạt động hiệu quả.

Qua các kỳ đại hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhấn mạnh đến các hoạt động hướng đích xã hội với nhiều mũi nhọn, đặc biệt quan tâm đến mảng giáo dục. Kế thừa quan điểm từ khi mới thành lập (năm 1981), trải qua 8 kỳ đại hội và cho đến những năm gần đây, giáo dục Phật giáo đã xác định đường hướng hoạt động tương đối rõ ràng, đó là: tập trung vào lĩnh vực giáo dục, xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, trung tâm dạy nghề và lớp học tình thương. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động hỗ trợ giáo dục, khuyến học, đặc biệt hướng đến những đối tượng yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, còn mở các khóa tu, xây dựng mô hình giáo dục gia đình.

Với quan điểm, chủ trương hoạt động giáo dục hướng về xã hội, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế, hoàn cảnh khó khăn được hưởng sự giáo dục và đào tạo của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến 3 nội dung chính: giáo dục mầm non; giáo dục dạy nghề, lớp học tình thương và các hoạt động hỗ trợ giáo dục khác. Các hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, ngày càng tăng về quy mô, mở rộng về đối tượng thụ hưởng phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện và linh hoạt, sáng tạo trong cách thức tiến hành, ngày càng mang tính chuyên nghiệp và đi vào thực chất.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) của Hội đồng trị sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên cả nước có: 120 lớp học tình thương, với 5.678 em, 199 giáo viên; 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật đã có pháp nhân, được cơ quan chức năng cấp phép thành lập; 46 trung tâm nuôi dạy 1.429 trẻ mồ côi, trẻ chất độc màu da cam1.

Giáo dục mầm non của Phật giáo, gồm: mầm non tư thục hoàn toàn miễn phí (theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo), mầm non tình thương (mô hình chủ yếu tồn tại ở tỉnh Thừa Thiên – Huế) do các tu viện làm chủ, quản lý và mầm non tư thục có thu phí. Các cơ sở giáo dục của Phật giáo luôn có những phương pháp giáo dục đặc biệt, có sự kết hợp giữa giáo dục mầm non theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các kỹ năng, phương châm và giá trị giáo dục của Phật giáo, tận tâm hướng dẫn, giáo dục bằng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm.

Về các lớp dạy nghề, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình Phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật để họ có cuộc sống ổn định về vật chất. Hiện nay, có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí và đa dạng ngành nghề để mọi người lựa chọn nghề cho phù hợp, bao gồm: nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học vi tính văn phòng, ngoại ngữ, mộc mỹ nghệ, sửa xe, hớt tóc… như: tỉnh Thừa Thiên Huế có Trường dạy nghề ở chùa Long Thọ; tỉnh Tây Ninh có chùa Long Phước; tỉnh Long An có chùa Long Thành; tỉnh Đồng Nai có Trường dạy nghề điêu khắc gỗ ở chùa KomPong Chray (còn gọi là chùa Hang, tỉnh Trà Vinh) đã mở được 3 khóa dạy nghề massage cho học viên khiếm thị, 165 em tốt nghiệp, có chứng chỉ nghề, có việc làm ổn định cuộc sống…2. Nhìn chung, các cơ sở này đã tạo điều kiện cho đối tượng theo học chủ yếu là con em các gia đình nghèo, một số ít là người dân tộc thiểu số của địa phương.

Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Từ thiện xã hội, năm 2019, chùa Giác Ngộ đã thực hiện gần 70 chương trình với kinh phí ước tính hơn 34 tỷ đồng. Phân công Ban Từ thiện miền Bắc phát quà cho người nghèo và học bổng cho trẻ em hiếu học với số tiền lên đến 2 tỷ đồng; tỉnh Đồng Tháp tặng 100 phần qùa cho học sinh Trường Tiểu học và trung học cơ sở Thiện Mỹ, tổng số tiền là 30 triệu đồng; tỉnh Long An trao học bổng cho 85 em học sinh tại 2 huyện Đức Huệ và Đức Hòa, tổng số tiền 130 triệu đồng… Những hoạt động này đã kịp thời giúp đỡ và động viên các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường và học tập4.

Cùng với các hoạt động giáo dục trên là các khóa tu mùa hè được các chùa tổ chức cho giới trẻ là hoạt động tiêu biểu trong xu hướng nhập thế của Phật giáo, góp phần vào sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách con người. Các khóa tu mùa hè tạo một không gian lành mạnh, bổ ích cho các lứa tuổi từ học sinh đến sinh viên vào dịp hè sau một năm học tập vất vả và căng thẳng giúp các em giảm trừ căng thẳng, hóa giải tâm hồn, tâm thanh tịnh và tu tâm, sửa tính.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số hạn chế, như: có cơ sở giáo dục mầm non hoạt động nhưng chưa được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ (chiếm khoảng 9,4%); nhiều nhóm/lớp có sĩ số trẻ vượt quá quy định. Cơ sở vật chất của một số nhóm, lớp chưa bảo đảmđúng quy định, phòng sinh hoạt chung diện tích còn chật hẹp, thiếu đồ dùng, đồ chơi, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (3,7%). Chưa có nhiều tổ chức tôn giáo tham gia phát triển mô hình giáo dục mầm non, (hiện nay, chủ yếu do tổ chức, cá nhân Công giáo và một số ít của tổ chức, cá nhân Phật giáo). Nhiều cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo chưa được hưởng chính sách xã hội hóa giáo dục (như đất đai, tín dụng…).5

Nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động này không được đào tạo về chuyên môn liên quan đến công việc giáo dục; các cơ sở dạy nghề còn nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu đồng bộ, chưa phát huy tối đa tác dụng; trong những khóa tu tại một số chùa do không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhận số lượng khoá sinh đông nên không thể bố trí chỗ ăn và ở hợp lý; nguồn kinh phí chủ yếu huy động từ những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước nên không ổn định, không chủ động được nguồn kinh phí, vì vậy các cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn trong định hướng các hoạt động nâng cao hiệu quả cả chất và lượng đối với hoạt động hỗ trợ giáo dục cho người dân, cộng đồng xã hội.

Một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Một là, Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về hoạt động xã hội của Phật giáo trong lĩnh vực giáo dục để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động này diễn ra đúng mục đích, tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngành Giáo dục cần tham mưu thành lập mới trường học và quản lý chặt chẽ các chương trình giảng dạy tại các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học, trường dạy nghề theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh về đề án xin thành lập cô nhi viện, cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, lang thang.

Hai là, đẩy mạnh việc phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan quản lý giáo dục và ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc giám sát, kiểm tra, giúp đỡ các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non do tổ chức Phật giáo thành lập. Các địa phương có kế hoạch bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó cả đội ngũ tăng, ni, phật tử tham gia hoạt động này. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục ở các địa phương trong cả nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo có đủ điều kiện, theo tinh thần Chỉ thị số 1940/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất có liên quan đến tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đã đủ điều kiện thành lập trường nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục.

Ba là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục mở rộng nhiều hơn nữa loại hình dạy nghề, hướng nghiệp hướng tới những người yếu thế trong xã hội, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn để giúp họ có khả năng lập thân, lập nghiệp. Cần nâng cấp về quy mô và chất lượng hoạt động các cơ sở dạy nghề và hướng nghiệp để ngày càng hoàn thiện hơn; có chính sách hỗ trợ, đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo để các cơ sở dạy nghề của Phật giáo phát triển.

Đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề, mở rộng thêm nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở hướng nghiệp phù hợp với nhu cầu của xã hội. Chú trọng đào tạo nghề hướng tới sản phẩm đặc thù là tâm linh, nhất là du lịch tâm linh để đưa ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Mặt khác, công tác dạy nghề, hướng nghiệp của Phật giáo cần tăng cường liên kết với các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội khác để công tác an sinh xã hội mang tính hệ thống, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Bốn là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho độ ngũ tăng, ni và phật tử ở các cơ sở của Phật giáo về năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của Phật giáo.

Năm là, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn về mô hình tu học, nội dung sinh hoạt, hướng dẫn học giáo lý, trong đó có hướng dẫn về việc tổ chức các khóa tu mùa hè một cách cụ thể và khoa học. Thành lập quỹ hỗ trợ vì thế hệ Phật tử trẻ để hỗ trợ kinh phí cho các tự viện, nhất là các tự viện còn eo hẹp kinh phí tổ chức các khóa tu, sinh hoạt hè. Tổng kết để có khen thưởng, tuyên dương công đức các chùa làm tốt Phật sự này cũng như cảnh báo, nhắc nhở các chùa chưa có sự quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cho giới trẻ thông qua khóa tu mùa hè.

Sáu là, tăng cường hoạt động thu hút nguồn lực tài chính và hướng tới xây dựng nguồn lực tài chính ổn định, chủ động bằng nhiều hình thức khác nhau để phục vụ tốt nhất trong lĩnh vực giáo dục của Phật giáo.

Chú thích:
1,2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027. Hà Nội, ngày 29/11/2022, tr. 57, 58.
3. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu tôn giáo. Tài liệu tôn giáo với các hoạt động y tế và giáo dục ở Việt Nam. Hà Nội, 2022, tr.107.
4. Dương Quang Điện, Nguyễn Văn Tuân. Phật giáo với hoạt động bảo đảm an sinh xã hội – một số vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Tôn giáo, 2020, tr.116 -117, 121.
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Quang Điện, Nguyễn Văn Tuân (đồng chủ biên). Một số nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2019.
2. Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2018, 2019 và 2020. http://vbgh.vn.
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 2022. Hà Nội, 2017.
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia: “Hoạt động của tín đồ Phật tử với sự phát triển bền vững đất nước”. Hà Nội, 2019.
ThS. Vũ Sĩ Đoàn
Trường Đại học Lao động – Xã hội