Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh là chủ đề Tọa đàm khoa học của Khoa Khoa học liên ngành, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 23/8/2023. TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phân viện dự và phát biểu chỉ đạo Toạ đàm.
Toàn cảnh Toạ đàm.

Ban Tổ chức nhận được 35 bài tham luận và đã in thành cuốn kỷ yếu Tọa đàm, nội dung được sắp xếp theo ba chủ đề chính: (1) Một số vấn đề lý luận về chất lượng đào tạo trình độ đại học; (2) Thực trạng chất lượng đào tạo trình độ đại học tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; 3) Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học cần có những định hướng đúng và trúng

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Khoa học liên ngành, cho rằng, việc theo học tại một trường đại học chỉ nhằm mục đích có một tấm bằng sau khi ra trường mà không chú trọng đến khả năng, sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp bản thân trong tương lai của một số sinh viên đã tạo ra “giá trị ảo”. Bằng chứng là có nhiều cử nhân sau khi cầm tấm bằng đại học đã ảo tưởng về năng lực của bản thân, song lại không thể làm được việc trong thực tế. Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã thất nghiệp vì kỹ năng làm việc cơ bản không có.

TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Khoa học liên ngành phát biểu đề dẫn Toạ đàm.

Mục tiêu giáo dục ở nước ta là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Toạ đàm được tổ chức với mong muốn, các nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn nghiên cứu những định hướng đúng và trúng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học cho nguồn nhân lực xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Trong bài tham luận “Tư tưởng của Ph. Ăngghen về giáo dục và những gợi ý cho giáo dục Việt Nam hiện nay”, ông Lê Văn Phúc, Phòng Quản lý khoa học và Thư viện cho rằng: “Triết lý giáo dục đóng vai trò là kim chỉ nam, định hướng cho toàn bộ nền giáo dục, “không có triết lý, giáo dục không thể phát triển. Mỗi thời kỳ có triết lý giáo dục khác nhau nhằm đào tạo ra những con người với phẩm chất, năng lực cụ thể, tương ứng với giai đoạn phát triển đó. Triết lý giáo dục không là gì khác ngoài câu trả lời cho câu hỏi mấu chốt: Toàn bộ hoạt động của hệ thống giáo dục hướng đến đào tạo ra con người nào và vì sao lại như vậy? Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, con người cần có những phẩm chất và năng lực như thế nào để thích ứng và đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Do đó, giáo dục phải tạo điều kiện cho người học “phát triển toàn diện tài năng của mình”. Giáo dục mà người học bị đeo “vòng kim cô tư duy” thì đó là giáo dục bị thụt lùi, không phát triển. Trong giáo dục phải làm sao giúp người học phát huy tối đa khả năng, như vậy, tương lai của nền giáo dục mới tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

TS. Nguyễn Thị Phương tham luận “Phát triển tư duy khác biệt cho sinh viên trong giảng dạy đại học”.

TS. Nguyễn Thị Phương trong bài tham luận “Phát triển tư duy khác biệt cho sinh viên trong giảng dạy đại học” cho rằng, để thoát khỏi vòng kim cô tư duy cho sinh viên thì cần phải phát triển tư duy khác biệt cho sinh viên và cũng là yêu cầu của quá trình phát triển xã hội đặt ra cho các trường đại học trong vai trò thực hiện đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Bởi lẽ tư duy khác biệt của mỗi cá nhân, đặc biệt là của sinh viên đại học chính là cơ sở để thúc đẩy xã hội phát triển. Bà Phương gợi mở một số phương pháp bồi dưỡng tư duy khác biệt trong giảng dạy đại học hiện nay, như: cần áp dụng nhiều hơn các phương pháp giảng dạy tích cực; cần cải tiến phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên; cần truyền cảm hứng và nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo cho sinh viên; cần chấp nhận và đồng hành với các “thất bại” trong học tập của sinh viên; tích cực bồi dưỡng khả năng quan sát cho sinh viên…

ThS. Trần Đức Tuấn cho rằng, đánh giá chương trình đào tạo là giúp xây dựng, định vị, phát triển thương hiệu giáo dục của các cơ sở đào tạo.

Trong bài tham luận “Nghiên cứu tiếp cận định lượng để đánh giá chương trình đại học Lý luận và đề xuất kiến nghị”, ThS. Trần Đức Tuấn cho rằng, đánh giá chương trình đào tạo là một trong chuỗi những hành động có tính chiến lược để xây dựng, định vị, phát triển thương hiệu giáo dục của các cơ sở đào tạo. Trên cơ sở đó, các trường đại học hiện nay phải được tiếp cận và xem như một đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục. Nên việc đánh giá chương trình đào tạo phải tiếp cận theo hướng đánh giá định lượng chứ không còn là định tính như đã từng làm. Do đó, cần lựa chọn mô hình đánh giá, cách thức đánh giá, xây dựng thang đo cho việc đánh giá.

Thời cơ và thách thức của giáo dục trình độ đại học tại Phân viện hiện nay

Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh có chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học. Trong lịch sử quá trình đào tạo trình độ đại học ở Phân viện đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là đối với các tỉnh phía Nam. Để tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì giáo dục đại học của Phân viện cũng đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu mà thực tiễn đất nước đang đặt ra.

ThS. Hà Thị Hiên, giảng viên của Phân viện nêu một thách thức đối với Phân viện là hoạt động tự đánh giá chưa trở thành hoạt động thường kỳ, không đưa vào kế hoạch năm học, do đó bị động trong hoạt động này. Bên cạnh đó là sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị, khoa, phòng ban, nhóm chuyên trách trong quá trình tự đánh giá.

Về đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay gọi tắt là Hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Cách gọi học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước nó như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Tuy nhiên, Học viện Hành chính Quốc gia nói chung và Phân viện nói riêng thì đây là điều mới. ThS. Phạm Thị Toàn, giảng viên của Phân viện cho rằng, đào tạo theo học chế tín chỉ của Phân viện chỉ thực sự được triển khai từ năm 2017 đến nay và được kế thừa, tiếp tục từ Phân hiệu trước đây. Với thời gian 7 năm kinh nghiệm, sự tồn tại những khó khăn, bất cập là điều không thể tránh khỏi. Phân viện cần nghiêm túc chỉ ra những khó khăn để tiếp tục tổ chức thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ hiệu quả trong bối cảnh và sứ mệnh mới.

Thêm khó khăn của Phân viện là đội ngũ cố vấn học tập cho sinh viên. Theo ThS. Bùi Thị Bình, Phó Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự chỉ ra, có một số cố vấn học tập chưa nắm vững chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo, quy chế đào tạo, các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến sinh viên; trong khi họ vừa phải thực hiện nhiệm vụ của giảng viên, vừa thực hiện nhiệm vụ cố vấn học tập; thủ tục hành chính rườm rà; sinh viên thụ động, lười nghiên cứu… dẫn đến việc tư vấn, hỗ trợ sinh viên và thực hiện nhiệm vụ quản lý sinh viên chưa thường xuyên, kịp thời, chưa đạt yêu cầu kết quả như mong muốn.

Một số giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học tại Phân viện

Nâng cao chất lượng đào tạo luôn luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu ở tất cả các trường đại học. Để nâng cao được chất lượng đào tạo cần nhiều giải pháp đồng bộ, như: đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng; tăng cường vào đội ngũ giảng viên; cập nhật chương trình đào tạo; tăng cường nghiên cứu khoa học… Theo ThS. Phạm Hồng Đạc, giảng viên của Phân viện thì cần thay đổi cách tiếp cập trong đào tạo và cải tiến phương pháp dạy, học để đạt hiệu quả tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Khẳng định yếu tố giảng viên đóng vai trò then chốt, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính cho rằng, chỉ có thể bằng sự tận tâm, kiến thức sâu rộng và khả năng tạo môi trường học tập tích cực của giảng viên mới định hình tốt cho sự phát triển của thế hệ trẻ và góp phần vào sự phát triển của xã hội. Theo đó, việc nâng cao chất lượng giảng viên là một nhiệm vụ quan trọng và cần được thực hiện liên tục để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học ngày càng cao. Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng từ giảng viên có thể trở thành lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Giảng viên đóng vai trò không thể thế chỗ trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo đại học. Sự tận tâm và chất lượng của giảng viên không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập của sinh viên mà còn định hình tương lai của họ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành và xã hội. Vì vậy, Phân viện cần có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Phân viện”.

Theo ThS. Lê Thị Hoài Thương, cần “Thiết kế lại chương trình đào tạo ngành Quản lý nhà nước với các chuyên ngành cụ thể: chuyên ngành Quản lý nhân sự hành chính; chuyên ngành Quản lý công; Quản lý nhà nước đối với các vấn đề đô thị nhằm tạo tính hấp dẫn và định hướng vị trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp có thể lựa chọn làm việc ở khu vực công hay khu vực tư với chuyên môn hành chính – quản lý đều phù hợp. Thường xuyên mời các nhà hoạt động thực tiễn về nói chuyện, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với người học; tăng mức độ thực hành, thực tế của sinh viên tại các cơ quan, đơn vị nhà nước; gửi sinh viên đào tạo có thời hạn tại các cơ sở đào tạo tiên tiến của nước ngoài.

TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phân viện đã biểu dương và đánh giá cao Khoa Khoa học liên ngành đã tổ chức tọa đàm góp phần quan trọng đóng góp vào khẳng định vị thế của Phân viện trong đào tạo trình độ đại học.

TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phân viện đã có những chia sẻ, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Khoa Khoa học liên ngành đã đạt được trong việc tổ chức tọa đàm khoa học. Nhất trí với những nội dung, gợi mở từ các nhà khoa học đã gửi tham luận cũng như góp ý trực tiếp để Phân viện có những định hướng đúng và trúng, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sát thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Phân viện; đồng thời, đề nghị các giảng viên, nhà khoa học không ngừng nỗ lực phấn đấu trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng đóng góp vào khẳng định vị thế của Phân viện trong đào tạo trình độ đại học.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Khoa học liên ngành cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu tham dự tọa đàm, tiếp thu, ghi nhận các nội dung, phát biểu, gợi ý của các nhà khoa học để đưa vào báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học của Khoa, tiếp tục có sự chỉ đạo đổi mới phương pháp, tạo động lực thúc đẩy các mặt công tác trong nghiệp vụ cũng như chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học của Khoa và tại Phân viện thời gian tới.

Văn Phúc