Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam – lý luận và thực tiễn”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 25/8/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam – lý luận và thực tiễn”. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các Phân viện thuộc Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Trung. TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện và PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng khoa Khoa Quản trị nhân lực chủ trì Hội thảo. PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện tham dự trực tuyến.
PGS.TS. Hoàng Mai trình bày đề dẫn Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Hoàng Mai nhấn mạnh, nằm trong khuôn khổ của đề tài cấp Bộ, với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, đồng thời tạo ra diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ giảng viên cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận, thực tiễn, giải pháp bổi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số.

Học viện Hành chính Quốc gia giao Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam – lý luận và thực tiễn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý trình bày tham luận và thảo luận tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau: (1) Làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số; (2) Thực trạng và cơ hội, thách thức trong bồi dưỡng công chức hành chính và mức độ đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam; (3) Kinh nghiệm và giải pháp bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam.

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, bồi dưỡng công chức hành chính luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng để nâng cao chất lượng của công chức, góp phần đem lại hiệu quả của nền công vụ. Nội dung chính của Hội thảo là vấn đề lớn từ chủ trương, đường lối, các quy định pháp luật đến quá trình xây dựng và triển khai hoạt động bồi dưỡng… đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi cần phân tích, luận giải để gợi mở, tiếp tục đổi mới và thích ứng trong xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như trong thực tiễn bồi dưỡng công chức.

Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, có vai trò quan trọng trong bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các nhà lãnh đạo, quản lý nên cũng cần có những tham vấn cho các cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng chiến lược bồi dưỡng, chương trình bồi dưỡng đáp ứng năng lực số. Phó Giám đốc Học viện hy vọng rằng, những ý kiến đóng góp, thảo luận của các nhà khoa học sẽ là tư liệu có giá trị làm cơ sở tham vấn cho các cơ quan có thẩm quyền và tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các nội dung của đề tài, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia.

TS. Hoàng Thị Ngân – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ.

Trình bày tham luận: “Khó khăn, thách thức trong bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số”, TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh chuyển đổi số là nội dung được đề cập như một nhiệm vụ của chiến lược xây dựng nền công vụ và giải pháp của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế quản lý, sử dụng người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, bồi dưỡng công chức hành chính cũng đối diện với nhiều thách thức của hàng loạt sự thay đổi của đời sống kinh tế – xã hội, các xu hướng trong quản trị quốc gia, địa phương và sức ép bắt nhịp với những biến động, trong đó có chuyển đổi số. Những thách thức này thể hiện ở một số yếu tố: (1) Thách thức về số lượng, chất lượng và tiến độ hoàn thành; (2) Thách thức về nội dung bồi dưỡng; (3) Thách thức trong việc thực hiện nguyên tắc “học để làm việc” “làm việc gì thì học để làm việc ấy cho tốt”; (4) Thách thức trong thực hiện phương châm đề cao tinh thần học và tự học của công chức.

TS. Đặng Xuân Hoan – nguyên Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

TS. Đặng Xuân Hoan cho rằng, có một số nội dung cần làm rõ, như: (1) Thống nhất khái niệm “Chính phủ số” là gì; (2) Nội dung Chính phủ số gồm những yếu tố gì; (3) Điều kiện để thực hiện thành công của Chính phủ số là gì; (4) Đánh giá thực trạng trong quá trình bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay so với khu vực, so với thế giới; (5) Kiến nghị nội dung bồi dưỡng và phân công thực hiện. Cần có phương pháp luận về chuyển đổi số Chính phủ để xây dựng khung năng lực số cần thiết trong chương trình bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Theo TS. Đinh Duy Hòa, Chính phủ số có một số nội dung cơ bản cần xem xét như sau: (1) Vấn đề Chính phủ số, chuyển đổi số diễn ra như thế nào; (2) Xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số; (3) Năng lực đội ngũ công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số. 

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển cho biết, cách đặt vấn đề của Hội thảo có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Chính phủ số cần có con người số, đội ngũ quản trị số và làm thế nào quản lý tốt nhất trong bối cảnh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần phân tích thực trạng bồi dưỡng đội ngũ quản trị số, trách nhiệm và vai trò của công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thực trạng chuyển đổi số giữa thực tế và truyền thông còn xa nhau, trong đó có trách nhiệm của bộ máy hành chính. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh, trách nhiệm của công chức phải xem Chính phủ số là sứ mạng, là lợi ích của mình.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu ý kiến.

Theo PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, các chương trình bồi dưỡng công chức hành chính ở Học viện Hành chính Quốc gia đã có những chuyên đề liên quan đến Chính phủ số, chỉ cần nhận thức lại thực trạng công tác bồi dưỡng công chức hành chính hiện nay đáp ứng yêu cầu Chính phủ số như thế nào, tốt chưa, cần cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng gì, qua đó, lồng ghép bối cảnh chuyển đổi số vào nhiều chuyên đề khác và xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành của chuyển đổi số.

TS. Trương Cộng Hòa – Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ đầu cầu trực tuyến tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Trương Cộng Hòa đã đưa ra một số ý kiến liên quan đến việc nhận diện rõ cơ sở lý luận về Chính phủ số, đề cập đến vai trò của các cơ sở đào tạo, trong đó, nhấn mạnh vai trò của Học viện Hành chính Quốc gia trong bồi dưỡng công chức hành chính, từ đó đề xuất xây dựng chương trình bồi dưỡng đối với công chức về Chính phủ số trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học, nhà quản lý đã có những ý kiến, góp ý rất có giá trị khoa học về lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm đối với các nội dung liên quan đến Hội thảo. Các ý kiến đóng góp cùng với 13 bài tham luận được lựa chọn sẽ là căn cứ để Ban Chủ nhiệm và các thành viên hoàn thiện đề tài khoa học cấp Bộ, đồng thời gửi báo cáo tham vấn xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của bối cảnh thực hiện chuyển đổi số của Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Ánh Nguyệt – Xuân Phú