(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 17/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Hội nghị Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) với phiên Hội nghị toàn thể I đã diễn ra với chủ đề: Diễn đàn lãnh đạo châu Á lần thứ 11 về “Quản trị công vì các mục tiêu phát triển bền vững”. PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam và GS.TS. Masao Kikuchi, Đại học Meiji, Nhật Bản điều hành Hội nghị.
PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chào mừng các đại biểu đã tới dự Hội nghị EROPA 2023 và tham dự Phiên Hội nghị toàn thể I, đồng thời nhấn mạnh, diễn đàn là dành cho các nhà lãnh đạo chính sách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mục tiêu thảo luận các vấn đề chính sách quan trọng và cấp bách của nền hành chính công và quản trị công hiện nay. Tại Hội nghị EROPA lần thứ 56 ở Nê-pan, diễn đàn đã thảo luận về các chủ đề quan trọng trong lãnh đạo, quản lý, như: lãnh đạo quản trị ứng phó với các xu hướng khủng hoảng toàn cầu, lãnh đạo quản trị hợp tác khu vực và toàn cầu, lãnh đạo quản trị hành chính công vì mục tiêu phát triển bền vững. EROPA cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo cùng nhau trao đổi về những vấn đề mới, nhiều thách thức và phương thức đổi mới, hướng tới một nền quản trị công hiệu lực, hiệu quả, thể hiện tầm nhìn mới với sự tham gia tích cực của các chủ thể để giải quyết các vấn đề chung ở mọi cấp độ, từ địa phương tới quốc gia và trên toàn cầu. PGS.TS. Triệu Văn Cường tin tưởng rằng, Diễn đàn lãnh đạo châu Á lần thứ 11 với các diễn giả là các nhà lãnh đạo cấp cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn sẽ có những đóng góp sâu sắc để quản trị công hiệu quả cấp độ quốc gia và toàn cầu – một vấn đề có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.
Điều hành tại Hội nghị, GS.TS. Masao Kikuchi đề nghị các nhà khoa học tập trung trao đổi vào chủ đề chính của diễn đàn, đồng thời, đưa ra yêu cầu về mặt thời gian đối với các diễn giả. Sau phần trình bày của các diễn giả sẽ là phần hỏi đáp và trao đổi, thảo luận.
Báo cáo tại diễn đàn, diễn giả Benjamin Abalos Jr., Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Phi-líp-pin nhấn mạnh, mục tiêu phát triển bền vững của Phi-líp-pin là quy hoạch lại mô hình phát triển quốc gia, giúp Phi-líp-pin chuyển đổi thành nền kinh tế lấy đầu tư làm động lực, từ đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững hơn. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở Phi-líp-pin được thực hiện trong 30 năm qua nhằm thực thi các chính sách và các hướng dẫn để thể chế hóa tính dân chủ ở cấp địa phương và chuyển giao quyền lực, thẩm quyền, nguồn lực cho các cơ quan chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương đáp ứng tốt nhất các yêu cầu cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Báo cáo của ông Benjamin Abalos Jr. đề cập đến chương trình nghị sự chính sách 10 điểm của Chính phủ Phi-líp-pin nhằm đẩy nhanh và duy trì sự phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19. Theo đó, nghị sự chính sách 10 điểm bao gồm: tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe; đẩy nhanh và mở rộng chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19; mở cửa hơn nữa nền kinh tế và mở rộng năng lực của ngành giao thông công cộng; nối lại chương trình học trực tiếp; giảm hạn chế đối với việc đi lại trong nước và tiêu chuẩn hóa các yêu cầu của đơn vị chính quyền địa phương; giảm bớt các quy định cho du lịch quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua quy định của pháp luật; cung cấp các biện pháp khẩn và linh hoạt thông qua quy định của pháp luật; chuyển trọng tâm của việc ra quyết định và báo cáo của chính phủ sang các chỉ số hữu ích hơn và có sức mạnh hơn; chuẩn bị cho khả năng chống dịch trong giai đoạn trung hạn…
Với những thực tiễn phong phú, sâu sắc của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức chuyên sâu về hành chính công và quản trị công, diễn giả Benjamin Abalos Jr. đã mang tới diễn đàn những kinh nghiệm sinh động về lãnh đạo, quản lý trong môi trường đổi mới, sáng tạo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
TS. Alikhain Baimenov, Chủ tịch Ban Công vụ Astana, Cộng hòa Kazakhstan đã gửi video clip trình bày của mình tới diễn đàn. Từ tháng 9/2014, ông trở thành Chủ tịch Ban Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Hành chính At-xta-na (ACSH), cơ quan đóng vai trò là nền tảng thể chế để cải thiện dịch vụ công dân và chia sẻ kiến thức có sự tham gia của 43 quốc gia. Theo TS. Alikhain Baimenov, hiện nay, tình hình kinh tế – xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tác động lớn đến lợi ích của mỗi quốc gia trên thế giới. Dự báo trong thời gian tới, thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Do đó, việc nắm bắt và nghiên cứu bối cảnh quốc tế, khu vực là cần thiết nhằm đưa ra những chính sách, chiến lược kịp thời nhằm bảo đảm lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc; đồng thời, đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới nền hành chính công, đưa nền hành chính tiếp cận với người dân, giảm bớt tính quan liêu của bộ máy công quyền; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xây dựng mô hình chính quyền điện tử hiệu quả, hướng tới xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…
Báo cáo của TS. Dato Anesee Ibrahim, Phó Trưởng ban Công vụ Ma-lai-xi-a tại diễn đàn nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị công tốt là thúc đẩy tính liêm chính, minh bạch và có được sự tin cậy của người dân. Ma-lai-xi-a đã duy trì quyết tâm cải cách qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ Chính phủ; thường xuyên chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế bằng những cải cách khác tốt hơn. Nhờ đó, các tác động cải cách tiếp diễn liên tục, nâng hiệu quả lên mức cao hơn. Cách tiếp cận theo thực tiễn tốt nhất đã định hình nhiều cải cách của Ma-lai-xi-a, góp phần đáng kể vào nâng cao hiệu quả hành chính công (ví dụ: sáng kiến tư hữu hóa để áp dụng các nguyên tắc thị trường trong cung cấp dịch vụ công bắt nguồn từ kinh nghiệm của Vương quốc Anh…). Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của công chúng và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong quá trình thực thi cải cách góp phần xây dựng bầu không khí trách nhiệm trong thực thi, thúc đẩy thái độ triển khai nhanh chóng và mang lại hiệu quả rõ rệt.
TS. Agus Pramusinto, Chủ tịch Ủy ban Công vụ In-đô-nê-xi-a đã gửi video clip trình bày tới hội nghị. Trong báo cáo, ông chia sẻ về những đổi mới công vụ tại In-đô-nê-xi-a, đặc biệt là sự ưu tiên của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. In-đô-nê-xi-a đã thực hiện đổi mới nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước với 4 nguồn lực: (1) Đề án PPP – điều tiết sự phát triển cơ sở hạ tầng thông qua tài trợ của nhà nước và tư nhân; (2) Tài chính hỗn hợp – tìm kiếm một chương trình tài trợ tối ưu thông qua sự kết hợp từ nhiều nguồn tài chính; (3) Mục tiêu phát triển bền vững (SDG Indonesia one) – tài trợ cho mục tiêu phát triển bền vững bằng nhiều nguồn khác nhau; (4) Nắm bắt giá trị (value capture) – một cơ chế được chính phủ sử dụng làm giá trị kinh tế bổ sung được sử dụng làm nguồn tài trợ trong tương lai.
Tổng kết Hội nghị tại phiên toàn thể I, PGS.TS. Triệu Văn Cường gửi lời cảm ơn tới các nhà lãnh đạo, các diễn giả đã tham gia chia sẻ để diễn đàn có một phiên thảo luận diễn ra hiệu quả, chất lượng và thành công. PGS.TS. Triệu Văn Cường khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục thảo luận thông qua các nền tảng mà Ban Thư ký EROPA và NAPA sẽ cung cấp, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng rằng, những kiến thức có giá trị và thực tiễn tốt được chia sẻ Diễn đàn lãnh đạo châu Á sẽ là cơ hội để các đại biểu nâng cao nhận thức và khả năng hành động, đối diện với những thách thức trong lãnh đạo, điều hành và khám phá nguồn cảm hứng cần thiết để vượt qua thách thức, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ phiên Hội nghị toàn thể I, các diễn giả đã được trao Chứng nhận ghi nhận đóng góp của những người điều hành các phiên thảo luận tại Hội nghị. Tổng thư ký EROPA, TS. Alex Brillantes Jr. và PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, đơn vị đăng cai EROPA 2023 đã trao Bằng ghi nhận cho PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và GS.TS. Masao Kikuchi, Đại học Meiji Nhật Bản, ghi nhận những đóng góp quý báu của hai học giả này với tư cách là Chủ tịch và đồng Chủ tịch Diễn đàn lãnh đạo châu Á lần thứ 11 của Hội nghị EROPA 2023 với chủ đề: “Quản trị công vì mục tiêu phát triển bền vững”.
Sau phiên Hội nghị toàn thể I, cuộc họp Đại Hội đồng lần thứ I đã diễn ra với nội dung: (1) Bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch Đại Hội đồng lần thứ 29; (2) TS. Alex Brilliantes, Tổng Thư ký EROPA báo cáo về nội dung hoạt động của Đại Hội đồng lần thứ 28; (3) TS. Kristoffer Berse, Phó Tổng Thư ký EROPA, phụ trách Tạp chí Hành chính châu Á (ARPA) báo cáo hoạt động của Tạp chí.
GS.TS. Adi Suryanto, Chủ tịch Viện Hành chính công quốc gia In-đô-nê-xi-a được bầu làm Chủ tịch Đại Hội đồng lần thứ 29; TS. Anesee Ibrahim, Phó Tổng Giám đốc Ban Công vụ Ma-lai-xi-a được bầu làm Phó Chủ tịch Đại Hội đồng lần thứ 29. GS.TS. Masao Kikuchi, Đại học Meiji Nhật Bản được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Chương trình và kế hoạch tương lai; TS. Peter K. W. Fong, Chủ tịch Hiệp hội Hành chính Hong Kong được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nghị quyết của Hội đồng Điều hành.
Tại cuộc họp Đại Hội đồng lần thứ I do GS.TS. Adi Suryanto, tân Chủ tịch Đại Hội đồng lần thứ 29, các trưởng đoàn thành viên cấp nhà nước đã trình bày thông điệp chào mừng Hội nghị EROPA 2023.
Đại diện nước chủ nhà Hội nghị EROPA 2023, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia thay mặt Học viện gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất tới tất cả các đại biểu, diễn gỉa tham dự Hội nghị. Hội nghị EROPA 2023 với chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, cùng các tiểu chủ đề của Hội nghị lần này thêm một lần nữa chứng tỏ tinh thần hợp tác chặt chẽ, sự thống nhất ý chí của các nhà hành chính công, các tổ chức và cá nhân thành viên của EROPA hướng tới sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia và cho toàn khu vực. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến tin tưởng với tinh thần hợp tác, sự thống nhất ý chí sẽ là cơ sở vững chắc cho những hành động chung, thiết thực của EROPA, hướng tới thực hiện các mục tiêu quan trọng trong xây dựng một thế giới bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu hóa, đa cực hóa, phát triển hòa bình đã thể hiện đặc biệt rõ nét tại châu Á-Thái Bình Dương, đưa châu Á – Thái Bình dương trở thành khu vực năng động và giàu tiềm năng nhất trên thế giới.
Đại diện đến từ Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Hàn Quốc, Thái Lan đã lần lượt gửi thông điệp chào mừng Hội nghị EROPA 2023 với mong muốn Hội nghị thành công với các mục tiêu hành động chung hướng tới phát triển kinh tế – xã hội bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, vì mối quan tâm chung là: Hòa bình, An toàn và Thịnh vượng!