Một số yếu tố ảnh hưởng đến định kiến giới đối với nhà khoa học nữ trong hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay

TS. Phan Thị Thu Hà
Học viện Phụ nữ Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhà khoa học nữ là bộ phận hợp thành của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, so với nam giới, phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học và công nghệ còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ nữ làm chủ nhiệm đề tài khoa học các cấp luôn thấp hơn so với cán bộ nam; tình trạng mất cân đối về tỷ lệ nam nữ tham gia lãnh đạo quản lý với tỷ lệ thấp dần cán bộ nữ ở các vị trí lãnh đạo cấp cao. Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó định kiến giới là yếu tố ảnh hưởng. Bài viết phân tích định kiến giới ảnh hưởng đến phụ nữ tham gia công tác khoa học và đề xuất kiến nghị, biện pháp giảm thiểu định kiến đối với nhà khoa học nữ hiện nay.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Định kiến giới đối với nhà khoa học nữ trong hoạt động khoa học, công nghệ

Định kiến giới được hiểu là nhìn nhận chủ quan, phán xét vội vàng, không có căn cứ xác đáng về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam và nữ, để lại những ấn tượng tiêu cực đối với phụ nữ và nam giới trong xã hội. Định kiến giới đối với nhà khoa học nữ được xem xét ở các khía cạnh, như: định kiến về vẻ bề ngoài của nhà khoa học nữ; định kiến về đặc điểm tính cách của nhà khoa học nữ; định kiến về vị trí, vai trò của nhà khoa học nữ trong gia đình; định kiến về vị trí, vai trò của nhà khoa học nữ ở nơi làm việc; định kiến về năng lực làm việc của nhà khoa học nữ.

(1) Đối với vẻ bề ngoài của nhà khoa học nữ, tồn tại một số định kiến về trang phục, khuôn mặt và nhan sắc, như: cán bộ khoa học nữ thích mặc quần áo đơn giản, không hợp thời trang và bắt mắt và phụ nữ làm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thường có nhan sắc không nổi trội, ít trang điểm và mắt kém.

(2) Đặc điểm, tính cách của nhà khoa học nữ đang có mức độ chênh lệch thấp hơn đặc điểm, tính cách cần thiết cho nhà khoa học thành công. Điều này phản ánh đặc điểm tính cách của nhà khoa học nữ không phù hợp với thực tiễn phát triển giới nói chung. Trong đó, một số đặc điểm chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất cần có của một nhà khoa học, như: duy lý, khách quan; tính tò mò, ưa thích khám phá; tư duy toán học, logic; tham vọng; dám mạo hiểm, chịu rủi ro; cảm xúc không dễ bị tổn thương; mạnh mẽ, nhiều năng lượng; tính tự chủ; tính cạnh tranh.

(3) Liên quan đến vai trò của nhà khoa học nữ trong gia đình, định kiến tập trung ở công việc nội trợ, như: đi chợ, nấu ăn, rửa bát và công việc chăm sóc bố mẹ, con cái; đặc biệt, đi chợ là hoạt động được mặc định cho vai trò của phụ nữ. Mức độ định kiến của người chồng thường cao hơn nhà khoa học nữ trong phần lớn các hoạt động nhưng nhà khoa học nữ lại giữ định kiến với chính họ ở việc giáo dục, dạy trẻ học và chăm sóc người già, người ốm. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại định kiến về vị trí của nhà khoa học nữ trong gia đình như là người giữ lửa, giữ gìn hạnh phúc gia đình; đặt gia đình lên trên sự nghiệp và ở vị trí hỗ trợ chồng thành công hơn là coi trọng sự nghiệp của riêng mình. Những định kiến này còn tồn tại ngay cả ở nhà khoa học nữ mặc dù so với nam đồng nghiệp và người chồng có thấp hơn.

(4) Vẫn tồn tại suy nghĩ mang tính định kiến đối với nhà khoa học nữ, như: nữ phù hợp với vị trí chuyên môn, nam phù hợp với vị trí lãnh đạo công tác chuyên môn; nữ phù hợp với các công việc chuyên môn hơn là giữ các chức vụ quản lý; nữ phù hợp với cấp phó hơn là cấp trưởng, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến định kiến giới đối với các nhà khoa học nữ trong hoạt động khoa học, công nghệ

Theo kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học “Định kiến giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” do Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2021, tác giả đưa ra một số kết luận sau:

Một là, định kiến về vẻ bề ngoài của nhà khoa học nữ. Nhân tố trường học và biến số có con dưới 36 tháng tuổi có ảnh hưởng đến định kiến về vẻ bề ngoài của nhà khoa học nữ, trong đó sự ảnh hưởng của trường học mạnh hơn.

Hai là, định kiến về đặc điểm, tính cách của nhà khoa học nữ. Phân tích đã chỉ ra nhân tố gia đình có ảnh hưởng theo chiều dương với hệ số hồi quy chuẩn hóa là 0,2281. Điều đó cho thấy, những người trước đây sống trong gia đình có cách thức giáo dục phân biệt giới với con trai và con gái, họ càng thể hiện định kiến về đặc điểm, tính cách của nhà khoa học nữ. Như vậy, nhân tố giáo dục có ảnh hưởng đến định kiến về đặc điểm tính cách của nhà khoa học nữ.

Ba là, đối với định kiến về vị trí, vai trò của nhà khoa học nữ trong gia đình. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, các nhân tố giới tính, có con dưới 36 tháng tuổi, làm việc chung với nhà khoa học, nhân tố gia đình và nhân tố trường học đều có ảnh hưởng, trong đó nhân tố gia đình ảnh hưởng mạnh nhất. Như vậy có thể thấy, nhân tố gia đình, người có con dưới 36 tháng tuổi, người đã từng làm việc chung với nhà khoa học nữ, người chứng kiến/trải nghiệm cách giáo dục phân biệt theo giới tính ảnh hưởng đến định kiến rằng nhà khoa học nữ đảm nhận các công việc nội trợ trong gia đình là chính.

Bốn là, đối với định kiến về vị trí, vai trò của nhà khoa học nữ ở nơi làm việc. Theo kết quả phân tích cho thấy, nhân tố giáo dục, gia đình và giới tính ảnh hưởng đến định kiến về vị trí, vai trò của nhà khoa học nữ ở nơi làm việc, nghĩa là nam giới thể hiện định kiến mạnh hơn nữ giới.

Năm là, định kiến về năng lực làm việc của nhà khoa học nữ. Năng lực làm việc của nhà khoa học nữ được đánh giá từ tốt trở lên chiếm tỷ lệ trên 70% với điểm trung bình là 4,092, đặc biệt ở một số nội dung: khả năng công bố sản phẩm nghiên cứu sách, tạp chí, tham luận…; kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành, liên ngành trong lĩnh vực chuyên môn; khả năng xây dựng và trình bày các báo cáo nghiên cứu trong các hội nghị, hội thảo khoa học; khả năng hướng dẫn sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, một số năng lực chưa được đánh giá cao, như: khả năng gắn kết, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học với đào tạo và hoạt động thực tiễn nói chung; hiểu biết về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia; khả năng tổ chức các sinh hoạt học thuật trong nước và tham gia các sinh hoạt học thuật quốc tế; khả năng tổng kết thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn.

Một số kiến nghị, giải pháp giảm thiểu định kiến đối với nhà khoa học nữ trong hoạt động khoa học, công nghệ

Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ quan điểm về phát triển nhân lực nữ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”3. Do đó, nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để tạo điều kiện cho các nhà khoa học nữ phát huy được trí tuệ, tiềm năng và thế mạnh là một việc làm có nhiều ý nghĩa lớn lao. Trên cơ sở đó, bài đưa ra một vài khuyến nghị nhằm giảm định kiến giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thứ nhất, cần tăng cường và đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho người dân trong toàn xã hội nói chung và những người đang làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói riêng. Đặc biệt, tập trung vào nhóm người chồng và nhà khoa học nam, bởi đây là nhóm người thể hiện mức độ định kiến giới cao với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung bình đẳng giới về vị trí, vai trò trong gia đình; bình đẳng giới ở nơi làm việc; năng lực và những đóng góp của nhà khoa học nữ. Qua đó, nam giới biết cảm thông và chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Đồng nghiệp nam nhìn nhận khách quan hơn về khả năng và những cống hiến của các nhà khoa học nữ tại nơi làm việc.

Thứ hai, trường học là một nhân tố có ảnh hưởng mạnh đến định kiến giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Do đó, các trường phổ thông cần chú trọng việc giáo dục các quan niệm, chuẩn mực có tính bình đẳng giới cho học sinh thông qua các môn học, chương trình học, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy… Đặc biệt, cần tạo ra môi trường khuyến khích học sinh nữ tham gia nhiều hơn vào các môn học, chương trình STEMs, định hướng, động viện các bạn theo đuổi nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên các trường cần được phổ biến kiến thức bình đẳng giới cũng như cần được bồi dưỡng, tập huấn phương pháp sư phạm về giới để thực hiện công tác giảng dạy hiệu quả hơn.

Thứ ba, định kiến về vai trò, vị trí của nhà khoa học nữ trong gia đình ở mức độ cao nhất và tồn tại ở rất nhiều các nhóm đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, mức độ định kiến của người có con dưới 36 tháng tuổi cao hơn người không có còn dưới 36 tháng tuổi. Điều đó chứng tỏ trách nhiệm thực hiện công việc nội trợ và chăm sóc con cái vẫn được gắn với người phụ nữ. Do đó, để giảm định kiến này, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần đẩy mạnh phát triển tốt hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ thực hiện việc nhà, như: dịch vụ đi chợ hộ, mua hàng online ngày càng phổ biến ở các thành phố thì nam giới cũng có thể thực hiện được hoạt động này.

Thứ tư, gia đình cũng đã thể hiện sự tác động lên định kiến giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Vì vậy, trong các gia đình nên có cách thức giáo dục bình đẳng cho con trai và con gái, tránh xây dựng tính cách hoặc trao truyền những giá trị, chuẩn mực thiên lệch hoặc phân biệt theo giới.

Thứ năm, các sản phẩm của truyền thông đại chung cần hướng tới tuyên truyền những giá trị và chuẩn mực bình đẳng giới trong gia đình và trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tránh sử dụng những ngôn từ, hình ảnh mang định kiến giới. Đặc biệt, trong các chương trình về khoa học và công nghệ nên chú trọng sự xuất hiện, vị trí, vai trò của nhà khoa học nữ. Đồng thời, xây dựng hình ảnh nhà khoa học nữ gần gũi, gây được ấn tượng tốt đẹp, thiện cảm của khán giả, đặc biệt với trẻ em.

Thứ sáu, bản thân nhà khoa học nữ trước hết phải vượt qua những quan niệm có tính định kiến giới của chính mình cũng như những định kiến từ người thân trong gia đình và đồng nghiệp ở cơ quan. Chẳng hạn, tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; rèn luyện, trau dồi thêm một số phẩm chất cần thiết cho nghề nghiệp; kỹ năng sắp xếp, cân bằng công việc và gia đình.

Chú thích:
1, 2. Đề tài nghiên cứu khoa học “Định kiến giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” mã số ĐTCS.07/21/VNC do Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H . NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 169.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Hồng, Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Thanh Loan. Cán bộ nữ tham gia nghiên cứu khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1/2018, tr. 61 – 72.
2. Lễ kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1975 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. https://vast.gov.vn, ngày 25/10/2023.