Kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên gen Z dưới góc nhìn nhân khẩu học, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Đào Văn Hân
Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Vũ Thị Hiền
Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Quanlynhanuoc.vn) – Thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z, đang đưa ra những quan điểm và cá tính riêng trong khi sử dụng công cụ kỹ thuật số. Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá kỹ năng kỹ thuật số của sinh viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhằm khám phá mối quan hệ giữa đặc điểm nhân khẩu học và học tập với việc sử dụng Internet. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi tác, giới tính và các yếu tố học tập như năm học có ảnh hưởng kỹ năng Internet của sinh viên. Những kết quả này cung cấp thông tin quan trọng cho ngành giáo dục và quản lý trường học, cũng như đề xuất hướng phát triển giáo dục trong tương lai.

Từ khóa: Kỹ năng internet; thang đo kỹ năng Internet; năng lực kỹ thuật số; gen Z; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Đa số các sinh viên đại học ngày nay đều nằm trong thế hệ gen Z, một thế hệ được sinh ra và trưởng thành trong môi trường thế giới kỹ thuật số. Internet như một phần nội tại trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy họ được gắn liền với các tên gọi như “Người bản địa kỹ thuật số” (Addor, 2011), “Chuyên gia di động” (Ozkan & Solmaz, 2015) hay “Thế hệ Internet” (Lanier, 2017). Do đó, công nghệ cũng được xem là một phần thiết yếu trong đời sống học tập chính quy của gen Z (Bullen, Morgan, &; Qayyum, 2011; Ng, 2012; Ting, 2015; Brooks, 2016; Alexander, Becker, Cummins & Giesinger, 2017). Tuy nhiên, những trải nghiệm mà họ có đôi khi chưa đủ để họ có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số nhằm đáp ứng cho yêu cầu học tập (Van Laar, Van Deursen, Van Dijk & De Haan 2017). Chính vì vậy, nhiều sinh viên vào môi trường đại học với kỹ năng internet hạn chế, họ cũng như gặp khó khăn khi sử dụng các công cụ và dịch vụ khi tìm kiếm, đánh giá thông tin trực tuyến và sáng tạo nội dung (Sewlyn, 2009; Ng, 2012; Stahl, 2017; Hargittai, Fullerton, Menchen-Trevino, &; Thomas, 2010; Head, 2013; Neumann, 2016).

Hầu hết các nhà nghiên cứu đồng thuận rằng, để người dùng sử dụng công nghệ hiệu quả, họ phải phát triển các kỹ năng Internet đầy đủ (Jenkins et al., 2009; Mossberger và cộng sự, 2003). Có nhiều thuật ngữ đề cập đến các kỹ năng Internet, nó được hiểu như “khả năng sử dụng các nền tảng truyền thông kỹ thuật số: điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính hoặc bất kỳ nền tảng nào mà Internet được truy cập” (Van Deursen, Van Dijk và Peters, 2011). Một số thang đo kỹ năng Internet tập trung vào kỹ thuật sử dụng Internet như mở trình duyệt (Bunz, Curry, &; Voon, 2007; Hargittai &; Hsieh, 2012; Krueger, 2006; Potosky, 2007). Trong nghiên cứu của Ferrari (2012) coi năng lực Internet là sự kết hợp của kỹ năng thông tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sáng tạo nội dung, kỹ năng an toàn và kỹ năng giải quyết vấn đề. Một nghiên cứu gần đây đã đề xuất bảy kỹ năng Internet cốt lõi được xác định gồm kỹ thuật, thông tin, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, tư duy phê phán và giải quyết vấn đề (Van Laar et al., 2017).

Các cuộc điều tra khảo sát về sự phân chia mức độ kỹ thuật số cũng chỉ ra khác biệt của người dùng tập trung vào một số yếu tố dự báo nhân khẩu học và kinh tế xã hội cơ bản như giới tính, tuổi tác, giáo dục, thu nhập và tình trạng việc làm (DiMaggio et al., 2004). Mức độ kỹ năng Internet của sinh viên còn tuỳ thuộc vào sự quen thuộc của họ với các thiết bị và công cụ kỹ thuật số khác nhau (Helsper &; Eynon, 2010; Hagittai, 2010; Corrin, Bennett & Lockyer, 2010).

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu, đánh giá về kỹ năng sử dụng Internet của công dân gen Z đang là sinh viên tại các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc ĐHQG-HCM thông qua các đặc điểm nhân khẩu và liên quan đến học tập như giới tính, giáo dục, phân loại năm học.

2. Phương pháp nghiên cứu

Việc nghiên cứu được thực hiện thông qua bảng hỏi dựa trên thang đo Kỹ năng Internet (ISS) của (Van Deursen, 2015) và (Deursen, 2010), với 9 yếu tố cấu thành, bao gồm: (1) Hoạt động sử dụng Internet của bản thân; (2) Điều hướng thông tin khi sử dụng Internet; (3) Sử dụng mạng xã hội khi sử dụng Internet; (4) Sáng tạo trên Internet; (5) Sử dụng thiết bị di động; (6) Kỹ năng vận hành Internet của bản thân; (7) Kỹ năng Internet chính thức của bản thân; (8) Kỹ năng thông tin Internet của bản thân; (9) Kỹ năng kế hoạch Internet của bản thân. Thang đo Likert được sử dụng để cho phép người tham gia linh hoạt, các mục câu trả lời (Spitzberg, 2006) tập trung vào các mức Hoàn toàn không đồng ý/Không đồng ý/Bình thường/Đồng ý/Hoàn toàn đồng ý và tương đương được quy ước 5 điểm. Điểm số đo càng cao thể hiện kỹ năng sử dụng Internet của gen Z càng lớn.

Khách thể nghiên cứu: gồm 399 sinh viên của 6 trường đại học (Trường Đại học Bách khoa; Trường Đại học Quốc tế; Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn; Trường Đại học Kinh tế – Luật; Trường Đại học Công nghệ thông tin; Trường Đại học Khoa học tự nhiên và 2 khoa đào tạo (Khoa Chính trị – Hành chính; Khoa Y) trực thuộc của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Bảng 1: Đặc điểm của khách thể nghiên cứu

 Đặc điểmSố lượng (người)Tỷ lệ (%)
Giới tínhNam25062.7
Nữ14937.3
Xếp hạng năm đào tạoSV năm 1399.8
SV năm 215037.6
SV năm 313132.8
SV năm 47418.5
Khác51.3
Đơn vị đào tạoTrường Đại học Bách khoa7819.5
Trường Đại học Quốc tế235.8
Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn205.0
Trường Đại học Kinh tế – Luật215.3
Trường Đại học Công nghệ thông tin10325.8
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên8120.3
Khoa Chính trị – Hành chính4611.5
Khoa Y276.8
Nguồn: Nhóm tác giả (2023)

Nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu kỹ năng Internet của sinh viên gen Z để trả lời câu hỏi nghiên cứu: có sự khác biệt về kỹ năng Internet dựa theo đặc điểm yếu tố nhân khẩu và học tập của sinh viên gen Z.

Phương pháp xử lỹ số liệu: Dữ liệu thu thập được phân tích bằng các phương pháp định lượng, tiến hành thống kê mô tả, phân tích bằng phương pháp T-test độc lập, phân tích phương sai một chiều thông qua phần mềm SPSS phiên bản 20 và phần mềm Exel được sử dụng để xác định tầm quan trọng tương đối của nhân khẩu học, học tập của sinh viên gen Z có khả năng ảnh hưởng đến kỹ năng Internet.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Tiến hành xem xét mức độ sử dụng Internet của sinh viên gen Z ở từng thang đo cụ thể của từng kỹ năng, cho thấy với mức thang điểm 5, sinh viên gen Z có kỹ năng sử dụng Internet tốt, thể hiện qua điểm trung bình cộng cho các yếu tố là ĐTB= 3.9; ĐLC = 0.8.

Trong các biểu hiện của kỹ năng sử dụng Internet, kết quả khía cạnh đạt trên thang điểm 4 gồm sáu yếu tố: hoạt động sử dụng Internet (ĐTB = 4.43; ĐCL = 0.7); kỹ năng sử dụng mạng xã hội trên Internet (ĐTB = 4.15; ĐCL = 0.7); kỹ năng sử dụng thiết bị di động gắn với Internet (ĐTB = 4.25; ĐCL = 0.78); kỹ năng vận hành Internet (ĐTB = 4.13; ĐCL = 0.77); kỹ năng thông tin trên internet (ĐTB = 4.01; ĐCL = 0.77); kỹ năng kế hoạch internet của bản thân (ĐTB = 4.06; ĐCL = 0.78). Trong ba biểu hiện còn lại của kỹ năng sử dụng Internet, kết quả cho thấy, điểm trung bình giảm dần từ kỹ năng Internet chính thức (ĐTB = 3.79; ĐCL = 0.93); sáng tạo trên Internet (ĐTB = 3.46; ĐCL = 0.83) và thấp nhất là biểu hiện về kỹ năng điều hướng thông tin khi sử dụng Internet (ĐTB = 2.8; ĐCL = 0.937).

Thông qua kết quả này, nhóm nghiên cứu nhận thấy khách thể khảo sát với độ tuổi trung bình từ 18-22, độ tuổi còn khá trẻ. Vì vậy mục đích, khả năng sử dụng Internet của sinh viên gen Z có những mức độ khác nhau tùy theo thời gian khác nhau, đôi khi có một bộ phận sinh viên gen Z chưa hiểu rõ về việc sử dụng Internet, bản thân phù hợp với những tiêu chí nào. Sự phức tạp và đa dạng của công nghệ có thể làm cho việc đánh giá kĩ năng của sinh viên gen Z về Internet trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, kết quả được thể hiện ở các biểu đồ nhóm nghiên cứu cho thấy, sinh viên gen Z tại các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã và đang sử dụng Internet rất nhiều nhưng họ có thật sự hiểu rõ về kỹ năng của chính bản thân mình chưa đó vẫn còn là một ẩn số. Bởi vì, môi trường sống luôn luôn thay đổi và đòi hỏi họ cần có nhiều hơn về kiến thức, kỹ năng để đáp ứng kịp thời với sự thay đổi đó.

Ngoài ra còn có một số khác biệt về điểm số kỹ năng sử dụng Internet dựa theo đặc điểm nhân khẩu, học tập của sinh viên theo các yếu tố bao gồm:

a) Sự khác biệt về kỹ năng Internet thông qua yếu tố giới tính

Dựa trên góc độ giới tính, kiểm định T-test thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kỹ năng sử dụng Internet ở khách thể nam và nữ trên thang tổng và ở chín khía cạnh của thang đo.

Ở 9 khía cạnh của kỹ năng sử dụng Internet, khi nghiên cứu tìm thấy những khác biệt đáng kể về tác động trực tiếp và gián tiếp của yếu tố giới tính đối với kỹ năng sử dụng Internet. Nam giới thường có điểm số kỹ năng sử dụng Internet cao hơn nữ giới. Các phát hiện này cũng khá tương đồng với những nghiên cứu trước đây, cụ thể các nam sinh làm việc tốt hơn các nữ sinh trong các nhiệm vụ về kỹ năng máy tính, trong khi đó các nữ sinh thể hiện mức độ thực hiện cao hơn trong các nhiệm vụ về tìm kiếm thông tin (Punter và cộng sự, 2017).

Đa số nam giới cũng sử dụng nhiều nền tảng và dịch vụ kỹ thuật số hơn các nữ giới và họ có xu hướng sử dụng Internet nhiều hơn để phục vụ công việc học tập (Tyers-Chowdhury & Binder, 2021). Có thể nói, các nam sinh có khả năng tiếp cận công nghệ tốt hơn so với nữ sinh về kỹ năng kỹ thuật số một phần do sự khác biệt về mối quan tâm và thái độ tích cực đối với công nghệ (Cai và cộng sự, 2017). Các nhà nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, sự khác biệt về giới trong kỹ năng Internet có thể xuất phát từ trải nghiệm khác nhau của nam và nữ với công nghệ thông tin, điều này bị ảnh hưởng bởi lợi ích giới (Gnambs, 2021).

Chính vì vậy, để đạt được sự cân bằng về giới trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng kỹ năng Internet trong nhà trường, các nhà quản lý cần phải tập trung giải quyết sự khác biệt trong thái độ đối với công nghệ. Bên cạnh đó, nhà trường cần tập trung triển khai các chuẩn mực văn hoá và mô hình xã hội hoá phù hợp để kích thích thái độ tích cực của sinh viên trong cách họ sử dụng công nghệ. Đồng thời, tập trung vào nghiên cứu các biện pháp can thiệp giáo dục nhằm giải quyết các mô hình xã hội hóa rập khuôn, góp phần xoá mờ khoảng cách giới về giới trong kỹ năng Internet.

Bảng 2. So sánh kỹ năng sử dụng Internet theo giới tính

Các khía cạnhNamNữ
ĐTBĐLCĐTBĐLC
Về hoạt động sử dụng internet4.460.84.370.69
2. Kỹ năng điều hướng thông tin khi sử dụng internet2.740.962.890.89
3. Kỹ năng sử dụng mạng xã hội trên internet4.140.774.180.6
4. Sáng tạo trên internet3.500.863.400.78
5. Sử dụng thiết bị di động gắn với internet4.250.824.240.69
6. Kỹ năng vận hành internet4.170.84.050.71
7. Kỹ năng internet chính thức3.880.963.630.87
8. Kỹ năng thông tin trên internet4.060.813.930.69
9. Kỹ năng kế hoạch internet của bản thân4.060.824.050.71
Nguồn: Nhóm tác giả (2023)

b) Sự khác biệt về kỹ năng Internet theo năm học của sinh viên gen Z

Kết quả kiểm định t-test cho thấy, có sự khác biệt có về mặt thống kê, đa số sinh viên gen Z đều có kỹ năng Internet tốt với điểm số trên 4. Tuy nhiên, ở kỹ năng điều hướng thông tin khi sử dụng Internet, sinh viên gen Z năm nhất đến năm cuối đều chỉ dừng lại ở mức trung bình (ĐTB dao động từ 2.77 đến 2.89). Điều này có nghĩa là kỹ năng tìm kiếm thông tin, bao gồm khả năng tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá các nguồn thông tin trên internet của sinh viên vẫn còn chưa hiệu quả.

Sinh viên gen Z vẫn chưa nhận diện được nguồn thông tin nào là thật sự đáng tin cậy, phương pháp tìm kiếm thông tin phù hợp làm sao cho hiệu quả, đặc biệt là phục vụ cho việc học tập. Điều này có thể xuất phát từ lý do thông tin hết sức đa dạng trên môi trường kỹ thuật, là cho người dùng đôi khi bị “choáng ngợp” với quá nhiều thông tin chỉ với một cú nhấp chuột. Đồng thời, với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng sống còn đang được hoàn thiện, điều này đã ảnh hưởng một phần đến kỹ năng điều hướng thông tin của sinh viên gen Z.

Có thể nói, kỹ năng điều hướng thông tin có mối tương quan tích cực nhất với kỹ năng Internet, vì vậy điều cần làm ở đây đối với các cơ sở giáo dục, đó là vai trò định hướng của giảng viên, của nhà quản lý phải thường xuyên hơn nữa. Việc định hướng tốt sẽ phần nào giúp sinh viên gen Z tiếp cận được những kiến thức cần thiết trong khai thác thông tin trên môi trường mạng, xác định được nguồn thông tin phù hợp và bổ ích, để trở thành những người dùng thực sự thông thái.

Đánh giá chung về mặt tổng thể ở khía cạnh này, kỹ năng sử dụng Internet của gen Z tốt dần lên qua các năm học. Kết quả cho thấy, ở năm cuối cấp học, mức độ kỹ năng internet được cải thiện và điều này được mong đợi dựa trên kiến thức họ có được trong thời gian học tại trường đại học.

Theo một nghiên cứu tương đồng, sinh viên gen Z năm cuối sử dụng internet nhiều hơn cho mục đích học tập so với năm đầu tiên. Kết quả này đã phù hợp với kỳ vọng và nó cũng có thể được giải thích bởi yếu tố mong muốn so với nhu cầu. Những sinh viên năm cuối cần internet vì lý do học tập hơn so với năm nhất do nhu cầu hoàn thành báo cáo nghiên cứu (Hall, 2022). Do đó, điều cần thiết là các nhà quản lý có sự định hướng cho sinh viên, giúp sinh viên gen Z nhận ra những lợi ích thu được từ việc sử dụng internet, hướng đến việc sử dụng nó nhiều hơn vì lý do giáo dục. Với nhiều lợi ích thu được từ việc sử dụng internet, sinh viên gen Z được khuyến khích sử dụng nó cho mục đích giáo dục và tiếp tục tìm kiếm thông tin cập nhật để bắt nhịp kịp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Bảng 3. Kỹ năng Internet theo năm học của sinh viên gen Z

Nội dungFSig.ĐTB
1. Về hoạt động sử dụng internetSV năm 12.1470.0004.27
SV năm 24.34
SV năm 34.46
SV năm 44.58
2. Kỹ năng điều hướng thông tin khi sử dụng internetSV năm 12.1580.0032.80
SV năm 22.79
SV năm 32.77
SV năm 42.89
3. Kỹ năng sử dụng mạng xã hội trên internetSV năm 12.6040.0004.12
SV năm 24.12
SV năm 34.14
SV năm 44.25
4. Sáng tạo trên internetSV năm 13.6040.0003.45
SV năm 23.40
SV năm 33.40
SV năm 43.73
5. Sử dụng thiết bị di động gắn với internetSV năm 12.120.0004.21
SV năm 24.21
SV năm 34.25
SV năm 44.32
6. Kỹ năng vận hành internetSV năm 12.1470.0004.01
SV năm 24.06
SV năm 34.12
SV năm 44.32
7. Kỹ năng internet chính thứcSV năm 12.5830.0053.62
SV năm 23.76
SV năm 33.77
SV năm 43.98
8.  Kỹ năng thông tin trên internetSV năm 11.2090.0003.87
SV năm 24.03
SV năm 33.96
SV năm 44.10
9. Kỹ năng kế hoạch internet của bản thânSV năm 12.1470.0003.99
SV năm 24.03
SV năm 34.06
SV năm 44.10
Nguồn: Nhóm tác giả (2023)

4. Kết luận

Kết quả giải thích các đặc điểm nhân khẩu học và học tập có mối liên hệ chặt chẽ đối với kỹ năng sử dụng Internet. Khi kiểm tra các yếu tố trên, cho thấy tất cả các yếu tố đều liên quan đáng kể đến hiệu quả kỹ thuật số của sinh viên gen Z. Những khác biệt ý nghĩa thống kê giữa các biến độc lập cũng đã góp phần khẳng định cho giả thuyết nghiên cứu. Nói cách khác, chúng ta không thể bỏ qua các yếu tố về nhân khẩu và học tập của sinh viên khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng sử dụng hiệu quả Internet.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, các kỹ năng số phải luôn được bảo đảm và kiểm tra nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm cả các nhà giáo dục và sinh viên) duy trì tính cạnh tranh, tiếp cận đổi mới công nghệ trong môi trường định hướng tri thức (Van Laar E, van Deursen A, 2017). Các kết quả nghiên cứu được chứng minh cho thấy, sinh viên gen Z tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có năng lực sử dụng Internet tương đối tốt. Đồng thời, các đặc điểm nhân khẩu học và học thuật cụ thể, như: giới tính, năm học, trường học có ảnh hưởng đến kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên gen Z.

Kết quả từ nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một số biến số về nhân khẩu học và học tập nhất định có thể đưa ra dự đoán và cải thiện về kỹ năng sử dụng Internet cho sinh viên gen Z. Tuy nhiên, điều quan trọng là các cấp quản lý phải thường xuyên hỗ trợ đào tạo và kết hợp với các kỹ năng sáng tạo cụ thể, điều hướng thông tin và đào tạo truyền thông xã hội cho sinh viên gen Z, để giải quyết nhiều thách thức phải đối mặt trong một thế giới kỹ thuật số đang mở rộng. Đồng thời, trong chương trình giảng dạy đại cương của đơn vị giáo dục có thể bố trí một số học phần máy tính chuyên biệt bên cạnh các học phần đào tạo chuyên ngành nhằm hướng dẫn kỹ năng sử dụng Internet có hiệu quả và khuyến khích việc sử dụng Internet lành mạnh cho sinh viên gen Z.

Tài liệu tham khảo:
1. Addor, M. L. (2011). Generation Z: What is the Future of Stakeholder Engagement? Institute for EMERGING ISSUES-NC State University. pp. 1-7.
2. Alexander, B., Adams Becker, S., Cummins, M. & Hall Giesinger, C. (2017). Digital Literacy in Higher Education, Part II: An NMC Horizon Project Strategic
3. Brief. Austin, Texas: The New Media Consortium. (Volume 3.4, August 2017). Retrieved from: https://www.learntechlib.org/p/182086/.
4. Bullen, M., Morgan, T. & Qayyum, A. (2011). Digital learners in Higher Education: Generation is Not the Issue. Canadian Journal of Learning Technology, 37(1). Retrieved from: https://www.learntechlib.org/p/42755/.
5. Bunz, U., Curry, C., & Voon, W. (2007). Perceived versus actual computer-email-web fluency. Computers in Human Behavior, 23(5), 2321–2344. doi:10.1016/j. chb.2006.03.008
6. Brooks, C. (2016). ECAR Study of Undergraduate Students and Information Technology, 2016. Research report. Retrieved from: https://library.educause.edu/~/media/files/library/2014/10/ers1406-pdf.pdf?la=en.
7. Cai, Z., Fan, X., & Du, J. (2017). Gender and attitudes toward technology use: a meta-analysis. Computers & Education, 105, 1–13. https://doi.org/10.1016/j.compedu.2016.11.003
8. Corrin, L., Bennett, S., & Lockyer, L. (2010). Digital Natives: Everyday life versus academic study. Proceedings of the 7th International Conference on Networked Learning. 643-650. Retrieved from: https://ro.uow.edu.au/cgi/viewcontent.cgi?article=1214&context=edupapers.
9. Deursen, A. V., & Van Dijk, J. A. (2010). Measuring internet skills. International journal of human-computer interaction, 26(10), 891-916
10. DiMaggio, P., Hargittai, E., Celeste, C., & Shafer, S. (2004). From unequal access to differentiated use: A literature review and agenda for research on digital inequality. In K. Neckerman (Ed.), Social inequality (pp. 355–400). New York, NY: Russell Sage Foundation.
11. Ferrari, A. (2012). Digital competence in practice: An analysis of frameworks. Sevilla: JRC IPTS.
12. Gnambs, T. (2021). The development of gender differences in information and communication technology (ICT) literacy in middle adolescence. Computers in Human Behavior, 114, 106533. https://doi.org/10.1016/j.chb.2020.106533
13. Hargittai, E. (2010). Digital na (t) ives? Variation in Internet Skills and Uses Among Members of the “Net Generation”. Sociological inquiry, 80(1), 92-113. doi: 10.1111/j.1475-682X.2009.00317.x.
14. Hall, J., Robinson, T., Flegg, J., & Wilkinson, J. (2022). First-year and final-year undergraduate students’ perceptions of university mathematics departments. Mathematics Education Research Journal, 34 (2), 189-214.
15. Hargittai, E., & Hsieh, Y. P. (2012). Succinct survey measures of web-use skills. Social Science Computer Review, 30(1), 95–107. doi:10.1177/0894439310397146
16. Head, A. (2013). Learning the ropes: How freshmen conduct course research once they enter college. Retrieved from: https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED548262.pdf
17. Helsper, E. J., & Eynon, R. (2010). Digital natives: where is the evidence? British educational research journal, 36(3), 503-520. doi: 10.1080/01411920902989227.
18. Krueger, B. S. (2006). A comparison of conventional and Internet political mobilization. American Politics Research, 34(6), 759–776. doi:10.1177/1532673X06290911
19. Lanier, K. (2017). 5 things HR professionals need to know about genera tion Z. Strategic HR Review, 16(6), 288–290
20. Mossberger, K., Tolbert, C. J., & Stansbury, M. (2003). Virtual inequality: Beyond the digital divide. Washington, DC: Georgetown University Press.
21. Ng, W. (2012). Can we teach digital natives digital literacy? Computers & Education, 59(3), 1065-1078. doi: 10.1016/j.compedu.2012.04.016.
22. Potosky, D. (2007). The internet knowledge (iKnow) measure. Computers in Human Behavior, 23 (6), 2760–2777. doi:10.1016/j. chb. 2006.05.003
23. Punter, R. A., Meelissen, M. R., & Glas, C. A. (2017). Gender differences in computer and information literacy: an exploration of the performances of girls and boys in ICILS 2013. European Educational Research Journal, 16(6), 762–780. https://doi.org/10.1177/1474904116672468
24. Stahl, T. (2017). How ICT savvy are Digital Natives actually? Nordic Journal of Digital Literacy, 12(03), 89-108. doi: 10.18261/ISSN.1891-943X-2017-03-04.
25. Spitzberg, B. H. (2006). Preliminary Development of a Model and Measure of Computer – Mediated Communication (CMC) Competence. Journal of Computer-Mediated Communication, 11 (2), 629-666. https://doi.org/10.1111/j.1083-6101.2006.00030.x
26. Ting, Y. L. (2015). Tapping into students’ digital literacy and designing negotiated learning to promote learner autonomy. The Internet and Higher Education, 26, 25-32. doi: 10.1016/j.iheduc.2015.04.004.
27. Tyers-Chowdhury, A., & Binder, G. (2021). What we know about the gender digital divide for girls. UNICEF.
28. Ozkan, M., & Solmaz, B. (2015). Mobile addiction of generation z and its effects on theirsocial lifes: (an application among university students in the 18-23 age group). Procedia- Social and Behavioral Sciences, 205, 92–98.
29. Jenkins, H., Purushotma, R., Weigel, M., Clinton, K., & Robison, A. J. (2009). Confronting the challenges of participatory cul ture: Media education for the 21st century. Cambridge, MA: MIT Press.
30. Selwyn, N. (2009). The digital native – myth and reality. Aslib Proceedings, 61(4). 364 379. doi: 10.1108/00012530910973776.
31. Van Deursen, A., J. van Dijk and O. Peters. 2011. Rethinking Internet skills: The contribution of gender, age, education, Internet experience, and hours online to medium – and content-related Internet skills. Poetics 39(2): 124–144.
32. Van Deursen, A. J. A. M., Courtois, C., & Van Dijk, J. A. G. M. (2014). Internet skills, sources of support and benefiting from internet use. International Journal of Human-Computer Interaction, 30(4), 278–290.
33. Van Deursen, A. J., Helsper, E. J., & Eynon, R. (2016). Development and validation of the Internet Skills Scale (ISS). Information, Communication & Society, 19(6), 804-823.
34. Van Laar, E., Van Deursen, A. J., Van Dijk, J. A., & De Haan, J. (2017). The relation between 21st-century skills and digital skills: A systematic literature review. Computers in human behavior, 72, 577-588. doi: 10.1016/j.chb.2017.03.010.