Hà Tĩnh phát triển mô hình chuỗi du lịch xanh

ThS. Nguyễn Trung Thành
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã và đang chú trọng phát triển ngành kinh tế không khói, mở rộng nhiều mô hình chuỗi du lịch xanh, trong đó nổi bật nhất là mô hình du lịch cộng đồng. Điều này được dựa trên thế mạnh từ nguồn tài nguyên về hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học, hệ thống di sản vật thể và phi vật thể giàu bản sắc của tỉnh. Bài viết đề cập việc đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra môt số giải pháp vừa nhằm mục tiêu giữ gìn những giá trị bản sắc tài nguyên, bản sắc văn hóa vùng miền, vừa nắm bắt các cơ hội để phát triển du lịch bền vững của Hà Tĩnh. 

Từ khóa: Mô hình; chuỗi du lịch xanh; du lịch cộng đồng; kinh tế không khói; tỉnh Hà Tĩnh.

1. Vài nét về tỉnh Hà Tĩnh

Là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có địa hình đa dạng với đồi núi, đồng bằng, bãi biển; hệ sinh thái phong phú gồm: 199.847 ha rừng tự nhiên và 76.156 ha rừng trồng, độ che phủ của rừng đạt 45%, nhiều loại thực vật quý, nhiều loại động vật ghi vào sách đỏ và quý hiếm như: sao la, hổ, báo, hươu đen, dê sừng thẳng, trĩ, gà lôi… Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, gồm nhiều cửa sông lớn với nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao1; cũng là tỉnh có nhiều núi và sông lớn nổi tiếng, như: núi Hồng Lĩnh, núi Long Ngâm, sông La, sông Lam,… Đặc biệt, Hà Tĩnh còn có suối nước nóng Sơn Kim (nguồn nước nóng tự nhiên đạt tiêu chuẩn cao của cả nước, phù hợp với trị liệu sức khỏe)…

Bên cạnh thiên nhiên đa dạng, hệ sinh thái phong phú, Hà Tĩnh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng được cả trong nước và quốc tế biết đến. Hiện nay, toàn tỉnh có 638 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; có 3 bảo vật quốc gia (bia Sùng Chỉ, súng Thần Công, chuông Chùa Rối); 69 lễ hội với 3 lễ hội được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 5 di sản được UNESCO ghi danh (dân ca ví, dặm; ca trù; Hoàng Hoa sứ trình đồ; Mộc bản Trường học Phúc Giang; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu)…2.

Với những lợi thế đó, Hà Tĩnh đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2022, Hà Tĩnh có tổng số 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trên địa bàn có 249 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao3.

2. Đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh 

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (khóa XXIII) đã xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng và quy hoạch cụ thể giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm. Đây cũng là việc triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, như: Nghị quyết số 78/2022/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 quy định một số nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025… Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách này, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 17/4/2023 về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, nội dung Kế hoạch xác định lựa chọn xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) là điểm để đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền, Vũ Quang) và bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) xây dựng thành hai mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh.

Tiếp đến, ngày 20/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3774/UBND-NL5 về việc giao triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững tại thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn). Thôn Làng Chè được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục thí điểm thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn, giai đoạn 2021 -2025. Việc thực hiện triển khai phát triển nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả là do tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; đồng thời,có sự hợp tác về phát triển du lịch nông thôn; tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; đặc biệt là phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn… Ngoài ra, tổ chức nhiều đoàn farmtrip, tổ chức các buổi hội thảo, chương trình có mời đại diện lãnh đạo các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nông thôn, tổ chức các đợt tham quan học tập các tỉnh Tây Bắc và một số địa phương thuộc các vùng miền khác.

Thời gian qua, UBND tỉnh phối hợp với Viện Kinh tế Du lịch – Nông nghiệp nghiên cứu, khảo sát và đề xuất 5 điểm có điều kiện phù hợp để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, đó là: phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn), xã Đồng Môn (thành phố Hà Tĩnh), xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang), xã Phú Gia (huyện Hương Khê). Theo kế hoạch đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hương Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại xã Sơn Kim theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với UBND huyện Vũ Quang và UBND huyện Hương Khê chủ trì xây dựng Đề án thí điểm mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 tại thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) và bản Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê).

Với những tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn mới cùng vớinhững chủ trương và hành động quyết tâm đang mở ra nhiều cơ hội trong phát triển du lịch bền vững của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những khó khăn khách quan về địa lý, thời tiết khí hậu không thuận lợi, thêm vào đó là kỹ thuật hạ tầng yếu kém, sự kêu gọi đầu tư ngân sách vào tỉnh còn rất thấp, nhất là đầu tư ngân sách cho du lịch còn quá ít ỏi. Hà Tĩnh không ga tàu hỏa, không sân bay, nhiều tuyến đường lại bị xuống cấp, hư hỏng, nhỏ hẹp…, dẫn đến, trong nhiều năm qua, lượt khách nội địa đến du lịch trên địa bàn tỉnh rất thấp, khách lưu lại tỉnh không nhiều và không thường xuyên.

Một nguyên nhân nữa là sự cố ô nhiễm môi trường biển đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là làm giảm số lao động trực tiếp và lao động gián tiếp phục vụ khách du lịch, dẫn đến mất việc làm, không có thu nhập… 

Cùng với đó, chưa có sự gắn kết giữa các khu du lịch, di tích lịch sử văn hóa với các khách sạn. Nhiều doanh nghiệp du lịch biển chỉ kinh doanh theo thời vụ tắm biển mà chưa tận dụng du lịch giải trí cho người dân, nhất là thanh thiếu niên có nhiều nhu cầu muốn khám phá, chinh phục thiên nhiên. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân khách sạn, nhà hàng còn hạn chế về kiến thức lịch sử, văn hóa vùng miền của tỉnh, hầu hết còn chưa được đào tạo đúng ngành nghề về phục vụ du lịch, lữ hành, khách sạn…

3. Một số mục tiêu và giải pháp triển khai mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng du lịch xanh

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong việc tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, đặc biệt là xây dựng thành công mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, tỉnh tập trung vào các mục tiêu và giải pháp sau đây:

a. Về mục tiêu

Tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025, trong đó đến năm 2025: (1) Có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn về lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch khác tại điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. (2) Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh. (3) Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. (4) Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% chủ cơ sở du lịch nông thôn, quản lý, nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và cộng đồng du lịch nông nghiệp, nông thôn; mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên có khả năng giao tiếp ngoại ngữ.

b. Giải pháp cụ thể 

Một là, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác về phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, các sở, ngành liên quan và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý; các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn, như: (1) Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền(thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian, như: Ca Trù, Dân ca Ví Giặm, lẩy Kiều); xây dựng số hóa thông tin tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống, gắn với du lịch nông thôn; (2) Hỗ trợ kinh phí xây dựng các điểm checkin tại các khu, điểm du lịch cấp tỉnh, mô hình du lịch nông thôn.

Hai là, phối hợp với các địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025. Đồng thời, kết hợp với các sở, ngành khác, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, lực lượng bảo vệ Công an tỉnh, BanChỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan… thực hiện giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, khảo sát lắp đặt bổ sung các trạm phát sóng tại các điểm, khu du lịch bảo đảm ổn định, nhằm phục vụ công tác chuyển đổi số, số hoá các dịch vụ du lịch và phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, điểm du lịch; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm/dịch vụ trong sản xuất – kinh doanh, tăng tính cạnh tranh và giá trị sản phẩm, hàng hóa; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với tăng cường quản lý nhà nước đối với các sản phẩm hàng hóa theo lĩnh vực, thẩm quyền được phân công; hướng dẫn, thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư lĩnh vực du lịch; kiểm tra, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, dự án du lịch, bảo đảmmôi trường xanh, sạch, đẹp, ổn định và bền vững. 

Ba là, xây dựng, phát triển du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn, cụ thể:

(1) Tiến hành rà soát, đánh giá các loại hình du lịch theo các nhóm: điểm đến du lịch nông thôn; điểm đến du lịch văn hóa tâm linh; điểm đến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. 

(2) Xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, như: đường giao thông và biển chỉ dẫn nội vùng, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, xây dựng điểm check-in, cải tạo công trình vệ sinh và phòng nghỉ homestay, bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng, gian hàng trưng bày và bán sản phẩm địa phương; giới thiệu và phục vụ khách du lịch trải nghiệm, như: văn nghệ dân gian, ẩm thực, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch văn hóa sinh thái; tổ chức mời farmtrip, presstrip để kết nối tour đưa khách về cho người dân địa phương; thực hiện số hóa điểm đến cho mô hình du lịch cộng đồng để giới thiệu quảng bá trên các nền tảng số quốc gia và quốc tế; maketing truyền thông điểm đến; huy động nguồn lực từ địa phương và xã hội hóa để nâng cấp, đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bảo đảm kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. 

(3) Phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất – kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục, du lịch củng cố sức khỏe, du lịch ẩm thực. 

(4) Đối với phát triển kinh tế du lịch tại các xã có làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với các xã có chợ truyền thống và chợ chuyên doanh. Nghiên cứu, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới của các làng nghề theo hướng hiện đại, có tính cạnh tranh cao; tập trung phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ tại một số làng nghề trọng điểm.

(5) Nghiên cứu về quy hoạch, địa lý địa hình, văn hóa, con người, sản phẩm địa phương để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Trong đó, xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể: Nông dân – Hợp tác xã – Hộ kinh doanh – Doanh nghiệp. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; một mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn mới gắn với giá trị di sản văn hóa – lịch sử…

Bốn là, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch nông thôn. Bố trí lồng ghép các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đa dạng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho các mô hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn và triển khai chương trình OCOP về lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền. Bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao…; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Năm là, định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn,…); khuyến khích xây dựng sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. 

Sáu là, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cán bộ cơ sở; triển khai các khóa đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ du lịch và định hướng kinh doanh du lịch cộng đồng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư, phát triển du lịch tại địa phương. Đội ngũ chuyên gia du lịch, nông nghiệp, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề cao cần tích cực tham gia hỗ trợ người dân khai thác phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch. 

Bảy là, truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thônTrong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số thông qua cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng số hóa thông tin tuyên truyền…; tăng cường gắn kết, lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền trong xâydựng mô hình các chuỗi du lịch xanh. Lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các chương trình quảng cáo về du lịch Việt Nam, du lịch Hà Tĩnh trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch khác. Khuyến khích xây dựng sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, trên cơ sở nguồn vốn được giao hằng năm, thực tiễn của địa phương, sở, ngành thực hiện soát xét tham mưu phân bổ kinh phí triển khai theo quy định hiện hành.

Chú thích:
1, 2. Những cơ hội mới để Hà Tĩnh phát triển du lịch bền vững. https://hatinh.vietnam.vn, ngày 13/8/2023.
3. Hà Tĩnh tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. https://thixakyanh.hatinh.gov.vn, ngày 06/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 163/BCSVHTTDL ngày 30/9/2022 của Đoàn khảo sát phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 phối hợp với Viện Kinh tế Du lịch – Nông nghiệp tiến hành gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
2. Đề án thí điểm mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 tại Thôn Hoa Thị, Xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang và Bản Phú Lâm, Xã Phú Gia, huyện Hương Khê.
3. Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025.
4. Nghị quyết số 78/2022/NQ- HĐND ngày 11/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
5. Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025.