Kiến tạo tri thức về lãnh đạo và xây dựng văn hóa tổ chức trong các cơ quan nghiên cứu, đào tạo

(QLNN) – Trong các tổ chức khoa học, về lý thuyết, người lãnh đạo phải là các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực đó, ít nhất là so trong tập thể đó. Bên cạnh đó, lãnh đạo, quản lý là loại hoạt động được thiết kế trên nền bối cảnh, tình huống, nên khoa học về các hoạt động này là khoa học liên ngành và liên tục phải dung nạp các tri thức mới, đối mặt với các vấn đề mới nảy sinh. Chính vì vậy, lãnh đạo, quản lý cần có một tầm nhìn chiến lược về vị trí, đóng góp giá trị về khoa học mà tổ chức có thể đạt được trong tương lai. Vai trò kiến trúc sư trưởng của các nhà lãnh đạo, quản lý cũng cần được áp dụng cho phù hợp với đối tượng áp dụng là các nhà khoa học.

Ảnh: http://nguoilanhdao.vn
Lãnh đạo công và sứ mệnh công thiện

Nỗ lực lãnh đạo công (LĐC) ở mọi cấp độ, trên mọi quốc gia, địa phương đều nhằm tạo ra sự cộng hưởng về tư duy và cộng lực trong hành động để hiện thực hóa công thiện – viễn cảnh về sự tốt đẹp hơn của xã hội trong tương lai, bao hàm cả trách nhiệm thế hệ.

Công thiện được hiểu là tình trạng phát triển, ở đó hội tụ được sự phát triển ở bốn khía cạnh quan trọng tạo nên nền tảng xã hội bền vững của mọi quốc gia hay từng địa phương: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, an ninh sinh thái và tiếp nối văn hóa. Mọi lực lượng trong xã hội đều mong đợi một môi trường sống, làm việc tốt đẹp và bền vững hơn – môi trường công thiện. Tuy nhiên, tạo ra công thiện là thuộc sứ mệnh, trách nhiệm cao nhất của LĐC.

Lãnh đạo doanh nghiệp hay các tổ chức phi chính phủ khác có thể tham gia vào quá trình tạo ra công thiện thông qua chính việc thực hiện tốt các trách nhiệm pháp lý của mình (nghĩa vụ về thuế, môi trường, nghĩa vụ tham gia vào quá trình chính sách công…) và trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội. Do đó, sự tồn tại và nhu cầu của các doanh nghiệp là một lý do làm nên tính chính đáng và sứ mệnh của LĐC.

Như vậy, trách nhiệm “kiến trúc sư trưởng” của LĐC chính là tạo ra khuôn khổ chính sách, pháp luật và giá trị để khích lệ các lực lượng khác trong xã hội thể hiện nhu cầu và cam kết cộng lực thông qua thiết kế và triển khai khuôn khổ pháp luật, chính sách để định hướng, kích thích, trợ giúp và tái phân phối (cơ hội hoặc nguồn lực), bảo chứng, giám sát, trọng tài và điều tiết xung đột.

Điều này đòi hỏi một năng lực nhận thức và thực tiễn nhất định nhằm lựa chọn được các phương thức huy động về “trí” và “lực” dựa trên nền những định hướng và những bài học rút ra từ hiện tại và quá khứ, khả năng phán đoán,… để có thể hành động một cách khôn ngoan hơn, đón được “thời” và tạo ra “thế” cần thiết nhằm đạt được mục tiêu công thiện.

Tri thức để lãnh đạo

Tri thức là sự pha trộn linh hoạt của kinh nghiệm, các giá trị, thông tin gắn với bối cảnh và các tri thức chuyên gia, cung cấp khuôn khổ cho đánh giá, tích hợp những kinh nghiệm và thông tin mới. Tuy nhiên, các nhà LĐC, bên cạnh nguồn tri thức kinh nghiệm, rất cần hệ thống tri thức khoa học và tri thức này được tạo ra một phần từ quá trình nghiên cứu, đào tạo (NCĐT).

Việc ứng dụng tri thức trong LĐC đóng vai trò quan trọng trong cung cấp đầu vào giúp luận chứng, định hướng, điều chỉnh chính sách và hiện thực hóa đường lối, chính sách. Sự ứng dụng này đạt đến hiệu quả hay nghệ thuật, được thể hiện như sau:

Một là, LĐC vượt qua được các tình huống cam go, khủng hoảng, xoay chuyển được tình thế vào những thời điểm bước ngoặt, để tạo ra cái “thế”. Tri thức đóng vai trò quan trọng trong năng lực ra quyết định một cách có bản lĩnh, quyết đoán trên cơ sở những quan sát, trải nghiệm có suy ngẫm và tiếp nhận các luồng tham vấn kết hợp được độc lập tư duy với tư duy tập thể.

Hai là, LĐC tạo nên tính tự giác và tự chịu trách nhiệm, cảm hứng, nhiệt huyết, đam mê ở người khác, để tạo ra “niềm tin”. Tri thức đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo như là một cơ sở quan trọng để truyền cảm hứng giúp người khác hành động với một niềm tin về tương lai tốt đẹp hơn. Vận dụng tri thức, người lãnh đạo đồng hành, khơi gợi, đặt câu hỏi để giúp người khác tự tìm thấy lý do, ý nghĩa, giá trị các nỗ lực của bản thân, của việc chấp nhận các thách thức hay của việc tìm cách vượt qua bản thân và bối cảnh.

Ba là, LĐC được thừa nhận, làm người khác không chỉ thấy mà còn hành động ủng hộ và “theo”. Do đó, tri thức nói chung và về lãnh đạo nói riêng giúp chúng ta nhận ra rằng, một nhóm người ủng hộ có thể đơn thuần vì lợi ích cá nhân của họ, vì các lợi ích hữu hình, ngay lập tức, nhưng họ cũng đủ thông thái để nhận ra đúng – sai, phải – trái.

Bốn là, LĐC thành công là khi người ta thậm chí không biết là lãnh đạo ở đó, đã lẫn vào trong sự hài hòa chung. Tri thức giúp quá trình lãnh đạo phải tạo ra được sự chia sẻ, chuyển hóa, chia sẻ nhuần nhuyễn giữa trách nhiệm, công trạng, cơ hội hay sự gánh vác của các bên, chứ không chỉ là một phía lãnh đạo.

Cách thức học tập và kiến tạo tri thức phản ánh năng lực lãnh đạo

LĐC, với các đặc trưng và giá trị then chốt độc đáo nhằm tạo ra công thiện, cũng cần một hệ thống các nỗ lực đặc thù để kiến tạo tri thức, như: xây dựng nền kinh tế tri thức và xây dựng xã hội học tập; đổi mới chính sách khoa học và công nghệ, chính sách đổi mới và hệ thống đổi mới quốc gia; đổi mới quá trình chính sách công (hình thành các nhóm think-tank cho quá trình chính sách của ngành, của địa phương nhằm nâng cao chất lượng tham mưu lãnh đạo); cải thiện chất lượng giáo dục – đào tạo (trong đó có đào tạo, bồi dưỡng, quản lý LĐQL); nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ lãnh đạo có tinh thần học hỏi, năng lực nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; thiết kế, xây dựng và thay đổi văn hóa tổ chức (VHTC) thành các tổ chức có tính học hỏi; đầu tư phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.

Ảnh: http://nguoilanhdao.vn
Xây dựng và thay đổi văn hoá tổ chức trong các cơ quan nghiên cứu và đào tạo lãnh đạo, quản lý 

Lãnh đạo là một hành trình học hỏi liên tục, mỗi nhà lãnh đạo đồng thời là một nhà khoa học và tri thức về LĐQL được hình thành từ mọi cấp độ, khía cạnh, bối cảnh của cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn từ giác độ chính sách thì việc ưu tiên nghiên cứu chuyên sâu hơn về vai trò, đặc thù của các cơ quan NCĐT về LĐQL vẫn là cần thiết và luôn được ưu tiên.

Như vậy, sản phẩm khoa học mà các cơ quan này tạo ra, dù là sản phẩm đầu ra, vẫn chỉ mang tính tương đối. Nó chỉ là sản phẩm tốt khi được dùng làm đầu vào cho quá trình LĐQL trên thực tiễn.

Để xây dựng VHTC có tính tích cực, hỗ trợ tốt cho thực thi, cần có các nỗ lực mang tính hệ thống, bao gồm: xác định tầm nhìn của tổ chức và tầm nhìn về VHTC; xác định phương châm, khẩu hiệu, logo hành động; đánh giá tình trạng hiện thời của lối sống của tổ chức; nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và thay đổi VHTC; xây dựng và điều chỉnh hệ thống quy trình, thủ tục thực thi; xây dựng và điều chỉnh hệ thống thông tin, giao tiếp; bảo đảm điều kiện vật chất cho thực thi; xây dựng hình mẫu; không ngừng cải thiện năng lực và tâm huyết của người LĐQL và tính tự giác của nhân viên.

Ngoài năng lực và các phẩm chất cá nhân của người lao động khoa học chân chính chỉ có thể khả thi trong một môi trường thuận lợi cho việc nuôi dưỡng đặc tính của khoa học – tính sáng tạo. Đó chính là thách thức xây dựng và thay đổi VHTC ở các cơ quan NCĐT về lãnh đạo, LĐC nói riêng và mọi tổ chức, thiết chế thực hành LĐC nói chung trong việc thực hành trong chính tổ chức của mình – một văn hóa có tính học hỏi, kiến tạo tri thức.

Quá trình xây dựng và thay đổi VHTC ở các cơ quan, đơn vị NCĐT về LĐQL cần tính đến một số yếu tố là đặc thù của sản phẩm khoa học; hoạt động khoa học; hoạt động LĐQL; đối tượng tham gia, thụ hưởng hay bị ảnh hưởng của hoạt động nghiên cứu và đào tạo về LĐC.

Nỗ lực xây dựng và thay đổi VHTC trong các cơ quan NCĐT về LĐC là để hình thành hệ thống vận hành khuyến khích tư duy và hành động sáng tạo, kiến tạo tri thức, cần chú ý một số điểm sau:

Thứ nhất, xây dựng môi trường làm việc có tính nuôi dưỡng, khích lệ sáng tạo. Trong đó, các cơ quan NCĐT cần tạo điều kiện để người làm khoa học không chỉ quan sát, đọc, mà còn tiếp xúc với các nhà hoạt động thực tiễn (không phải đơn giản chỉ qua nghe báo cáo).

Lấy tính sáng tạo làm tiêu chí chính: sự sáng tạo vốn là một đặc tính của khoa học, đối với khoa học về LĐQL, nhất là quản lý công, điều này còn quan trọng hơn vì phạm vi tác động của nó là toàn bộ các quá trình xã hội và hướng tới công thiện.

Do đó, để theo đuổi tính mới, giá trị sáng tạo của khoa học, cần lấy chính tính sáng tạo làm tiêu chí để đánh giá nỗ lực và thành tích khoa học. Sự đóng góp giá trị của khoa học được quy định thành nhiều nấc khác nhau, từ hệ thống hóa lại tri thức hiện có, đến gợi mở cái mới và đề xuất cái mới. Cần khuyến khích tìm kiếm cái mới ngay từ việc tìm kiếm, nhận diện vấn đề nghiên cứu, chẩn đoán vấn đề chứ không chỉ ở tìm kiếm các giải pháp.

Khích lệ đa dạng và chủ kiến: cần thực hành dân chủ trong khoa học thông qua: có mục tiêu rõ ràng; thể hiện rõ trông đợi; cung cấp thông tin một cách tốt nhất; cởi mở, tạo cảm giác tin cậy để nhà khoa học bày tỏ chính kiến, thông tin đa chiều.

– Tiếng nói của số đông: khoa học là những kết luận về quy luật tất yếu đã được khảo nghiệm và kiểm chứng1. Khoa học thực sự chỉ hình thành trên nền quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, chuyên nghiệp, luôn bị thôi thúc bởi nhu cầu tìm hiểu, khám phá và dẫn dắt thế giới. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa “sự khôn ngoan theo thỏa thuận” gắn liền với đồng thuận trong khi khoa học đúng ra không phải là sự đồng thuận và sự đồng thuận cũng không phải là khoa học. Trong khoa học, cái tốt là sự thật và chỉ có sự thật2.

Nói cách khác, tính mới trong khoa học đôi khi thách thức tính đại trà. Chính vì vậy, trong gây dựng, dẫn dắt đời sống làm việc của các tổ chức khoa học, cần có tiêu chí để sử dụng tiếng nói của số đông trong tranh luận.

Bản lĩnh và khả năng tự làm mới mình: bản thân khoa học, dù khái quát được thành chân lý, các quy luật… cũng chỉ có tính tương đối.

Một là, nó gắn với tính thời điểm, khi mà tư duy khoa học, thực tiễn… ở thời điểm, thậm chí thời đại đó là ở một mức độ nhất định.

Hai là, các luận điểm khoa học có thể là xác đáng nhưng vẫn chưa thể tính hết được các yếu tố ngẫu nhiên, cho nên các quy luật, nhận định được đưa ra vẫn có tính tương đối do những hạn chế nhất định trong dự báo.

Chính vì vậy, bản thân các nhà khoa học và các tổ chức NCĐT phải có khả năng tự phản biện. Điều này đỏi hỏi các nhà nghiên cứu có sự đam mê (phẩm chất hàng đầu, bên cạnh nghiêm túc và trung thực) và óc chiến lược (để chọn được một số hướng nghiên cứu then chốt, chuyên sâu, lâu dài trong khi có khả năng mở rộng theo yêu cầu của tổ chức). Bên cạnh bản lĩnh, sự mạnh dạn đi theo cái mới, độc lập trong tư duy thì người nghiên cứu còn cần cả bản lĩnh để vượt qua bản thân, qua các kết quả, giá trị chính mình đã từng xác lập.

Tổ chức như một “con tàu”: cần xem cơ quan NCĐT như một con tàu chở ý tưởng, vừa hành trình trên nền tri thức vừa tiếp tục tạo ra tri thức. Mỗi cơ quan NCĐT có tính độc lập tương đối, có liên thông với các khoang tàu khác và hoạt động trên một đường ray, bám sát “đường ray” chính sách, nếp tư duy, hành động của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương… để tạo ra giá trị.

Tuy nhiên, nếu có được một hệ thống triết lý, giá trị tốt và tự vận hành tốt thì lực đẩy của đường ray sẽ hỗ trợ tốt cho sức hút của sự tự điều chỉnh. Bên cạnh đó, sự trân trọng, thừa nhận, dung nạp ý tưởng của các cá nhân, tổ chức khác có thể được ví như khách vào – ra ở mỗi bến đỗ, giúp mở rộng ý nghĩa và nguồn lực cho cơ quan NCĐT.

Thứ hai, xây dựng một môi trường làm việc có tính trung thực, nghiêm túc và đáng tin cậy.

Thay đổi cách nghĩ để chống gian lận: tính trung thực giúp bảo đảm tính đáng tin cậy của sản phẩm khoa học và thể hiện sự ghi nhận và tôn trọng đối với đóng góp của người đi trước cũng như đối với sở hữu trí tuệ. Tính trung thực cần được rèn luyện và tuân thủ nghiêm túc trong hoạt động khoa học nhờ vào việc tuân thủ các kỷ luật nghiên cứu và lòng tự trọng của người nghiên cứu.

Một trong những cách mà nhiều tổ chức khoa học – công nghệ trên thế giới đang áp dụng là trách nhiệm nộp bản mềm cho các đơn vị có thẩm quyền để họ dùng các phần mềm chuyên dụng kiểm tra mức độ sao chép, chuyển nghĩa so với các công bố trước đó. Cùng cần hình thành một quan niệm là bản thân sự trích dẫn cũng là một lao động có tính khoa học và sáng tạo.

Theo đó, các nhà khoa học có tính mục đích rõ ràng khi cân nhắc, sàng lọc trong nhiều quan điểm để chọn ra một số quan điểm nào đó. Vượt qua được định kiến rằng “trích dẫn nhiều là cóp nhặt” thì sẽ hạn chế được một số hình thức gian lận khoa học.

Tổ chức lao động một cách khoa học: muốn các nhà khoa học thực hành nghiên cứu một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp, cần tổ chức công việc của họ gắn với đặc thù nghiên cứu và đào tạo, nhất là về LĐQL. Mỗi cơ hội tương tác tập thể cũng cần được thiết kế để bản thân các sự kiện đó giúp kiến tạo tri thức.

Bản thân các nhà khoa học cần ứng xử với nhau một cách chân thành, có bản lĩnh. Trong đối thoại, cần chú ý xem nhau như đồng đội; cân bằng đối thoại và thảo luận; suy ngẫm tìm hiểu thông tin3.

Thứ ba, xây dựng một môi trường làm việc có tính công bằng. Tri thức được tạo ra trong bối cảnh, tương tác và có tính mở. Vì vậy, cần tạo ra sự công bằng trong kiến tạo tri thức để tạo cơ hội cho nhà khoa học được thực hành nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu.

Cần thiết kế được nhiều bối cảnh, diễn đàn (như bản tin, tạp chí, workshop, tổ chức sự kiện nhằm thúc đẩy tương tác và đối thoại nội bộ và với bên ngoài. Cũng cần áp dụng một số cơ chế quản lý phi tập trung để bảo đảm công bằng trong cơ hội nghiên cứu. Đấu thầu trực tiếp cũng là một cơ chế hiệu quả nếu nó bảo đảm tính trung thực trong quá trình lựa chọn. Ngoài ra, việc hình thành các câu lạc bộ nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu theo chủ đề được hỗ trợ ban đầu về tài chính và tổ chức cũng có thể là một lựa chọn để mở rộng cơ hội cho trải nghiệm và sáng tạo.

Thứ tư, xây dựng một môi trường thực thi có tính chiến lược. Đó là sự nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân trong quản lý hoạt động khoa học.

Cụ thể là: hình thành triết lý cho quá trình hoạt động khoa học, tư duy lại về vai trò của người đào tạo và người nghiên cứu; xem sản phẩm khoa học trong quan hệ “cung – cầu” dưới sự thúc ép của các nhu cầu xã hội, đồng thời, áp dụng cơ chế khoán trong nghiên cứu theo những cách linh hoạt; xác định sản phẩm và thị trường chủ đạo; không bỏ qua các thị trường tiềm năng và nhiều cơ hội phát triển mới; cởi mở trước các khả năng mới, hoan nghênh các ý tưởng; nuôi dưỡng và hình thành các nhóm tinh hoa.

Thứ năm, người LĐQL làm gương và làm mẫu. Để xây dựng và thay đổi VHTC của cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học về LĐQL, người LĐQL cần làm gương trong hoạt động khoa học cũng như trong chính thực tiễn thảo luận và đối thoại trong LĐQL.

Chú thích:
1. Vũ Cao Đàm. Giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. H. NXB Giáo dục, 2009, tr.13.
2. Kolodko, Grzegorz W. Thế giới đi về đâu? Bản dịch của Nguyễn Thị Thanh Thư và cộng sự. H. NXB Thế giới, 2010, tr.10.
3. Senge, Peter. Nguyên lý thứ năm: Nghệ thuật và thực hành tổ chức học tập. NXB Thời đại – DT Books, bản dịch tiếng Việt, TP. Hồ Chí Minh, 2010.
PGS.TS. Trần Thị Thanh Thủy
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh