Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững khi tham gia AEC

(QLNN) – Việc xây dựng một ASEAN thống nhất còn giúp các nhà đầu tư lớn nhìn ASEAN như một sân chơi chung, ở đó có khối nguồn lực thống nhất, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng với giá còn tương đối rẻ. Mặt khác, ACE giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh từ thủ tục hải quan, thủ tục hành chính, cũng như giúp cho quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh hơn.

 

Ảnh: https://www.msn.com
Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập AEC

Về cơ hội

Trong giai đoạn 2002 – 2013, nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang ASEAN đạt 28,4%/năm và nhập khẩu đạt 27%/năm. AEC được thành lập cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực được cắt giảm dần về 0%.

Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể chỉ bó hẹp tầm nhìn trong tỉnh, thành phố hay trong phạm vi quốc gia mà cần phải mở rộng hơn tới toàn cầu. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thị trường rộng lớn hơn, có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành hàng xuất khẩu, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh.

Ảnh: https://www.msn.com

Về thách thức

Do chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và ASEAN nên nhìn chung sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn khi phần đông các doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, nguyên vật liệu, phụ tùng chủ yếu nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp sẽ phải dỡ bỏ tới khoảng 97% hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nội khối, tức là khoảng 97% hàng hóa ASEAN qua biên giới các nước có mức thuế nhập khẩu bằng 0%. Bên cạnh đó, thuế quan của nhiều mặt hàng được cắt giảm nhưng rào cản thương mại có thể bị siết chặt hơn, sau các hiệp định thương mại lại phát sinh các rào cản thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại.

Những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy mô có thể bị giảm đi do năng suất lao động thấp. Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất so với các nước thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Ngoài ra, với việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên AEC sẽ dần bị xóa bỏ, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa từ các nước khác, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ các nước đối tác mà Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN ký kết Hiệp định Thương mại thực hiện cam kết giảm thuế suất đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Trong khi còn rất nhiều thách thức kể trên, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến như:

– Chưa tận dụng được lợi ích của internet để tối ưu hóa lợi ích doanh nghiệp: năm 2011, có xấp xỉ 5% doanh nghiệp Việt Nam biết sử dụng Internet Marketing hay chi phí quảng cáo trên internet (chiếm khoảng 0,5% tổng ngân sách quảng cáo)… Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến Internet Marketing dù phương thức này giúp tiết kiệm đến 90% chi phí marketing.

– Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu và tỷ lệ nội địa hóa linh kiện của Việt Nam mới chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực.

– Quản trị doanh nghiệp chưa đạt được sự chuyên nghiệp, còn yếu kém trong nhiều mảng. Về quản lý tăng trưởng: xây dựng mục tiêu dựa trên dự báo lạc quan, thành lập quá nhiều công ty con, chú trọng kinh doanh đa ngành thay vì hiệu quả, đòi hỏi nguồn lực quá lớn so với năng lực huy động vốn.

– Các doanh nghiệp trong nước thiếu sự liên kết, hợp tác với nhau dẫn đến chưa tạo được sức cạnh tranh và bảo vệ thị trường trong nước.

Những thể chế, chính sách đã được thực hiện

Trước những khó khăn và thách thức đó, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều thể chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước vững vàng hơn trong tiến trình hội nhập khu vực.

Theo cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam sẽ cắt giảm thuế về 0% cho tất cả các mặt hàng trao đổi trong ASEAN (ngoại trừ các mặt hàng trong danh mục loại trừ chung) với lộ trình cho hầu hết các dòng thuế là trong năm 2015 và 7% dòng thuế còn lại cho tới năm 2018. Và, hải quan điện tử là một nội dung quan trọng đang được thực hiện nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên.

Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, như rút ngắn thời gian thông quan và giảm các yêu cầu về các giấy tờ kê khai. Việt Nam cũng đang xây dựng chương trình “Một cửa quốc gia” (Vietnam’s National Single Window – VNSW) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại.

Đồng thời, Việt Nam cũng nỗ lực đơn giản hóa hệ thống các giấy phép, giấy chứng nhận, bao gồm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin – C/O), giấy chứng nhận vệ sinh kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thể hiện qua hệ thống eCoSys (hệ thống xin cấp C/O qua mạng) cũng như việc cấp phép nhập khẩu tự động. Nhằm hướng tới tự do hóa dịch vụ, Việt Nam cũng đã tiến hành sửa đổi một số luật liên quan, như: Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp và ban hành nhiều nghị định, văn bản hướng dẫn các luật này.

Mặt khác cũng đã chú trọng sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện các cam kết trong từng ngành cụ thể, điển hình là trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với các cam kết trong hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) cũng như Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS).

Đối với các ngành ưu tiên, gồm: y tế, du lịch, logistics, e-ASEAN và hàng không. Việt Nam cũng đã tuân thủ nghiêm túc các cam kết và tích cực tham gia vào các hiệp định liên quan. Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có Luật cạnh tranh khá toàn diện áp dụng cho cả nền kinh tế và có các cơ quan giám sát thực hiện luật này cùng với In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po và Thái Lan…

Một số giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển ở quốc gia khác thì việc thích nghi được với từng địa phương của nước sở tại là rất quan trọng, do đó nên hiểu được phong tục tập quán, nền văn hóa của ít nhất một trong 9 nước ASEAN còn lại, học tập ngôn ngữ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ASEAN.

Thứ hai, cần mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc. Biện pháp này sẽ góp phần giảm bớt những tác động của chuyển dịch cơ cấu và hỗ trợ người lao động chuyển sang làm việc ở các ngành với năng suất cao hơn.

Thứ ba, chú trọng nâng cao trình độ nguồn nhân lực luôn là yêu cầu quan trọng để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài có trình độ phát triển cao hơn.

Thứ tư, các hệ thống thương lượng tập thể mới cũng đang là một yêu cầu bức thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn. Điều này góp phần bảo đảm rằng, tăng năng suất lao động đi kèm tiền lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời đảm bảo một thị trường nội địa vững mạnh.

Thứ năm, cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhận kỹ năng của họ, đặc biệt là ở những ngành nghề mà trong đó các lao động với kỹ năng thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao, như lĩnh vực xây dựng./.

Tài liệu tham khảo:
1. Hà Văn Hội. Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và những tác động đến thương mại quốc tế của Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Nguyễn Đức Thành. Việt Nam và AEC 2015. http://www.thesaigontimes.vn
3. Nguyễn Quốc Trường, Nguyễn Thế Cường. Cộng đồng kinh tế ASEAN – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. https://www. linkedin.com, ngày 07/11/2015.
ThS. Nguyễn Anh Minh
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội