(QLNN) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem đến những thay đổi sâu sắc và nhanh chóng đối với cả nhân loại; nó tác động trực tiếp đến quan niệm, lối sống và tư duy của con người; đồng thời, chi phối các mối quan hệ kinh tế, chính trị – xã hội của mỗi quốc gia. Cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội, trong đó đặc biệt không thể thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao, mà nguồn nhân lực lại là đối tượng trực tiếp của giáo dục – đào tạo.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra cho giáo dục Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hình thành dựa trên nền tảng của cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ đang thúc đẩy những chuyển đổi mô hình chưa từng có trên khía cạnh kinh tế, kinh doanh, xã hội và cá nhân. Nó không chỉ làm thay đổi điều chúng ta đang làm, cách làm của chúng ta, mà còn cả việc chúng ta là ai.
CMCN 4.0 với những đột phá về công nghệ bao trùm nhiều lĩnh vực rộng lớn, như: trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ nano, công nghệ sinh học, Big Data…, đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ. Song đối tượng thụ hưởng lớn nhất từ thành quả của CMCN 4.0 là các nhà sáng lập, các nhà đầu tư và các cổ đông. Một bộ phận người sử dụng các sản phẩm của CMCN 4.0 cũng được hưởng lợi do tính tiện ích, đầy đủ từ thành tựu của nền công nghệ kỹ thuật số.
Cuộc CMCN 4.0 là sự tổng hòa của các thành tựu công nghệ trước đó với những bước nhảy vọt. Chính vì vậy, nó đặt ra nhiều thách thức và tạo ra thêm nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy và kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, tính thích ứng với thách thức và yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.
Cuộc CMCN 4.0 với những đặc trưng cốt lõi liên quan đến trí tuệ nhân tạo, sự chia sẻ dữ liệu và quá trình tự động hóa có tác động mạnh mẽ đến giáo dục, làm thay đổi căn bản tư duy giáo dục. Phương pháp giảng dạy truyền thống cùng với chương trình, sách giáo khoa sẽ phải thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới. Sử dụng công nghệ sẽ xuyên suốt cả quá trình dạy và học. Hình thức đào tạo, giáo dục trực tuyến trở nên phổ biến hơn, từng bước thay thế việc lên lớp thường nhật của giáo viên.
Người học hoàn toàn làm chủ quá trình tiếp nhận tri thức thay vì chịu sự áp đặt từ phía người dạy. Bên cạnh đó, nhiều kiến thức cơ bản, nền tảng được mã hóa hoặc số hóa để giản tiện và dễ tiếp nhận nhất. Các kỹ năng cơ bản phục vụ cho công việc và sinh hoạt trở thành trọng tâm của quá trình giáo dục. CMCN 4.0 làm mờ ranh giới giữa các quốc gia, do đó, trình độ và năng lực ngoại ngữ trở thành yêu cầu cốt lõi cho người dạy và người học.
Mặc dù Việt Nam đang có lợi ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng, nhưng trình độ nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và xu thế phát triển. Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi sâu sắc đến bản sắc cá nhân, hay nói như Klaus Schwab: CMCN 4.0 “… tác động đến những khía cạnh liên quan – ý thức về sự riêng tư, khái niệm về sở hữu, tập quán tiêu dùng, cách chúng ta dành thời gian cho công việc và giải trí, cách phát triển sự nghiệp và trau dồi kỹ năng. Nó cũng tác động đến cách chúng ta tạo dựng và phát triển các mối quan hệ, các cấu trúc thứ bậc là nền tảng cuộc sống của chúng ta…”1.
Để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định nền kinh tế tri thức gắn liền với cuộc CMCN 4.0, vai trò của Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách vĩ mô là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chính sách giáo dục không thể phát triển trong sự cô lập. Các chính sách này phải nhất quán và gắn bó giữa tiểu học, trung học và đại học, là kết quả của hệ thống học tập suốt đời thực sự. Chính phủ phải có các chính sách nhất quán ở các lĩnh vực khác, như việc làm, khoa học – công nghệ, thông tin và tuyên truyền. Các chính sách này phải được cam kết thực hiện trong cả xã hội và các cộng đồng địa phương.
Hiện nay, có khá nhiều vấn đề đặt ra đối với giáo dục Việt Nam đòi hỏi cần có sự thay đổi nếu muốn bắt kịp xu thế của CMCN 4.0, đó là:
– Về hệ thống giáo dục quốc dân: Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10 /2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Có thể thấy, tại bậc giáo dục phổ thông, thời lượng 12 năm là quá dài. Cùng với đó, sự chuyển tiếp giữa bậc giáo dục phổ thông sang giáo dục nghề nghiệp còn chậm (sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông). Sự phân luồng đối với giáo dục nghề nghiệp chậm, không tương thích với sự phát triển của công nghệ và cơ hội tiếp cận, chia sẻ thông tin của học sinh.
– Về chương trình và đội ngũ giảng dạy trong giáo dục: đã có khá nhiều ý kiến đề xuất giảm tải chương trình giáo dục hiện hành từ bậc giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học, với lý do: còn nặng tính hàn lâm, kinh viện, chương trình quá tải, chưa thực sự phù hợp với bối cảnh thực tế. Trong khi yêu cầu của bối cảnh hiện nay là tăng cường các kỹ năng để bảo đảm sự thích ứng, sự chuyển đổi. Cuộc CMCN 4.0 thể hiện sự giao thoa về tri thức giữa các lĩnh vực khác nhau. Do đó, đội ngũ viên chức làm công tác giảng dạy phải có vốn tri thức và kỹ năng tích hợp. Bản thân họ phải “hội nhập” trước khi dạy cho học sinh hội nhập. Đây là một thách thức lớn đòi hỏi phải có sự quyết tâm của Nhà nước khi xây dựng những sách lược ở tầm vĩ mô trong lĩnh vực giáo dục hiện nay.
Một số đề xuất khi xây dựng chính sách giáo dục ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ nhất, giáo dục và đào tạo tham gia vào quá trình phát triển trên nhiều lĩnh vực, là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, do vậy, để giáo dục Việt Nam có thể hòa vào dòng chảy của xu thế phát triển trên thế giới, các chính sách giáo dục cần phải thay đổi một cách bản chất. Quá trình hoạch định chính sách giáo dục không tách rời khỏi các chính sách về chính trị, văn hóa, kinh tế.
Thứ hai, khi xây dựng các chính sách giáo dục, cần quan tâm đến các chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế có uy tín dựa trên sự đánh giá tổng thể các lĩnh vực. Cụ thể:
(1) Cần quan tâm đến chỉ số phát triển con người (HDI): là chỉ số tổng hợp từ nhiều biến số như mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. Để duy trì tiến trình tăng chỉ số HDI, cần đầu tư nhiều hơn nữa vào con người. Nếu không đầu tư vào con người thì những lợi ích thu được từ thị trường quốc tế hoặc từ đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ rất hạn chế.
Do vậy, đầu tư vào tiềm năng con người giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh và được hưởng lợi đầy đủ khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, đánh giá của tiêu chí này dựa trên tỷ lệ nhập học thô, tức là tỷ lệ người biết chữ (biết đọc và biết viết). Đây là chỉ số Việt Nam có những bước cải thiện đáng kể về điểm bình quân hằng năm, góp phần cải thiện kết quả đánh giá về chỉ số HDI ở nước ta. Các chính sách giáo dục cần bám sát các tiêu chí đánh giá liên quan để có định hướng và giải pháp hiệu quả nhất.
(2) Chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI): là nhằm đo lường khuynh hướng của các thể chế, chính sách, những nhân tố tạo thành trạng thái hiện thời và những mức giới hạn về trạng thái thịnh vượng kinh tế được tính từ 12 chỉ số thành phần (mà WEF gọi là trụ cột – pillars). Các chỉ số này được phân vào các nhóm:
– Nhóm chỉ tiêu thúc đẩy hiệu suất nền kinh tế, bao gồm các yếu tố về giáo dục và đào tạo đại học, hiệu quả của thị trường hàng hóa, thị trường lao động, mức độ phát triển thị trường tài chính, mức độ hấp thu công nghệ và quy mô thị trường.
– Nhóm chỉ tiêu các yếu tố cơ bản, bao gồm các yếu tố về thể chế/tổ chức, kết cấu hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô và y tế, giáo dục cơ bản.
– Nhóm các yếu tố đổi mới sáng tạo.
Từ các chỉ số được phân thành các nhóm trên cho thấy, nội hàm các chính sách giáo dục tại Việt Nam cần bao gồm các định hướng theo tiêu chí của GCI để bảo đảm sự đồng bộ trong quá trình phát triển quốc gia.
(3) Chương trình đánh giá học sinh quốc tế – PISA: là cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm một lần để đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế bắt đầu hoạt động từ năm 1997 và năm 2000 thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên.
Một trong các mục tiêu của PISA là đánh giá về hiệu quả của hệ thống giáo dục (chủ yếu là đánh giá năng lực của học sinh trong các lĩnh vực (đọc hiểu, toán học và khoa học) với đối tượng là học sinh ở độ tuổi 15, tuổi sắp kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc ở hầu hết các nước thành viên OECD. Đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng đọc để hiểu nhiều tài liệu khác nhau mà họ có khả năng sẽ gặp trong cuộc sống hằng ngày; khả năng vận dụng kiến thức toán học vào các tình huống liên quan đến toán học; khả năng vận dụng kiến thức khoa học để hiểu và giải quyết các tình huống khoa học, các tình huống này đã được tích lũy ở trường học hoặc trong đời sống.
Các năng lực cụ thể được đánh giá bao gồm: năng lực đọc hiểu, năng lực toán học, năng lực khoa học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tài chính. Đây được coi là mục tiêu cơ bản đối với Việt Nam khi xây dựng các chính sách giáo dục cho phù hợp với điều kiện của đất nước.
Thứ ba, các chỉ số đánh giá trên là một trong số những căn cứ quan trọng để xây dựng bộ tiêu chí cho giáo dục. Theo đó, chương trình và đội ngũ làm công tác giảng dạy phải bảo đảm sự cân đối, phù hợp giữa kiến thức và kỹ năng. Kết nối giữa giáo dục và đào tạo với thực tiễn cuộc sống. Đó là cách giúp giáo dục vững vàng trong thực hiện 4 trụ cột căn bản mà UNESCO đã đề ra: học để biết, học để làm, học để chung sống và để phát triển bản thân.