Tiếp cận xây dựng chính sách: Phát triển doanh nghiệp để tăng trưởng kinh tế

(QLNN) – Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ổn định và bền vững là mục đích cơ bản của nhiều quốc gia. Đã có nhiều nghiên cứu, luận giải nhiều cách đi cũng như phương thức thực hiện, thể hiện qua những nội dung chính sách khác nhau. Tuy nhiên ở mỗi quốc gia, việc lựa chọn áp dụng chính sách cũng như phương thức thực hiện đều có những mức độ khác nhau và đem lại những kết quả cũng không giống nhau.

 

Phiên thảo luận của Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Từ lý thuyết kinh tế cũng như thực chứng qua nhiều thời kỳ ở nhiều quốc gia, cho thấy bằng chứng rõ ràng về một trong những con đường quan trọng tất yếu của nền kinh tế thị trường là muốn tăng trưởng kinh tế, thì phải phát triển doanh nghiệp. Từ đó, cho thấy cần làm rõ và khẳng định về cách tiếp cận xây dựng chính sách nhằm vào phát triển, tăng trường chính là xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo thị trường. Đây là mối quan hệ tự nhiên, gắn bó và biện chứng với nhau.

Theo cách cách tiếp cận này, chính sách khi được thiết kế, xây dựng phải thỏa mãn, đáp ững được những nguyên tắc cơ bản như phải xuất phát từ thị trường và tôn trọng thị trường, phải có tính ổn định lâu dài mang tính chiến lược, linh hoạt và mềm dẻo theo sự thay đổi của thị trường, chính sách phải có mục đích và được quản lý theo kết quả… Từ những vấn đề nêu trên, bài nghiên cứu tập trung luận giải về mối quan hệ giữa phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, từ đó đặt ra hàm ý về cách tiếp cận xây dựng chính sách nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế, chính là cần xây dựng chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, thể hiện qua những nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ.

Mối quan hệ giữa phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế

Mỗi một quốc gia muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần dựa vào các yếu tố quy mô lao động (bao nhiêu người được sử dụng) và năng suất lao động, đầu tư, công nghệ, vốn. Những nghiên cứu thực nghiệm cũng ủng hộ mạnh mẽ luận điểm trên, đặc biệt là những nghiên cứu gần đây về tăng trưởng kinh tế tại các nước thuộc nhóm OECD đã hệ thống hoá 5 nhân tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế bao gồm: doanh nghiệp (enterprise), đầu tư (investment), kỹ năng (skills), cải tiến công nghệ (innovation) và cạnh tranh (competition). Hình 1 sơ đồ hoá mối quan hệ giữa các yếu tố này. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, mối quan hệ giữa phát triển doanh nghiệp với tăng trưởng kinh tế sẽ được tập trung phân tích và làm rõ hơn trong phần dưới đây:

Hình 1. Tăng trưởng kinh tế và 5 yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế

TFP = Total factor productivity (how efficiently labour and capital are combined using technology, organisation, etc) – Năng suất tổng hợp

Như được chỉ ra trong hình 1, doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng và là bộ phận căn bản dẫn đến tăng trưởng kinh tế thông qua thước đo sản lượng đầu ra là tổng sản phẩm trong nước. Năng suất lao động tổng hợp của nền kinh tế (TFP) được tạo ra nhờ vai trò doanh nghiệp như một chủ thể chính yếu nắm bắt các cơ hội kinh doanh kết hợp với cải tiến công nghệ và kỹ năng quản lý để tạo ra sự phát triển cho chính doanh nghiệp và cuối cùng là nền kinh tế.

Đã có khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm về vai trò của phát triển doanh nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế và phần lớn đều cho rằng đây là mối quan hệ cộng hưởng tuyến tính. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ở các nước có thu nhập cao, sự thịnh vượng của nền kinh tế gắn liền với tốc độ phát triển của doanh nghiệp. Về cơ bản, phát triển doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các cách khác nhau:

Một là, phát triển doanh nghiệp trực tiếp góp phần gia tăng năng suất lao động của nền kinh tế thông qua hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó quyết định tăng trưởng tổng sản phẩn quốc nội. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:

– Hoạt động của doanh nghiệp góp phần xây dựng xây quan hệ sản xuất phù hợp và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Khu vực doanh nghiệp phát triển làm cho các quan hệ sở hữu của nền kinh tế trở nên đa dạng hơn. Sự biến đổi của quan hệ sản xuất đã kéo theo sự biến đổi của quan hệ quản lý và phân phối làm cho quan hệ sản xuất trở nên linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vốn còn thấp và phát triển không đều giữa các vùng, các ngành trong nền kinh tế. Nhờ vậy đã khơi dậy và phát huy tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc vào quá trình gia tăng sản lượng hàng năm trong nền kinh tế.

– Phát triển doanh nghiệp là quá trình diễn ra không ngừng trong đó các doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động tốt sẽ thay thế các doanh nghiệp kém hiệu quả trên thị trường. Trên thực tế, đó chính là việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới sẽ tạo áp lực phá sản đối với các doanh nghiệp yếu kém. Từ đó, năng suất lao động của nền kinh tế sẽ không ngừng được gia tăng. Lập luận này được kiểm định rất rõ trong nghiên cứu của chính phủ Anh về tầm quan trọng của doanh nghiệp mới như một động lực tăng trưởng kinh tế. Với kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1999-2002, 559.000 việc làm được tạo ra trong đó 25% được tạo ra bởi các doanh nghiệp mới.

Dưới góc độ năng suất lao động, trong những năm gần đây doanh nghiệp mới có hiệu quả hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp thành lập lâu năm, và trên thực tế đóng góp vào tăng trưởng GDP cao hơn. Nghiên cứu của chính phủ Anh cũng cho thấy khoảng 80% mức tăng năng suất lao động tổng hợp là do quá trình phát triển doanh nghiệp tạo ra trong đó 30% do các doanh nghiệp mới có hiệu quả hoạt động cao nhất và 50% do các doanh nghiệp đã tồn tại với hiệu quả hoạt động kém hơn. Hình 2 cho thấy mối tương quan tích cực giữa phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế thông qua chỉ tiêu năng suất lao động của các vùng thuộc nước Anh.

Hình 2 . Năng suất lao động (GDP/giờ) và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, 2005

Nguồn: Small and Medium Enterprise Statistics for the UK and Regions (Department for Business, Enterprise and Regulatory Reform)

Nghiên cứu thực nghiệp ở một số nước châu Âu về mối quan hệ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế cũng cho thấy mối quan hệ cùng chiều như trong hình 3. Mối quan hệ này khá chặt chẽ tại các nước như Anh, nhưng không hoàn toàn đúng cho tất cả các nước thuộc khu vực châu Âu. Điều này do khác biệt về môi trường kinh doanh cũng như các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Hình 3. Năng suất lao động (GDP/giờ) và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại các nước châu Âu, 2005

 

Nguồn: Small and Medium Enterprise Statistics for the UK and Regions (Department for Business, Enterprise and Regulatory Reform)

Tựu trung lại, đối với tất cả các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động trong nền kinh tế, với các cơ chế quản lý khác nhau thì có các nhiệm vụ mục tiêu hoạt động khác nhau. Ngay trong mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp cũng có các mục tiêu khác nhau. Nhưng có thể nói rằng trong nền kinh tế thị trường, mọi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh (DNNN, DN tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn…) đều có mục tiêu bao trùm lâu dài là tối đa hoá lợi nhuận thông qua hiệu quả hoạt động kinh doanh. Đó là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực (lao động, máy móc, thiết bị, tiền vốn và các yếu tố khác) nhằm đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đã đề ra. Điều này trực tiếp tạo của cải vật chất cho nền kinh tế thông qua thước đo tổng sản phẩm quốc nội như các lý thuyết tăng trưởng kinh tế đã nêu ra.

Hai là, phát triển doanh nghiệp làm gia tăng mức cạnh tranh trên thị trường (competition) – yếu tố then chốt dẫn đến tăng cường hiệu suất lao động và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động của các doanh nghiệp sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế trong quá trình doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Mối đe doạ từ các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh sẽ buộc các doanh nghiệp đang hoạt động phải không ngừng phát triển để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trên thực tế, cạnh tranh là yếu tố luôn gắn liền với nền kinh tế thị trường, tuỳ từng cách hiểu và cách tiếp cận mà có nhiều quan điểm về cạnh tranh.

– Cạnh tranh là sự phấn đấu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình sao cho tốt hơn doanh nghiệp khác.

– Cạnh tranh là sự thôn tính lẫn nhau giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm giành lấy thị trường và khách hàng về doanh nghiệp của mình.

– Cạnh tranh là sự ganh đua giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm giành được những ưu thế hơn cùng một loại sản phẩm dịch vụ hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình so với các đối thủ cạnh tranh.

Dưới thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển vượt bậc, Cac Mac đã quan niệm rằng “Cạnh tranh tư bản chủ nghĩa là sự ganh đua, đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá để thu được lợi nhuận siêu ngạch”. Ngày nay, dưới sự hoạt động của cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của nhà nước, khái niệm cạnh tranh có thay đổi đi nhưng về bản chất nó không hề thay đổi: Cạnh tranh vẫn là sự đấu tranh gay gắt, sự ganh đua giữa các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh để đạt được mục tiêu của tổ chức hay doanh nghiệp đó. Chính vì vậy, cạnh tranh là một điều kiện và là yếu tố kích thích sản xuất kinh doanh, là môi trường và động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động và tạo đà cho sự phát triển của xã hội.

Như vậy, cạnh tranh là qui luật khách quan của nền sản xuất hàng hoá vận động theo cơ chế thị trường. Sản xuất hàng hoá càng phát triển, hàng hoá bán ra càng nhiều, số lượng người cung ứng càng đông thì cạnh tranh càng gay gắt. Kết quả cạnh tranh sẽ có một số doanh nghiệp bị thua cuộc và bị gạt ra khỏi thị trường trong khi một số doanh nghiệp khác tồn tại và phát triển hơn nữa. Cạnh tranh sẽ làm cho doanh nghiệp năng động hơn, nhạy bén hơn trong việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm giá cả và các dịch vụ sau bán hàng nhằm tăng vị thế của mình trên thương trường, tạo uy tín với khách hàng và mang lại nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp, đó cũng chính là động lực gia tăng năng suất lao động cũng như tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ba là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với khả năng thích ứng nhanh thông qua ứng dụng công nghệ và tiến bộ khoa học vào sản suất, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới sẽ nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế không ngừng tăng trưởng (Innovation).

Rất nhiều bài nghiên cứu đều đã chỉ ra rằng doanh nghiệp quy mô nhỏ có xu hướng đổi mới nhiều hơn về mặt kinh tế so với các công ty lớn hơn, có thể ứng phó tốt hơn trước nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng và tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ, thúc đẩy hoạt động đem lại thu nhập ở những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao nghèo đói. Các doanh nghiệp này dễ thích ứng và thích ứng nhanh hơn với các điều kiện kinh tế luôn thay đổi, có khả năng dễ dàng thiết lập các liên minh và quan hệ hợp tác mới, nhanh chóng đáp ứng những nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Thêm nữa, chủ các doanh nghiệp này cũng liên hệ dễ dàng và chặt chẽ với người sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ, qua đó thúc đẩy hoàn thiện, đổi mới sáng tạo.

Điều đó cho thấy các doanh nghiệp nhỏ là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tổng sản phẩm quốc dân và đóng góp cho xã hội nói chung lớn hơn nhiều so với những con số chi tiêu và lợi nhuận mà họ đạt được.

Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp nhỏ chiếm đa số trong nền kinh tế các nước, nhưng ảnh hưởng của chúng còn lớn hơn quy mô tương đối lớn nêu trên. Do sự thịnh vượng của các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào việc khai thác tri thức chứ không phải là nguyên liệu thô nên lợi ích từ sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, chuyên môn hóa và tùy biến theo nhu cầu khách hàng trên quy mô lớn – cho dù là bán bánh sandwich hay lập phần mềm máy tính – lớn hơn bao giờ hết. Do đó, vai trò của doanh nghiệp nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế là không thể phủ nhận.

Tọa đàm “Làm gì để tinh thần Việt Nam trở thành sức mạnh thần kỳ trong khởi nghiệp và phát triển bền vững?”
Nguyên tắc tiếp cận xây dựng chính sách: hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để tăng trưởng kinh tế

Nguyên tắc thị trường:

Doanh nghiệp hoạt động và phát triển trong môi trường thị trường. Nên chính sách và kế hoạch của các ngành, các cấp được xây dựng dựa theo và tương đồng với các nguyên tắc thị trường, không phải để thay thế thị trường mà bổ sung cho thị trường, khắc phục các khuyết tật của thị trường, hướng dẫn thị trường và đảm bảo sự vận hành của thị trường phù hợp với mục tiêu đặt ra của ngành, lĩnh vực và không phá vỡ mục tiêu chung của cả nước.

Nhất là các chính sách điều hành thực hiện kế hoạch phải được xây dựng và thực thi trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường. Không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tranh thủ tối đa sự điều tiết bằng cách sử dụng các công cụ của thị trường. Mọi can thiệp mang tính bắt buộc đều phải trên cơ sở tuân thủ luật pháp hiện hành.

Nguyên tắc hiệu lực ổn định lâu dài:

Chính sách cần được bảo đảm tính hiệu lực ổn định lâu dài, làm cơ sở cho doanh nghiệp hoạt động một cách bền vững. Hiệu lực và ổn định lâu dài chính là tạo lòng tin cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư và hoạt động phát triển theo mục tiêu dài hạn.

Muốn vậy, chính sách cần được thực hiện thống nhất và xuyên suốt ở các cấp, các ngành. Chính sách quốc gia phải được xây dựng bảo đảm mục tiêu phát triển chung của quốc gia. Các ngành, các cấp xây dựng chính sách của mình nhằm cụ thể hóa theo mục tiêu, đặc điểm và điều kiện phát triển tương ứng của cấp mình, không được phá vỡ khung tổng thể của hệ thống chính sách đồng bộ của cấp trên, phải phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển chung của cả nước.

Nhất là đối với chính sách theo mục tiêu phát triển, tăng trưởng, nguyên tắc này đòi hỏi phương thức tiếp cận xây dựng chính sách phải mang tính chiến lược lâu dài, giúp các nhà lập chính sách xây dựng được mối quan hệ logic từ những mục tiêu dài hạn, xa nhất (thường được gọi là tầm nhìn hay viễn cảnh) đến các nhiệm vụ lâu dài (hay gọi là sứ mệnh) trong từng thời kỳ nhất định. Đây sẽ là những định hướng lâu dài, làm cơ sở để xây dựng các mục tiêu ngắn hạn hơn mà các chính sách phát triển, tăng trưởng cho mục tiêu trung hạn cần thực hiện.

Theo đó, trong xây dựng chính sách nhằm mục tiêu tăng trưởng dựa trên thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thì các ngành, các cấp phải tranh thủ được sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều bên, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp, tạo đồng thuận chung; để thu hút được sự tham gia của các thành phần vào việc xây dựng và triển khai chính sách.

Nguyên tắc linh hoạt, mềm dẻo:

Chính sách nói chung, cũng như chính sách vĩ mô của các ngành, các cấp, địa phương phải xây dựng một cách linh hoạt, tương ứng với khả năng thay đổi linh hoạt của thị trường.

Cần đưa ra được nhiều kịch bản phát triển, tương ứng với các giả định về các điều kiện trong hiện tại và tương lai để có thể chủ động điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Nguyên tắc quản lý dựa trên kết quả:

Việc tiếp cận xây dựng chính sách phải được thực hiện theo nguyên tắc quản lý dựa trên kết quả. Các mục tiêu, chỉ tiêu của chính sách phải được xây dựng theo kết quả đầu ra. Muốn vậy, nó phải được thiết lập trên cơ sở nguồn lực có khả năng huy động được.

Xây dựng chính sách dựa trên kết quả nhằm mục đích cải thiện hiệu quả của các hoạt động quản lý và trách nhiệm giải trình thông qua việc xác định các kết quả mong đợi thực tế, theo dõi tiến độ để đạt được những kết quả mong đợi này và áp dụng các bài học kinh nghiệm trong các quyết định quản lý và báo cáo kết quả thực hiện. Tiếp cận xây dựng chính sách dựa trên kết quả dựa vào bốn trụ cột chính sau đây:

– Xác định mục tiêu chiến lược với trọng tâm hành động;

– Cụ thể hóa các kết quả mong đợi đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu chính và tổ chức triển khai bằng các chương trình, dự án phù hợp với quy định và nguồn lực thực có;

– Theo dõi và đánh giá thường xuyên việc thực hiện chính sách (chương trình, dự án) và áp dụng những bài học thu được trong việc điều chỉnh chính sách cho chu kỳ mới;

– Nâng cao trách nhiệm giải trình dựa vào các thông tin phản hồi thường xuyên để hoàn thiện chính sách.

Điểm quan trọng của tư duy kết quả chính là khái niệm chuỗi kết quả, mối quan hệ nhân quả giữa các thành phần theo thời gian.

Nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn:

Nguyên tắc này đòi hỏi việc xây dựng chính sách, nhất là theo mục tiêu phát triển, tăng trưởng cụ thể phải sát với đặc điểm và điều kiện phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương.

Chính sách được xây dựng phải vận dụng những thế mạnh phù hợp với điều kiện của ngành, lĩnh vực, địa phương, không rập khuôn máy móc. Có phân tích lập luận về các lựa chọn, thứ tự ưu tiên, làm cơ sở phân bổ nguồn lực hợp lý để đảm bảo tính khả thi. Trên cơ sở đó mới nâng cao tính khả thi cho các mục tiêu phát triển, tăng trưởng đặt ra của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Chính sách theo mục tiêu phát triển, tăng trưởng được xây dựng theo các khả năng dự đoán, kịch bản có thể xảy ra, bảo đảm tính linh hoạt với mọi điều kiện để đạt được kết quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo:
1. Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright: Nguồn gốc tăng trưởng kinh tế
2. Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright: Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế
3. Unicef: Lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, 2013
4. Annual Survey of Small Business: Scotland and UK reports (2005)
5. Department for Business, Enterprise and Regulatory Reform, Small and Medium Enterprise Statistics for the UK and Region 2007
PGS.TS Hồ Sỹ Hùng
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp