Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số

(QLNN) – Tại Việt Nam, bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là một trong những chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. Tích cực thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ giúp nâng cao vị thế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số mà còn góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.

Những năm qua, vấn đề phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực tiễn, tạo ra những thành tựu to lớn làm thay đổi căn bản đời sống của DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị công tác bình đẳng giới vùng DTTS năm 2019 (nguồn: http://baodantoc.vn).

Sau khi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc ra đời, đến nay đã có khoảng 118 chương trình, đề án, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có một số chính sách riêng dành cho phụ nữ DTTS1. Công tác xây dựng khung khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho phụ nữ được chú trọng với Luật BĐG năm 2006, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020. Ngoài ra, còn có một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS như Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025…

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, BĐG vùng DTTS đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: bình đẳng trong lĩnh vực chính trị; bình đẳng về kinh tế, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe. Điều này được minh chứng rõ khi Liên hiệp quốc đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ nói chung và thực hiện BĐG nói riêng.

Tuy nhiên, với những đặc điểm giới và định kiến xã hội đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS vẫn luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội. Họ đang phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, chịu bất bình đẳng kép – cả về dân tộc và về giới xuất phát từ chính môi trường sống của mình. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các chính sách của chị em ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như: kinh tế (việc làm, thu nhập, tham gia thị trường); xã hội (giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe) và hoạt động chính trị.

Theo thống kê, vùng DTTS và miền núi nước ta là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước. Trong số đó, nam giới là 6,72 triệu người, chiếm 50,2%; nữ là 6,66 triệu người, chiếm 49,8% 2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó phụ nữ DTTS là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Cụ thể:

Trước hết, bất BĐG trong lĩnh vực kinh tế – lao động. Phụ nữ DTTS ít được tiếp cận những công việc làm công hưởng lương, có tới 83,81% việc làm của lao động nữ DTTS là tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp, so với tỷ lệ tương ứng của nam DTTS là 79,16% và dân tộc Kinh là 40,72%; tỷ lệ phụ nữ DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ khoảng 6%, bằng 1/3 so với dân tộc Kinh. Họ ít tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai, giám sát, đánh giá các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến người DTTS…

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ DTTS thường xuyên phải lao động cực nhọc nhưng không được trả công. Chỉ có khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (trong khi phụ nữ Kinh là 56%)3.  Sự phân công lao động theo xu hướng gắn với những đặc điểm giới và quan niệm về giới gây bất lợi cho phụ nữ. Trong kinh tế và phân công lao động, phụ nữ bất lợi hơn nên thường yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định.

Phụ nữ dân tộc với nghề truyền thống (nguồn:internet).

Thứ hai, bất BĐG trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhiều phụ nữ DTTS chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển: 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết (một số DTTS có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái biết đọc, biết viết chữ phổ thông thấp, như: Lự: 23,22%, La Hủ: 25,1%…); chỉ có 33% nữ sinh DTTS đi học phổ thông trung học đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em gái người DTTS còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về giới như: tỷ lệ tảo hôn cao, lên tới 27,1%; có 12 dân tộc tỷ lệ tảo hôn từ 30 – 40%4.

Trong khi nhiều trẻ em nam DTTS sau khi kết hôn vẫn tiếp tục đi học thì hầu hết trẻ em nữ phải nghỉ học ở nhà để thực hiện các “thiên chức” của phụ nữ. Với quan niệm truyền thống coi trọng con trai hơn con gái nên tại nhiều DTTS, ưu tiên học hành của các gia đình thường dành cho con trai. Việc lấy chồng sớm, sinh con sớm, sống trong cảnh nghèo đói, không có cơ hội việc làm tốt khi các em trở thành người vợ/người mẹ/người bà tạo nên vòng luẩn quẩn nghèo đói đeo bám tương lai của các em sau này.

Thứ ba, về công tác chăm sóc y tế. Thống kê cho thấy, 25 dân tộc có phụ nữ sinh con tại nhà chiếm tới 50%, thậm chí có dân tộc đến 90% phụ nữ sinh con tại nhà. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm DTTS (H’mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh – Hoa; chỉ có 70,9% phụ nữ DTTS từ 12 – 29 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai.

Bạo lực trên cơ sở giới cũng là một vấn đề nổi cộm. Bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở gia đình những dân tộc phụ hệ. Theo nghiên cứu, bạo lực tinh thần đối với phụ nữ DTTS do người chồng gây ra là 48,8%, cao gấp 1,7 lần so với tỷ lệ chung của cả nước5.

Thứ tư, tỷ lệ DTTS tham chính ở 4 cấp trong tổ chức Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chính quyền khá thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất BĐG nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ DTTS nói riêng. Thống kê cho thấy, nữ cán bộ, công chức là người DTTS chỉ chiếm 23,79% tổng số cán bộ, công chức các xã vùng DTTS. Điều đáng quan tâm, ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội càng thấp và càng đông đồng bào DTTS sinh sống thì tỷ lệ nữ trong tổng số cán bộ, công chức là người DTTS càng thấp6.

Như vậy, nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời thì khoảng cách đối với phụ nữ DTTS sẽ ngày càng lớn khi nhóm phụ nữ DTTS đang bị ngăn cản bởi rất nhiều rào cản đã ăn sâu, bám rễ trong sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển. Nghèo về kinh tế, ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản đang là những rào cản dẫn tới việc phụ nữ DTTS bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên. Bên cạnh nguyên nhân khách quan về điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, vấn đề địa lý tự nhiên, do trình độ dân trí khu vực miền núi thấp hơn các vùng khác và mặt bằng giáo dục không cao, phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tư tưởng nên có định kiến giới, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, giới hạn phụ nữ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình còn tồn tại nặng nề… thì còn nguyên nhân liên quan tới nhận thức của các cấp, các ngành và hơn hết là chính sách về BĐG đối với DTTS.

Nhìn lại tổng thể các chính sách hiện hành cho thấy, nhiều chính sách chưa được quan tâm lồng ghép giới hoặc nếu có lồng ghép giới thì mờ nhạt, chưa quan tâm tới nhu cầu và điều kiện thực tế của phụ nữ và nam giới, dẫn đến những hạn chế trong tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ những chính sách này.

Số liệu thống kê cho thấy, trong số 118 chính sách đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi, chỉ có 4 chính sách liên quan đến BĐG (chiếm khoảng 3,4%). Trong 27 chỉ tiêu liên quan đến BĐG giai đoạn 2011 – 2020, chỉ có 2 chỉ tiêu liên quan trực tiếp tới địa bàn DTTS. Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong chính sách thúc đẩy BĐG vùng DTTS.

Hệ thống chính sách liên quan tới BĐG và chính sách đối với đồng bào DTTS hầu như chưa được xây dựng theo quan điểm lồng ghép yếu tố giới và đặc thù DTTS, dẫn tới tình trạng chính sách BĐG thì không tính đến đặc thù cho đối tượng là phụ nữ DTTS, còn chính sách cho vùng DTTS lại không tính đến yếu tố giới. Vì vậy, phụ nữ DTTS dường như vẫn nằm ở điểm khuất của góc khuất, ít cơ hội tiếp cận chính sách nói chung. Hơn nữa, các chính sách về vùng DTTS còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược, manh mún, dàn trải.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc, 118 chính sách đang có hiệu lực hiện nay do 10 bộ, ngành quản lý, chủ trì chỉ đạo, cùng với đó là những quy định về cơ chế, nguồn lực khác nhau gây nên khó khăn trong tổ chức thực hiện và theo dõi, tổng hợp7. Trong công tác quản lý nhà nước cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong triển khai, hướng dẫn thực hiện; đặc biệt, việc thực hiện chính sách còn gặp nhiều vướng mắc do phân bổ nguồn lực thiếu, dẫn tới tình trạng chính sách khó đi vào thực tế, hiệu quả thấp.

Ngoài ra, các chính sách cũng chưa bao quát hết các lĩnh vực cụ thể. Điển hình như, về giáo dục, hiện chưa có chính sách ưu tiên đối với các em học sinh nữ vào các trường dự bị đại học hay trung học chuyên nghiệp trở lên đối với một số dân tộc đặc biệt khó khăn hoặc dân tộc có dân số rất ít người chưa có lực lượng lao động chất lượng cao.

Về y tế, chưa thực hiện chính sách dinh dưỡng đặc thù đối với bà mẹ và trẻ em DTTS, chưa có chính sách đặc thù về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe vị thành niên đối với phụ nữ và trẻ em gái DTTS. Về trợ giúp pháp lý và quyền được tiếp cận thông tin, các chính sách hiện hành còn bỏ ngỏ và chưa quan tâm đúng mức đến đối tượng là nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng và thực hiện chính sách cũng như chất lượng nguồn nhân lực cán bộ nữ DTTS trong hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị, xã hội… còn nhiều hạn chế.

Trước thực tế trên, nhằm thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng DTTS, ngày 28/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1898/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025 với mục tiêu tổng quát: tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện BĐG và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia BĐG.

Đề án cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến BĐG ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng DTTS có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về BĐG và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG.

Phấn đấu 80% số hộ gia đình đồng bào DTTS rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về BĐG. 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và BĐG với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi. Ít nhất 50% cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống được tập huấn kỹ năng hoạt động BĐG, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách và có 30 – 50% các xã có đông đồng bào DTTS rất ít người sinh sống xây dựng mô hình về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Những cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ dân tộc xuất sắc của tỉnh An Giang được tuyên dương (nguồn: https://baoangiang.com.vn).

Để thực hiện được các mục tiêu trên, góp phần thúc đẩy BĐG cho phụ nữ DTTS, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của đồng bào các DTTS, đặc biệt là các DTTS rất ít người; lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các nhóm nữ DTTS yếu thế về BĐG và quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập. Tuyên truyền pháp luật về BĐG, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú.

Hai là, các chính sách BĐG cần hướng tới những cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS, nhất là nhóm phụ nữ DTTS nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Cần thay đổi cách tiếp cận, coi phụ nữ DTTS là đối tượng để phát huy nguồn lực, góp phần vào sự  phát triển chung của vùng.

Hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vị thế của mình. Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS.

Xây dựng các chính sách bảo đảm quyền của phụ nữ trên các lĩnh vực, nhất là được tiếp cận thông tin, tiếp cận với các dịch vụ xã hội… Quá trình xây dựng chính sách, dự án phát triển vùng DTTS cần được khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tiễn từ cộng đồng, có tham khảo ý kiến của người được hưởng lợi chính sách.

Ba là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương về xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy BĐG và quyền cho phụ nữ DTTS.

Chính phủ cần sớm phê duyệt xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS. Trong đó, xây dựng nhiều dự án thành phần để phát triển kinh tế – xã hội toàn diện có lồng ghép các chỉ tiêu về BĐG và phát triển phụ nữ. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS. Tiếp tục ưu tiên thực hiện một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS đang phát huy hiệu quả cao như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025; phòng ngừa nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em; mở rộng các dịch vụ y tế để phụ nữ và trẻ em DTTS được tiếp cận ngay từ thôn, bản…

Bốn là, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người DTTS sinh sống. Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động BĐG phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện, trình độ và văn hóa dân tộc. Huy động sự tham gia của cán bộ thôn, bản, học sinh tại các trường dân tộc nội trú và bán trú trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện BĐG trên địa bàn.

Năm là, hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy BĐG thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân ngoài nước; sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện các hoạt động BĐG cho phụ nữ DTTS.

Chú thích:
1. Hội thảo chính sách “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”. http://www.molisa.gov.vn, ngày 13/8/2019.
2. Bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số: Vẫn còn khoảng cách. https://www.nhandan.com.vn, ngày 21/11/2017.
3, 4. Báo cáo tham luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, ngày 12/8/2019.
5. Báo cáo tham luận của Trung tâm nghiên cứu về gia đình và giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, ngày 12/8/2019.
6. Báo cáo tham luận của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, ngày 12/8/2019.
7. Tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số. daibieunhandan.vn, ngày 13/8/2019.

ThS. Vũ Minh Huệ
Học viện Hành chính Quốc gia