(QLNN) – Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7(khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đặt ra một số nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ này là đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trong đó, việc đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần đặc biệt được quan tâm.
Quan điểm của Đảng về cán bộ cấp chiến lược và vấn đề bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược
Ngày 04/8/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương xác định đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khoảng 600 người, ở Trung ương bao gồm các đồng chí cấp thứ trưởng, phó trưởng ban của Đảng và các cấp tương đương trở lên, ở địa phương là bí thư phó bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng lãnh đạo nòng cốt của đất nước, là hình ảnh trực tiếp tiêu biểu cho trí tuệ của Đảng Nhà nước. Uy tín của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược góp phần củng cố và tăng cường uy tín của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ cấp chiến lược ngoài việc đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn, những yêu cầu đổi với cán bộ nói chung, cần phải có những yêu cầu riêng về năng lực, phẩm chất, đạo đức. Đó là:
1) Phải có đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân, thực sự phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, biết lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân là cơ sở cho mỗi quyết định, hành vi. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thể hiện khát vọng của dân tộc, nhân dân.
2) Là những người có trí tuệ lớn, có tư duy chiến lược.
Thực sự am tường lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Sự am tường lý luận không chỉ là kiến thức về lý luận mà còn được thể hiện ở khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn và từ thực tiễn tổng kết và phát triển lý luận. Cán bộ cấp chiến lược phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược. Đội ngũ này phải thực sự có khả năng dự báo trên cơ sở khoa học những vấn đề cần quan tâm, cần chú ý trong hành trình phát triển của đất nước để luôn chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
3) Có năng lực tổ chức thực tiễn, thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có khả năng kết hợp hiệu quả giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”1. Những nội dung này đòi hỏi cần đến đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ cấp chiến lược.
4) Thực sự có uy tín, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức cách mạng của Đảng. Phải có trí tuệ và năng lực tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo trong công tác lãnh đạo,chỉ đạo, tổ chức, tạo được niềm tin từ quần chúng. Có phong cách quần chúng, gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân.
5) Có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, có tri thức, phong cách, am hiểu về luật pháp, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội quốc tế. Có tầm nhìn thời đại để đối thoại, trao đổi, khẳng định được diện mạo và tầm vóc về trí tuệ của dân tộc, về những khát vọng của dân tộc và những mong muốn được đóng góp chung vào sự phát triển của nhân loại của đất nước, của nhân dân.
Cán bộ cấp chiến lược có tư duy chiến lược, đức sáng, tâm trong, trí tuệ, thực tiễn, bản lĩnh vững vàng và có tầm nhìn thời đại. Đội ngũ cán bộ cần vừa hồng, vừa chuyên thì đối với cán bộ cấp chiến lược, họ phải là những người hồng nhất và chuyên nhất.
Yêu cầu đối với bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược.
Một là, cần phải có tư duy chiến lược, xây dựng kế hoạch với các bước đi khoa học, cụ thể. Bồi dưỡng cán bộ nói chung hướng đến mục tiêu chuẩn hóa thì bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược theo định hướng phát triển.
Hai là, nội dung bồi dưỡng mang tính chiến lược, không chỉ phải theo vị trí việc làm, yêu cầu công việc cụ thể. Vì vậy, nội dung bồi dưỡng có tính khái quát cao hơn, sâu sắc hơn.
Ba là, bồi dưỡng cần đáp ứng yêu cầu: thời gian, khối lượng kiến thức phù hợp với thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước giao phó; nội dung bồi dưỡng và hiệu quả sau bồi dưỡng.
Bốn là, bồi dưỡng cấp chiến lược phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, có sự chuyên sâu, được tổng kết từ thực tiễn, cần có sự kiểm nghiệm, đánh giá từ thực tiễn…
Năm là, chủ thể biên soạn chương trình, tài liệu, giảng viên bồi dưỡng phải có đủ tầm tri thức, kỹ năng, thực sự am hiểu lý luận, sâu sát thực tiễn, thực sự thuyết phục trong những tri thức được trao đổi.
Sáu là, phương thức bồi dưỡng phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu bồi dưỡng. Thuyết trình cần kết hợp với trao đổi, phân tích thực tiễn, giải quyết tình huống, cần phải tìm ra chân lý từ thực tiễn, không chỉ dừng lại ở các kiến thức lý luận gia.
Bảy là, bồi dưỡng phương pháp và văn hóa tự học, tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn theo phương châm học suốt đời.
Định hướng đổi mới nội dung và phương pháp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cấp chiến lược
Trong những năm qua, công tác bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2013 – 2015, thực hiện lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức bồi dưỡng nguồn cán bộ cao cấp chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng. Từ ngày 27/3/2013 đến 02/7/2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức được 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp với tổng số 511 đồng chí. Kết quả thống kê cho thấy, 100% số học viên lớp dự nguồn công tác tại các địa phương được bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh, thành phố và 45 trong số 61 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh ủy, thành ủy. 114/511 học viên các lớp dự nguồn đã trở thành ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, trong đó 94 đồng chí là ủy viên chính thức 20 đồng chí là ủy viên dự khuyết.
Năm 2018, đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí ủy viên BCH Trung ương Đảng, 1 lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các đồng chí ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng (khóa XII). Trong năm 2019 và đầu năm 2020, Trung ương tổ chức các khóa bồi dưỡng cho các đồng chí được phê duyệt quy hoạch ủy viên BCH Trung ương Đảng (khóa XIII); quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020-2025: quy hoạch chức danh bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026.
Các chương trình bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược là những nội dung mới, quan trọng, gắn với việc triển khai các nghị quyết của Đảng, những vấn đề toàn cầu và khu vực đang tác động đến tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Công tác bồi dưỡng đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, chuẩn bị nguồn cán bộ cho các vị trí lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược còn một số hạn chế: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Để đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược cần phải đổi mới cách tiếp cận và tư duy về bồi dưỡng, trong đó cần chú ý:
Thứ nhất, cán bộ cấp chiến lược, nguồn cấp chiến lược là những người đã được đào tạo, được được rèn luyện qua môi trường thực tiễn. Vì vậy, việc bồi dưỡng cần có cách tiếp cận riêng. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cấp chiến lược là cập nhật những kiến thức mới về lý luận, thực tiễn; về phương pháp tiếp cận và phương pháp công tác;vềkỹ năng lãnh đạo, quản lý, cập nhật những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tổng kết thực tiễn, đặc biệt là rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, tác phong, trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo cao cấp theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, nội dung bồi dưỡng cần phải cung cấp những tri thức tổng hợp, cập nhật.
Nội dung bồi dưỡng cần được xây dựng có tính toàn diện, vừa có tính khái quát cao, vừa phản ánh được trọng tâm, bản chất của vấn đề. Những nội dung bồi dưỡng giúp cán bộ cấp chiến lược có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về đời sống kinh tế – xã hội của đất nước và quốc tế, những diễn biến, xu hướng của thời đại. Qua đó, năng lực của cán bộ được nâng lên, thực sự quyết đoán trong các quyết sách, quyết liệt trong chỉ đạo và quyết tâm trong hành động.
Thứ hai, cần phải xây dựng nội dung bồi dưỡng chung và riê ng. Những nội dung chung cần cho mọi cán bộ cấp chiến lược, những nội dung riêng gắn với xuất phát điểm, kinh nghiệm công tác, những lĩnh vực được phân công quản lý phụ trách. Với nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chung có thể tổ chức các khóa bồi dưỡng, các lớp bồi dưỡng tập trung. Với nội dung bồi dưỡng riêng, cần xây dựng nội dung và tổ chức các khóa theo hướng linh hoạt hơn, đa dạng hơn.
Cần đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng. Bồi dưỡng không chỉ thông qua các lớp chính thức mà cần có các hội thảo, tọa đàm, các buổi nói chuyện chuyên đề; thông qua việc xây dựng các nhóm công tác để cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Các lớp bồi dưỡng cần được tổ chức như một diễn đàn để các học viên trao đổi, thảo luận nhằm làm sáng tỏ, nhận thức rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn mới. Đồng thời, tạo điều kiện để các học viên chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của người giữ trọng trách là cán bộ chủ chốt của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp thu những kiến thức của lớp học, các học viên sẽ có nền tảng để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình tại cơ quan, địa phương công tác.
Thứ ba, chương trình bồi dưỡng cần phải được so sánh cập nhật thường xuyên, bảo đảm tính hiện đại, thời sự và tính khoa học. Cần khắc phục sự trùng lặp của các nội dung kiến thức, kỹ năng đã được bồi dưỡng ở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác. Điều này cho phép giảm bớt thời gian bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả bởi các kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng là những nội dung mới cập nhật. Vì vậy, đội ngũ những người biên soạn chương trình bồi dưỡng cần phải là những người thực sự đủ tầm về lý luận, thực tiễn, đạo đức, nhân cách, vững vàng trong nhận thức, minh triết trong nhận diện các vấn đề, mâu thuẫn của phát triển, cách tiếp cận với đa dạng vấn đề.
Thứ tư, cần gắn kết giữa đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Quy hoạch rộng, động và mở, bồi dưỡng thiết thực, trọng tâm, gắn với các nhóm đối tượng tạo tiền đề cho việc lựa chọn những cán bộ thực sự có tâm, có tầm. Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là cơ sở để bồi dưỡng, căn cứ vào quy hoạch này để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng. Bồi dưỡng là giải pháp để thực hiện có hiệu quả quy hoạch.
Thứ năm, đổi mới công tác biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo đó vừa huy động các nhà khoa học lớn, các chuyên gia, ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà khoa học ở các nước phát triển. Đồng thời, thu hút tham gia của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, các đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp. Sự kết hợp giữa các nhà lý luân với các nhà hoạt động thực tiễn nhằm bảo đảm chương trình, tài liệu được biên soạn vừa sâu sắc về lý luận, vừa sinh động bởi thực tiễn.
Thứ sáu, tổ chức các khóa bồi dưỡng theo hướng kết hợp giảng viên là các nhà khoa học và các nhà quản lý thực tiễn. Các tác giả biên soạn nội dung, đồng thời là những người tổ chức giảng dạy, tổ chức thảo luận. Mời các nhà lãnh đạo, các đồng chí nguyên lãnh đạo tham gia để cùng hướng dẫn thảo luận các vấn đề thực tiễn. Điều này cho phép các nội dung bồi dưỡng thực sự tươi mới, lý luận được vận dụng để phân tích, đánh giá thực tiễn, đồng thời, thực tiễn minh chứng, làm sáng tỏ lý luận.
Thứ bảy, áp dụng công nghệ hiện đại. Việc bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược có thể được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Trực tuyến trong nước và trực tuyến với các học giả nước ngoài bên cạnh việc tổ chức bồi dưỡng theo phương thức truyền thống, tổ chức các đoàn nghiên cứu, học tập thực tiễn ở nước ngoài.
Việc sử dụng có hiệu quả công nghệ hiện đại cho phép khắc phục những giới hạn về không gian và thời gian, về khả năng tiếp cận các học giả, các nhà quản lý có uy tín ở trong và ngoài nước.
Hoạt động nghiên cứu thực tế cần được đổi mới, không tổ chức nghiên cứu thực tế ở một số bộ, ngành, địa phương, ở nước ngoài cho tất cả các học viên mà cần lựa chọn từng chuyên đề, đi theo từng nhóm để hoạt động nghiên cứu thực tế thực sự có hiệu quả. Kết quả nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước cần được phổ biến rộng rãi cho tất cả các đối tượng bồi dưỡng, giảm và tránh sự trung lặp về nội dung nghiên cứu, khảo sát của các đoàn, nhóm.
Thứ tám, quá trình tổ chức các khoá bồi dưỡng cần thông tin về năng lực, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ đến các giảng viên, các chuyên gia quốc tế để có sự chuẩn bị các nội dung trình bày thực sự phù hợp, công phu, chu đáo.
Thứ chín, bồi dưỡng không chỉ là quá trình phát triển năng lực mà còn cần phải phát triển khả năng, ý thức tự học, tự nâng cao trình độ lý luận, trình độ lãnh đạo, quản lý bởi thực tiễn luôn sinh động, lý luận luôn phát triển.
Những kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng là nền tảng, là định hướng cần phải được tiếp tục phát triển – đó chính là trầm tích sau quá trình học tập. Vì vậy, ý thức tự học, tự trau dồi tri thức cần phải trở thành văn hoá, thành trách nhiệm nêu gương về học tập, tự học tập của cán bộ cấp chiến lược.