Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sạch ở thành phố Hà Nội

(QLNN) – Biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế – xã hội tạo ra những tác động to lớn đối với vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả  tài nguyên nước sạch ở thành phố Hà Nội. Vấn đề này, dành được sự quan tâm lớn của  các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô.

 

Theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội dự tính, mỗi năm, dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương 1 huyện lớn. Không tính người dân vãng lai làm ăn theo mùa vụ, mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2. Con số này gấp 1 – 15 lần so với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN. Theo đó, nhu cầu nước sạch mỗi năm ước tính tăng khoảng 15 – 20%1.

Những kết quả đạt được trong đổi mới công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sạch

Một là, cấu trúc lại cơ cấu doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh bảo đảm  nguồn cấp nước sạch khu vực đô thị.

Năm 2008, thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thành phố có 4 DN cấp nước: Công ty Kinh doanh Nước sạch (KDNS) Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nước sạch VIWACO, Công ty cấp nước Hà Đông và Công ty Cấp nước Sơn Tây. Ngày 22/01/2008, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định chuyển đổi Công ty KDNS Hà Nội sang hoạt động theo hình thức Công ty mẹ – Công ty con. Công ty KDNS Hà Nội chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (còn gọi tắt là Công ty Nước sạch Hà Nội – HAWACO).

Trong đó, 2 nhà máy nước Gia Lâm và Bắc Thăng Long thuộc Công ty KDNS số 2; thực hiện cổ phần hóa Xí nghiệp Nước tinh khiết thành công ty cổ phần; triển khai bàn giao hệ thống quản lý khách hàng, giao tài sản, bán buôn nước sạch qua đồng hồ tổng cho các Xí nghiệp KDNS; thực hiện phân cấp công tác hạch toán tài chính, phân cấp  đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống cấp nước cho các xí nghiệp; định hướng cho các xí nghiệp hạch toán độc lập theo Luật DN năm 2014.

Định hướng tổ chức DN theo mô hình: Ban tổng giám đốc, Ban kiểm soát các đơn vị sản xuất nước, kinh doanh nước sạch và các đơn vị phụ trợ. Với mục tiêu đổi mới quan hệ sản xuất trên cơ sở phân định rõ ràng về địa vị pháp lý, quan hệ về tài sản, vốn, quyền lợi và nghĩa vụ của các đơn vị thành viên cũng như của Công ty mẹ. Công ty đã triển khai phân cấp mạnh theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị KDNS. Với tổng số 15 nhà máy sản xuất nước có công suất từ 20.000 m3/ngđ – 100.000 m3/ngđ và 19 trạm cấp nước nhỏ có công suất từ 1.000 m3/ngày đêm – 12.000 m3/ngày đêm. Tổng công suất cấp nước tập trung khoảng 1.000.000 m3/ngày đêm cùng hệ thống đường ống cấp nước trên 3.000 km (ống DN90-1200), hệ thống cấp nước Hà Nội thời kỳ này thực hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 750.000 hộ dân và các cơ quan, tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn (tương đương với số dân là 2.700.000 người) với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày. Tỷ lệ dân số đô thị toàn thành phố được cấp nước sau khi điều chỉnh địa giới hành chính là 94,8% 2.

Hai là, phát triển hệ thống cấp nước với các dự án trọng điểm nâng cao khả năng cung cấp nước sạch trong thành phố.

Cùng với việc chuyển đổi hoạt động, HAWACO tập trung thực hiện các dự án trọng điểm phát triển nguồn và mạng lưới cấp nước trên địa bàn ven nội thị. Điển hình là: hoàn thành dự án nâng công suất nhà máy nước Gia Lâm lên 60.000m3/ngày, đêm; Dự án xây dựng hệ thống cấp nước 6 phường của quận Hoàng Mai, cấp nước 2 xã của huyện Từ Liêm, cấp nước 3 phường còn lại của quận Long Biên, cấp nước 3 xã: Kim Chung, Võng La, Đại Mạch – huyện Đông Anh…3. Các dự án này đã góp phần nâng cao năng lực cấp nước toàn Công ty.

Hà Nội xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch trên đường trục kinh tế phía Nam (nguồn: internet).

Bên cạnh đó, HAWACO tiếp tục phát triển và mở rộng mạng lưới cấp nước về phía Tây Nam và phía Bắc Thành phố, mở rộng phạm vi cấp nước, nghiên cứu sử dụng nguồn nước mặt theo định hướng trong quy hoạch. Thực hiện các dự án: xây dựng hệ thống cấp nước 4 xã của huyện Từ Liêm, cấp nước huyện Thanh Trì, cấp nước 3 xã huyện Sóc Sơn. Mở rộng liên kết phát triển hệ thống cấp nước dọc trục đường Láng Hòa Lạc sử dụng nước sông Đà. Đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống, sông Hồng…

Song song với các dự án mở rộng phạm vi cấp nước, Công ty còn nghiên cứu các dự án đầu tư chiều sâu với mục tiêu tăng cường chống thất thoát, thất thu nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng tỷ lệ tái sử dụng nước rửa lọc. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc đầu tư và đưa vào khai thác các dự án cấp nước mới đã nâng tổng công suất nguồn tập trung của thành phố đạt hơn 1,2 triệu m3 nước/ngày đêm, vượt 16% so với thời kỳ chưa nâng cấp4.

Ba là, công tác thanh tra, kiểm tra góp phần bảo đảm chất lượng cung cấp nước sạch ổn định.

Ðể bảo đảm mọi người dân đều có nước sạch sử dụng trong những ngày hè nắng nóng, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các đơn vị cấp nước, rà soát, đánh giá tình hình cấp nước sạch tại các khu vực, xác định các khu vực còn thiếu nước sinh hoạt để kịp thời lên phương án cấp bổ sung, không để xảy ra tình trạng mất nước sinh hoạt trên diện rộng. Ðồng thời, tích cực làm việc với các chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng lưới cấp nước trên địa bàn. Các đơn vị cấp nước của thành phố thường xuyên phối hợp với Công ty cổ phần Nước mặt sông Ðuống đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch đến các hộ dân theo quy hoạch vùng, khu vực cấp nước.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội thành lập các đoàn công tác kiểm tra liên ngành, lấy mẫu nước đi xét nghiệm tiêu chuẩn chất lượng, chỉ đạo, yêu cầu đóng các giếng khoan nước bị nhiễm độc a-sen. Tuyên truyền, vận động người dân nông thôn sử dụng nước sạch cho sinh hoạt từ các nhà máy để bảo vệ nguồn nước ngầm. Nâng cấp mạng lưới cấp nước, thay thế công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nước, tiến tới đạt tiêu chuẩn uống được tại vòi.

Một số tồn tại và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả TNNS ở Hà Nội còn tồn tại nhiều thách thức, cụ thể là:

Thứ nhất, công tác lập quy hoạch, kế hoạch về sử dụng nước sạch chưa bảo đảm tính chiến lược, khoa học. Các văn bản bảo đảm quyền lợi và quy định trách nhiệm  của các chủ thể quản lý và sử dụng TNNS chưa đầy đủ, chưa có tác động rõ rệt đến ý thức của các chủ thể. Hầu hết người dân chưa có ý thức thường xuyên tiết kiệm nước sạch và sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh thay thế nước sạch.

Lượng nước mưa ở thành phố mỗi năm khoảng 1,34 tỷ m3. Đây vốn là nguồn nước hợp vệ sinh nhưng trên 80% trong số đó trở thành rác nước. Việc lạm dụng nước sạch còn rất phổ biến. Từ năm 2010 – 2018, tỷ lệ thất thoát nước sạch hàng năm vẫn ở mức cao, dao động từ 20 – 25%5.

Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực cung cấp nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng TNNS trong thành phố. Điều kiện về cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch chưa bền vững. Hệ thống cung cấp nước sạch khu đô thị cũ và khu đô thị mới chưa đồng bộ. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch đang vượt quá khả năng tự cấp của các nhà máy nước sạch của thành phố Hà Nội. Việc lệ thuộc vào nguồn cấp nước từ VIWACO đã gây nhiều hệ lụy cho việc sử dụng nước sạch của dân cư đô thị. Từ năm 2012 đến nay, đã xảy ra 19 lần vỡ đường ống nước sạch. Tháng 10/2019, sự cố nhiễm dầu thải nước nguyên liệu đã làm cho tình trạng ô nhiễm styrene trong nước sạch của VIWACO vượt quá ngưỡng quy chuẩn chất lượng về nước. Điều này gây nhiều khó khăn cho các hộ dân ở 5 quận phía Tây và Nam thành phố.

Sự cố nước nhiễm dầu tháng 10/2019 khiến người dân xếp hàng chờ xe chở nước (nguồn: internet).

Thứ ba, công tác quan trắc, cập nhật thông tin về biến động của các nguồn nước nguyên liệu sản xuất nước sạch còn nhiều bất cập. Các nhà máy sử dụng nguyên liệu nước mặt còn chịu ảnh hưởng lớn vào biến động tự phát từ ô nhiễm chất thải đến nguồn nước. Một số nhà máy sản xuất nước sạch xây dựng xong không hoạt động được hoặc hoạt động không hết công suất vì thiếu nước hoặc nước nguyên liệu ô nhiễm quá nặng. Tình trạng này đã làm cho nhà máy nước sạch Đại Nghĩa tại huyện Mỹ Đức với công suất 2.000 m3 mỗi ngày/đêm bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Thứ tư, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường nói chung, cán bộ quản lý tài nguyên nước (TNN) và TNNS nói riêng từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn còn thiếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý. Sự phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý TNN và sử dụng nước sạch giữa các bộ phận liên quan chưa thực sự hiệu quả. Các chương trình, đề án về nước sạch từ cấp trung ương chưa được cụ thể hóa kịp thời và chậm tiến độ so với lộ trình đặt ra. Vấn đề sử dụng hiệu quả TNNS chưa gắn với bảo vệ, phát triển TNN và bảo vệ môi trường trong các quy hoạch và chiến lược phát triển của thành phố vì chưa được quan tâm xứng đáng.

Thứ năm, công tác tuyên truyền phổ biến chưa phát huy được tinh thần tự chủ, tự quản cũng như sức mạnh của khối đại đoàn kết của các tổ chức chính trị – xã hội, các DN và quần chúng nhân dân trong việc ứng dụng các phương tiện tiết kiệm nước sạch, tình trạng lãng phí, lạm dụng TNNS, ô nhiễm nguồn nước nguyên liệu chủ yếu xảy ra do ý thức sử dụng TNNS của các hộ gia đình và rác nước sinh hoạt từ các khu vực dân cư.

Giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sạch    

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ TNN. Trên cơ sở Luật Tài nguyên nước năm 2013, Nghị định số 54/2015/ NĐ-CP ngày 08/6/2015 quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành, thành phố Hà Nội cần rà soát, ban hành bổ sung các văn bản làm rõ quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển TNN, bảo đảm quyền lợi và quy định trách nhiệm của các chủ thể sử dụng TNNS. Điều chỉnh các kế hoạch, đề án, dự án bảo đảm tính chiến lược, khoa học phát triển TNN nói chung và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nước sạch nói riêng.

Hai là, tổ chức kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý TNN tại các cấp, các ngành, thắt chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng TNNS. Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án cấp nước sạch bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư và thu hút đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng bộ hệ thống cung cấp nước giữa khu đô thị cũ và mới, hạn chế rò rỉ, thất thoát, nâng cao năng lực tự cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng TNNS trong thành phố. Thực hiện các đề án, dự án bảo vệ TNN và các vùng nước nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên họp giải trình về cung cấp nước sạch cho nhân dân diễn ra vào ngày 06/9/20196.

Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải sử dụng tiết kiệm TNNS. Xây dựng các sản phẩm truyền thông; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến tiết kiệm nước quy mô cấp thành phố; thường xuyên cập nhật các văn bản chính sách mới, xây dựng các mô hình, tấm gương về quản lý hiệu quả và sử dụng tiết kiệm TNNS. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, tạo diễn đàn mạng để thảo luận và trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng hiệu quả TNNS.

Bốn là, nâng cao chất lượng giám sát, tự quản của cộng đồng dân cư đối với công tác quản lý và sử dụng TNNS của các chủ thể, thiết lập các đường dây nóng để người dân biết kịp thời phản ánh các hiện tượng gây ô nhiễm, thất thoát và lãng phí TNNS tới các cơ quan các cấp có thẩm quyền và có giải pháp ứng phó kịp thời.

Năm là, tăng cường hợp tác, đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý và sử dụng hiệu quả TNNS, phát triển các dự án nước mới, tái sử dụng nước trong quá trình sản xuất và tiêu dùng nước sạch.

Chú thích:
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Báo cáo Tổng thể hiện trạng môi trường thành phố Hà Nội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015. Hà Nội, 2015, tr. 199.
2, 3. Lịch sử phát triển ngành nước Hà Nội, giai đoạn 2008 đến nay. http://hawacom.vn, truy cập ngày 20/10/2019.
4, 5. Tác giả, tổng hợp, xử lý số liệu từ: Báo cáo Tổng thể hiện trạng môi trường thành phố Hà Nội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015; Báo cáo thực hiện Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 01/6/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về nâng cao chất lượng hệ thống cấp nước sạch ở khu vực đô thị và các vùng nông thôn thành phố Hà Nội.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo: đến cuối năm 2020, tổng công suất cấp nước thành phố sẽ tăng 2.350.000/ngày đêm, bảo đảm cấp nước sạch cho 100% dân đô thị và 94% nông thôn.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020. Hà Nội, 2006.
2.Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Luật Tài nguyên nước năm 2013.
TS. Đinh Thị Như Trang
 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội